"Đại gia" lừa đảo Nguyễn Văn Mười Hai và câu chuyện của những “kẻ kế nghiệp” thời nay

Thứ Tư, 22/09/2010, 10:05
Nhiều người dân Sài Gòn bây giờ hẳn là vẫn còn "dựng tóc gáy", "nổi da gà" khi nhắc đến cái tên Nguyễn Văn Mười Hai, "đại gia" lừa đảo nổi tiếng Sài Gòn cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, khiến bao nhiêu gia đình rơi vào cảnh điêu đứng, khốn khó. Bao nhiêu gia sản, tiền của để dành đều mất trắng.

20 năm đã trôi qua sau vụ lừa đảo đình đám đó. Nguyễn Văn Mười Hai đã ra tù và đang cố gắng làm lại cuộc đời.

Giờ đây, bất chấp xã hội đã hiện đại hơn 20 năm trước rất nhiều, các phương tiện truyền thông ngày càng phát triển, bất chấp báo chí vẫn ngày ngày đưa tin ầm ầm về những vụ lừa đảo "na ná" Nguyễn Văn Mười Hai năm xưa, thì những vụ lừa đảo lớn vẫn xảy ra như cơm bữa, và những bản sao hay những người thừa kế "di sản" của Nguyễn Văn Mười Hai vẫn xuất hiện ngày một nhiều, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, còn người dân dại dột thì vẫn bị lừa và vẫn mất trắng và rồi lại mếu máo vì chẳng biết kêu ai ngoài than với ông trời. Những kẻ lừa đảo vẫn còn, vẫn "sinh sôi nảy nở", vẫn "sống" được, có nghĩa là lòng tham mù quáng của chúng ta vẫn còn. Đó là một bài học xương máu và đau đớn, nhưng vẫn không khiến nhiều người tỉnh ngộ.

Ông chủ Cơ sở nước hoa Thanh Hương lừng lẫy và vụ án lừa đảo chấn động Sài Gòn thập niên 90

Nguyễn Văn Mười Hai đã ra tù được 3 năm. Và trong 3 năm qua, người ta gần như không thấy ông xuất hiện. Ông tránh giao du, tránh tiếp xúc với báo chí, tránh những ánh nhìn của dư luận. Nhưng không vì thế mà cái tên Nguyễn Văn Mười Hai trở nên nhạt nhòa trong ký ức nhiều người, nhất là những người đã vì ông mà khuynh gia bại sản, tan cửa nát nhà, con cái bơ vơ, nheo nhóc.

Những năm 80, Nguyễn Văn Mười Hai là "đại gia" giàu nhất nhì Sài Gòn. Cái thời mà người dân Sài Gòn còn đi những chiếc xe cup cọc cạch, cái thời mà các ngôi nhà cao mấy chục tầng vẫn chưa xuất hiện ở Sài Gòn, và Internet hãy còn là một khái niệm xa lạ, điện thoại bàn là của hiếm chứ đừng nói đến điện thoại di động, thì Nguyễn Văn Mười Hai đã đi xế hộp hạng sang, đã có cả một đoàn vệ sĩ mặc comple đen, đeo kính đen đi bên cạnh nhìn như mafia, và trong văn phòng công ty của ông thì lúc nào cũng tấp nập các em chân dài lượn qua lượn lại.

Xuất thân trong một gia đình nghèo,  Nguyễn Văn Mười Hai thi Đại học Kinh tế không đậu nên chuyển xuống học Cao đẳng Sư phạm, nhưng rồi vì hoàn cảnh quá khó khăn, Nguyễn Văn Mười Hai đành bỏ học để ra ngoài bươn chải kiếm sống.

Trong một lần tình cờ ngồi nhậu lê la ở vỉa hè, Nguyễn Văn Mười Hai đã tình cờ gặp một người cũng là dân nhậu. Trong cơn say, người này đã nói với ông về nước hoa, rồi chỉ cho ông tường tận cách sản xuất nước hoa. Là người có nhiều tham vọng, khao khát làm giàu, khao khát thoát khỏi quá khứ nghèo khó, nên Nguyễn Văn Mười Hai đã ngay lập tức bắt tay vào làm. Ông huy động người nhà, bạn bè, thậm chí là các thầy cô giáo và những học trò học võ của ông tham gia vào việc thành lập, quản lý, điều hành và phát triển cơ sở nước hoa Thanh Hương.

Nguyễn Văn Mười Hai đã ra tù, "về hưu" và cố gắng làm lại cuộc đời, nhưng vẫn còn những "học trò" xuất sắc.

