Hình ảnh ấn tượng của sao Thổ qua kính viễn vọng James Webb
Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), bức ảnh mới nhất về sao Thổ được kính viễn vọng James Webb chụp bằng camera hồng ngoại hồi cuối tuần trước. Giới khoa học hy vọng sẽ phát hiện ra các cấu trúc vành đai mới, cũng như bất kỳ hành tinh mới nào có thể đang ẩn nấp trong bức ảnh mà James Webb đã chụp.
Theo đó, giới khoa học đánh giá rất cao bức ảnh về sao Thổ này, vốn được chụp trong chiến dịch quan sát JWST kéo dài 20 giờ. Trong bức ảnh, sao Thổ có màu tối, nhưng những vòng tròn quanh hành tinh khí khổng lồ này, vốn được gọi là vành đai sao Thổ, sáng rực rỡ.
Cụ thể, ở bước sóng này, sao Thổ tối hơn so với những hình ảnh thường thấy do ánh sáng mặt trời bị methane trong khí quyển hấp thụ. Tuy nhiên, vành đai của hành tinh này vẫn sáng. Được biết, vành đai sao Thổ chủ yếu bao gồm băng, một tỉ lệ nhỏ bụi đá trong không gian do các mảnh vỡ của tiểu hành tinh và các vi thiên thạch va nhau.
Ngoài ra, bức hình cũng nghi lại được Enceladus, Dione và Tethys - 3/145 mặt trăng quay quanh sao Thổ đã được biết đến. Trong đó, Enceladus được các nhà sinh vật học vũ trụ đặc biệt quan tâm, vì vệ tinh này được cho là sở hữu một đại dương nước lỏng bên dưới lớp vỏ băng giá.
Giới khoa học hy vọng sẽ phát hiện ra các cấu trúc vành đai mới, cũng như bất kỳ hành tinh mới nào có thể đang ẩn nấp trong bức ảnh mà James Webb đã chụp.
NASA cùng Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã đưa kính viễn vọng James Webb vào không gian cuối năm 2021 để thay thế kính viễn vọng Hubble. Các chuyên gia nhấn mạnh, họ mong chờ cơ hội được nhìn thấy các ngôi sao và thiên hà đầu tiên của vũ trụ, hình thành cách đây 13,7 tỷ năm, thông qua thiết bị trị giá 10 tỷ USD này. Hiện James Webb đang ở cách trái đất khoảng 1,6 triệu km.