Tình mẫu tử đã làm nên kỳ tích
- Cảm phục tình mẫu tử của người mẹ ung thư giai đoạn cuối
- Tình mẫu tử khác loài
- Tình mẫu tử lay động cô gái lưu lạc hơn 40 năm trở về
Bé Bình An giờ đây đã tròn 9 tháng tuổi. Nhìn con khoẻ mạnh, chị Liên bảo đó là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời mình.
Vì con sẽ chiến đấu với bệnh tật tới cùng
Trò chuyện với chúng tôi, chị Liên nhiều lần rơi nước mắt, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Chị bảo, dù có là người lạc quan nhất cũng không bao giờ dám tưởng tượng ra một kết thúc có hậu như thế này. Lúc quyết định từ chối điều trị ung thư để giữ lại đứa con trong bụng chị Liên xác định "giữ con hy sinh mẹ". Vậy mà giờ đây đã gần 1 năm trôi qua, hai mẹ con chị đều khoẻ mạnh, dường như tình yêu thương đã làm nên kỳ tích.
"Hồi mang thai con, tinh thần tôi bị ảnh hưởng nhiều lắm. Nhiều đêm phải thức trắng, ngủ trong tư thế ngồi. Hết đưa người về phía trước rồi lại ngả lưng về phía sau… Lúc đó tôi đã xác định mình sẽ không thể sống được lâu nữa. Có lúc tôi dặn chồng nếu em có mệnh hệ gì anh cố gắng ở lại chăm sóc cho các con khôn lớn nên người" - chị Liên nhớ lại.
Chị Liên luôn sống lạc quan mặc dù trong mình đang mang căn bệnh hiểm nghèo. |
Khác với vẻ gầy gò, da bọc xương nặng chỉ chưa đầy 30 kg hồi mang thai, giờ đây chị Liên đã tăng lên 20kg, da dẻ hồng hào. Thấy con khoẻ mạnh, phát triển bình thường khiến tinh thần chị Liên phấn chấn và lạc quan hơn hẳn. Hiện tại đều đặn mỗi tuần, chị Liên phải trở lại Bệnh viện K để truyền hóa chất và tái khám. Chị kể: "Bé Bình An ăn sữa ngoài rất tốt. Bé cũng dần quen với việc ở bên những người thân khác để mẹ đi chữa bệnh dài ngày. Thế nhưng, mỗi khi mẹ trở về, Bình An lại không chịu theo ai nữa, cứ bám riết lấy mẹ".
Từ lúc lọt lòng, Bình An đã được người chị gái của mẹ chăm sóc. Do sức khoẻ yếu nên chị Liên cũng không dám thường xuyên ngủ cạnh con. Cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ thực sự rất khó khăn. Bởi lẽ anh Đỗ Văn Hùng (chồng chị Liên) vẫn chưa thể tập trung đi làm mà thường xuyên phải "hộ tống" vợ trong mỗi đợt điều trị hoá chất. Tiền nuôi 2 con và tiền chữa bệnh cho vợ nhiều khi đẩy gia đình anh rơi vào kiệt quệ. Nhưng trên gương mặt người đàn ông này người ta không thấy sự mệt mỏi, chán chường mà ngược lại nó toát lên niềm hạnh phúc.
Anh Hùng chia sẻ: "Tôi nghĩ đơn giản lắm, còn người là còn của. Cách đây gần 1 năm tôi đã nghĩ chắc mình mất luôn cả vợ lẫn con rồi. Vậy mà giờ đây tôi vẫn đang được sống cạnh cả 2, với tôi đó là niềm hạnh phúc nhất. Tôi chỉ mong sao vợ nhanh khoẻ để tôi có thể tập trung đi làm lấy tiền nuôi gia đình".
Dự kiến thời gian tới, anh Hùng sẽ vào trong miền nam làm việc còn chị Liên cũng sẽ tiếp tục điều trị bệnh theo phác đồ của bác sĩ. Chị Liên xác định bệnh tật sẽ còn đeo đuổi mình đến hết cuộc đời nhưng không vì thế mà chị bi quan. Bởi với chị thời điểm khó khăn nhất, sinh tử nhất chị cũng đã trải qua rồi. Chị bảo giờ nhiệm vụ của mình là phải sống thật lạc quan, tích cực, đó là cách duy nhất chị đánh bại bệnh tật.
Quyết định đúng đắn của người mẹ kiên cường
Năm 2015 chị Nguyễn Thị Liên kết hôn với anh Đỗ Văn Hùng, SN 1988 cùng trú tại thôn Quang Lạn, xã Quang Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Khoảng 1 năm sau ngày cưới, hai vợ chồng trẻ vui mừng đón đứa con gái chào đời. Cuối năm 2018, vợ chồng chị Liên lại tiếp tục có tin vui khi chị mang bầu đứa con thứ 2. Niềm vui ấy còn nhân lên gấp bội bởi khi siêu âm bác sĩ thông báo đó là con trai.
