Độc đáo ngôi làng nhà gái không nhận tiền mừng cưới

Thứ Bảy, 18/02/2017, 05:44
Cứ mỗi lần đến mùa cưới ở thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải (huyện Ninh Giang, Hải Dương) lại xảy ra bao chuyện bi hài. Đơn giản vì nơi đây gia đình con gái đi lấy chồng, có ai mừng phong bì gia chủ cũng không dám nhận.

Nếu có nhận thì sẽ mang tiếng, được coi là ham tiền, phá tục lệ hàng trăm năm của làng. Bất luận thế nào người dân vẫn coi đó là nét đẹp, là truyền thống không thể từ bỏ của quê hương. Thậm chí có ý kiến cho rằng, như thế sẽ giảm tiện, văn minh trong việc cưới hỏi.

Tục lệ có từ hàng trăm năm

Theo lệ thường, đã đi đám cưới là phải có chút ít để mừng hạnh phúc, mừng gia đình có con lớn dựng vợ gả chồng. Thế nhưng ở thôn nghèo Bồng Lai, gia đình nào có con gái gả chồng đều không được nhận phong bì mừng. Quả thực ở xã hội hiện đại, tục lệ này đang được coi là chuyện hiếm có.

Tục lệ ở Bồng lại được ghi hẳn vào hương ước của làng, nếu vì lý do khác nhau nhỡ gia đình nào trót nhận sẽ gặp không ít điều tiếng, lời qua tiếng lại. Theo các vị cao niên trong làng thì tục lệ này đã có từ lâu.
Tục lệ nhà gái không lấy tiền mừng cưới là một nét lạ của ngôi làng có truyền thống văn hóa lâu đời.

Khi gia đình có con gái lấy chồng phải làm cỗ mời cả làng đến liên hoan mà không được lấy tiền mừng. Đơn giản vì con gái đi lấy chồng là “cho con, mất họ”, con trai lấy vợ là “thêm người, thêm của”.

Ông Lê Đình Chầm tâm sự: “Người ta thường nói: tam nam bất phú, tứ nữ bất bần… thực ra ý nghĩa của câu nói này là, gia đình nào đông con gái sẽ giàu có vì thứ nhất không phải lo nhà, lo cửa cho con trai lấy vợ. Thứ hai là có quyền thách cưới, sẽ có những sính lễ.

Nhiều nơi thách cưới lớn lắm, thậm chí nhà trai phải mang gạch đến xây một đoạn đường trong thôn, hay đóng góp tiền của để xây dựng công trình của làng. Chính vì lý do này mà con gái đi lấy chồng rồi sẽ không nhận được tiền mừng.

Nhà trai sang xin cưới bao giờ nhà gái cũng thách cưới bằng lễ mặn gồm: Thịt lợn, gà, xôi, rượu… Nhà gái sẽ lấy những thứ đó để khao cả làng. Đúng là như vậy, nhà có con gái gả chồng ai mà không mừng, không vui. Mặc dù ngay nay điều đó không còn quá chính xác nhưng nó vẫn là một tục lễ rất đẹp, cần phải phát huy, coi nó như một nét văn hóa của người Việt ta”.

Tuy nhiên, theo thời gian thì những sính lễ ngày nay được các gia đình thay đổi cho gọn nhẹ, lễ mặn sẽ được chuyển sang lễ đen (lễ tiền). “Lễ đen” thì tùy theo gia đình nhà gái, có thể thách 1 triệu, 2 triệu đồng, thậm chí là hơn, tùy theo điều kiện gia cảnh của họ nhà trai và sự cảm thông của nhà gái.

“Bao nhiêu đời nay rồi, có ai dám phá lệ làng đâu. Bốn lần tổ chức cho 4 đứa con gái, tôi cũng chỉ làm từ 16 – 20 mâm cỗ. Cỗ bàn đầy đủ, như nhà trai, không thiếu món gì, các nghi lễ cũng tươm tất như vậy. Chúng tôi cũng không nhận phong bì của ai cả, nếu không may mà nhận thì kiểu gì cũng sẽ có chuyện. Người ta lại đồn khắp trong thôn ngoài xóm” - ông Chầm tâm sự.

Chính vì tục lệ này mà gia đình họ nhà gái có thể tổ chức cưới cho con gói gọn trong họ hàng, bạn bè thân thiết mà không vấp phải sự trách móc của mọi người. Bà Lê Thị Sự (51 tuổi, đội 1, thôn Bồng Lai) kể: “Gia đình tôi sinh con một bề, có hai đứa con gái. Vợ chồng cũng quanh năm làm ruộng, điều kiện kinh tế khó khăn lắm. Theo tục lệ của làng gia đình không nhận tiền mừng cưới. Chính vì vậy mà ngày cưới chỉ làm có 20 mâm cỗ, gọi là mời anh em họ tộc, bạn bè cực kỳ thân thiết của cô dâu. Nói gì thì nói tục lệ này như thế lại hay, phù hợp với tiêu chí đám cưới văn minh. Nếu có lấy tiền mừng cưới, song lại tổ chức linh đình cả trăm mâm cỗ thì cũng khổ. Kéo theo bao nhiêu là việc, mệt mỏi lắm”.

Tuy nhiên, cũng vì những lý do khác nhau, có gia đình nhận tiền mừng của khách đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của người làng. Cách đây không lâu, gia đình ông B ở trong làng có con gái đi lấy chồng. Do gia đình hoàn cảnh khó khăn, giá thực phẩm lại cao, tổ chức quá tốn kém nên gia đình quyết định nhận phong bì của khách. Khách chưa ra về thì tin gia đình ông B nhận phong bì đã bị đồn khắp làng, khắp xã.
Các bạn trẻ rất vui vẻ và ủng hộ trước tục lệ lâu đời của làng.

