Khám phá hố nhân tạo sâu nhất trên mặt đất
Trong khi rãnh Marianna (nằm trên phần đáy của khu vực tây bắc Thái Bình Dương, về phía đông quần đảo Mariana) - còn gọi là vực Mariana hay vũng Mariana, là rãnh đại dương sâu nhất đã biết, và điểm sâu nhất của nó là nơi sâu nhất trong lớp vỏ Trái Đất - có độ sâu tối đa 10,971 km thì cái hố sâu nhất do con người đã tạo ra trên đất liền nằm tại bán đảo Kola của Nga, sâu đến hơn 12 km.
Khi đưa mũi khoan xuống lòng đất, các kỹ sư Nga đã chia thành 3 mũi khoan tới các độ sâu khác nhau. Mũi sâu nhất, có tên SG-3, đạt độ sâu 12,26 km vào năm 1989. Kế hoạch của họ là tiếp tục khoan đến độ sâu 13,5 km vào cuối năm 1990, và đạt mục tiêu 15 km vào cuối năm 1993.
Hình minh họa sự so sánh độ sâu của hố Kola với nhiều địa điểm nổi tiếng như rãnh Mariana, đỉnh núi Everest hay tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa. |
Tuy nhiên, đến năm 1992 các nhà khoa học đã không thể tiếp tục. Nguyên nhân là nhiệt độ ở độ sâu 12 km đã đạt 180 độ C. Nếu tiếp tục đào đến mục tiêu 15 km, nhiệt độ ở đó có thể lên tới gần 300 độ C, chắc chắn sẽ phá hủy mọi thiết bị khoan.
Mặc dù không thể đạt đến độ sâu dự tính, các nhà khoa học vẫn khám phá được nhiều điều thú vị về lớp vỏ Trái Đất. Họ tìm ra rằng ở độ sâu 12 km dưới lòng đất vẫn có nước, điều trước đây được cho là không thể. Các loại khí như heli, hydro, nitro và cả CO2 cũng được phát hiện trong quá trình khoan.
Họ cũng phát hiện ra 24 loài sinh vật đơn bào mới, khai quật những loại đá có từ 2,7 tỷ năm trước. Việc phát hiện ra những loài sinh vật ở độ sâu 7 km dưới lòng đất mở ra giả thiết sinh vật sống có thể chịu được sức ép cũng như nhiệt độ nóng để thích nghi trong lòng đất.
Tuy đã dừng khoan từ năm 1992, dự án Kola vẫn được duy trì tới tận năm 2005. Đến năm 2008, các cơ sở được tháo dỡ, chỉ để lại những tòa nhà đổ nát.
Lỗ sâu nhất trên Trái Đất hiện đã được hàn kín bằng một lắp kim loại có đường kính 23cm. |
Phía trên lỗ khoan Kola ngày nay là một cái nắp kim loại có đường kính 23cm đã hoen rỉ và được hàn kín. Nếu có thể rơi xuống hố này, người ta sẽ mất 3-4 phút mới chạm đáy. Những người dân địa phương cho biết hố sâu tới nỗi nó được đặt tên là "giếng địa ngục".
Dù không thể đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu, hố sâu Kola đã cho thấy con người có thể đạt những giới hạn nào trong hành trình nghiên cứu khoa học.
Mặc dù hiện hố Kola vẫn là hố sâu nhất trên đất liền, nhưng độ sâu này đã bị vượt qua trên biển. Năm 2008, Qatar đào hố sâu 12,289 km xuống vùng dầu mỏ Al Shaheen. Năm 2011, dự án Sakhalin-I đã đào hố sâu 12,376 km xuống vùng biển ngoài đảo Sakhalin của Nga.