Người đàn bà nhặt rác và hành trình tìm con nơi xứ người

Chủ Nhật, 07/02/2016, 10:30
Người con trai cả bỗng dưng mất tích, rồi đến cô con gái út cũng biến mất bí ẩn. Không cam chịu mất con, bà làm tất cả mọi thứ, nhặt rác, ăn những thứ người ta bỏ đi để sống, để có sức tìm con. Sau những tháng ngày lang thang đằng đẵng, bà Kim Thị Thành (xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) đã tìm được con gái ở nơi xứ người. Cuộc đời và hành trình của người đàn bà vượt cả nghìn cây số tìm con như một thước phim đầy nước mắt.


Số phận đắng cay

Mấy ngày nay, trời Hà Nội chìm trong giá rét, vậy mà người phụ nữ ấy vẫn lặng lẽ len lỏi trong đêm đông, đôi tay lạnh cóng nhặt những thứ người ta bỏ đi để duy trì sự sống. Mỗi lần bà khóc, mọi người ở đây lại nhìn bà với ánh mặt lạ kỳ, dửng dưng. Nhưng, ít ai biết được bà khóc vì nhớ con, khóc vì thương cho kiếp đời mình bạc bẽo, đắng cay.

Bà Thành xúc động kể lại cuộc đời mình.

Mười lăm tuổi, bà Thành lấy chồng và sinh một mạch 4 người con (3 trai, một gái). Bố mẹ hai bên chẳng để lại gì cho vợ chồng bà ngoài cái nghèo, cái đói.  Đôi vợ chồng trẻ gồng lưng cày thuê cuốc mướn cũng chỉ lo cho 4 đứa con bữa no bữa đói. Tai họa bắt đầu ập đến khi bà mới ngoài hai mươi. Hôm đó đi làm vê, bà không thấy người con trai đầu lòng đâu nữa.

Tìm khắp nơi nhưng vẫn vô vọng, đứa con đáng thương mất tích từ đó. Chưa dừng lại, tai họa tiếp tục đè lên đôi vai người phụ nữ ấy. Năm 1980 khi đang mang thai đứa con gái út, người chồng cũng vĩnh viễn bỏ bà và các con đi  sau vụ tai nạn giao thông. Một mình bà chẳng thể kháng cự được với những kẻ gian ác, mấy sào ruộng chồng để lại cũng bị người ta cướp mất.

Bà lăn lộn, lang thang làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Từ Vĩnh Phúc lộn xuống Hà Nội, rồi ngược lên Bắc Giang, Lạng Sơn, nghe đâu có việc là đến. Lúc thì nhặt rác, khi lại rửa bát thuê cho quán ăn, thậm chí cả bốc vác ở bãi sông Hồng. Thế rồi mọi thứ cũng dần qua khi các con khôn lớn. Bà Thành kể: "Hai thằng nhà tôi cũng lớn rồi lấy vợ cả. Cũng chỉ vì nghèo quá mà chúng nó đều phải ở rể. Chúng nó cũng chẳng hơn gì, nghèo lắm, lấy đâu ra mà nuôi tôi. Mình còn sức thì còn đi làm, không thể ngồi đó làm gánh nặng cho các con".

Những tưởng cuộc đời cứ thế lặng lẽ trôi sau những mất mát khủng khiếp nhất. Năm 1999 một lần nữa bà Thành lại phải hứng chịu thêm một nỗi đau. Người con gái út, Nguyễn Thị Hiền bị người ta lừa đi mất. Bà kể: "Hôm đó là ngày 5/10/1999, tôi từ Hà Nội về có mang theo ít tiền để mua gạo thì không thấy con Hiền đâu.

Hỏi hàng xóm cũng chẳng ai biết, họ bảo nó đi mấy ngày nay chưa thấy về. Hỏi người con dâu thì nó bảo, con cũng không biết em ở đâu". Bà Thành như phát điên khi biết chắc con mình bị lừa bán qua biên giới. Bà báo Công an, phát lên đài truyền thanh nhưng đều vô vọng.

