Làng không chồng bên sông Cầu

Thứ Năm, 25/11/2010, 15:30
Thành lập được 9 năm, thôn Tân Thịnh vẫn chưa được huyện Hiệp Hòa công nhận vì lý do không đủ 100 hộ dân. 1/3 phụ nữ trung tuổi ở Tân Thịnh đang sống cảnh không chồng. Nhiều phụ nữ quá lứa, nhỡ thì trong làng đã quyết định đi “cá kiếm” đứa con để nuôi, bất chấp bao lời mỉa mai cay đắng.

Có một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng, nơi tận cùng của huyện Hiệp Hòa-Bắc Giang giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên. Rặng tre xanh chạy vòng quanh dài hàng cây số ôm trọn lấy ngôi làng ấy, chứa bên trong bao mái nhà nghèo khổ, bao câu chuyện buồn về thân phận hẩm hiu của người phụ nữ. Họ quanh năm lam lũ như những thân cò lặn lội bờ sông và sống cả cuộc đời dưới mái nhà vắng bóng đàn ông.

Làng tôi nghèo nhất, phụ nữ xấu nhất!

Men theo con đường bê tông nhỏ sau khi rẽ từ quốc lộ 37, chúng tôi phải hỏi người dân đến cả chục lần mới tìm được đến ngôi làng Tân Thịnh, xã Đồng Tân, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Làng như một ốc đảo, phía Tây nằm sát con sông Cầu, phía bên kia đã là đất Thái Nguyên. Những con đường đất quanh co nằm giữa bãi ngô, vườn sắn trong làng  nhỏ như bờ ruộng với rãnh ở giữa vừa đủ bánh xe lăn. Người đi xe vào làng cũng đòi hỏi phải tập trung cao độ, không thì rất dễ chệch bánh lao xuống ruộng.

Chúng tôi đến Tân Thịnh vào một buổi sáng cuối thu mà cái nắng vẫn khá gay gắt đổ xuống đầu người. Nhìn ra những thửa ruộng nhỏ ven làng, một vài người phụ nữ vẫn đang cặm cụi "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Cái nghèo khó, nhọc nhằn ở Tân Thịnh dường như đã hiển hiện ra ngay trước mắt chúng tôi, chứ chẳng cần phải đi hỏi ai.

Ba quả đồi nhỏ gồm 65 hộ dân với chỉ hơn 200 nhân khẩu đã túm tụm lại từ năm 2000 để thành làng (thôn) Tân Thịnh. Gọi là thôn Tân Thịnh cũng đúng mà cũng chưa hẳn đúng. Ông Nguyễn Xuân Mến, giữ chức quyền trưởng thôn nhăn nhó lý giải: " Hơn 10 năm trước, chỗ chúng tôi chưa phải thôn Tân Thịnh gì đâu, một số hộ dân ở đây vẫn được gọi là người ở đồng sông, hay gọi là dân soi bồi (vì khu vực này như một mỏm đất nhô lên giáp sông Cầu). Đến năm 2000, xã Đồng Tân chính thức công nhận cụm dân cư ở đây là một thôn với đầy đủ trưởng thôn, Bí thư chi bộ, nhà văn hóa… Nhưng sau 9 năm thành lập, Tân Thịnh vẫn chưa bao giờ được huyện Hiệp Hòa đưa vào danh sách như một thôn chính thức".

Bà Mạnh và bà Vĩnh đã sống gần hết đời người trong sự cô quạnh.

Câu chuyện buồn về một thôn mà chẳng phải là thôn ấy tiếp tục được Nguyễn Xuân Mến dãi bày. Người dân làng Tân Thịnh quanh năm chỉ sống nhờ vào đồng ruộng, trông chờ vào hạt thóc, bắp ngô, củ sắn. Mặc dù nằm bên con sông Cầu hiền hòa, được sông bồi đắp, nhưng chẳng hiểu sao Tân Thịnh rất hay bị hạn hán, mất mùa.

Sự nghèo khó ngày càng đè nặng lên người dân đến mức ông Mến đã nói rằng, về Hiệp Hòa hỏi xã nào nghèo nhất người ta sẽ nói Đồng Tân. Về đến Đồng Tân hỏi thôn nào nghèo nhất thì sẽ nhận ngay được câu trả lời đó là Tân Thịnh. "Vậy Tân Thịnh nghèo nhất Hiệp Hòa chứ còn gì nữa!" - ông Mến kết luận. Điều đó được minh chứng bằng những số liệu mà ông đưa ra như: Thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất, chưa có nước máy, giếng khoan, không có nghề phụ nào...

Trong những số liệu, câu chuyện về cái nghèo cái khổ của Tân Thịnh ấy có một thực tế buồn, nó như những lời ru ứa nước mắt về phụ nữ ở làng này cả đời không biết đến chuyện lấy chồng.