Người hiểu chuyện thì coi đó là chuyện bình thường, nhưng đại đa số đều cho rằng: “Dù khó khăn đến đâu cũng không nên phá lệ làng, nếu không có thì tổ chức thật gói gọn. Còn nếu muốn nhận tiền mừng cưới thì phải có hẳn một cuộc họp dân. Có sự chứng kiến của các vị cao niên, những người có học thức, toàn bộ dân làng. Có như vậy mới xóa bỏ mà không ai dị nghị gì cả”.

Ngay khi rạp được dọn dẹp, ông B đã cử người mang phong bì đến từng nhà để trả lại, kèm theo lời xin lỗi. Sau lần đó hai vợ chồng ông B chịu điều tiếng, họ đóng cửa chặt trong nhà mà không dám đi đâu.

Ông Bùi Đức Hạnh tâm sự: “Nói thực thời buổi ngày nay, ai ai cũng muốn lấy tiền mừng. Đặc biệt là những gia đình khó khăn, họ lấy để còn trang trải các khoản như mua thực phẩm, phông bạt, loa đài… Nhưng rồi cũng chẳng ai dám phạm, lại mang tiếng xấu cả đời, rồi đời con đời cháu cũng xấu hổ. Mọi người đi ăn cỗ cũng hiểu điều này, cũng thông cảm điều này nhưng chẳng ai dám phá bỏ tục lệ đó. Bằng không mọi người nên quy định lại hương ước của làng, tất cả đám cưới đều không nhận tiền mừng, tổ chức cũng không cỗ bàn, chỉ mời nhau đến ăn trầu, uống nước. Có lẽ đó là điều không tưởng, mỗi người một ý, mỗi gia đình một hoàn cảnh mà”.

Tục lệ khiến việc cưới hỏi lành mạnh hơn

Bên cạnh đó rất nhiều ý kiến cho rằng, đây là tục lệ đẹp, phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Bởi họ cho rằng, nếu lấy tiền mừng cưới, gia đình sẽ phải tổ chức linh đình, làm cả trăm mâm cỗ. Như vậy có lấy tiền mừng cưới cũng không thể kéo lại được những chi phí mình bỏ ra. Hơn nữa việc tổ chức, làm cỗ nhiều mâm dẫn đến sự mệt mỏi không cần thiết. Gia đình bà Hà Thị Lanh, xóm 7, có tới 6 người con (2 trai, 4 gái).

Cả 4 người con gái đã gả chồng, trong khi chồng và 1 người con trai bệnh tật liên miên. Chính vì vậy, đám cưới cho các con bà chỉ làm hơn 10 mâm cỗ mời anh em họ hàng, và bạn bè cực thân thiết.
Dù xã hội ngày càng phát triển, nhưng tục lệ cưới hỏi ở Bồng Lai vẫn giữ được nét đẹp truyền thống.

Bà Lanh nói: “Với 4 đứa con gái, mình tôi cáng đáng cả gia đình này, nếu như không có tục lệ chắc tôi phải đi vay lãi mà tổ chức cho các cháu. Không nói ra nhưng người dân ai cũng hiểu, không nhận phong bì thì nên tổ chức gói gọn, giảm chi phí. Mà có làm thật to cũng chẳng ai đến, vì họ ngại!”.

Ông Bùi Đăng Sảng, Trưởng thôn Bồng Lai tự hào nói về lệ làng: “Làng tôi dân đông nhất xã Ninh Hải. Cả làng có 8 thôn, trên 1.500 hộ và hơn 500 nhân khẩu. Năm nào cũng phải có tới 20 đến 30 cái đám cưới, đám cưới nhà gái cũng chiếm một nửa. Tục lệ ăn cỗ cưới không phong bì với nhà có con gái lấy chồng có từ rất lâu đời rồi. Tôi sinh ra đã được nghe cụ tôi kể lại. Cho đến nay cả làng vẫn tuân theo nếp cũ này”.

Theo tham khảo ý kiến của nhiều người dân, tục ăn cưới không lấy phong bì này khiến việc cưới hỏi ở địa phương trở nên lành mạnh hơn. Đặc biệt trong vài năm nay, gia đình đông con trai thì cũng chỉ lấy phong bì khi tổ chức cho con trai cả, còn đám của các con thứ, gia đình cũng xin không lấy tiền mừng.

Bà Lê Thị Linh, cán bộ văn hóa xã Ninh Hải chia sẻ: “Tục lệ này duy nhất chỉ có ở thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải. Theo tôi đây là nét văn hóa nên duy trì, bởi hiện nay việc tổ chức lễ cưới là rất tốn kém, trong khi người dân còn rất nghèo, gần như 100% là làm nông nghiệp, gia đình có đến đâu thì tổ chức đến đó, tránh lãng phí không cần thiết. Đây là vấn đề tế nhị, chính phong tục này đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Thế nhưng, với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì cũng là điều không hề đơn giản một chút nào. Chúng tôi đang vận động tất cả các đám cưới đều không nhận phong bì, tổ chức lành mạnh tại hội trường, khách đến dự chỉ ăn trầu, uống nước. Làm được điều đó thì mới thực sự lành mạnh, văn minh”.
Phong Anh
.
.
.