Khoảnh khắc cận kề cái chết của 3 thủy thủ gặp nạn đắm tàu

Thứ Ba, 24/10/2017, 09:32
Lúc 8h sáng 23-10, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 Việt Nam (gọi tắt là Trung tâm), ông Bùi Hoàng Tiệp cho biết: 3 thuyền viên trên xà lan chở vật liệu xây dựng từ Hải Phòng đi đảo Bạch Long Vĩ bị mất liên lạc trên vùng biển Bạch Long Vĩ vào 8h30 ngày 21-10 đã được tìm thấy.


Lúc 00h05 ngày 23-10, Đồn Biên phòng Cát Bà nhận được thông báo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng và Trung tâm về việc 3 thuyền viên xà lan tự hành QN 8359 bị chìm tại khu vực biển Hải Phòng, đã được tàu khai thác thủy sản TH 90666 TS của ngư dân Thanh Hóa cứu sống và đưa vào đảo Cát Bà.

Nhận được tin báo, đơn vị lập tức điều 2 xuồng và 6 cán bộ, chiến sỹ, do Thiếu tá Nguyễn Bá Ngọc – Phó Đồn trưởng nghiệp vụ phụ trách, tổ chức liên lạc và hướng dẫn thuyền trưởng tàu TH 90666 TS điều khiển phương tiện vào đảo Cát Bà. Đến 4h45 ngày 23-10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tiếp cận được tàu cá trên tại khu vực cách đảo Cát Bà khoảng 5 hải lý về hướng Tây Nam và hướng dẫn phương tiện cập cảng cá Cát Bà lúc 5h45 cùng ngày. Các thuyền viên đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng đưa lên chăm sóc y tế, hiện sức khỏe đã ổn định.

Được biết, xà lan QN 8359 do ông Nguyễn Hữu Sơn (57 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) làm thuyền trưởng. Trên tàu ngoài ông Sơn, có ông Nguyễn Văn Quang (58 tuổi) và con trai Nguyễn Minh Cường 28 tuổi (cùng ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Khoảng 12h30 ngày 20-10, tàu QN 8359 xuất phát từ Hải Phòng đi Bạch Long Vĩ, chở 600 tấn vật liệu xây dựng.

Đến khoảng 8h ngày 21-10, tàu đến khu vực biển cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 12 hải lý về hướng Đông Bắc thì gặp sóng to, gió lớn, tàu bị sập hầm hàng, nước tràn vào khoang nguy cơ chìm tàu. Các thuyền viên đã hạ bè cứu nạn, mặc áo phao rời khỏi tàu, sau đó gặp được tàu TH 90666-TS cứu sống.

Bộ đội Biên phòng Cát Bà đưa các thuyền viên vào bờ chăm sóc y tế. (Ảnh Biên phòng Cát Bà cung cấp)

Ông Phạm Văn Chuông, thuyền trưởng tàu cá TH 90666-TS cho biết: “Khoảng 14h ngày 21-10, tàu của tôi đang đánh bắt cá ở vùng biển cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 40 hải lý thì phát hiện một chiếc bè cứu sinh có 3 người đang trôi dạt.

Ngay lập tức, tôi hô hào mọi người tìm cách cứu họ đưa lên tàu. Lúc đó sóng biển cao trên 3m, chúng tôi đã hết sức thận trọng mới tiếp cận và đưa được những người này lên tàu an toàn. Cả 3 người đã mệt lả và nhiễm lạnh. Chúng tôi cho họ thay quần áo và chăm sóc sức khỏe. Sau đó mới biết họ bị đắm tàu và trôi trên biển từ 8h30 sáng cùng ngày ở khu vực cách đó gần 20 hải lý.

Vì khu vực này không có sóng điện thoại nên chúng tôi phải dừng việc đánh bắt cá, chạy vào hướng đất liền, sau đó đã liên lạc thông báo cho các lực lượng cứu hộ và Bộ đội Biên phòng Cát Bà, được Bộ đội Biên phòng Cát Bà cho tàu ra đón, hướng dẫn vào bờ…”.

Trong tâm trạng tương đối ổn định về sức khỏe và tâm lý, ông Nguyễn Hữu Sơn, thuyền trưởng xà lan gặp nạn kể lại: “Xà lan QN 8359 có công suất 500 mã lực, trọng tải 680 tấn. Khoảng 12h30 ngày 20-10, tôi chở 600 tấn vật liệu xây dựng từ thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đi Bạch Long Vĩ.

Đến khoảng 8h ngày 21-10, khi cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 12 hải lý về hướng Đông Bắc thì gặp sóng to, gió lớn, tàu bị sập hầm hàng, nước tràn vào khoang nguy cơ chìm tàu. Chúng tôi đã gọi cấp cứu vào bờ, đồng thời hạ bè cứu sinh, mặc áo phao rời khỏi tàu. Lúc này sóng rất lớn, xà lan của tôi chìm ngay sau đó. Chúng tôi rất hoảng loạn, vì giữa biển khơi như thế này thì ít có cơ hội sống sót nhưng vẫn động viên nhau và cố gắng dùng dây buộc chặt cả 3 người vào bè cứu sinh, vì lỡ có chết thì mọi người còn tìm được xác...

Chúng tôi thì có tuổi rồi, chỉ thương cháu Cường còn quá trẻ, có mệnh hệ gì thì đau xót lắm. Cứ thế chúng tôi mặc cho sóng biển cuốn đi, sau nhiều giờ đồng hồ, tất cả đã mệt lả vì đói, rét và khát. Có lúc, tưởng cái chết đã cận kề… 

May sao chúng tôi lại trôi đến khu vực có tàu đánh cá, được tàu ông Chuông phát hiện cứu vớt lên tàu cho ăn uống, chăm sóc. Chúng tôi thấy mình thật may mắn. Giờ lại đang được Bộ đội Biên phòng Đồn Cát Bà chăm sóc sức khỏe để nhanh về với gia đình. Chúng tôi và gia đình rất biết ơn những người đã cứu mạng mình”.

Ngay sau khi các thuyền viên gặp nạn được đưa về chăm sóc tại Đồn Biên phòng Cát Bà, UBND huyện Cát Hải đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ mỗi người 3 triệu đồng, Đồn Biên phòng Cát Bà cũng đã hỗ trợ 1 triệu đồng/người và chăm sóc y tế miễn phí cho các nạn nhân.

Văn Thịnh
.
.
.