Thiên nhiên khắc nghiệt làm cho Tân Thịnh quanh năm vật lộn với cái nghèo khó. Nhưng không chỉ có thế mà dường như ông trời đã thật bất công với ngôi làng này. Chính người dân trong làng cũng hay mỉa mai chua xót rằng phụ nữ Tân Thịnh thuộc dạng xấu xí, vô duyên nhất vùng. Tuổi xuân của bao người con gái nghèo khó nơi đây đã qua đi quá nhanh trong đơn thân, gối chiếc, để lại sự nhỡ nhàng, ế ẩm. Bên cạnh đó, một số phụ nữ trong làng phải chịu số phận đau khổ của một người tàn tật, tâm thần bẩm sinh, mãn tính.

Dù chẳng muốn kể, chẳng muốn nói nhưng ông Mến cũng đã gượng mở miệng để thống kê về những trường hợp đặc biệt đó khi có sự hỏi han của chúng tôi. Một ngôi làng chỉ với hơn 60 mái nhà, mà theo thống kê chúng tôi nhận được đã có đến 1/3 số phụ nữ trung tuổi hiện nay đang sống trong tình trạng độc thân hoặc đơn thân (Đơn thân là trường hợp có con nhưng không có chồng).

Nhưng mái nhà ngói vốn đã dột nát, siêu vẹo ở Tân Thịnh đường như càng thê thảm hơn khi trong nhà không có bóng đàn ông, thiếu đi cái gọi là trụ cột gia đình. Đến lúc này chúng tôi mới hiểu vì sao về đến ngôi làng này toàn thấy phụ nữ đi làm đồng áng, khuôn vác, đón con mỗi khi tan học…

Đau đớn thay thân phận đàn bà

Để chúng tôi thực sự hiểu về cảnh bần hàn, cùng cảnh đời những người phụ nữ lam lũ không chồng, ông Mến đã tận tình đưa chúng tôi đi một vòng quanh làng. Những người phụ nữ không chồng mà chúng tôi đã gặp đều có hoàn cảnh éo le khác nhau.

Mỗi lần đối mặt với họ trong những ánh mắt nặng nề, buồn trĩu, chất chứa cả đống hờn tủi trong lòng… thực sự chúng tôi không dám hỏi nhiều, nói nhiều. Bởi chúng tôi rất sợ, sợ mình vô tình động chạm đến miền kí ức đau khổ của họ, làm cơn tự ái, tủi hờn của họ sẽ vùng lên thành nước mắt.--PageBreak--

Vị trưởng thôn  gầy gò nhưng có vẻ rất tâm lý phụ nữ ở Tân Thịnh đã tư vấn cho chúng tôi rằng: "Vào gặp những người phụ nữ ở đây các chú phải khéo léo lựa lời mà nói, mà hỏi. Cả cuộc đời họ phải sống trong cảnh không chồng, cô quạnh nên chuyện họ hay cáu gắt, khó tính thì các chú cũng nên thông cảm cho". Những tiếng chó sủa mỗi khi đi từ nhà này sang nhà kia dường như càng làm cho tâm trạng con người thêm não lòng, não ruột.

Lưu Thị Vĩnh, người đàn bà đã 62 tuổi sống đơn độc trong mái nhà ngói cũ nát. Đáng lẽ ở cái tuổi ấy, người đàn bà đó đã phải có con cái trưởng thành, ngày ngày sống bên cháu nội, cháu ngoại. Nhưng số phận kém may mắn đã đầy đọa bà Vĩnh suốt gần đời người, ban cho bà đôi chân bị dị tật bẩm sinh, lại kém nhan sắc hơn người. Chẳng thể có được một người đàn ông cho riêng mình, bà đành sống lủi thủi một mình từ bé cho đến giờ và sẽ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Hơn chục năm trở lại đây sức khỏe của bà đã bị suy giảm nghiêm trọng, đôi chân đi lại vô cùng khó nhọc. Người mẹ già đã 83 tuổi chẳng thể bấu víu, nên bà đành sống nhờ vào sự cưu mang của người em trai.

Ông Lưu Văn Cường, nhăn nhó kể về hoàn cảnh nhà mình: "Nhà tôi quá khổ các chú ạ, khổ nhất làng Tân Thịnh mất rồi. Bà chị chẳng thể có chồng con lại suốt ngày ốm đau, đứa con tôi thì bị tâm thần, lại thêm một bà mẹ già yếu. Đã gần 60 tuổi mà vợ chồng chúng tôi vẫn phải gồng mình lên để chăm sóc, nuôi dạy cho những số phận đau khổ ấy, mà chẳng biết có thể gắng gượng được bao lâu nữa."

Vượt qua những lời đàm tiếu, nhiều phụ nữ không chồng Tân Thịnh đã bí mật đi “cá kiếm” đứa con riêng.

Chỉ sau một vài phút nói chuyện, bà Vĩnh đã chuyển sang một cái giọng tự ti, như muốn né tránh tất cả. Bà luôn miệng từ chối chụp ảnh, thậm chí khi người mẹ già và em trai bước ra bảo, bà còn cáu lên và trực đánh luôn người em đang tiến lại phía mình. Lúc đó tôi mới hiểu được rằng những nỗi tủi hổ hờn giận vì thân phận hẩm hiu của bà Vĩnh kinh khủng đến mức nào. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi nhanh chóng từ biệt gia đình trước khi giọt nước mắt có thể tuôn ra ở người đàn bà đau khổ ấy.

