Nước Mỹ đang đối mặt với trận "Trân Châu Cảng tin học"

Thứ Ba, 07/12/2010, 15:54
Cuộc tranh cãi về cái gọi là cuộc chiến tin học giữa những người thuộc phái "diều hâu" và "bồ câu" trong chính quyền Mỹ từ nhiều năm nay vẫn chưa kết thúc, chưa có kẻ thắng người thua. Một vài nhân vật trong giới lãnh đạo quân sự cho rằng nước Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ "một Trân Châu Cảng tin học": một cuộc tấn công bất ngờ do một nhóm tin tặc thực hiện, gây tê liệt toàn bộ các hệ thống của nước Mỹ.

Nổi tiếng nhất trong giới "diều hâu tin học" của Mỹ là Richard Clarke, từng là cố vấn của Tổng thống Clinton trong lĩnh vực chống khủng bố, sau làm cố vấn cho Tổng thống Bush về khủng bố tin học. R. Clarke hiện đã nghỉ hưu, viết sách, truyện.

Trong cuốn sách mới xuất bản tháng 3/2010 với tiêu đề "Chiến tranh tin học" (Cyberwar) ông ta giải thích rằng một cuộc tấn công được chuẩn bị công phu sẽ không chỉ nhằm vào việc phong tỏa mạng Internet. Nhảy từ mạng này sang mạng khác, bọn tin tặc có thể vào được mạng chủ có nhiệm vụ kiểm soát các thiết bị công nghiệp và gây thiệt hại không thể lường được như làm trật đường ray tàu hỏa, nổ nhà máy hóa chất, cháy nhà máy lọc dầu và nhà máy điện, làm cho máy bay đụng nhau trên không, làm rớt vệ tinh… "Tất cả chỉ mất 15 phút, không cần đến một tên khủng bố, cũng không cần đưa một tên lính sang đất Mỹ".

Bị suy yếu và hỗn loạn, nước Mỹ không còn khả năng chống chọi một cuộc tấn công thứ hai của kẻ thù với những vũ khí thông thường. R. Clarke kết luận: không gian tin học đã trở thành "chiến trường thứ năm" sau mặt đất, biển, không gian và vũ trụ. Vì vậy, cách phòng vệ tốt nhất là tấn công.

Nước Mỹ cần thành lập những đơn vị chiến đấu tin học bao gồm các chuyên gia về tin tặc và tuyển chọn những thanh niên để đào tạo thành các "tin tặc quốc gia". Các đơn vị chiến đấu này phải có quyền pháp lý đánh đòn phủ đầu kể cả vào các mục tiêu dân sự của đối phương.

Học thuyết mới này giờ đây đã gần như trở thành công khai: nó đã được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William Lynn sử dụng trong nhiều bài viết. Ông Lynn nhấn mạnh đến sự cần thiết xóa bỏ tư tưởng "pháo đài kiên cố" để đến với "khả năng săn đuổi và tấn công những vị khách không mời dám vượt ranh giới bảo vệ đầu tiên".

Trong bài phát biểu tại Bruxelles ngày 15/9/2010, ông Lynn đã kêu gọi các nước châu Âu tham gia hệ thống an ninh tin học của Mỹ để tạo thành một hệ thống xuyên Đại Tây Dương. Một số quan chức khác của Mỹ còn đề cập đến khả năng quân sự hóa Internet.

Trong một bài báo có tiêu đề "Nước Mỹ đã bị cuốn vào cuộc chiến tin học và đang thua cuộc" đăng tháng 2/2010, Đô đốc Michael McDonnell, cựu Giám đốc NSA (Tình báo quân sự) đã nói rõ: "tổ chức lại hạ tầng cơ sở Internet để dễ dàng phát hiện một cuộc tấn công, định vị nó, phân tích nó và đánh giá tác động của nó". Ông ta cũng đề xuất thay đổi luật về bảo vệ thông tin cá nhân để các công ty tư nhân có thể chia sẻ các thông tin của họ với quân đội.

Những người thuộc nhóm "bồ câu tin học" thì chỉ trích chiến dịch hoang tưởng của nhóm "diều hâu tin học"; điểm mạnh của  nhóm "bồ câu tin học" là đa số thành viên của họ là những chuyên gia tin học nổi tiếng xuất thân từ Silicon Valley, hiểu biết sâu về Internet và các công cụ của an ninh tin học.

Họ lên án các quan chức quốc phòng đã cố tình thổi phồng nguy cơ chiến tranh tin học nhằm tranh thủ tiền của Quốc hội và biện minh cho những dự án của họ tấn công vào các mục tiêu dân sự, được bắt đầu từ 2003 với mối đe dọa hoang tưởng của các loại vũ khí hủy diệt của Iraq.

