Câu chuyện kì lạ về một gia đình rủ nhau đi... hiến tạng

Thứ Sáu, 20/05/2016, 14:11
Trong ngôi nhà nhỏ của mình, chị Phạm Thị Tuyết (xã Kiến Thiết, Tiên Lãng, Hải Phòng) và chồng là anh Bùi Văn Thực kể lại cho chúng tôi hành trình vượt qua mọi khó khăn kể cả sự gièm pha của xã hội để hiến tạng nhân đạo. Theo như lời kể, hành động trốn gia đình đi hiến thận của chị Tuyết bắt nguồn chỉ từ một lần chị vào bệnh viện thăm người ốm.


Bí mật đi hiến thận

Trong ngôi nhà nhỏ của mình, chị Phạm Thị Tuyết (xã Kiến Thiết, Tiên Lãng, Hải Phòng) và chồng là anh Bùi Văn Thực kể lại cho chúng tôi hành trình vượt qua mọi khó khăn kể cả sự gièm pha của xã hội để hiến tạng nhân đạo. Theo như lời kể, hành động trốn gia đình đi hiến thận của chị Tuyết bắt nguồn chỉ từ một lần chị vào bệnh viện thăm người ốm.

Nhìn những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo vô cùng mệt mỏi, đau đớn, cả cuộc đời phải gắn liền với các thiết bị lọc máu và bệnh viện. Rồi nhiều người bị bệnh lâu ngày với bộ dạng xác xơ, khuôn mặt héo hắt, những vết kim chọc như nổi cục ở tay chân nhưng cái chết vẫn đang dần đến với họ. Chứng kiến cảnh đó, chị xót xa vô cùng và những hình ảnh đó ám ảnh chị một thời gian dài.

Vợ chồng chị Tuyết, anh Thực

"Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng ước gì mình có thể giúp họ, suy nghĩ đó cứ khiến tôi day dứt mãi. Rồi tôi tình cờ xem một chương trình trên tivi nói về việc hiến tạng và tôi biết mình cần làm gì ngay lúc đó", chị Tuyết chia sẻ.

Sau thời khắc đó, trong đầu chị Tuyết đã nghĩ đến việc hiến một quả thận cho người bệnh để giúp đỡ họ, cứu một mạng sống đang trên đà tuyệt vọng. Mặc dù hoàn cảnh lúc đó của gia đình chị cũng không phải khá giả gì vì chị chỉ đi làm công nhân với thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, chồng đi làm xa, nuôi hai con nhỏ. Nhưng nghĩ là làm, chị Tuyết bắt đầu tìm hiểu thông tin về việc hiến thận nhân đạo và bắt đầu con đường mà người khác nghe thấy lại bảo là chị điên.

Bí mật tìm hiểu, bí mật viết ba bốn lá thư tay bày tỏ tâm nguyện gửi đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nhưng không thấy hồi âm, chị Tuyết lặn lội lên tận Thủ đô để đến Trung tâm đăng kí. Đến nơi, chị được phát một tờ giấy đăng kí thông tin và ở đó chị Tuyết tiếp tục viết một lá đơn bày tỏ nguyện vọng của mình. Sau khi đăng kí thành công, chị Tuyết được tư vấn và làm xét nghiệm hiến tạng tại Bệnh viện Việt Đức. 

Khi cầm tờ kết quả xét nghiệm trên tay với lời hẹn ra về để chờ tìm người ghép phù hợp, chị Tuyết mới thở phào nhẹ nhõm vì con đường của mình chọn đã đi thêm được một bước. Tuy nhiên, chị không nghĩ rằng vẫn còn những khó khăn, chông gai đang chờ đợi mình phía trước.

