Câu chuyện về cử chỉ tay "kim cương Merkel" nổi tiếng thế giới
Trong suốt quá trình chèo lái nước Đức, cử chỉ tay khum hình kim cương luôn được coi là biểu tượng gắn liền với Thủ tướng Angela Merkel. Thậm chí, nó còn được sử dụng để minh hoạ cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ ba của bà. Trở thành biểu tượng là một thứ gì đó lớn lao, nhưng câu chuyện về sự ra đời của "kim cương Merkel" lại rất tình cờ và có liên quan đến chuyên môn của “nữ tướng” này.
Cuối tháng 9/2018, một nguồn giấu tên tiết lộ với truyền thông quốc tế rằng, bà Angela Merkel có thể sẽ về hưu sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp giữ cương vị thủ tướng Đức. Khi thông tin này được tung ra, nhiều người cho rằng đó là viễn cảnh của “thì tương lai”. Tuy nhiên, đúng một tháng sau, ngày 29/10/2018, bà Merkel chính thức tuyên bố sẽ không tái tranh cử vào tháng 9/2021.
Ở thời điểm đó, giới quan sát chính trị thế giới đã rục rịch đánh giá, liệt kê những thành tựu nổi bật của “kỷ nguyên Merkel” như vực dậy và phát triển mạnh nền kinh tế nước này hay sẵn sàng đương đầu với khủng hoảng di cư và rộng tay đón người nhập cư vào “lục địa già”. Còn bây giờ, khi nước Đức sắp nói lời tạm biệt với Thủ tướng Merkel, các học giả và nhiều người dân đều cho rằng, nhắc tới “bà đầm thép nước Đức” thì không thể không đề cập đến biểu tượng “kim cương Merkel”.
Từ cử chỉ “trong bất giác”
“Kim cương Merkel” hay Merkel Raute là một cử chỉ tay mang đầy bản sắc của Thủ tướng Đức Angela Merkel, miêu tả động tác hai bàn tay khum trước bụng, các đầu ngón tay chạm vào nhau tạo thành hình như kim cương.
Theo đài DW, biểu tượng này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2002 trong một buổi chụp hình của bà Merkel với tạp chí Sterm, khi bà mới lên lãnh đạo đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU).
Nhiếp ảnh gia của buổi chụp hình Claudia Kempf chia sẻ với tờ Rheinische Post như sau: “Tôi nhớ là khi ấy bà Merkel đã không biết phải làm gì với đôi bàn tay của mình. Tôi nói rằng nếu thả hai tay hai bên thì có vẻ không lịch sự, còn nếu bà nắm tay lại với nhau thì trông giống những bà xơ. Và bà Merkel đã làm cử chỉ tay Merkel Raute một cách vô thức”.
Từ đó về sau, người ta thường thấy bà Merkel xuất hiện công khai với đôi bàn tay khum hình kim cương. Lý giải về biểu tượng này, bà Merkel từng chia sẻ: "Trong đầu tôi luôn xuất hiện câu hỏi về việc phải đặt tay như thế nào khi xuất hiện trước đám đông và trong các sự kiện. Và tôi đã nghĩ ra cử chỉ tay như vậy. Nó có hình kim cương và có một sự đối xứng, cân bằng nhất định”.
Đến dấu ấn cá nhân
Nhận định về biểu tượng của Thủ tướng Angela Merkel, giáo sư Jochen Hoerisch về truyền thông tại Đại học Mannheim cho rằng, có thể ban đầu bà Merkel bất giác làm động tác như vậy. Nhưng với một người nhạy bén và là tiến sĩ hoá học lượng tử, bà Merkel đã tối ưu hoá và biến cử chỉ ấy thành dấu ấn cá nhân với một ý nghĩa xứng tầm.
Năm 2013 là thời điểm bà Merkel đang vận động cho nhiệm kỳ thứ ba. Quốc hội Đức lúc đó ra yêu cầu đổi mới cuộc bầu cử liên bang, và đảng mà bà Merkel lãnh đạo đã quyết định triển khai một chiến dịch đặc biệt. Trên tấm bảng quảng cáo rộng 70 mét, cao 20 mét dựng lên gần nhà ga trung tâm Berlin, hình ảnh khổng lồ của đôi tay kim cương Merkel xuất hiện. Tấm biển được tạo thành từ hơn 2.000 hình ảnh chụp bàn tay của bà cùng với khẩu hiệu "Tương lai tươi đẹp của nước Đức trong tầm tay".
Các đảng phái đối thủ khi ấy đều chỉ trích chiến dịch này của bà Merkel vì cho rằng nó sáo rỗng. Thế nhưng, người phụ nữ có biệt danh trìu mến "mẹ của nước Đức" đã tiếp tục chiến thắng với cách biệt lớn.
Theo The Guardian, kim cương Merkel được coi là cử chỉ tay nổi tiếng thế giới. Merkel Raute có trang wikipedia riêng và thậm chí cả biểu tượng cảm xúc riêng. Không những vậy, bức tượng sáp của nhà lãnh đạo Đức tại bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds ở London (Anh) cũng mô phỏng bà trong động tác này.
Dù cuộc bầu cử quốc hội Đức đã tìm ra chính đảng thắng cử, bà Merkel sẽ tiếp tục giữ cương vị thủ tướng cho tới khi các đảng phái kết thúc đàm phán liên minh và thành lập chính phủ mới.
Bà Merkel từng có những chia sẻ về việc nghỉ hưu, trước hết bà sẽ nghỉ ngơi, đọc sách và không nhận bất kỳ lời mời nào. Bà sẽ dành thời gian để nghĩ về những điều thực sự khiến bà quan tâm, bởi trong suốt 16 năm cầm quyền bà có ít thời gian và không gian để làm điều đó.