Võ sư Philippe Gaudin: Tình yêu võ Việt

Thứ Hai, 19/07/2010, 08:17
Trong đêm ra mắt bộ phim Vua Kung Fu ngày 21/4/2008 tại Cinebox Hòa Bình, khán giả đã được một phen mãn nhãn với đêm quần hùng có thể gọi là lớn nhất từ xưa đến nay của giới võ công Sài thành. Cũng trong đêm này, lão võ sư Hà Châu đã giới thiệu môn đệ chân truyền của mình. Ngạc nhiên, đó là một thanh niên người Pháp với tên gọi Philippe Gaudin.

Hành trình sang xứ võ

Nếu sử dụng công cụ Google để tìm kiếm với cụm từ khóa "võ sư Philippe Gaudin" thì sẽ cho một kết quả cực kì khiêm tốn: 72. Thế nhưng, kết quả ít ỏi đó càng làm cho nhân vật đặc biệt này trở nên bí hiểm đối với những ai yêu võ thuật và đã từng biết tiếng võ sư Hà Châu. Trong bài viết trước võ sư Hà Châu, tâm sự rằng: "Học võ nhưng nhiều em lại tỏ ra ngông nghênh, ngang tàng và thiếu một chữ Nhẫn".

Vậy tại sao vị võ sư nức tiếng giang hồ này lại chịu nhận một anh chàng đến từ nước Pháp xa xôi làm đệ tử chân truyền? Tất nhiên, mọi chuyện đều có nguồn cơn cớ sự của nó và nếu biết về sự ham mê võ thuật của Philippe pe Gaudin từ thuở nhỏ đến nay thì chắc cũng không ngạc nhiên nhiều lắm về quyết định của lão võ sư Hà Châu.

Bắt đầu theo học Karate rồi Judo từ năm lên 5, Philippe đã xác định được võ thuật là một niềm đam mê lớn của cuộc đời. Nhưng chỉ với hai môn võ đó thì có vẻ chưa đủ thỏa mãn với anh chàng thanh niên Philippe  luôn ấp ủ ước mơ được đến với cái nôi võ thuật Trung Hoa để thụ học nhiều điều mà anh đã được biết đến trước đó qua các tài liệu.

Năm đó Philippe 12 tuổi. Nghe lời anh bạn người Hoa ở Pháp, Philippe tìm cách sang Trung Quốc để tầm sư học võ. Tất nhiên, sự đam mê và ước muốn được đến với bên kia bán cầu của cậu bé 12 tuổi không thể nào được cha mẹ đồng ý vì muốn con mình lo học chữ. Với sự không đồng thuận của cha mẹ cũng đồng nghĩa với việc không có tài trợ để thực hiện ước mơ, Philippe đã rất buồn và nghĩ rằng mọi chuyện đã kết thúc.

Thế nhưng, ông nội của Philippe vì quá thương cháu, không muốn nhìn thấy anh mặt mày ủ ê suốt ngày nên đã quyết định giúp đỡ cháu trai lén mua vé máy bay đến được với "thiên đường võ thuật" hằng mơ ước. Đó là một chuyến đi lớn và nó đã giúp chàng trai nhỏ tuổi đó xác quyết được cuộc đời của anh được sinh ra để dành cho võ thuật.

Ảnh: Lữ Đắc Long.

Qua đến Trung Quốc, không có nghĩa là Philippe sẽ được học võ ngay, mà anh phải tìm cách tham gia vào các cuộc thi võ từ cấp thấp đến cấp cao. Chính nhờ những buổi biểu diễn và những chiến thắng đầy thuyết phục trong các lần tham gia thi đấu tại đại hội võ thuật, anh đã được nhận các suất học bổng của các lò võ danh tiếng và miễn phí, thế là cơ hội nâng cao sở học võ thuật của mình đã trở thành hiện thực.

Từ đó cứ mỗi năm, khoảng 3 - 4 lần, Philippe  sang Trung Quốc dự các khóa bồi dưỡng nâng cao. Không có bất cứ một khung thời gian cố định cho mỗi chuyến "viếng thăm" Trung Quốc bởi có lần thì chỉ kéo dài hai tuần, nhưng cũng có khi cả tháng trời miệt mài với các chiêu thức võ công. Thấy anh quá say mê tập luyện, nhất là các màn biểu diễn nội công, thầy dạy võ đã kể cho Philippe nghe về một vị võ sư rất nổi tiếng tại Việt Nam tên Hà Châu. Đó là lần đầu tiên Philippe biết đến Việt Nam và vị võ sư Hà Châu, thế nhưng tại thời điểm đó, câu chuyện về lão võ sư tại Việt Nam vẫn chưa thực sự ám ảnh Philippe.

Việt Nam là một định mệnh gắn kết

Năm 19 tuổi, lần đầu tiên anh theo một nhóm bạn đến Việt Nam du lịch. Mục đích của chuyến đi đó từ ban đầu chỉ là một chuyến đi du lịch, được ngao du ngắm cảnh chứ thật tình Philippe Gaudin không kỳ vọng gì ở cái xứ nhỏ bé như thế này lại có một bậc chân sư.

