Chuyện những con “gà ma” ở Hòa Bình

Thứ Ba, 16/11/2010, 15:35
Xóm "thối", biệt danh đó quả là "bất hư truyền". Bởi mới vào đến đầu làng, lỗ mũi đã bị tra tấn bởi một khừn khừn, khó ngửi, hùa với cái nắng ong ong tháng tám, tràn ngập khắp không gian của làng quê yên ả. Khi đi trên xe (máy) dù sao những luồng "âm xú" đó cũng được chuyển động của gió pha loãng, nên sự hôi hám kia, vẫn còn ở trạng thái thoang thoảng.

Chúng tôi đến tiểu khu CK2 thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình, đúng vào những ngày nực nội nhất của tháng tám. Ngay từ chỗ rẽ ngoài quốc lộ 32 (đường Hồ Chí Minh), mấy cháu học sinh chỉ đường cho chúng tôi đã nửa đùa, nửa thật:

- Chú cứ đi thẳng đây, rồi sau đó rẽ phải. À, mà nếu có nhầm, chú cứ hỏi đường vào xóm "thối" là ai cũng biết.

Xóm "thối", biệt danh đó quả là "bất hư truyền". Bởi mới vào đến đầu làng, lỗ mũi đã bị tra tấn bởi một khừn khừn, khó ngửi, hùa với cái nắng ong ong tháng tám, tràn ngập khắp không gian của làng quê yên ả. Khi đi trên xe (máy) dù sao những luồng "âm xú" đó cũng được chuyển động của gió pha loãng, nên sự hôi hám kia, vẫn còn ở trạng thái thoang thoảng.

Chúng tôi, chỉ thực sự "được" hưởng một cách trọn vẹn khi đến thăm nhà anh Vũ Văn Cường (đội 2 tiểu khu 2, thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình). Ban ngày ban mặt mà gia đình cửa đóng, then cài cứ như trong nhà đang có bà đẻ. Khi biết chúng tôi đến để tìm hiểu về vấn đề ô nhiễm môi trường sống tại địa phương, được lời như cởi tấm lòng, anh Cường vội bốc ngay máy điện thoại để bàn, liền lúc gọi đi mấy chỗ.

Chưa kịp uống hết tuần Trà, anh Cường đã vội vã kéo chúng tôi ra vườn, để anh được tận tay chỉ cái "ung bọc- theo như lời anh nói- là đã khiến cho dân làng sống dở, chết dở".

 Đây là một trại nuôi gia cầm khá lớn, thường xuyên có đến hơn triệu đầu gia cầm trong chuồng, và được vận hành theo qui trình chăn nuôi khá hiện đại. Mỗi nhà nuôi với mấy tầng chuồng, nuôi nhốt hơn vạn con gà. Đặc biệt, ứng với mỗi nhà nuôi như thế là một giàn quạt công nghiệp khổng lồ, mỗi chiếc đều có đường kính chừng hai mét, suốt ngày đêm ầm ầm quay tít mù như thế.

Xóm "thối", biệt danh đó quả là "bất hư truyền".

Người ta thường nói rằng "hôi như gà nhốt", những uế khí và các phế phẩm phế thải sinh ra trong quá trình chăm sóc, sinh hoạt của gia cầm… đương nhiên sẽ là nguyên nhân khiến gà chậm lớn hoặc phát sinh của bệnh dịch. Chính vì thế, đặt quạt thông gió cho gà là vô cùng cần thiết cho quá trình sinh trưởng của gà.

Song, ác nỗi, là trong khi những chiếc quạt "mẫn cán" đó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là thổi bay những hôi hám, bệnh tật ra khỏi chuồng gà, thì luồng xú khí, kèm theo cả bụi cám, lông măng đó lại thản nhiên xộc vào tận cửa nhà những người nông dân tội nghiệp, hàng xóm bất đắc dĩ của ông chủ Thái.

Theo anh Giang, thì những gì chúng tôi thấy hôm nay, cũng vẫn chỉ "thường thôi". Phải vào những lúc gà bị dịch, chết hàng loạt, mùi hôi thối tăng lên gấp mấy lần, như trận dịch năm 2003, gà chết nhiều quá, họ (trại gà) định liên hệ địa điểm ở xã trên, nhưng dân ở đấy họ không đồng ý, túng thế làm liều, trại gà cho đào hố chôn ngay trên đất trại gà, mặc dù có thể họ cũng đã đào sâu, chôn chặt, nhưng sự phân hủy của hàng vạn xác gà thối rữa đã khiến cho nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng, và mùi hôi thối nồng nặc đến lộn mửa, quá bức xúc nhân dân đã kéo đến bao vây cổng vào trại gà trong ba ngày. Kết quả của cơn giận dữ tập thể đó, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, trại gà buộc phải xây tường bao, trồng hàng cây xanh để hạn chế bớt mùi hôi thối.