Quá trình xét nghiệm vô cùng mệt mỏi bởi phải di chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội nhiều lần cùng tác dụng phụ của thuốc khiến cơ thể luôn trong trạng thái khó chịu, chị Tuyết kể: "Tôi bị say xe, mỗi lần lên Hà Nội giống như đánh vật vậy. Lúc đi mua thuốc chống say, dược sĩ có hỏi sao lại mua một lúc nhiều như vậy thì tôi cũng không biết giải thích sao. Vì cứ cách một ngày tôi lại phải lên Hà Nội xét nghiệm một lần. Sau mỗi lần xét nghiệm trở về nhà là tôi lại nằm một chỗ vì quá mệt mỏi".

Cả quá trình mệt mỏi kia, một mình chị chịu đựng, cho đến gần cuối quá trình xét nghiệm, chị mới quyết định kể cho chồng nghe. Khi ấy anh Thực đang đi lao động ở nước ngoài, biết tin vợ định hiến thận, anh kịch liệt phản đối và bỏ cả công việc để trở về. Nhưng khi được chị Tuyết giải thích và cùng vợ đi xét nghiệm những lần cuối, được bác sĩ giải thích về việc hiến tạng cũng như hiểu được tâm nguyện của vợ nên anh cũng bắt đầu ủng hộ vợ. 

Một bức thư được gửi từ Bình Phước.

Còn với bố mẹ hai bên, khi biết tin liền tìm mọi cách phản đối, ngăn cản. "Ông bà bảo hai vợ chồng bị điên rồi nên mới có suy nghĩ ấy rồi tìm mọi cách ngăn cản. Lúc ấy tôi buồn lắm, ngày nào cũng nghĩ ngợi nên sụt mất mấy cân, lại phải đi lên Hà Nội liên tục nên người cũng xác xơ. Sau này, tôi nói với bố mẹ rằng, đây là việc làm để cứu người tích đức, san sẻ sự sống với người gặp nạn, dẫu có bị sao tôi cũng không hối tiếc. Bố mẹ tôi nghe xong cũng lặng người đi nhưng rồi không ngăn cản tôi như trước nữa", chị Tuyết tâm sự.

Ca phẫu thuật hiến thận của chị Tuyết thành công tốt đẹp, sau một thời gian tĩnh dưỡng, sức khoẻ chị hồi phục bình thường. Người nhận thận cũng khoẻ mạnh, không có biến chứng gì xảy ra. Thế nhưng, theo như lời kể, sức khoẻ của chị nhanh hồi phục một phần cũng là vì tinh thần đã thoải mái do không bị sự phản đối như trước nữa.

Sự nhân đạo được lan tỏa

Sau khi thấy vợ làm một việc ý nghĩa như vậy, anh Bùi Văn Thực cũng đăng kí làm các xét nghiệm để hiến thận. Anh nói: "Vợ tôi hiểu được đạo lý ấy, dám chia sẻ một phần sự sống của mình cho người khác. Tôi là chồng chả nhẽ không dám làm...". Theo lời kể, hành trình hiến thận của anh Thực cũng gian nan hơn bao giờ hết bởi khi đó anh đi làm xa, mỗi lần bác sĩ gọi thông báo đến kì xét nghiệm anh lại lóc cóc bắt xe vượt qua quãng đường hàng trăm cây số về Thủ đô. 

Mỗi lần xét nghiệm xong, anh lại về Hải Phòng thăm gia đình, vợ con nhưng cũng có những lần, anh phải bắt xe về chỗ làm luôn mặc dù còn đang mệt mỏi vì thuốc. Vất vả là thế, tốn kém là thế nhưng cũng như chị Tuyết, anh quyết không từ bỏ vì biết chắc một phần cơ thể mình sẽ cứu sống một người đang gặp khó khăn.

Ngoài chồng mình, chị Tuyết còn vận động họ hàng, gia đình đăng kí hiến tạng khi không may chết não bởi mỗi trường hợp như vậy có thể cứu được nhiều người. Hiện tại, chị và chồng đã đăng kí hiến tạng khi chết não và đang làm thủ tục để hiến tặng gan. Chị cho rằng, sau khi hiến mình vẫn khoẻ mạnh thì không tội gì mà mình không cứu thêm một người nữa.

