Lao đao sau giấc mơ xuất ngoại

Thứ Bảy, 13/11/2010, 08:13
Họ là những người dân chất phác, hiền lành, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quẩn quanh với đồng ruộng ở những vùng núi heo hút, nghèo khổ... Và khi giấc mơ xuất ngoại đến, họ không ngại ngần, hồ nghi, lao vào như một con thiêu thân với một ước mơ cỏn con, mong được đổi đời… Nhưng liệu giấc mơ đó có thành hiện thực, khi con đường xuất ngoại đối với những người nông dân như họ có quá nhiều nỗi chông gai…

1. Chúng tôi về Lào Cai sau 4 tháng xảy ra vụ 50 lao động nhẹ dạ ở Minh Lương, Văn Bàn được sống sót trở về nước sau nửa năm bị bóc lột dã man trong các trang trại nằm sâu bên kia biên giới. Đến bây giờ, ký ức về những ngày khủng khiếp đó đối với những người đàn ông may mắn được trở về vẫn chưa thể nguôi ngoai. Những tháng ngày bị đày ải ở chốn địa ngục trần gian ấy, đối với họ có lẽ là một ký ức đầy sợ hãi trong quãng đời sống của những con người bé nhỏ, tội nghiệp nơi đây.

Nam, nạn nhân duy nhất trong đường dây đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp đến nay vẫn bặt vô âm tín. Và những hy vọng của gia đình Nam ngày càng vô vọng khi thông tin về anh vẫn mịt mờ. Sau  4 tháng nỗ lực tìm kiếm, Công an huyện Văn Bàn vẫn chưa tìm ra manh mối về sự mất tích kỳ lạ của Nam.

Chúng tôi gặp ông Lục Văn Niên, bố của Nam, ông năm nay đã ngoài 50 tuổi, gương mặt ông già sọm đi trông thấy, xiêu vẹo ngồi tựa cửa mòn mỏi chờ tin cậu con trai. Ngôi nhà nhỏ vẫn nhuốm màu tang tóc khi họ vẫn chờ đợi, vẫn nuôi một niềm hy vọng mong manh nào đó. Vợ Nam, ngày ngày vẫn địu đứa con nhỏ mới hơn một tuổi mòn mỏi nhớ thương chồng. Chị vẫn chưa lấy lại được sự cân bằng khi niềm hy vọng ngày càng mong manh. Sự chờ đợi trong vô vọng làm cho họ ngày càng héo mòn. Chỉ có tiếng khóc của đứa con thơ dại mới đủ sức kéo chị về với thực tại.

Còn ông Niên lén lau những giọt nước mắt chảy tràn trên gò má chai sạn, mái tóc gần như bạc trắng. Nam là niềm hy vọng duy nhất của ông về cuộc đời. Trong ký ức của ông vẫn là câu chuyện được mọi người kể lại, từ tháng 6 đến giờ, ông không có một thông tin gì thêm về cậu con trai của mình.

Những người trở về sau giấc mơ xuất ngoại.

Ông còn nhớ, ngày 1/10/2009 (âm lịch), Nam cùng 7 người trong đó có La Văn Lả, 38 tuổi, trú tại thôn 4, xã Minh Chiềng sang QT làm thuê, và mang theo giấc mơ được đổi đời. Chuyến khởi hành mang nhiều hy vọng ấy bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa họ đến TP Lào Cai… Theo sự chỉ đạo của Trương Thị Toán, họ vượt sông sang QT rồi được đưa vào một khách sạn ở gần cửa khẩu.

Sáng ngày 2/10 (âm lịch), có một toán người khác đông hơn, hầu hết đều ở thôn 3 và thôn 4, xã Minh Chiềng cũng đến phòng trọ. Nam và tất cả những người này bị đưa sâu vào nội địa bên kia biên giới, nơi bắt đầu một cuộc đầy đọa trong chốn địa ngục trần gian mà lúc đó chính họ vẫn nuôi hy vọng về một cuộc đổi đời. Nam và tất cả những người đàn ông trong chuyến xe ấy đều không một mảy may nghi ngờ về sự mờ ám của Toán. Họ cứ nhắm mắt mà đi, phó mặc số phận mình cho những người mà họ cũng không kịp tìm hiểu, đó là ai. Về sau này, họ mới biết đó là một địa danh thuộc QT, còn cụ thể ở đâu và như thế nào thì ai cũng mù tịt.