Theo anh Cường, thì thực ra đó chỉ là những cố gắng tối thiểu. "Cái dân chúng tôi cần là trại gà này phải di dời đi chỗ khác, bởi họ có ở đây chỉ làm hại chúng tôi, chứ dân cũng không có lợi lộc gì, lúc đầu cũng có tuyển một số công nhân địa phương, nhưng bây giờ thì thay hết rồi, tiếng là trại sản xuất gà sạch, nhưng sản xong nó mang tiệt về Thái, chứ có bán ra thị trường mình đâu”.

Khi chúng tôi hỏi về hành động pháp lý  mà bà con đã tiến hành để thể hiện nguyện vọng của mình, thì nhữäng người đang có mặt tại nhà anh Cường đã chỉ tôi đến nhà chị Nga, cũng là một cư dân nằm trong vành đai khí "thối".


Cũng trong tâm trạng bức xúc như tất cả những người dân đang có mặt, chị Nga vào đề luôn:

- Đơn rồi, đơn nhiều rồi, cá nhân có, tập thể có, nhưng cũng chẳng vào đâu anh ạ. Người ta cứ hứa là "để xem xét, giải quyết" rồi đâu vẫn đóng đấy.

Nhà chị Nga có nhận trông các cháu nhỏ đang độ tuổi mẫu giáo tại nhà, đa phần các cháu trông rất xanh xao, còi cọc. Tôi bâng khuâng tự hỏi, không rõ, những hệ lụy từ trại gà oan nghiệt kia liệu có phần nào là nguyên nhân của thể tạng ốm o, tội nghiệp của các em bé ngây thơ, vô tội này? Theo những người dân sống ở đây lâu năm, thì từ khi có trại gà, nhiều người bị phát sinh những bệnh trước đây chưa có, điển hình như bệnh mẩn ngứa, có người đã phải đi bệnh viện để điều trị.

Theo chị Nga thì một trong những nguyên nhân khiến cho đơn thư, khiếu kiện của bà con trì trệ, không được giải quyết là do cái sự, theo cách nói của chị cái thế "cài răng lược" của vùng đất này, khiến cho chúng tôi cứ như "con hoang" ấy.

Thì ra, cả khu vực này, cơ bản thuộc thị trấn Xuân Mai, Hà Nội, duy chỉ có tiểu khu CP2 này lại là địa giới hành chính của thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình, chị Nga buột miệng, chúng tôi cứ ngóng mãi, để chờ đến khi được cắt về Hà Nội, được gần Trung ương, may ra kêu mới thấu(!).

Theo chị, trước đây, cũng đã từng có nhà báo về đây rồi, một tờ báo trên Trung ương gì đấy, nhưng người viết đã chẳng hề hỏi dân một câu, toàn chỉ gặp lãnh đạo thôi. Khi báo ra bà con rất bức xúc, vì nhà báo viết rằng trại nhà CK2 này, thành lập ở đây từ lúc chưa có dân cư. Chi tiết này khiến cho bà con cư trú xung quanh trại gà rất phẫn nộ.

Họ đã giận dữ vạch ra sự nhầm lẫn (hoặc cố ý nhầm lẫn) của nhà báo nào đó,  bằng một lập luận hết sức đơn giản, nhưng cũng hết sức hiển nhiên rằng: Mời các anh vào vườn nhà tôi mà xem có những gốc cây ăn quả gần bằng cả người ôm rồi,  trong khi đó, trại gà mới về đây được có chục năm, thì liệu nhà báo viết như vậy có hợp lý không?

Nghe người dân phê phán tác giả bài báo đó bằng những lời lẽ nặng nề, tôi rất cảm thông với sự giận dữ của họ, bởi nhà nước, đã có những qui định  cụ thể và theo đó thì các trại chăn nuôi chỉ được xây dựng ở các vị trí có khoảng cách đủ an toàn với các khu dân cư gần nhất. Nếu quả thật, theo bài báo, trại gà được xây dựng từ lúc khu vực này chưa có dân đến sinh sống. Vậy, chẳng hóa ra là lỗi thuộc về những người dân ư?