Ngày ấy, cái tên Nguyễn Văn Mười Hai nổi lên ở Sài Gòn như một hiện tượng lớn. Là người chịu khó học hỏi, Nguyễn Văn Mười Hai đi tìm hiểu về công nghệ ở nước ngoài, rồi mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thương hiệu của mình. Từ hai bàn tay trắng, công bằng mà nói, Nguyễn Văn Mười Hai đã làm được nhiều điều mà người bình thường khi ấy không thể nghĩ đến.

Bởi ngay từ hồi đó, ông đã biết mua "giờ vàng" truyền hình để phát quảng cáo nước hoa Thanh Hương, cái quảng cáo có bài hát do ca sĩ trình bày đã trở nên quen thuộc đến nỗi nhiều trẻ con thời đó thuộc lòng: "Này anh ơi sao mà anh không biết/ Nước hoa em dùng cơ sở Thanh Hương/ Mùi hương thơm sao mà thơm thơm thế/ Ôi Tiffani dành cho mọi người…".

Không chỉ thế, Nguyễn Văn Mười Hai còn xây dựng một mạng lưới kinh doanh trên toàn quốc, với nhiều đại lý kinh doanh và giới thiệu sản phẩm. Chính vì vậy, không khó để giải thích vì sao mà trong một thời gian dài, những sản phẩm của Cơ sở sản xuất nước hoa Thanh Hương do Nguyễn Văn Mười Hai làm chủ đã trở nên thịnh hành và được nhiều người ưa chuộng, yêu thích.

Người dân Sài Gòn hẳn vẫn không quên uy danh của Nguyễn Văn Mười Hai khi đó, bởi "đại gia" này có quan hệ với nhiều quan chức và những người có thế lực lớn. Ngày ấy, xe ôtô vẫn còn hiếm, nhưng Nguyễn Văn Mười Hai đã đi một quả Mercedes hào nhoáng, mà mỗi lần nó xuất hiện trên đường phố, thì ngay lập tức phía sau sẽ xuất hiện một đoàn vệ sĩ đi xe phân khối lớn theo hộ tống, có nhiệm vụ dẹp đường và bảo vệ như một "ông lớn" thực thụ.

Chính bởi những màn thể hiện quá hoành tráng của Nguyễn Văn Mười Hai, nên khi Nguyễn Văn Mười Hai "huy động vốn" của nhân dân để mở rộng sản xuất, với lãi suất giật mình 15%/ tháng, nhiều bà con tiểu thương, nhiều gia đình có chút của ăn của để, thậm chí là cả những sinh viên có tiền dành dụm do bố mẹ gửi đã đổ xô đến gửi tiền tại Cơ sở nước hoa Thanh Hương của Nguyễn Văn Mười Hai, ấp ủ mộng làm giàu.

Ấp ủ cũng đúng thôi, vì con số lãi 15%/ tháng đâu phải là chuyện nhỏ, mà chẳng phải mất một giọt mồ hôi nào. Thế nên nhiều người dân đã trúng cái bẫy của Nguyễn Văn Mười Hai một cách ngọt ngào và không hề hoài nghi trong suốt một thời gian dài. Đến năm 1990, khi mọi việc vỡ lở, số tiền mà Nguyễn Văn Mười Hai đã lừa đảo, chiếm đoạt là 37 tỷ đồng.

Cần phải nói rằng, ngày đó, 1 tỷ đồng mua được mấy nghìn lượng vàng, chứ giá vàng chưa ở mức 29 triệu/lượng như bây giờ, nên cái con số 37 tỷ đồng mà Nguyễn Văn Mười Hai đã lừa của dân lành là một con số vô cùng khủng khiếp, gây chấn động cả dư luận và cả các cơ quan chức năng.--PageBreak--

Nguyễn Văn Mười Hai đương nhiên bị bắt đi tù, và ở đến năm 2006 mới được về sau một đợt đặc xá, toàn bộ tài sản của ông ta cũng được mang đi phát mãi để khắc phục một phần hậu quả. Ngày đó, những đất đai, nhà cửa mà Nguyễn Văn Mười Hai có không có giá trị như bây giờ, nên khi hóa giá chẳng được là bao.

Dù đã "khắc phục" hết sức có thể, nhưng Nguyễn Văn Mười Hai vẫn làm nhiều người dân rơi vào cảnh… chỉ còn nước tự tử, bởi có những người vì ham lãi cao còn đi vay tiền của họ hàng, người thân để gửi tiền cho Nguyễn Văn Mười Hai lấy lãi kiếm lời.

