Rác từ đỉnh Everest biến thành tác phẩm nghệ thuật
Rác thải thu thập từ khu vực núi Everest. Ảnh Reuters. |
Rất nhiều các chai oxy đã qua sử dụng, lều rách, dây thừng, thang hỏng, lon và giấy gói nhựa bị người leo núi bỏ lại tại khu vực đỉnh núi cao nhất thế giới.
Tommy Gustafsson, giám đốc dự án tái chế và đồng sáng lập Sagarmatha Next Center, trung tâm thông tin du khách và cơ sở thu gom rác thải khu vực đỉnh Everest, cho biết các nghệ sĩ địa phương và từ nhiều nơi trên thế giới sẽ tham gia sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật từ vật liệu phế thải và đào tạo cho người dân địa phương biến rác thành “kho báu”.
Ông Gustafsson bày tỏ hy vọng “thay đổi nhận thức của mọi người về rác và xử lý rác”.
Trung tâm của ông Gustafsson nằm ở độ cao 3.780 m, tại Syangboche, trên đường mòn chính dẫn đến điểm cắm trại Everest, cách Lukla, cửa ngõ dẫn đến đỉnh núi cao nhất thế giới, hai ngày đi bộ.
Gustafsson cho biết khu vực này sẽ “khai trương nhẹ” cho người dân địa phương vào mùa xuân vì số lượng du khách có thể bị hạn chế trong năm nay do đại dịch COVID-19.
Các sản phẩm và tác phẩm nghệ thuật sẽ được trưng bày để nâng cao nhận thức về môi trường, hoặc bán làm quà lưu niệm và số tiền thu được sẽ được dùng để bảo tồn khu vực.
Rác thải được thu gom từ trên núi hoặc từ các hộ gia đình và các quán dọc theo đường mòn sẽ được xử lý và phân loại bởi một nhóm hoạt động môi trường địa phương, Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmatha, tuy vậy, việc thực hiện nhiệm vụ này ở một vùng hẻo lánh không có đường là một thách thức rất lớn.
Rác thải trước đây được đổ hoặc đốt trong các hố lộ thiên, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước cũng như ô nhiễm đất.
Vào năm 2019, hơn 60.000 người đi bộ, leo núi và hướng dẫn viên đã đến thăm khu vực này. Everest lần đầu tiên được chinh phục bởi Edmund Hillary và Sherpa Tenzing Norgay, người New Zealand vào năm 1953. Gần 4.000 người đã thực hiện 6.553 lần chinh phục đỉnh Everest từ sườn núi phía Nepal. Ngoài ra, đỉnh Everest cũng có thể được tiếp cận từ phía sườn núi Tây Tạng, Trung Quốc.