Người lính của tận cùng yêu thương và nỗi khổ

Thứ Bảy, 10/07/2010, 10:56
Đói nghèo, thương tật hành hạ, ám ảnh da cam… 35 năm sau chiến tranh, nước mắt người lính vẫn chảy. 35 năm sau chiến tranh, vẫn còn nhiều số phận người lính trở về từ chiến trận khiến ta không thôi day dứt.

Gia tài bé và kí ức về người cha thanh liêm

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Nghiêm Việt Thắng theo chỉ dẫn của những đồng đội cùng một thời trận mạc đã tung hoành khắp chiến trường Quảng Trị, Tây Ninh, Lộc Ninh, Bình Phước, Phước Long để thấy phận người lính trải qua chiến tranh và cả thế hệ sau cùng gánh nỗi đau đó.

Nói về xuất thân của mình, ông Thắng phân trần: Ngày xưa bố tôi là cán bộ cao cấp của Bộ Nội thương, nay là Bộ Thương mại, quyền lớn lắm. Không biết bao nhiêu lần ông được cơ quan đề nghị cấp nhà nhưng ông nhất quyết từ chối vì lúc đó cơ quan có nhiều người khó hơn mình. Ông đi ở nhờ cho đến khi ốm nằm liệt giường, lúc ấy cơ quan lại cho người thúc ông nhận nhà, lúc đấy vì nghĩ đến 6 người con ông mới chịu nhận căn hộ 18m2 ở khu tập thể này.

Gia tài người cha là "lão thành cách mạng", đảng viên cộng sản từ năm 1935, để lại cho 6 người con trai là 18m2 nhà tập thể. Người làm nhà nước, người đi bộ đội. Người nào may mắn thì có nhà, còn người khốn khó thì nhận thừa kế "nhà" của cha. Đó là một ngôi nhà lụp xụp vào bậc nhất của phường Thịnh Quang, quận Đống Đa. Nhà chia làm 4 gian, ông Thắng cùng với vợ, con được nhận một gian phòng khoảng 6m2 (sau khi đã cơi nới và trừ lối đi của các anh em khác). So với anh em ruột ở cùng, hoàn cảnh ông Thắng đặc biệt hơn bởi ông có đứa con bị khuyết tật. Mỗi lần nó ngọ nguậy trong gian phòng hay chỉ cần vô ý xoay một vòng là cả bố và mẹ không có chỗ ngồi và chỗ đứng.

Nhiều lần nhắm mắt lại và thử tưởng tượng, tôi vẫn không thể hình dung ra căn nhà chia làm nhiều ngăn, trên diện tích 18m2, có một tầng duy nhất mà lại dành cho 4 gia đình thì cuộc sống diễn ra như thế nào. Trong ngôi nhà ấy, ở những hộ gia đình sống riêng lẻ ấy, tôi hình dung ra một cuộc sống của những người nghèo "đặc biệt", ở đó sự cay cực, những tủi hờn vì khổ sở quá có thể khiến người ta bật khóc.

Vết thương chiến tranh biết di truyền cho tận cùng "yêu thương"

Ông Thắng đã từng xông pha trận mạc, nhập ngũ năm 1972, ở chiến trường sống với chất độc hóa học rồi bước ra khỏi chiến tranh với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật là 61%. Hội đồng Giám định Y khoa Hà Nội khám cho ông ra 4 thứ bệnh: Cao huyết áp, hội chứng suy nhược thần kinh, thấp khớp mãn tính, thoái hóa cột sống thắt lưng.

Sau khi phục viên năm 1977, ông Thắng lập gia đình và ao ước có những đứa con và gọi chúng là thiên thần. Thiên thần thứ nhất là cô con gái thì may mắn lành lặn, thiên thần thứ 2 là cậu con trai thì không may bị dị tật. Đau đớn thật nhưng vẫn thương con, ông đặt cho nó cái tên rất đẹp: Nghiêm Việt Tiến.

Khi tôi đến nhà thăm, lúc ấy là 9 giờ sáng, Tiến vừa mới ngủ dậy. Mắt Tiến nhìn tôi gườm gườm, khuôn mặt méo mó. Tiến nặng khoảng 80kg nhưng tay chân đều cong queo và cử động kém. Tiến không nói gì trong cả buổi vì "chưa quen" giao tiếp với người lạ. Tiến 25 tuổi, có bệnh tim bẩm sinh, không nói được một tiếng tròn trịa, chưa từng đi được một bước chân. Các hoạt động như tắm giặt, đi vệ sinh suốt 25 năm qua của Tiến rất bản năng. Người không quen sẽ cảm thấy sợ hãi… Ông Thắng chấp nhận, bởi đứa con này sinh ra bị như thế là từ những năm tháng tại chiến trường tiếp xúc với chất độc của bố. Nó là vết thương di truyền, nó đau hơn cả vết thương chảy máu, vì nó trải suốt dọc dài thời gian.

