Những kỳ vọng vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X
- Hội Nhà văn phải là nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho nhà văn
- Ra mắt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X
Văn học vẫn thiếu những tác phẩm lớn
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX cho biết, trong 5 năm qua, đời sống văn học đã năng động hơn, thích ứng với yêu cầu của cuộc sống. Tư duy văn học, đề tài, phương pháp sáng tác tiếp tục được đổi mới, đem đến một diện mạo văn học đa dạng phong phú, chấp nhận và khuyến khích nhiều cá tính sáng tạo, nhiều tìm tòi thể nghiệm cái mới.
Vấn đề đạo đức xã hội đã được nhiều tác phẩm lên tiếng cảnh báo từ lâu, nay tiếp tục đi sâu vào nhiều ngõ ngách, cảnh báo về những vực thẳm dưới tác động tinh vi và dữ dằn của thị trường.
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X gồm 11 thành viên. |
Số sách xuất bản của hội trong 5 năm qua tiếp tục tăng. Những loại sách bán chạy là truyện ngắn và tiểu thuyết (có sách vừa ra mắt đã được tái bản). Một số cuốn hồi ký có tiếng vang và chất lượng phát hành lớn. Số sách ăn khách nhất là truyện ngôn tình và thuần túy mang tính giải trí. Sách lý luận phê bình và thơ hầu như chỉ lưu hành trong giới. Ông Hữu Thỉnh cho rằng nguyên nhân chính là do áp lực của văn hóa nghe nhìn và văn học mạng.
Thực tế, nhiều năm qua, văn học Việt Nam thiếu vắng hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, có sức khái quát về hai cuộc chiến tranh vĩ đại và công cuộc đổi mới. Tình trạng trung bình, tản mạn còn khá phổ biến, tính chuyên nghiệp chưa cao. Trong lý luận phê bình văn học còn biểu hiện máy móc khi vận dụng các quan điểm nghệ thuật của nước ngoài vào thực tiễn đời sống văn học trong nước. Văn học vẫn né tránh những vấn đề lớn của xã hội như chống tham nhũng, chạy chức chạy quyền, mê tín dị đoan…
Nhiều năm qua, văn học Việt Nam chưa có nhiều tác phẩm gây dấu ấn. Hiện thực cuộc sống hôm nay rất sinh động nhưng chúng ta đang thiếu những tác phẩm phản ánh hiện thực như “Chí Phèo” của Nam Cao, “số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh… những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh … Đó là một khoảng trống lớn của văn học Việt Nam cần được lấp đầy trong tương lai.
Nhiều kỳ vọng vào một thế hệ mới
Một nhiệm kỳ mới, với một Ban Chấp hành mà phần lớn là các thành viên mới, được hy vọng sẽ mang đến một luồng gió mới cho văn học Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. |
Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, Đại hội Hội Nhà văn lần thứ X là đại hội thực hiện chuyển giao thế hệ lãnh đạo của hội với kỳ vọng vào những nhân tố mới, tạo ra cảm hứng và năng lượng mới góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh nhiệm vụ của Hội Nhà văn trong nhiệm kỳ mới là tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự suy thoái, biến chất về tư tưởng và đạo đức, xây dựng đại đoàn kết dân tộc. Hội Nhà văn cần có tác phẩm hay, thông qua văn học thúc đẩy đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học. Người viết cần cất lên tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực. Đây là lúc nhà văn cất lên tiếng nói quả cảm để chống lại sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối, độc ác. Bằng tác phẩm của mình, các nhà văn sẽ giúp bạn đọc trả lời câu hỏi: Giá trị thực của con người là ở đâu? Thế nào là cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. |
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng kỳ vọng sau mỗi kỳ đại hội, các nhà văn lại viết hay hơn và đại hội sau sẽ ghi dấu thêm những tác phẩm hay hơn đại hội trước. "Còn làm thế nào để có tác phẩm hay, viết thế nào cho hay, cho xứng đáng với nhân dân, xứng đáng với Tổ quốc, tôi tin là các nhà văn sẽ hiểu hơn ai hết", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói.