Cũng ở tuổi 62 và sống độc thân nhưng bà Ngô Thị Mạnh có phần khỏe mạnh hơn bà Vĩnh. Bà Mạnh bị chứng bệnh tâm thần mãn tính nhiều năm nay. Cả cuộc đời bà chưa bao giờ bước ra khỏi lũy tre làng. Ngày ngày bà cố lê bước ra đồng trồng khóm rau, ruộng ngô, sắn để kiếm thêm đồng tiền tự nuôi bản thân.

Bà kể: năm 2004, Nhà nước có hỗ trợ 2 triệu đồng, cùng cả làng huy động sức người đến dựng cho căn nhà ngói nho nhỏ để có chỗ chui ra chui vào lúc tuổi già. Nhà chẳng có bàn ghế nên bà đành mời chúng tôi ngồi tạm trên chiếc ghế gỗ ngoài hiên. Không có chồng con, lại cũng chẳng có người thân nào ở bên cạnh nên mỗi khi ốm đau bà chỉ còn biết nhờ những người hàng xóm tốt bụng. Mỗi khi nhà bị dột, đồ đạc hỏng hóc thứ gì thì bà phải lọ mọ đi bộ đến cuối làng nhờ thằng cháu sang sửa giúp. Cuộc sống lặng lẽ, cô quạnh vẫn cứ trôi từng ngày như thế với bà Mạnh, bà Vĩnh.

Không kém sắc và cũng chẳng bị bệnh tật gì như 2 người phụ nữ nói trên nhưng hiện bà Nguyễn Thị Huê, 55 tuổi cũng phải sống cảnh cô độc không chồng. Người dân trong làng kể rằng, hồi trẻ bà Huê khá dịu dàng nữ tính, có một số người đàn ông cũng muốn làm quen, hò hẹn. Nhưng chẳng hiểu sao bà không ưng ý một ai, có người lại kể hình như vì bà đợi chờ một người đàn ông nào đó đi lính, rồi sau đó ông ta lấy vợ, còn lại bà bị nhỡ nhàng.

Đó là những trường hợp tiêu biểu nhất về người phụ nữ cả đời cô quạnh, không chồng bên bờ sông Cầu thuộc làng Tân Thịnh này. Bên cạnh đó cũng có vài người phụ nữ khác ở Tân Thịnh đã bước qua tuổi tứ tuần mà chưa một lần được trao nhẫn cưới, biết đến đêm tân hôn.

Không cam chịu số phận đơn độc trong căn nhà vắng như vài thân phận nói trên, một số phụ nữ Tân Thịnh đã bí mật, lén lút đi cá kiếm cho riêng mình một đứa con. Giờ họ đã bước sang tuổi trên dưới 50 nhưng vẫn phải nuôi dạy những đứa con nheo nhóc mới lên 5, lên 7.

Vừa mang thúng thóc đi xát ít gạo để ăn, chị Nguyễn Thị Chung đã phải hối hả quay về nhà nhìn lên đồng hồ xem mấy giờ đạp xe đi đón đứa con lớp 3 sắp tan học. Mọi công việc đồng áng, nuôi dạy con nhỏ đều một tay chị cáng đáng. Nhưng ở người đàn bà nghèo khổ ấy nỗi khổ tâm lớn nhất là phải chịu những ánh mắt kinh bỉ của mọi người, bao lời lẽ châm biếm, mỉa mai từ làng trên đến xóm dưới. Đặc biệt, cô con gái chị cũng phải chịu những thiệt thòi và rất dễ tủi hờn khi bị bạn bè trêu đùa về người bố mà em chưa bao giờ biết mặt.

Với chị Nguyễn Thi Nhâm, 48 tuổi có đứa con 15 tuổi, mà không có chồng ở Tân Thịnh cũng phải chịu bao điều tiếng trong suốt quãng thời gian dài dằng dặc ấy. Trong cái danh sách khá dài về những phụ nữ không chồng mà có con ấy còn có chị Hà, chị Tỵ, chị Duyên, chị Minh….

Cũng chỉ với mong muốn có chỗ nương nhờ lúc tuổi già mà một số người phụ nữ Tân Thịnh đã phải chấp nhận đi kiếm những đứa con không hôn thú. Họ dám chấp nhận mọi gian khó, sự ghẻ lạnh, khinh ghét của chính họ hàng, làng xóm để có được tiếng gọi mẹ ơi, con ơi! bớt đi sự cô quạnh, lạnh lẽo trong ngôi nhà.

Chúng tôi rời ngôi làng nhỏ đầy nỗi buồn ấy, vượt lên triền đê quay nhìn lại bóng làng xa xa mà trong lòng chất chứa bao câu hỏi: Liệu bao giờ Tân Thịnh mới thoát khỏi cảnh nghèo khó, mới được chính thức công nhận là một thôn và bao giờ nơi đây mới hết cái tiếng làng không chồng?

Hà Ánh Dương
.
.
.