Xuất hiện trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả đầu tiên tại TP HCM

Thứ Năm, 10/04/2008, 10:43
Sáng 6/4, 2 mẹ con bà Mơi ăn hủ tíu xào, mắm Thái tại 1 quán bán rong trong chợ Bình Triệu - Thủ Đức. Sáng hôm sau, bà Mơi bắt đầu có triệu chứng tiêu chảy liên tục. Kết quả soi phân Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả (Vibrio Cholerae Ogawa).

Chiều 9/4, Sở Y tế (SYT) TP Hồ Chí Minh đã chính thức thông báo về trường hợp tiêu chảy cấp có kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, tiếp sau hàng trăm trường hợp vừa được phát hiện tại các bệnh viện phía Bắc trong đợt tái dịch này. Đó là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Mơi (71 tuổi) ngụ tại Sơn Giang, Phước Long, Bình Phước, hiện trọ tại số 7/10, đường số 10, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức.

Để đảm bảo không lây lan tới cộng đồng, chiều 9/4, bệnh nhân vẫn đang được theo dõi tại Khoa Cách ly của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - TP Hồ Chí Minh.

Nghi ngờ nguồn lây từ bên ngoài thành phố

Bệnh nhân Mơi nhập viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh vào hồi 20h40' ngày 7/4. Ghi nhận từ người nhà cho biết, 23h ngày 6/4, bệnh nhân có triệu chứng đau quặn bụng, tiêu chảy toàn nước, lượng nhiều, không rõ màu, không sốt, có ói 3 lần. Người nhà đưa bệnh nhân nhập viện Đại học Y dược.

Tại đây, bệnh nhân được truyền NaCL 0,9% 8 lít/12g nhưng bệnh không thuyên chuyển nên tiếp tục được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Ghi nhận trước đó vào ngày 29/3, bệnh nhân có về Bình Phước, trở lại TP Hồ Chí Minh ngày 30/3.

Ngày 1/4, cô con gái ở chung nhà bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy nhẹ nhưng tự hết, không phải dùng thuốc. Ngày 5 và 6/4, khi đi chợ Bình Triệu - Thủ Đức, 2 mẹ con có ăn sáng (hủ tíu xào, mắm Thái) tại 1 quán bán rong trong chợ.

Sáng 7/4, bà Mơi bắt đầu có triệu chứng tiêu chảy liên tục. Kết quả soi phân tại Bệnh viện Đại học Y dược và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vào ngày 8/4, không phát hiện thấy phẩy khuẩn tả như nghi ngờ của các bác sỹ nhưng kết quả cấy phân (10h ngày 9/4) từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả (Vibrio Cholerae Ogawa).

Để xác định được có phải nguy cơ người lành mang bệnh hay không từ trường hợp bệnh nhân này thì SYT cũng đã cho lấy mẫu phân cấy phân với  2 trường hợp cùng trọ với bệnh nhân và cô con gái.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm từ bệnh nhân, theo chỉ đạo của lãnh đạo SYT thành phố, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố cùng với TTYTDP Thủ Đức và địa phương đã tiến hành điều tra dịch tễ và thực hiện các biện pháp chống dịch, khử khuẩn tại nơi bệnh nhân trọ và có qua lại.

Giám sát và lấy phân thực hiện xét nghiệm ở tất cả những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân trong vài ngày qua xung quanh khu vực nhà trọ số 7/10, đường số 10, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, cũng như với 2 trường hợp mắc bệnh vào năm ngoái (từ tỉnh Nam Định di chuyển vào Hóc Môn).

TTYTDP Thủ Đức đã phát thuốc viên và thuốc bột Choloramin B miễn phí cho toàn bộ hộ dân xung quanh khu vực. Bên cạnh đó, thực hiện điều tra giám sát và khử khuẩn tại khu vực chợ Bình Triệu. Cho tới chiều 9-4 vẫn chưa phát hiện thêm trường hợp nghi ngờ nào tại đây.

Miễn phí 100% với những trường hợp dương tính phẩy khuẩn tả

Chiều 9/4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho hay tình trạng bệnh nhân Mơi sức khỏe ổn định, không sốt, tiêu sệt bình thường. Cũng sau trường hợp đầu tiên này, thành phố sẽ áp dụng chế độ báo cáo theo từng ngày từ các cơ sở y tế trên địa bàn 24/24 quận, huyện theo chế độ khẩn cấp.

SYT theo đó cũng có mỗi ngày báo cáo lên Thành ủy - UBND TP xung quanh dịch này. Trong đó việc thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cảnh giác và phòng ngừa. Đây là cách phòng chống dịch hiệu quả nhất. Tiếp tục theo dõi và giám sát tình hình diễn tiến của bệnh nhân cũng như thân nhân và những người sống quanh khu vực.

Thành phố cũng sẽ thành lập Đoàn kiểm tra phòng chống dịch tiêu chảy cấp và thực hiện kiểm tra toàn thành phố từ ngày 11/4 đến 29/4 với sự tham gia của SYT, TTYTDP thành phố, Viện Y tế công cộng…

Qua đó sẽ phân tích nguy cơ của từng địa bàn và biện pháp phòng chống, các biện pháp khử khuẩn nguồn nước, giám sát VSATTP, thức ăn đường phố. Đặc biệt đối với những khu vực nguy cơ cao như: Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức, quận 12, quận 8, quận 6, Cần Giờ… có nguồn nước yếu, người dân còn phải sử dụng nước giếng.

Thành phố đã chuẩn bị cả thuốc viên Cloramin B (2 triệu viên) và lượng thuốc bột cung ứng cho các địa phương. Để đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng trốn viện của bệnh nhân, SYT cũng đề nghị UBND thành phố, tất cả những trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả đều được điều trị miễn phí 100%.

Thu viện phí bình thường với trường hợp nghi ngờ mắc tả (điều trị tại bệnh viện quận, huyện). Với những trường hợp phải chuyển về những bệnh viện trong tuyến phòng chống dịch (Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) thì được miễn phí (dù vẫn trong diện nghi ngờ mắc tả)

Nga Huyền
.
.
.