Vợ chồng ông Nghiêm Việt Thắng và đứa con bị nhiễm chất độc da cam.

Con khuyết tật, chăm con nhọc nhằn, nhưng vợ chồng ông vẫn dành những lời thương yêu nhất để nói về con: "Tiến hay xúc động. Ở nhà cả ngày, chiếc tivi là cái gần gũi nhất, xem trên ấy thấy người nghèo và khuyết tật như mình Tiến hay nghĩ đến việc ủng hộ. Tiến hay gấp những tờ báo tượng trưng và nghĩ nó như tiền để có thể ủng hộ được ai đó". Chúng tôi đến nhà, Tiến mở đống tiền tượng trưng ra để khoe. Tiến làm như một đứa trẻ thương người mà bất lực.

Người lính già lại khóc…

Ngày đầu tiên đón Tiến hiện diện trên đời, ông Thắng khóc, bà Thủy cũng vật vã khóc. Con cái là lá gan, đoạn ruột, là máu mủ, nhưng với ông bà, Tiến còn đặc biệt hơn thế, bởi lẽ dù nó đau ốm nhưng ông bà cũng chẳng lỡ cắt rời.

Tâm sự  về những khó khăn khi nuôi con, ông Thắng nói: "Hồi mới đẻ nó đã bị bệnh tim, một thời gian dài nuôi con trong lồng kính. Cứ lần nào Tiến đi viện là cả nhà khổ, tôi và vợ cố gắng lắm mới khiêng được con, chân tay cháu lại cong queo nên khi chăm sóc đều phải lựa".

"5 năm nay vợ tôi ở hẳn nhà để chăm cháu, từ dạo nghỉ việc, vợ tôi còn nhích nhắc buôn bán lặt vặt, giờ chỉ còn tôi đi kiếm tiền cho cả nhà bằng chiếc xe  3 bánh của thương binh. Ngày xưa xe đó suýt bị cấm. Tôi lo chết đói. Sau này không bị cấm nữa, xe cọc cạch tôi vay vốn 10 triệu để sửa và tân trang lại xe làm phương tiện kiếm ăn và nuôi vợ con. Thế nhưng đúng lúc đó tường nhà lở, tôi lại phải đắp tiền vào sửa tạm bợ. Lúc này đây xe vẫn cũ kĩ, nhà luôn ẩm ướt, hôi do cũ và không có điều kiện sửa chữa".

Nói về "gia tài của cha", ông Thắng vấn lại: Căn nhà xưa 18m2, 4 anh em tôi cơi nới được một ít, sửa đi, chia gian, mỗi người được mấy mét. Gian nhà tôi ở trước có 4 người, con gái mới lấy chồng, may mà nó về nhà chồng. Nhà này còn tôi, vợ tôi và Tiến có khoảng 6m2 không tính lối đi của mấy anh em. Trong nhà tôi có tivi, tủ nhưng đều là của đồng đội gom góp đồ cũ đem cho. Tiền làm được hằng ngày tôi dồn vào ki cóp nuôi con.

Tôi đặt những câu hỏi, khơi lại kí ức để ông Thắng kể chuyện, thế nhưng khi kể, nước mắt của ông cứ trào ra. Tôi nhận thấy rằng đó không phải là những giọt nước mắt rơi vì những bí bách tạm thời, mà là rơi vì đã cố gắng hết mình mà không vượt qua nổi cái tréo ngoe hoàn cảnh: "Mấy năm trước, bạn chiến đấu có bảo đưa hoàn cảnh nhà tôi lên truyền hình để nhờ mọi người giúp đỡ. Tôi đã nghĩ đến cha tôi. Tôi gạt đi, tôi biết mình cũng thiệt thòi vì những chất độc ngấm vào người ngày xưa hành tôi từng ngày, thế nhưng tôi biết còn có nhiều người thiệt thòi hơn mình".

Nhiều năm  trôi qua, ông Thắng đã thấm mệt. Những khớp xương nhức dai dẳng, ông và bà Thủy đều đã sang ngưỡng tuổi già. Vất vả, chật chội và khát khao vượt qua khó khăn để nuôi con khiến ông Thắng có ước mơ cháy bỏng: Được thuê hoặc mua "nhà ở xã hội" mà nhà nước dành cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Chưa có đủ tiền thì tích cóp dành dụm trả dần, nhờ vả đồng đội, bạn bè

"Còn đọng lại sau những mùa hè nóng lửa"