Là một phụ nữ thuần nông thôn, nhưng chị Nga lại tỏ ra khá sắc sảo, chị nói, ngay khi đọc bài báo, chị đã giữ lại và có ý kiến với cán bộ tiểu khu đề nghị, có ý kiến về chi tiết sai lầm đó. Giờ đây, khi nghe mọi người ồn lên ta thán về mùi mẽ, hôi hám của trại gà, chị đã chỉ ra được những tác hại khác:

 - Mùi hôi thì ai cũng thấy rồi, nhưng cái tôi sợ hơn là ô nhiễm nguồn nước ấy, ở ngoài thành phố thì các ông, bà ấy khử này, lọc kia, ở xóm này mấy nhà có giếng khoan đâu, toàn dùng thẳng nước giếng thơi, mà mấy chục cửa thải nước của trại gà có xử lí, xử liếc gì đâu, cứ đổ trực tiếp ra ngoài ấy. Tôi sợ sau này còn đổ bệnh hết ấy. Nhà tôi có một bãi chè, ngay cạnh trại gà, lúc trước thằng Vít Tay ga (tên ông chủ trại gà), có cho người ra điều đình mua lại của tôi để lấy chỗ đào hố chôn gà, nhưng tôi không đồng ý, bán thì tôi được tiền, nhưng để nó chôn ở đây làm bẩn nguồn nước của bà con, trong đó có cả nhà tôi cũng phải chịu hậu quả chứ nói ai vào đây.

Ý kiến chị Nga lập tức được nhiều người đồng tình, trong đó có anh Hậu, là thợ xây, anh có điều kiện ra vào trại gà nhiều lần để xây cất trong đó.

Theo anh Hậu, không ngày nào trong trại không có vài trăm gà chết (chưa nói đến những đợt bị dịch). Ba ba, cá sấu thì có hạn, vậy những bao gà chết được kìn kìn chở đi vào các buổi chiều kia, sẽ đi đâu, về đâu, liệu điểm đến của nó có phải là những restaurant sang trọng, hay lại là các quán cơm vỉa hè, nơi những người lao động lam lũ "tái sản suất" sức lao động sau những giờ làm việc mệt nhọc?

Chúng tôi rời khỏi "xóm thối" với bao niềm băn khoăn, không có lời giải! Ô nhiễm môi trường, đâu có còn là một cụm từ lạ lẫm với cộng đồng. Không lẽ, sau những vụ động trời như "làng ung thư ở Phú Thọ" rồi "Vê Đan ở Đồng Nai", các vị quan chức lãnh đạo những cơ quan có chức năng  quản lí nhà nước về môi trường của tỉnh Hòa Bình vẫn có thể "kê cao gối" mà ngủ được?

Nghiên cứu một số văn bản pháp qui và những văn bản có liên quan về vấn đề môi trường, như: Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005; Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ...

Tôi giật mình khi nhận thấy, chiểu theo những điều khoản của luật này, thì cái trại gà của ông chủ Thái Lan kia, gần như là đụng đâu cũng thấy sai phạm. Ví như khoản 1, điều 37 qui định về xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường chẳng hạn. Hay khoản 2, cũng trong điều 37 qui định: các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người, gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước, có gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép, thì sẽ không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư. Không rõ UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản nào qui định về vị trí, khoảng cách các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trêm địa bàn tỉnh mình chưa.

 Song, với nội hàm tương tự, tôi tìm được một văn bản như thế của UBND tỉnh Bình Thuận, đó là Quyết định 11/2010/QĐ-UB Qui định về qui mô vị trí để xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm của UBND tỉnh Bình Thuận có qui định rõ: Vị trí xây dựng cơ sở chăn nuôi phải ngoài nội thành, nội thị và cách xa khu dân cư tập trung, khu đô thị, khu - cụm công nghiệp, công sở, bệnh viện, trường học, chợ: đối với cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn: khoảng cách tối thiểu là 500 m.

chưa nói gì đến những chuyên viên của các cơ quan chức năng, được lĩnh lương ngân sách để nghiên cứu, xử lý và giải quyết, mà bất kỳ người biết đọc nào có quan tâm đến vấn đề này, cũng có thể chỉ ra các sai phạm tày trời của trại gà Thái Lan kia, vậy mà vì đâu những người dân "xóm thối" vẫn tiếp tục phải hít thở và sinh hoạt trong một môi trường ô nhiễm như họ đã phải chịu đựng cả chục năm nay? Câu hỏi thống thiết này hiện vẫn đang tiếp tục được bỏ ngỏ, đồng thời nó vẫn tiếp tục chờ các quan chức có trách nhiệm động tâm giải quyết

Trần Sáng
.
.
.