Vậy mà chính nơi đây lại là nơi quyết định quan trọng trong cuộc sống của Philippe, tạo thành một bước ngoặt để Việt Nam gần như đã là một quê hương thứ hai như bây giờ của Philippe. Sau chuyến đi đó, Philippe phải về Pháp một thời gian, mãi đến năm 2001 anh quay trở lại Việt Nam một lần nữa, nhưng lần này linh tính của một người học võ cho anh biết, sẽ có một kỳ tích trong lần trở lại này.

Đến Việt Nam lần thứ hai và nhớ lại những lời nói trong câu chuyện của vị võ sư tại Trung Quốc năm nào cùng với sự linh tính thiên bẩm của một người học võ, Philippe quyết tìm được bậc chân sư này. Nhưng mọi sự lại không dễ dàng như vậy. Bởi, trong giai đoạn này, lão võ sư - đại lực sĩ Hà Châu đang "gác kiếm giang hồ" nên việc tìm kiếm tung tích thầy Châu là một việc quá khó khăn đối với anh chàng Tây ngơ ngác với mảnh đất mới.

Với sự giúp sức của một người bạn đồng nghiệp tên Phi Hùng, người đã kể thêm về võ sư Hà Châu và nhận thấy ở Philippe là sự khát khao được diện kiến võ sư Hà Châu nên đã quyết định cùng anh đi khắp khu vực Thủ Thiêm để tìm cho ra vị võ sư tên Hà Châu. Sau một thời gian tìm kiếm khắp các con đường ngõ hẻm ở Thủ Thiêm, cuối cùng anh cũng tìm được thầy Châu mà sau này, anh luôn tôn kính gọi là "sư phụ".--PageBreak--

Được diện kiến thầy, nghe và thấy những điều thầy nói về võ học, Philippe bị cuốn hút ngay. Thế là tuần ba buổi, người dân quanh khu vực Thủ Thiêm cứ thấy một ông già tóc bạc phơ và một anh Tây đầu trọc lóc mạn đàm về võ công ở quán cà phê đầu hẻm. Mãi gần một năm sau, Philippe mới dám xin thầy được gia nhập sư môn Hồng Gia - Hà Châu. Cuộc đời của Philippe đã thay đổi từ đây. Một chương mới đã mở ra và Việt Nam đã chính thức giữ chân anh lại cho đến bây giờ.

Philippe sinh năm 1971 nhưng thoạt nhìn không ai biết Philippe đã có hơn 30 năm luyện võ. Võ sư Hà Châu mến tài chàng trai đam mê võ thuật mà nói rằng: "Anh ấy có bằng cấp quốc tế đàng hoàng, nên gọi tôi bằng thầy tôi không dám nhận. Tôi xem anh ấy như một người mê võ và tôi chỉ vẽ vài ba chiêu vậy thôi".

Riêng Philippe  thì không dám nhận điều đó bởi với anh lão võ sư Hà Châu luôn là người anh ngưỡng mộ và luôn được anh nhắc đến với sự tôn kính toàn phần. Chẳng thế mà trong một cuộc thi, khi BTC ngỏ ý may hai áo choàng cho hai người để biểu diễn theo lời yêu cầu của võ sư Hà Châu, anh từ chối thẳng: "Không được, chỉ có thầy mới xứng đáng mặc chiếc áo ấy, Philippe còn phải học hỏi nhiều lắm!".

Nhìn Philippe cao lớn, đẹp trai, lại nói tiếng Việt khá sành, bởi theo Philippe: "Muốn học võ Việt Nam mà không biết tiếng Việt Nam thì làm sao cảm thụ được hết cái tinh hoa của võ thuật". Trong buổi bàn luận chương trình biểu diễn "Cửu Long hội ngộ" do Công ty VinaGame phối hợp với Trung tâm ca nhạc Bến Thành được tổ chức vào ngày 18/9/2006, nhìn Philippe tranh luận với nhạc sĩ Hoài An về võ học một cách say mê và đầy hứng thú.

Từng môn võ, từng cách luyện công rồi cả đạo đức của người học võ, xem ra Philippe khá tường tận. Anh mê võ đến độ xin phép thầy Hà Châu thuê một căn nhà thật to ở đường Trần Não, quận 2 để làm sân tập, trang bị khá đầy đủ dụng cụ luyện tập và dành riêng cho những ai thực sự yêu võ.

Chưa hết, Philippe  Gaudin còn lập cả trang web dành tặng thầy tại địa chỉ http://honggiahachau.free.fr. Trang web này được Philippe xây dựng bằng tiếng Anh và tiếng Pháp để quảng bá võ học của người Việt Nam cho toàn thế giới biết.