Các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh tin học như Bruce Schneier, người sáng lập Công ty BT Groupe và Mark Rotenberg, Chủ tịch EPIC (tổ chức bảo vệ quyền tự do sử dụng Internet) kịch liệt đả phá kịch bản thảm khốc do Clarke tưởng tượng ra.

Họ đã nêu ra một câu hỏi: liệu một người đang ngồi trong một quán cà phê tại TQ có thể điều khiển làm trật đường ray tàu hỏa tại Mỹ được không ? Theo họ thì việc phá hoại mạng chủ không liên quan đến Internet, càng không thể dính đến hoạt động tội phạm bên trong hoặc các điệp viên đang hoạt động tại thực địa. Để chống lại mối đe dọa loại này không cần đến các đơn vị chiến đấu tin học.

Trái với những khẳng định của một số quan chức quân sự, họ cho rằng các máy tính của Lầu Năm Góc được bảo vệ cả ngày lẫn đêm trước các cuộc tấn công của bọn siêu tin tặc. Trong thực tế tất cả các máy tính quân sự có chứa đựng các thông tin bí mật đều không kết nối với Internet.

Họ cũng nhắc lại rằng, từ 15 năm nay Lầu Năm Góc đã ba lần tìm cách chuyển Internet thành một mạng tập trung và do Quân đội kiểm soát, nhưng các cố gắng trên đều thất bại do bị Quốc hội và Tòa án phản bác. Họ cũng tố cáo các chiến dịch tuyên truyền của các hãng an ninh tin học đã đánh lừa dư luận và các nghị sĩ về nguy cơ chiến tranh tin học nhằm mục đích bán được nhiều hơn các hệ thống an ninh tin học. Sau khi rời khỏi quân đội, Đô đốc McDonnell làm việc cho Công ty Tư vấn Booz Allen Hamillton, công ty từng gặt hái hàng trăm triệu USD trong năm 2009 nhờ bán các thiết bị máy tính cho Chính phủ.

Tuy nhiên nước Mỹ đã bắt đầu triển khai một tổ chức riêng nhằm đối phó với một cuộc chiến tin học có thể xảy ra: USCybercom (Bộ chỉ huy chiến tranh tin học) đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng tham mưu trưởng, đóng tại Fort Meade (bang Maryland) trong trụ sở của NSA. USCybercom có nhiệm vụ thống nhất các tổ chức an ninh tin học khác nhau vốn được thành lập và chỉ đạo riêng rẽ và tăng cường khả năng can thiệp của Mỹ trong lĩnh vực này. USCybercom sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2010 và do tướng Keith Alexander, Giám đốc hiện nay của NSA, lãnh đạo.

Giới lãnh đạo quân sự Mỹ cho rằng đội quân thứ tư đã ra đời chuyên về chiến tranh tin học (sau Lục quân, Hải quân và Không quân); việc tuyển chọn lính cho đội quân này cũng khác so với tuyển chọn lính cho Lục quân, Không quân hay Hải quân: ít cơ bắp, nhiều hệ số IQ.

Từ vài năm nay, nước Mỹ đã tiến hành một số chiến dịch nhằm phá hủy các trang mạng Hồi giáo với những kỹ thuật như của các tin tặc. Theo các kết quả điều tra của báo giới Mỹ mùa hè năm nay thì CIA và Tình báo Arập Xê-út đã phối hợp thành lập năm 2008 một trang mạng Djihad giả để nhử những chiến binh Hồi giáo thật. Các nhân viên tình báo Mỹ và Arập Xê-út đã xác định được vài chiến binh, thu được các cuộc nói chuyện điện thoại và các thông tin về các kế hoạch của họ.

Nhưng Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ, đơn vị cũng theo dõi mạng này, lại phát hiện rằng mạng này cũng được sử dụng để tuyển chọn các chiến binh Hồi giáo để gửi sang Iraq chiến đấu chống quân Mỹ. Các cuộc tranh luận đã diễn ra gay gắt giữa các quan chức dân sự và quân sự liên quan đến khung pháp lý về vụ việc trên.

Cuối cùng Quân đội Mỹ đã quyết định mở một cuộc tấn công phá hủy mạng trên. Tuy nhiên, hậu quả của hành động này đã vượt tầm kiểm soát và có tới trên 300 máy chủ Internet ở Arập Xê-út, Đức và Texas - Mỹ bị hỏng vì tất cả được liên kết nhau. Sự cố này đã gây phản ứng mạnh và buộc Washington phải lên tiếng xin lỗi

Nguyễn Đình (theo Le Monde)
.
.
.