"Chúng tôi cùng nhập ngũ một ngày, suốt quá trình chiến đấu sát cánh bên nhau. Mùa hè năm 1972, dọc đường Trường Sơn ác liệt, chúng tôi vào Quảng Trị, Lộc Ninh. Vào Quảng Trị lúc ấy là chiến trường lửa, chúng tôi cầm súng chiến đấu cùng nhau, đến Lộc Ninh giải phóng nơi này sau đó là bảo vệ chính quyền lâm thời…". So với nhiều bạn bè chiến đấu, Thắng là người thiệt thòi nhiều nhất, người hay đau ốm, con cái thì dị dạng bệnh tật. Nhiều lần đồng đội đề nghị giúp nhưng với bản tính khảng khái, Thắng không chịu. "Tôi dựng nhà lên rồi nhìn anh em ruột thịt khổ cực tôi không đành lòng. Thôi cứ để thế này tôi mày mò nuôi con tôi lớn". Chúng tôi là đồng đội cũ, cứ áy náy mãi. Thắng nó thẳng thắn và khái tính nên không muốn nhận thứ cho không. Nhà nước xây nhà ở xã hội, nhà trả góp cho các đối tượng là những người nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt. Người như Thắng vừa nghèo vừa có hoàn cảnh đặc biệt lại trải qua chiến tranh… Rất mong được lưu tâm và tạo điều kiện. Vì cậu Thắng còn khổ nên bằng giá nào anh em cũng chung tay giúp đỡ để cậu ấy vượt qua khó khăn”. Ông Trần Văn Thành, Phùng Văn Thanh (bạn chiến đấu với ông Nghiêm Việt Thắng tại Đại đội 41, Tiểu đoàn 18, Lữ đoàn 226). Thắng đã ở tận đáy… Tôi cùng đơn vị với Thắng dạo ở chiến trường B2. Mấy năm trước, tôi có ý định làm một phóng sự ngắn về hoàn cảnh của gia đình anh phát trên VTV để nhận sự giúp đỡ nhưng Thắng từ chối. Đó là một người lính khá đặc biệt. Nghèo và khổ cùng cực nhưng giàu lòng tự trọng. Thời gian, tuổi tác và sự mệt mỏi đã khiến anh thay đổi phần nào với ước muốn cuối đời có một ngôi nhà chí ít lớn hơn 6m2 hiện có. Thắng là bệnh binh, Tiến là nạn nhân chất độc da cam, cả hai bố con đều được hưởng chế độ trợ cấp xã hội nhưng đó là những khoản tiền ít ỏi. Thắng sống bằng chiếc xe 3 bánh chở hàng, thu nhập tháng vài triệu. Nhà ở chật chội không thể tưởng tượng, đồng đội chúng tôi đã nhiều lần gắng giúp Thắng nhưng lực bất tòng tâm vì ngôi nhà là cả một vấn đề, một tài sản cực lớn. Đầu năm nay khi biết tin thành phố Hà Nội có chủ trương xây nhà cho thuê mua ở khu đô thị Việt Hưng dành cho đối tượng nghèo, đồng đội cựu chiến binh đơn vị lại họp bàn tìm cách giúp Thắng. Tiền bạc có thể mỗi người một ít góp lại cho đủ số tiền phải trả ban đầu. Hoàn cảnh Thắng rõ ràng là vô cùng khó khăn, có thể nói Thắng đã ở tận đáy, chưa thể biết điều gì sẽ xảy ra nếu bây giờ người đàn ông gần 60 tuổi là lao động chính này mệt mỏi gục ngã. Sự sống của cả một gia đình là đối tượng chính sách sẽ lâm vào hoàn cảnh bi đát cùng cực. Thiết nghĩ, với tiêu chuẩn nghèo thì gia đình Thắng đã ở diện "vượt" chuẩn, đối chiếu tiêu chuẩn được thuê mua nhà xã hội, Thắng cũng đủ điều kiện, thêm nữa, Thắng là đối tượng chính sách, là người tham gia kháng chiến có công cần phải được xã hội quan tâm. Tôi đọc báo được biết hiện có gần 800 căn hộ ở khu đô thị Việt Hưng đang được thành phố chuẩn bị đưa vào xét duyệt cho các đối tượng nghèo thuê mua ở. Hy vọng lần này Thắng sẽ nhận được sự thông cảm sẻ chia, giúp đỡ từ phía những cơ quan có thẩm quyền, từ những người có trách nhiệm và những tấm lòng của bạn đọc để hoàn thành ước nguyện cuối cùng của đời mình. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến (Trung tâm sản xuất phim Đài Truyền hình Việt Nam) Địa chỉ chia sẻ với nhân vật: Nghiêm Việt Thắng Số nhà 19, ngách 88, ngõ Thái Thịnh II, phường Thịnh Quanh, Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 0902180158

Tĩnh Phan
.
.
.