Philippe tâm sự: "Mình nghĩ, xây dựng võ đường để giúp các bạn trẻ có cơ hội luyện võ cho khỏe mạnh, đủ tự tin để có thể làm việc tốt cho xã hội và cái chính là để thầy được vui. Năm nay, thầy cũng đã gần 90 tuổi rồi, điều gì giúp cho thầy vui mình đều cố gắng làm hết, chỉ mong thầy sống khỏe và sống lâu. Vừa rồi, mình cùng với thầy sang Pháp một tháng để biểu diễn và dạy võ. Vui lắm! Ban đầu nhiều người cứ tưởng là võ sư Hà Châu giả, nhưng khi thầy biểu diễn họ đã cổ vũ quá trời. Nói thật, tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, từng đấu đài với nhiều cao thủ của các môn phái khác, nhưng tôi chưa thấy ai giỏi thật sự như thầy Hà Châu. Tại chương trình "Cửu Long hội ngộ", mình cùng với sư huynh là anh Hà Lý sẽ biểu diễn nhiều tiết mục. Thật ra, Philippe không thích biểu diễn, nhưng nếu thầy muốn là Philippe đi ngay, vì cứ thấy thầy vui là mình sướng lắm".

Một người Việt Nam đích thực

Đã từng có thời gian Philippe được mời về làm việc ở Công ty Vệ sĩ Long Hải và anh đã gắn bó ở đây 4 năm với chức danh cố vấn nhưng có lẽ việc mà anh yêu thích nhất vẫn là học võ ở thầy Hà Châu.

Khi được hỏi: "Vì sao anh lại theo nghề vệ sĩ?", Philippe cười và nói: "Tôi đã làm việc trong lĩnh vực an ninh từ lúc 18 tuổi đến giờ nên cũng biết chút chút về nghiệp vụ". Vốn thích nghe nhạc Việt Nam, nhất là dân ca do Hương Lan, Phi Nhung, Cẩm Ly hát, cả nhạc của Trịnh Công Sơn và ca sĩ Mỹ Tâm... nên những lúc "nhàn rỗi" anh được mời hộ tống cho vợ chồng nữ ca sĩ Luyn và Công Thành trong những chuyến lưu diễn vòng quanh nước Pháp.

Qua đó, anh biết khá nhiều nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại. Thế là họ giới thiệu với nhau, sẵn máu mê nghệ sĩ nên anh đã nhận lời làm vệ sĩ cho các nghệ sĩ Phi Nhung, Như Quỳnh... trong những chuyến lưu diễn Thụy Sĩ, Đức, Bỉ, Pháp...

Trước bảo vệ họ, sau cũng thỏa lòng nghe nhạc. Có lẽ họ thích phong cách bảo vệ của Philippe là không chủ trương gây sự, chỉ ôn hòa, lịch sự và đúng luật để giải quyết mọi việc, vì vậy mà phù hợp với tính cách của các nghệ sĩ Việt Nam.

Bốn năm làm việc ở Công ty Long Hải đã giúp cho anh rất nhiều kinh nghiệm sống ở Việt Nam. Cũng thời gian này, Philippe đã cưới vợ là người Việt Nam (từng là học trò võ của Philippe) và đã có với nhau 3 cô con gái. Cô con gái lớn 11 tuổi và cô bé này cũng vừa giành được giải nhất về quyền thuật ở Pháp.

Hiện nay, anh đã chuyển "công tác" sang làm cố vấn ở Công ty Vệ sĩ Viễn Đông, công ty quản lý 40 nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp trong công tác bảo vệ yếu nhân và tư vấn về an ninh cho các khách hàng. Hằng ngày, anh luôn tất bật với các hợp đồng, do làm việc hiệu quả và uy tín nên ngày càng có nhiều khách hàng.

Philippe không thích biểu diễn, nhưng nếu thầy muốn là Philippe đi ngay.

Hiện nay, Công ty Viễn Đông đã biên soạn và đưa vào sử dụng bộ tài liệu huấn luyện vệ sĩ theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam và đúng theo những tiêu chuẩn trong công tác bảo vệ. Tất cả các nhân viên vệ sĩ của Viễn Đông đều được công ty tạo điều kiện cho tham gia các lớp huấn luyện và tập luyện võ thuật thường xuyên tại sân tập quận 2.

Duy chỉ có một điều mà Philippe chưa làm được và luôn canh cánh trong lòng đó là chuyện: "Mình đã từng xin phép vào Hội Võ cổ truyền, nhưng mãi đến nay vẫn chưa vào được, buồn lắm nhưng không biết làm sao".

Đến cuối đời, một cao thủ như võ sư Hà Châu với biết bao tuyệt kỹ công phu, lại được một thanh niên Tây lĩnh giáo và xin làm môn đệ chân truyền, xem ra quả là chuyện hy hữu. Và, đó phải chăng là chữ "Duyên" giữa những người chọn võ thuật làm hạnh phúc đời người?

Hiếu Thư
.
.
.