Nguyễn Văn Mười Hai "về vườn", nhưng vẫn còn những "kẻ kế nghiệp"

Khi ở trong tù, Nguyễn Văn Mười Hai từng giãi bày rằng, những năm đó, ban đầu chỉ là huy động vốn để làm ăn. Sau đó, vì không cạnh tranh nổi với các mặt hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, nhưng vì vẫn cố vớt vát mà đã lỗ càng lỗ hơn, để cuối cùng bị phá sản vào năm 1990 như tất cả mọi người đều biết. Chính Nguyễn Văn Mười Hai cũng rùng mình khi nghĩ tới số tiền khổng lồ mà mình đã lừa đảo, khiến nhiều người dân rơi vào cách khóc dở mếu dở.

Trong đợt đặc xá cuối năm 2006, Nguyễn Văn Mười Hai ra tù. Khi ấy, ông về sống trong một căn nhà nhỏ với vợ và con và làm lại từ đầu. Lúc Nguyễn Văn Mười Hai đi tù, xã hội còn lạc hậu. Nhưng 16 năm sau, sau khi ông bước chân ra khỏi nhà tù, Sài Gòn đã hoàn toàn biến đổi, với một tốc độ chóng mặt mà chính Nguyễn Văn Mười Hai cũng không thể ngờ tới.

Nguyễn Văn Mười Hai đã từng tâm sự rằng, người ta có mất gì, sai lầm gì thì cũng chỉ trở về số 0 là cùng. Nhưng Nguyễn Văn Mười Hai thì còn cài số âm, bởi những năm ở trong tù, Nguyễn Văn Mười Hai đã lạc hậu hơn rất nhiều so với xã hội bên ngoài. Những ngày mới ra tù, người ta thấy Nguyễn Văn Mười Hai tất bật đi học hết cái này đến cái khác.

Thời điểm đó, thấy chứng khoán đang thịnh hành, Nguyễn Văn Mười Hai cũng đi học chứng khoán, rồi ấp ủ những dự định xây dựng lại thương hiệu nước hoa Thanh Hương. Nghe đồn, ông còn làm cả phong thủy. Nhưng thời thế bây giờ đã khác so với những năm thập kỷ 80, khi Nguyễn Văn Mười Hai còn có thể làm mưa làm gió. Những ước mơ của Nguyễn Văn Mười Hai không dễ thực hiện được, nhất là khi nỗi ám ảnh mang tên Nguyễn Văn Mười Hai không dễ gì có thể quên đi được trong lòng nhiều người.

Những tưởng sau bài học "Nguyễn Văn Mười Hai", người dân sẽ rút ra được một bài học xương máu về câu chuyện cho vay lấy lãi suất cao, hay việc huy động vốn "bất thường", nhưng không, những vụ lừa đảo đã và đang diễn ra trong nhiều năm qua, với số tiền ngày một lớn hơn, thủ đoạn lừa đảo ngày một tinh vi hơn, và cũng nhiều nạn nhân dính bẫy hơn.

Tháng 8 vừa qua, TAND thành phố Đà Nẵng vừa xét xử vụ án lừa đảo của Trương Thị Mai Thanh. Chỉ là một tiểu thương buôn bán ở chợ, nhưng sau một thời gian vay nợ dẫn đến không còn khả năng trả, Trương Thị Mai Thanh đã quyết định giở trò "huy động vốn" của nhiều người, với lãi suất từ 9 - 10% đối với tiền vay và thậm chí lên tới 16 - 18% với tiền biêu.

Lý do mà Trương Thị Mai Thanh đưa ra để lừa người dân là huy động vốn để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng, buôn gỗ, khai thác mỏ vàng bên Lào và xây dựng khách sạn. Nghe quá bùi tai, nên rất nhiều người vì tham tiền, hám của đã không đắn đo đi thế chấp nhà cửa, vay ngân hàng để cho Trương Thị Mai Thanh vay, ít thì vài chục, vài trăm triệu, nhiều thì tiền tỷ. Để làm cho những "con mồi" của mình không nghi ngờ, Trương Thị Mai Thanh còn trả lãi trước. Chính vì thế, trong một thời gian ngắn, thị đã lừa được số tiền gần 37 tỷ đồng.

