Chiếm đoạt gần 2,8 tỷ đồng do lỗi quẹt thẻ của ngân hàng

Thứ Tư, 13/01/2021, 14:47
Ngày 13/1, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.


Ba bị cáo: Nguyễn Nam Thắng (SN 1983, trú tại phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội); Trương Văn Phương (SN 1991, trú tại xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và Nguyễn Xuân Thủy (SN 1988, trú tại xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được xác định đã chiếm đoạt số tiền gần 2,8 tỷ đồng của Ngân hàng V, chi nhánh Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, năm 2018, Thắng nghe thông tin trên mạng đồn Ngân hàng V có lỗi trong hệ thống quẹt thẻ POS nên bàn với Phương đi mua máy POS để thử. Sau khi phát hiện khách hủy giao dịch ngay khi dùng thẻ ATM thanh toán qua máy POS thì tài khoản thẻ được hoàn tiền và tài khoản thanh toán không bị trừ tiền, Thắng nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Từ đó, Thắng dùng chứng minh nhân dân của người khác để mở tài khoản, đăng ký kinh doanh nhằm sử dụng dịch vụ quẹt thẻ POS.

Ba bị cáo tại phiên xử.

Sau khi nhặt được chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Ngọc Xuân, Thắng và Phương rủ Thủy cùng tham gia đường dây phạm tội. Đầu năm 2019, Thắng và đồng phạm mang giấy tờ của người tên Nguyễn Ngọc Xuân để đăng ký kinh doanh máy tính và thiết bị tin học. 

Ngày 21/1/2019, Thủy đến Ngân hàng V, Chi nhánh Hoàn Kiếm (Hà Nội) để đăng ký sử dụng dịch vụ quẹt thẻ POS cho một cơ sở kinh doanh. Sau đó, Thắng và Phương mở liên tiếp 7 tài khoản tại nhiều ngân hàng khác. 

Từ ngày 1 đến 9/2/2019, Thắng đã dùng số thẻ ngân hàng trên quẹt thanh toán nhiều lần qua máy POS của Ngân hàng V và lập tức hủy giao dịch. Bằng thủ đoạn này, Thắng chiếm đoạt được gần 2,8 tỷ đồng. Sau đó, Thắng chuyển gần 2 tỷ đồng vào 7 tài khoản mở tại các ngân hàng khác để Phương và Thủy đi rút tiền mang về cho Thắng.

Tại phiên xét xử, bị cáo Thắng thừa nhận, do phát hiện ngân hàng có lỗ hổng trong hệ thống thanh toán nên bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền. Khi đã chiếm đoạt được khoản tiền lớn, Thắng giữ lại một tỷ đồng để để chi tiêu cá nhân. Thắng chia cho Phương 100 triệu đồng và Thủy 200 triệu đồng. 

Số tiền chiếm đoạt của ngân hàng còn lại, ba bị cáo dùng để chi phí đi lại, làm thẻ, ăn uống và thuê căn hộ trong khu đô thị ở Hà Nội để ở. Trả lời thẩm vấn, bị cáo Phương và bị cáo Thủy khai, bị cáo Thắng là người phát hiện Ngân hàng V có lỗ hổng trong quản lý. Sau khi mua và đăng ký dịch vụ sử dụng máy POS, ba bị cáo thuê một ngôi nhà ở quận Ba Đình (Hà Nội) để đặt máy thanh toán. 

Sau khi các bị cáo hoàn tất thủ tục đăng lý mở một cơ sở đăng doanh tại ngôi nhà thuê này, người của ngân hàng đã trực tiếp mang máy POS đến bàn giao tại căn nhà ba bị cáo thuê. Từ đó, Thắng và đồng phạm thực hiện hàng loạt giao dịch quẹt thẻ để chiếm đoạt tiền.

HĐXX xác định, lợi dụng hệ thống thanh toán thẻ của Ngân hàng V bị lỗi, ba bị cáo Thắng, Phương và Thuỷ đã bàn nhau chiếm đoạt số tiền gần 2,8 tỷ đồng của Ngân hàng V. Trong vụ án này, bị cáo Thắng được xác định giữ vai trò chủ mưu. Hai bị cáo Phương và Thủy là đồng phạm tích cực, giúp sức cho bị cáo Thắng chiếm đoạt tiền của ngân hàng. 

Với phán quyết trên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Thắng 7 năm 6 tháng tù, bị cáo Phương 7 năm tù và bị cáo Thuỷ 7 năm tù cùng về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Nguyễn Hưng

.
.
.