...Chu Văn Minh, một nạn nhân được sống sót trở về kể lại, Nam, Minh và những người cùng cảnh ngộ phải sống trong những căn nhà tạm bợ, không ti vi, không sách báo, hoàn toàn bị cô lập với thế giới xung quanh. Cuộc sống của họ chẳng khác gì lao động khổ sai thời kỳ trung cổ, họ như một cỗ máy làm việc theo sự chỉ đạo của vợ chồng Toán. Một ngày của họ bắt đầu từ 6 giờ đến 19 giờ tối, chỉ cần chậm trễ là bị chủ nhà đánh đập, dọa nạt, mỗi bữa chỉ có bát canh suông cùng vài miếng mỡ lèo phèo.

Cường độ làm việc khủng khiếp đến nỗi, nhiều thanh niên khỏe mạnh, đang tuổi ăn tuổi làm cũng phải ngã khuỵu. Nam cũng vậy, sức làm việc và chế độ ăn bèo bọt khiến một thanh niên khỏe mạnh như Nam đổ bệnh. Vào khoảng tháng 2 âm lịch Nam bắt đầu những cơn đau chân, rồi nằm bẹp ở trong lán, không gượng dậy được. Nam nằm li bì mấy ngày liền, bệnh càng ngày càng nặng, rồi hoàn toàn suy kiệt. Những người cùng cảnh ngộ xót xa nhưng tình cảnh của họ cũng chẳng khá gì hơn Nam

Giữa tháng 5/2010, sau một ngày lao động quần quật, họ trở về lán thì không thấy Nam đâu cả. Lúc ấy, Chu Văn Minh gặng hỏi vợ chồng Toán thì thị ta trả lời rằng đã đưa Nam đi Bệnh viện chữa bệnh. Bán tín, bán nghi, Minh khóc nằng nặc đòi vào Bệnh viện chăm sóc Nam. Ban đầu, vợ chồng Toán không đồng ý, nhưng trước thái độ kiên quyết của Minh chúng buộc phải nhân nhượng. Sau 3 giờ lắc lư trên ôtô, Minh được đưa đến một Bệnh viện  ở QT.

Sự bất đồng về ngôn ngữ khiến việc giao tiếp của Minh và chồng Toán đều phải thực hiện bằng ký hiệu. Chồng Toán ra hiệu rằng Nam đang được phẫu thuật. Nhưng Minh chờ mãi, chờ mãi cũng không được gặp Nam. Sau đó, chúng giao Minh cho một thanh niên trẻ trông coi, giám sát... Hai ngày ròng rã, gã thanh niên đưa Minh đi khắp mọi nơi, mỗi khi Minh gặng hỏi về Nam, nó lại tìm cách lảng tránh. Sau đó 2 ngày, Toán và chồng đưa cho Minh một số tiền rồi mua vé xe đưa ra Hà Khẩu. Và từ đó, Minh tìm đường về nước… Còn những thông tin về Nam thì vẫn bặt vô âm tín.--PageBreak--

2. Rời xã Minh Chiềng, chúng tôi qua đèo Khau Co đến bản Hì, xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu). Nơi đây, "cơn  bão" cũng vừa đi qua. Hầu hết số người trong thôn bị lừa đi lao động khổ sai là những thanh niên trai tráng trong làng khỏe mạnh, đang ở tuổi lao động. Tất cả họ đều bị Trương Thị Toán lừa đi lao động ở nước ngoài với mức lương cao. Đã 4 tháng trôi qua, nhịp sống bình yên đang dần trở lại với những con người nơi đây, nhưng nét hoảng loạn vẫn còn hiện hữu trên gương mặt của 14 nạn nhân đã may mắn trốn thoát trở về nước.

Toán cũng thuê người địa phương đến từng nhà có con trai lớn, dụ dỗ ra Lào Cai phát rừng thuê, trả lương mỗi tháng từ 3-4 triệu đồng. Ở bản Khem cũng có 5 thanh niên độ tuổi từ 17-23 bị lừa sang QT. Song rất may mắn là trong lúc xe chạy ban đêm, thấy xe thường xuyên thay đổi địa điểm, một số người nghi ngờ đã liều lĩnh nhảy xuống rừng bỏ trốn nên đã may mắn được một số người dân QT đưa trở về nước…

Sự thật về viễn cảnh làm giàu nơi đất khách quê người được phơi bầy cùng với sự trở về của Hà Văn Thơm, 19 tuổi. Khi đã bị vắt kiệt sức lao động, sức tàn lực kiệt Thơm gặp La Văn Lả, 38 tuổi, trú tại thôn 4, Minh Chiềng, Minh Lương. Khi ấy, những người thân có con em đi nước ngoài lao động trái phép mới biết rằng họ đã bị lừa nên gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, đề nghị giải cứu con, em họ đang lưu lạc ở xứ người.