Để lòe thiên hạ, Trương Thị Mai Thanh còn lấy tiền từ số tiền vay đó, để đầu tư mua sắm xe cộ, sửa sang nhà cửa, ăn mặc như một đại gia. Trương Thị Mai Thanh cũng dùng tiền đó để đi mua đất đai, đầu cơ vào bất động sản. Số tiền 37 tỷ đồng đó cũng được vợ chồng Trương Thị Mai Thanh trích một phần để trả lãi cho người vay.

Nhưng sự việc bắt đầu vỡ lở khi thị trường bất động sản đóng băng, giá nhà đất lao xuống dốc ầm ầm và các chủ nợ bắt đầu đến đòi tiền. Năm 2008, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án lừa đảo của Trương Thị Mai Thanh, bắt giam thị và đưa ra xét xử vào tháng 8/2010.

Trương Thị Mai Thanh bị kết án tù chung thân. Toàn bộ tài sản giá trị của Trương Thị Mai Thanh cũng bị tịch biên để đền bù cho những nạn nhân. Nhưng con số đó không thấm tháp vào đâu so với những gì mà thị đã chiếm đoạt, rất nhiều người dân đã điêu đứng vì không biết làm thế nào để kiếm ra được số tiền trả nợ cho ngân hàng, người thân, bạn bè. Đến lúc này dù có ân hận cũng chẳng thể làm gì được nữa.

Mới đây thôi, công an Trà Vinh vừa bắt một vụ lừa đảo "cười ra nước mắt", vì bị can của vụ án này là một người nghèo rớt mùng tơi, tên là Thạch Sương, ngụ ở xã Long Đức - TP Trà Vinh, được xếp vào thành phần hộ nghèo và được ngân hàng cho vay… 7 triệu để xóa đói giảm nghèo. Ấy thế mà khi Thạch Sương đi khắp nơi vay mượn với lãi cao để "đáo hạn ngân hàn", nhiều người dân vẫn cho vay vì hám tiền, quên mất rằng đối tượng này nghèo thế thì lấy đâu ra tiền mà trả.--PageBreak--

Số tiền mà Thạch Sương lừa chỉ là "hạt cát" so với những vụ lừa đảo đang được phơi bày trên báo chí. Nhưng cái việc một kẻ được Nhà nước xác định là hộ nghèo mà vẫn có thể "huy động vốn" kiểu này, thì khiến nhiều người "cười ra nước mắt". Thế mới biết là lòng tham có thể khiến người ta mù mắt và mất lí trí trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Những tên tội phạm được nuôi sống bằng lòng tham và sự dại dột của con người

Vài năm trở lại đây, những vụ bể hụi liên tiếp xảy ra ở khắp mọi miền đất nước, khiến độc giả đọc báo mỗi ngày đều chép miệng "trời, sao dại dột dữ vậy". Nhưng để rồi, chính họ lại trở thành những nạn nhân tiếp theo. Có những vụ bể hụi bé, chỉ một vài tỉ đồng, nhưng có vụ bể hụi lên tới hàng chục, rồi hàng trăm tỷ đồng. Thành phần nạn nhân cũng đa dạng không kém, từ người giàu đến người nghèo, từ các chủ buôn bán lớn đến nông dân quê mùa. Những câu chuyện đau lòng vì bể hụi xuất hiện khắp nơi.

Ở Cà Mau đã từng có trường hợp một "nạn nhân điển hình" của việc bị giật hụi, khi cả 10 lần chơi hụi, người này đều bị các chủ hụi lừa, ôm tiền cao chạy xa bay. Lý giải cho việc bị giật hụi hết lần này đến lần khác mà vẫn tiếp tục dính bẫy, nạn nhân này thanh minh rằng, vì những người đến nhà mình rủ chơi hụi đều là những người có uy tín, có cửa hiệu lớn, có đất đai, nhà xưởng.

Một "kẻ kế nghiệp" những trò lừa đảo của Nguyễn Văn Mười Hai.

Chính vì thế, cứ dành dụm được bao nhiêu tiền, "nạn nhân điển hình" này lại đem "cúng" cho các chủ hụi lừa đảo hết, để rồi phải ngậm đắng nuốt cay, đổ mồ hôi nước mắt để tiếp tục ki cóp từng đồng. Nhưng vì bể hụi đến lần thứ 10 mà rồi, nên cũng không ai dám bảo đảm "nạn nhân" có tiếp tục chơi hụi và lập kỷ lục lần thứ 11 về bể hụi nữa hay không.