Tuy nhiên mang thai lần này không hiểu vì lý do gì mà chị Liên thường xuyên tức ngực, ho nhiều, nổi hạch ở gần vai. Lo lắng nên anh Hùng quyết định đưa vợ đến bệnh viện để khám. Kết quả như sét đánh ngang tai khi các bác sĩ thông báo chị Liên đã bị ung thư vú di căn và đang ở vào giai đoạn cuối. Lúc này, các bác sĩ đã khuyên chị Liên nên từ bỏ cái thai để tập trung chữa bệnh.
Bản thân anh Hùng cũng khuyên vợ rằng "chỉ cần em chữa khỏi bệnh thì sau đó chúng mình muốn sinh bao nhiêu con cũng được". Nhưng hơn ai hết chị Liên ý thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh mà mình đang mắc phải. Chị Liên hiểu rằng khi bệnh đã ở thời kỳ cuối thì khả năng chữa khỏi là điều gần như không thể. Thế nên chị quyết định sẽ giữ lại cái thai với mong muốn con có cơ hội được đến với cuộc đời. Lựa chọn này sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của chị Liên trong quá trình điều trị.
Sau 2 đợt truyền hóa chất, chị Liên bị tràn dịch màng phổi phải thở bằng oxy và chăm sóc đặc biệt. Tế bào ung thư di căn xương và phổi gây đau đớn và khó thở đã khiến chị không nằm được suốt hơn 2 tháng ở bệnh viện. Mỗi ngày chị Liên chỉ chợp mắt được trung bình khoảng 2 tiếng. Thậm chí đến cả việc ngủ thì chị cũng phải thực hiện ở tư thế ngồi. Tất cả các loại thuốc mà chị Liên sử dụng đều được các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện K và Bệnh viện phụ sản cân nhắc cẩn thận để không làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thai nhi.
Phút giây hạnh phúc của bé Bình An bên bố mẹ. |
Những ngày trung tuần tháng 5, sức khỏe của chị Liên đi xuống rất nhanh. Chị gần như kiệt sức vì không thể tự thở, những cơn đau ngày một dày hơn và nặng hơn. Hai tuần trước khi diễn ra ca mổ chị Liên ăn gì nôn đấy, chiếc chậu nhựa lúc nào cũng phải để kè kè bên cạnh để phòng chị nôn. Vì không ăn uống được gì nên cơ thể chị Liên ngày một suy kiệt. Đang từ người có cân nặng 60kg chị bị giảm hẳn 20kg, người chỉ còn da bọc xương.
Ngày 22/5, lãnh đạo của Bệnh viện K đã quyết định mời Phó Giáo sư Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang mổ đẻ cho chị Liên. Lúc này cái thai trong bụng chị Liên mới vừa tròn 31 tuần.
Khi thực hiện ca mổ, vì khó thở nên các bác sĩ đã buộc phải phẫu thuật cho chị Liên ở tư thế ngồi. Đồng thời kíp mổ cũng không thể gây mê vì lo rằng sức khỏe yếu chị Liên sẽ không bao giờ tỉnh lại được thế nên các bác sĩ chỉ dám gây tê tủy sống. Trong lúc phẫu thuật, chị Liên vẫn rất tỉnh táo và lo lắng không biết con mình sinh ra có khỏe mạnh hay không?
Khi nghe đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời không chỉ chị Liên mà cả ê kíp bác sĩ trong ca mổ đã vỡ òa vì hạnh phúc. Trước khi lên bàn mổ, chị Liên đã nói với các bác sĩ rằng "em muốn đặt tên con là Bình An. Em muốn đời con sẽ được bình an, như vậy em mới yên lòng ra đi". Nghe tâm sự của người mẹ trẻ đầy nghị lực, các bác sĩ đã lặng người đi vì xúc động.
Bác sĩ Danh Cường chia sẻ: "Đây là ca mổ đặc biệt, phải mổ ngồi. Bình thường mổ đẻ là phải nằm để mổ nhưng với trường hợp này phải mổ ngồi vì sản phụ không thở được. Tôi hành nghề nhiều năm, mổ lấy thai nhiều ca nhưng đây là lần đầu tiên tôi mổ ngồi cho sản phụ. Ca phẫu thuật đòi hỏi phải diễn ra rất nhanh vì huyết động của bệnh nhân không ổn định. Phải mổ nhanh để các bác sĩ chuyên ngành khác hồi sức tích cực. Rất may ca mổ không có biến chứng, cũng nhờ sự phối hợp, hiệp đồng nhịp nhàng giữa các bệnh viện".
Giờ đây bé Bình An đã biết lần tường để tập đi, biết ê a, biết thể hiện tình cảm mỗi khi được gần mẹ. Dù không thường xuyên được ở bên chăm sóc con nhưng chỉ cần có cơ hội là bé Bình An bám mẹ không rời. Nó như một sợi dây vô hình gắn kết hai mẹ con. Chị Liên cười bảo: "Kỳ tích mình cũng đã lập rồi. Giờ việc còn lại là tập trung chữa bệnh để sớm được trở về chăm sóc các con".