Dù chẳng biết con ở đâu, nhưng trong đầu bà luôn ấp ủ phải tìm cho kỳ được con gái út. Người đàn bà ấy bắt đầu cuộc hành trình đi tìm con, hành trang chẳng có gì ngoài sự quyết tâm và tình yêu thương. Tay cầm tấm ảnh của con gái, lang thang khắp nơi, hết bến sông, bãi rác, khu chợ… bạ đâu ngủ đó. Để chống lại cái rét, bà Thành nhặt bao tải người ta bỏ đi, tấm chăn rách ven đường mà quấn vào người.

Bà kể: "Mỗi khi trời lạnh là tôi gần như chẳng ngủ được. Quấn nhằng, quấn đụp vào mà vẫn cứ lạnh. Hôm nào nhặt được nhiều rác bán thì được bữa no, còn không thì đi xin người ta bát cơm thừa canh cặn". Cứ lang thang như vậy 2 tháng ròng rã, bà cũng đến được Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Bà Thành vừa nhặt rác vừa hỏi dò về tung tích của con gái. Hỏi ai người ta cũng lắc đầu, rồi bảo: "Tầm tuổi đó chắc chắn bị lừa sang biên giới làm gái bán dâm rồi. Có khi bị bán qua Lạng Sơn hoặc Móng Cái (Quảng Ninh) vì thuận đường". Nghe đến đây, bà Thành vừa sợ vừa mừng. Bà sợ vì con gái có thể thành gái bán dâm, mừng vì đã xác định được phương hướng tìm con. Không đắn đo suy nghĩ, bà quyết định vượt biên sang Trung Quốc tìm con.

Gian nan nơi xứ người

Được mọi người mách, trấn Ái Hẩu (thuộc Bằng Tường, Trung Quốc) là nơi nổi tiếng về lừa đảo người và chứa chấp gái mại dâm. Bà Thành quyết định vượt đường rừng đến tận nơi đó tìm con gái. Đến đây, nơi đất khách quê người bà Thành cũng chỉ biết nhặt rác, duy trì sự sống. Trong lúc hoang mang, vô vọng, bà may mắn gặp được một người đàn ông người Việt gốc Hoa. Ông này đã động lòng trắc ẩn, nhận lời tìm giúp con gái khi nghe bà kể về cuộc đời khốn khó của mình.

Hành trình tìm con của bà Thành như một thước phim đầy nước mắt.

"Cũng sợ bị người ta lừa lắm nhưng còn biết bấu víu vào ai. May mắn chú ấy là người tốt, lại thông thạo khắp cả khu vực này" - Bà Thành kể lại. Với tấm hình của con gái, cộng với quan hệ rộng của người đàn ông tốt bụng kia, hy vọng tìm thấy Hiền trở nên rõ ràng hơn. Ông này trong vai khách làng chơi đã lùng sục khắp các quán bar, nhà hàng, khách sạn khu vực Ái Hẩu để tìm con cho bà Thành.

Hết một năm, hai năm cũng không có tin tức gì của Hiền. Tưởng chừng như bất lực thì trong một lần "đi chơi", người đàn ông kia đã tìm thấy Hiền đang làm gái bán dâm tại một nhà hàng. "Khi đã xác định được vị trí, thói quen hoạt động, chú ấy mới đưa tôi đến nhà hàng đó để nhận mặt con gái. Lúc đó khoảng 10 giờ đêm, chủ nhà hàng cho gái bán dâm đi ăn đêm. Chú ấy chỉ vào một cô gái mặc váy ngắn, hở hang và hỏi đó có phải con gái tôi không? Ban đầu tôi không thể nhận ra được, vì nó đâu có ăn mặc thế bao giờ, nó khác quá. Mãi sau nhìn động tác nó ăn mới nhận ra đó là con Hiền" - Bà Thành kể.

Bà cố bám trụ nơi đất khách mong tìm cậu con trai cả tật nguyền.