Cũng có những người dân tham gia chơi hụi trong hoàn cảnh hết sức trớ trêu. Có người là vì gia đình con cái ốm yếu quá, muốn kiếm chút tiền lãi từ hụi để mua sữa cho con. Có người thì mơ ước kiếm tiền để sửa mái nhà dột. Để rồi khi bị mất cả chì lẫn chài, nhà không sửa được mà tiền thì mất trắng, họ trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn, đi ra đi vào vì không biết làm gì để kiếm lại số tiền đó.

Năm ngoái, ở Ninh Thuận đã xảy ra một trường hợp đau lòng. Một cô giáo tên T. là hiệu trưởng của một trường trên địa bàn thành phố đã mua thuốc sâu cho cả gia đình uống khi phát hiện mình bị giật hụi. Nguyên nhân là trước đó, cô T. đã cho một người đồng nghiệp vay 700 triệu đồng với hi vọng kiếm lời. Nhưng số tiền 700 triệu đồng đó, cô T. cũng phải đi vay mượn khắp nơi mới có được. Khi biết tin cô đồng nghiệp kiêm chủ hụi của mình đã "cao chạy xa bay", quá quẫn trí, cô T. đã mua thuốc sâu về cho cả nhà gồm hai vợ chồng và hai đứa con uống, nhưng đã được gia đình và người dân xung quanh phát hiện, đưa đi cấp cứu.

Hẳn còn rất nhiều vụ tự tử của các nạn nhân quẫn trí vì bị giật hụi. Và còn rất nhiều bi kịch gia đình khác mà báo chí không thể đưa hết, khi những người dân cả tin, dại dột vẫn còn mù quáng gửi tiền cho các chủ hụi để "mơ" lãi suất cao. Đã có những gia đình tan cửa nát nhà, vợ chồng đưa nhau ra tòa li dị, con cái nheo nhóc, thất học vì tài sản tiêu tán. Báo chí đã cảnh báo, các cơ quan pháp luật đã xét xử lưu động, công khai để cảnh báo người dân, nhưng những vụ bể hụi, giật hụi không vì thế mà giảm. Những kẻ lừa đảo vẫn xuất hiện khắp nơi, và chỉ dùng một chiêu bài "lãi suất cao" là đủ để làm nhiều "con cá" cắn câu.

Nếu những nạn nhân của những vụ bể hụi, những vụ lừa đảo đó chỉ cần tỉnh táo và khôn ngoan một chút để tính toán, thì sẽ nhận thấy những chuyện bất thường, mờ ám đằng sau những lời đường mật, những cái bẫy ngọt ngào nhưng chết người.

Nếu làm một phép tính đơn giản như thế này: Một chủ hụi huy động vốn với lãi suất 8%/ tháng, có nghĩa là lãi suất thực tế sẽ là 96%/năm. Năm xưa Nguyễn Văn Mười Hai huy động vốn với lãi suất 15%/ tháng, như vậy lãi suất thực tế mà ông ta phải trả mỗi năm sẽ là 180%/năm. Không một doanh nghiệp nào "dám" huy động vốn kiểu đó, vì chắc chắn, không có một doanh nghiệp nào có thể đảm bảo một mức siêu lợi nhuận đến mức ấy, nên chắc chắn, nếu vay vốn với lãi suất đó, thì họ không thể có khả năng chi trả. Trường hợp những chủ hụi khác cũng vậy. Chỉ cần huy động vốn với mức 3%/tháng là đã có "dấu hiệu bất thường".

Đây là một bài toán không hề khó để tính ra, nhưng những người dân, từ giàu đến nghèo, vì nghĩ đến số tiền chênh lệch mình được hưởng, nên đã mờ mắt, ù tai, lao đầu vào chỗ chết như những con thiêu thân, mà không hề nghĩ tới hậu quả mình sẽ phải đón chịu.

Bao nhiêu năm đã trôi qua kể từ vụ án Nguyễn Văn Mười Hai. Nhưng những vụ lừa đảo, vỡ hụi thì vẫn nhiều. Người dân dường như có vẻ không "khôn" ra, khi vẫn tiếp tục trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo khác. Nguyên nhân duy nhất lí giải cho điều phi lý này đó chính là hai chữ: LÒNG THAM. Chừng nào người dân còn vì dại dột và hám lợi mà tin vào những lãi suất bất thường, thì chừng đó, những kẻ lừa đảo vẫn còn có nguồn sống, vẫn còn có đất để "ươm mầm" những âm mưu lừa đảo, đợi ngày nó "đơm hoa kết trái". Và để không trở thành những nạn nhân của những vụ lừa đảo, lời khuyên duy nhất có lẽ chỉ đơn giản như thế này: Đừng có tham!

Lương Minh
.
.
.