Việc sống sót trở về của Hà Văn Thơm, một trong những nạn nhân của vụ đưa người ra nước ngoài trái phép cũng là một kỳ tích. Thơm phải đi vác cây bạch đàn, rồi phát nương. Quần quật suốt ngày. Sức trai trẻ của Thơm cũng chỉ có hạn, nên chỉ sau một thời gian ngắn, Thơm đổ bệnh nặng. Nhưng trong cái rủi có cái may, Thơm được đưa vào một Bệnh viện ở QT điều trị. Gần một tuần ròng rã, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm, vì sợ Thơm chết nên chúng mới cho anh ta về nước…

Khi nhận được tin báo của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế, ông Hà Văn Phong bố của Thơm vội vã đến tìm con. Ông không còn nhận ra đứa con mình đã dứt ruột sinh ra. Chàng trai khỏe mạnh hôm nào giờ xanh xao, héo rũ, hai mắt đờ đẫn nhìn bố mà nước mắt giàn giụa. Gia đình ông đưa Thơm về nhà chạy chữa, chăm sóc, sau 4 tháng, sức khỏe của Thơm vẫn chưa thể bình phục. Đến bây giờ, Thơm vẫn rơi vào hội chứng hoảng loạn vì nỗi ám ảnh của những ngày lao động khổ sai.

Khi nhận lời đi làm thuê, Thơm chỉ mong có được chút vốn để cưới vợ, nào ngờ, giấc mơ chưa thể thành hiện thực còn mình thì suýt bỏ xác nơi đất khách quê người…

Hầu hết những người bị lừa trong chuyến đi ấy đều là những thanh niên khỏe mạnh, đang tuổi lao động của hai xã Minh Lương, huyện Văn Bàn. Và người dẫn mối cho vụ "xuất ngoại" của những con người tội nghiệp đó là Trương Thị Toán. Thị sinh ra và lớn lên ở xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Không chịu được cuộc sống nghèo khổ, vất vả, Toán bỏ nhà sang Trung Quốc lấy chồng sinh con. Và thị chợt nghĩ ra một ngón kiếm tiền béo bở, và cũng khá độc chiêu, lừa những người lao động ở những vùng quê nghèo của thị sang Trung Quốc lao động khổ sai.

Toán tìm cách liên lạc về với anh trai và em gái là Trương Văn Mới, và Trương Thị Liên. Thị sử dụng những người thân cận này thông báo cần người đi lao động thuê ở QT, lương mỗi tháng là 5 triệu đồng. Chúng đánh vào mong muốn được đổi đời của những thanh niên đang ở độ tuổi lao động. Nên chỉ trong một thời  gian ngắn, chúng đã dùng mọi mánh khóe lừa được hơn 50 thanh niên sang QT phát nương. Và những chuyến đi đã được chia nhỏ. Để làm tin cho những người đi lao động, Toán đã ứng trước cho người 1 triệu đồng; người 300 nghìn đồng.

51 người đã sang QT nhưng không khai báo với chính quyền địa phương, không làm thủ tục xuất cảnh qua cửa khẩu, cả đi lẫn về đều theo đường đò qua sông. Nhưng ký ức về những ngày lao động khổ sai nơi xứ người đối với những người dân được may mắn trở về là những nỗi kinh hoàng. Bởi đó không chỉ là sự lao động cật lực, mà còn là sự khủng bố về tinh thần, bởi khi những người lao động cảm thấy mình bị lừa, họ đã đấu tranh đòi trở về nước. Nhưng ngay lập tức những phản ứng của họ đã bị chặn lại.

Chúng đưa ra một cuộc thí nghiệm bằng cách mang 6 người ra và đưa ra những điều kiện rất ngặt nghèo. Nếu ai trốn được về Việt Nam thì chúng sẽ thả tự do, nhưng nếu bị bắt lại sẽ phải lao động cho chúng đến khi hết thời hạn. Trong số 6 người thí điểm đầu tiên đã có 3 người tìm được đường trở về quê hương. Số còn lại do không có tiền, lại chẳng thông thuộc đường đi nên bị bắt lại, và  quản lý gắt gao hơn. Chính điều đó đã làm cho những người bị hại chùn bước, không dám bỏ trốn. Họ rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan, đi cũng dở mà ở cũng không xong". Đó là trường hợp của Hà Văn Sơn, La Văn Tiến và một người khác ở Than Uyên.

Câu chuyện của 50 người dân thoát nạn trở về sau chuyến "xuất ngoại" với giấc mơ đổi đời đang là một hiện tượng nhức nhối xảy ra ở trên nhiều vùng quê nghèo khó của đất nước. Chúng tôi trở về trong nỗi ám ảnh bởi ánh nhìn tuyệt vọng của gia đình Nam, người duy nhất có lẽ sẽ không được trở về…  Đó cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người nông dân nhẹ dạ cả tin, đánh cược cuộc đời và số phận mình với một thứ vận may quá mơ hồ

Mai Hạ
.
.
.