"Như người nhận thận của tôi, chị em cũng nhiều lần gọi điện tâm sự. Cậu ấy bảo rằng khi phát hiện bị suy thận đã tuyệt vọng và có ý định tự tử vì cậu biết căn bệnh của mình sẽ không chữa được, điều trị thì rất tốn kém và kết quả vẫn là cái chết. Giờ đây thấy cậu ấy khoẻ mạnh, tôi vui hơn bao giờ hết" chị Tuyết tâm sự.

Chị Tuyết (thứ 4 từ trái qua) tham gia chương trình “Khi sự sống được sẻ chia”.

Và trên con đường chông gai mà chị chọn đi để cứu được nhiều người, bên cạnh sự đàm tiếu, chê cười vẫn còn có sự sẻ chia. Nhớ lại lần được mời tham gia chương trình phát trực tiếp "Khi sự sống được sẻ chia" của VTV quay tại Hà Nội, sau khi kết thúc ra về, đã có những người đợi chị ở cổng chỉ để bắt tay rồi có người ôm chị khóc nức nở. 

Chị nói: "Họ là những người có chung lí tưởng, muốn sẻ chia sự sống giống tôi nhưng không vượt qua được rào cản của xã hội và gia đình. Trước tôi khi lên truyền hình, có những người nghe chuyện đều xì xào cho rằng tôi đi bán thận lấy tiền chứ không phải đi hiến. Đó là một trong những rào cản và chắc chắn những người đi hiến tạng cũng gặp phải. Và đâu phải ai cũng có thể vượt qua...".

Sau khi có những người như vợ chồng chị Tuyết, anh Thực, số người đi hiến tạng cũng tăng lên nhiều so với trước đó. Cách đó vài hôm, trước khi đến gặp gia đình anh chị, cũng có hai người tại Hải Phòng đã đi hiến tạng liên lạc chỉ để chia sẻ, trao đổi, kết bạn với hai vợ chồng. Họ là những con người bình thường nhưng hiểu được ý nghĩa nhân đạo của việc san sẻ sự sống cho người khác. 

Cho tôi xem những bức thư gửi từ tận miền Nam ra chỉ để chia sẻ và bày tỏ sự cảm phục với vợ hai vợ chồng, chị nói: "Qua sự việc này, tôi cũng có thêm nhiều bạn và rất mừng vì sự sẻ chia đã được lan toả trong mọi người. Anh Hùng, chị Duyến người Hải Phòng cũng mới đi hiến thận về và hiện tại sức khoẻ đang rất tốt. Chúng tôi đang hẹn gặp nhau vào một ngày nào đó để cùng ngồi và chia sẻ với nhau".

Cũng giống như họ, sức khoẻ của hai vợ chồng chị Tuyết đều ổn định, họ vẫn đi làm công ty và canh tác trên 5 sào ruộng của gia đình. Hy vọng những người chứng kiến được cuộc sống và nghĩa cử cao đẹp của họ sẽ tin tưởng, bỏ qua sự mặc cảm, sẵn sàng sẻ chia một phần sự sống của mình để nhiều người trong cơn nguy kịch được cứu giúp.

Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép. Hơn 6.000 người suy thận đang chờ ghép, trên 300.000 người mù chờ ghép giác mạc; số người chờ ghép tim là hơn 1.500. Từ năm 2006 đến nay cả nước có hơn 1.000 người được ghép mô, tạng; trong đó nguồn mô, tạng chủ yếu từ người đang sống, người thân hiến một quả thận, một phần gan; nguồn tạng từ người cho chết não rất ít. Mỗi ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) có 2-3 bệnh nhân chết não có thể hiến tạng nhưng 5 năm qua chỉ có gần 30 trường hợp hiến tạng. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống  hơn 10 người khác.
Lê Phong
.
.
.