Bệnh nhân được ghép tim lợn đầu tiên trên thế giới qua đời

Thứ Năm, 10/03/2022, 09:21

Hai tháng sau khi được cấy ghép tim lợn biến đổi gen, bệnh nhân 57 tuổi ở Mỹ đã qua đời. Nhưng theo các chuyên gia, ý chí sống kiên định và lòng dũng cảm của người này đã truyền năng lượng tích cực tới hàng triệu người mắc bệnh tim trên thế giới. 

Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ) mới đây cho biết, ông David Bennett, bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép tim lợn biến đổi gen, đã qua đời hôm 8/3 sau khi tình trạng sức khỏe xấu đi. "Ông đã được chăm sóc giảm nhẹ và ở bên gia đình trong những giờ cuối cùng cuộc đời", thông báo có đoạn. 

Trước khi cấy ghép, ông Bennett chia sẻ: “Hoặc là chết hoặc là thực hiện ca cấy ghép này. Tôi muốn sống. Dù là phỏng đoán nhưng đó là lựa chọn cuối cùng của tôi”.

Bệnh nhân được ghép tim lợn đầu tiên trên thế giới qua đời -0
Ông David Bennett sau khi được cấy ghép tim lợn biến đổi gen. Ảnh: NBC News.

Bác sĩ Bartley P. Griffith, người thực hiện ca phẫu thuật này tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland, đã gửi lời chia buồn tới gia đình bệnh nhân Bennett, đồng thời khẳng định hàng triệu người trên thế giới đã được truyền năng lượng tích cực nhờ lòng dũng cảm và ý chí sống kiên định của ông Bennett. 

Người phát ngôn của bệnh viện Deborah Kotz thông báo, hiện chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng về cái chết của ông Bennett, bởi trái tim được ghép của ông Bennett hoạt động tốt trong vài tuần sau khi phẫu thuật mà không có bất kỳ dấu hiệu đào thải nào.

Bệnh nhân được ghép tim lợn đầu tiên trên thế giới qua đời -0
Ca ghép tim lợn biến đổi gen đầu tiên trên thế giới được thực hiện hôm 7/1. Ảnh: Reuters.

Ông Bennett mắc bệnh tim giai đoạn cuối và đã được cấy ghép tim lợn vào ngày 7/1. Bệnh nhân này không đủ điều kiện để cấy ghép tim thông thường hoặc dùng máy bơm tim nhân tạo. Do đó, cấy ghép tim lợn biến đổi gen là lựa chọn khả dụng duy nhất vào thời điểm ấy.

Được biết, trái tim ghép cho ông Bennett là của một con lợn đã được chỉnh sửa gen tới 10 lần. Quá trình chỉnh sửa được kiểm soát rất nghiêm ngặt và do Revivicor, một công ty con của tập đoàn công nghệ sinh học United Therapeutics, thực hiện. 

Các nhà khoa học đã loại bỏ 3 gen có thể gây phản ứng đào thải tạng ghép ở người, đồng thời bất hoạt một gen tăng trưởng nhằm ngăn tim lợn tiếp tục phát triển sau khi cấy ghép. Các chuyên gia cũng đưa 6 gien người vào bộ gen của lợn (hiến tặng) và chỉnh sửa để chúng có khả năng chống chịu tốt hơn với hệ miễn dịch của con người. 

Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng một loại thuốc mới do Kiniksa Pharmaceuticals sản xuất và các loại thuốc chống thải tạng ghép thông thường để ức chế hệ miễn dịch và ngăn chặn sự đào thải.

Như Uyên
.
.
.