Quá mừng vì gặp được con gái, bà Thành lân la đến gần rồi nắm lấy tay con. Bà bật khóc, gọi tên con gái… hai mẹ con nhận ra nhau, ôm nhau khóc nức nở. Ngay lúc đó, một tên xăm trổ, mặt đầy sẹo lao đến đẩy bà Thành ra rồi nhanh chóng đưa Hiền trở về nhà hàng. Vậy là kế hoạch nhờ Công an Trung Quốc giải cứu con gái bất thành vì sự nóng vội. Chủ nhà hàng dường như đã biết ổ nhóm mình bị bại lộ, ngay hôm sau chúng chuyển gái bán dâm đến một địa điểm khác tại Ninh Minh (một huyện thuộc thành phố khu Sùng Tả).

Hiền được bọn này làm giả giấy tờ tùy thân để hợp thức hóa. Vài ngày sau khi nhận được thông tin của bà Thành, Công an Trung Quốc ập đến kiểm tra nhưng bất lực vì chủ nhà hàng chứng minh Hiền chỉ là khách trọ. Một lần nữa Hiền và một số gái bán dâm khác được bọn này di chuyển vị trí.

Bọn chúng chuyển cả chục cô gái đến Nam Ninh (thủ phủ khu tự trị của dân tộc Choang, cách biên giới Việt - Trung khoảng 180km). Không buông xuôi, bà Thành và người đàn ông tốt bụng đã dò hỏi và biết được thông tin này, hai người bắt tàu đến Nam Ninh trước nhằm đón đầu. Kế hoạch đã được vạch sẵn, khi chị Hiền xuất hiện, bà Thành sẽ tới giải cứu con cùng với sự hỗ trợ của người đàn ông kia và một số thanh niên khác. Thế nhưng, kế hoạch một lần nữa bất thành bởi nhóm côn đồ bảo kê quá đông.

Sau nhiều lần giải cứu không thành, bà Thành cùng người đàn ông tốt bụng quyết định nhờ đến Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh. Nhờ sự vào cuộc của Tổng lãnh sự quán và Công an Trung Quốc, ổ mại dâm đã bị tiêu diệt hoàn toàn, con gái bà Thành cũng được giải cứu cùng với rất nhiều phụ nữ khác.

Vậy là chẵn 8 năm, người con gái tội nghiệp nhẹ dạ ấy bị lừa, cũng là chẵn 8 năm cho cuộc hành trình đầy gian nan của người mẹ đi tìm con. Tìm được con đấy nhưng bà Thành cũng chỉ được gặp con có một lần. Bà Thành khóc: "Lần đó Lãnh sự quán Việt Nam lo cho tôi về đến Đồng Đăng, Lạng Sơn. Còn Hiền thì được người đàn ông tốt bụng kia xin cưới cho một người em họ. Con Hiền giờ cũng có con rồi, vợ chồng nó không giàu có nhưng cũng sống hạnh phúc. Năm 2008 nó có viết thư và hẹn gặp tôi ở cửa khẩu. Từ đó gần chục năm rồi cũng có được gặp nó đâu. Thôi cũng yên tâm vì biết con sống hạnh phúc".

Bà Thành lại trở về với cuộc sống thực, lại lang thang khắp các khu chợ ở Hà Nội nhặt rác kiếm sống. Bà bảo, mỗi ngày kiếm cũng được ngót 100 nghìn. Tiền nhà mất 10 nghìn, ăn 20 nghìn, nếu ông giời thương không bắt ốm đau thì mỗi ngày cũng bỏ ra được vài chục nghìn. Chúng tôi hiểu tại sao bà không trở về quê hương, dù sao cũng còn mảnh đất cắm dùi. Bà cố bám ở nơi đất khách này những mong tìm được cậu con trai cả tật nguyền mất tích năm nào. Trong cơn gió bấc cắt da thịt, tiếng khóc gọi con của bà Thành cứ nhỏ dần: "Mày ở đâu hả con? Về với mẹ đi…"

Phong Anh
.
.
.