Chia sẻ cảm xúc sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, ông rất vui nhưng sau đó là một sự thách thức rất lớn. Nói thêm về việc Ban Chấp hành khóa X bổ sung nhiều gương mặt mới với tuổi đời khoảng 50, tân chủ tịch Hội Nhà văn cho đây là sự chuyển giao thế hệ cần thiết, quan trọng và thành công. "Sau tất cả đại hội trước thì đại hội lần này của Hội Nhà văn là sự chuyển giao. Chính cuộc chuyển giao này đã bắt đầu tạo cảm hứng, sự đợi chờ cho các nhà văn, các đồng nghiệp và đặc biệt cho bạn đọc" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, khó khăn của ông trên cương vị chủ tịch là đánh thức tiềm năng, khả năng cảm hứng còn ẩn giấu, thậm chí bị khuất đi hay có vẻ đã bị đánh mất. Cảm hứng cho người đọc và cảm hứng cho người viết là tiền đề để tạo ra những tác phẩm tốt. Nếu đánh mất cảm hứng đó thì người ta sẽ không viết được tác phẩm hay và người đọc mất cảm hứng đó thì không tạo ra một đời sống của văn học nghệ thuật. Nó phải song hành 3 thứ: nhà văn, tác phẩm và bạn đọc.
"Khó khăn lớn nhất của tôi là làm sao lựa chọn được một con đường chung cho tất cả cá tính của mọi người. Trên một cánh đồng ngô mọc, lúa mọc, khoai mọc và cả những thứ khác, có nghĩa là tất cả cá tính nhà văn đều phải hướng về những điều thiện nhất là làm sao để cho tất cả mọi người không phải chịu bất công, bớt đi bất hạnh, bớt đi khổ đau" - tân Chủ tịch Hội Nhà văn bộc bạch.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. |
Nhiều kỳ vọng được đặt ra đối với Ban Chấp hành khóa mới của Hội Nhà văn. Nhà văn Thiên Sơn - tác giả của tiểu thuyết lịch sử “Gió bụi đầy trời” vừa giành giải thưởng của Hội Nhà văn chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng vào Ban chấp hành trẻ hơn nhiệm kỳ cũ, trong đó có những người rất tài năng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Bình Phương. Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập với thế giới, chúng tôi mong Ban Chấp hành mới, một mặt sẽ biết chắt lọc, đưa những giá trị tinh hoa của thế giới vào Việt Nam một cách có hệ thống để các nhà văn có thể tiếp cận được với các trào lưu, xu hướng mới của thế giới…
Mặt khác, văn học Việt Nam là nền văn học của một dân tộc giàu bản sắc, vì thế chúng ta cần quảng bá văn học Việt ra thế giới. Hội nên xây dựng một hệ thống tiêu chí đánh giá tác phẩm mang tính chuẩn mực, có giá trị để tôn vinh các tác phẩm một cách chính xác nhất, tránh trao giải thưởng theo kiểu “miếng bánh giữa làng”.
Còn những nhà văn trẻ hy vọng, với một Ban Chấp hành mới, trẻ hơn và có tầm vóc, sẽ mở cánh cửa cho văn học Việt Nam rộng đường đi ra thế giới. Điều này rất có ý nghĩa trong thời đại hội nhập và mở cửa hôm nay. Sáng tạo là công việc cá nhân và độc lập, tài năng thời nào cũng có. Vai trò của những người dẫn dắt Hội Nhà văn chính là sự khuyến khích, phát triển tài năng, hỗ trợ các nhà văn đưa tác phẩm của họ đến gần hơn với công chúng.
Đề cập tới vấn đề kinh phí để duy trì hoạt động của Hội Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói rằng ông có quan hệ và làm bạn với không ít doanh nghiệp. "Họ sẵn sàng làm những điều cho một nền văn hóa, một nền văn học. Việc xã hội hóa là việc quan trọng. Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục, kêu gọi doanh nhân, những người có khả năng hãy cùng đồng hành với chúng tôi, trợ giúp Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện những công việc mong muốn của chúng tôi" - Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều hy vọng.