Chuyện chưa kể của cảnh sát thi hành án tử hình

Thứ Hai, 27/09/2010, 11:14
Với những chiến sỹ Cảnh sát được giao nhiệm vụ cầm súng thi hành bản án tử hình ở pháp trường với các tử tội, đó là nhiệm vụ đặc biệt. Họ cũng có nhiều lý do khiến lâu nay báo chí nói về pháp trường thường chỉ nhắc đến các tử tội, về tâm lý, hành động của bị án trước và trong thời điểm ra pháp trường chứ không phải nói những người lĩnh thi hành án.

Đứng trước một nhiệm vụ đặc trách như vậy, là người thừa hành pháp luật, đảm trách thi hành án tử tội, họ cũng có những tâm lý, suy nghĩ rất riêng. Bởi thế, nhiều lần tìm gặp những chiến sĩ Cảnh sát từng cầm súng thi hành án tử hình, câu chuyện của họ chứa đựng nhiều diễn biến tâm lý.

Tôi gặp Trung tá Nguyễn Doãn Phác khi anh đã có thâm niêm trên 10 năm khoác áo lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp (CSBV và HTTP) với gần chục lần vác súng ra pháp trường thi hành tử tội. Những câu chuyện phía sau tiếng súng ở pháp trường luôn dai dẳng, mỗi một lần thi hành bản án tử hình là một diễn biến tâm lý khác nhau. Nhưng vượt lên tất thảy, đó là nhiệm vụ thừa hành pháp luật mà những người cầm súng thi hành án phải có bản lĩnh vững.

Năm 1993, bấy giờ Nguyễn Doãn Phác là lính CSCĐ thuộc Phòng CSBV và HTTP, Công an Hà Tĩnh (nay là Phòng Cảnh sát bảo vệ). Anh được lệnh cùng một số chiến sỹ trong đơn vị thi hành án tử hình tên Nguyễn Văn Hùng. Hùng nguyên là lính sỹ quan biên phòng, do quan hệ yêu đương không đúng quy định, bị chỉ huy đơn vị nhắc nhở, sinh ra thù ghét. Hắn lợi dụng sơ hở, lấy trộm súng của đơn vị rồi điên cuồng bắn chết 2 người, trong đó có 1 sỹ quan cùng đơn vị và làm trọng thương 1 người khác, bị các cấp toà sơ thẩm, phúc thẩm kết án tử hình, Chủ tịch nước bác đơn ân xá. Đó cũng là vụ đầu tiên, Nguyễn Doãn Phác trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt như vậy.

Tử tù viết thư trước khi ra pháp trường.

"Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ cầm súng thi hành án tử hình, lại đang tuổi thanh niên chưa có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết xã hội, nhiều diễn biến tâm lý trong tôi" - anh kể.

Những năm khoác trên mình màu áo Cảnh sát, Phác không ngại ngần trong bất kỳ vụ việc nào, từ chuyện lao xe máy, đánh gục tên cướp giật trên đường phố đến những lần đối mặt thách thức, đột nhập vào nhà, đá văng con dao phay trên tay kẻ côn đồ chém vợ. Hiểm nguy từng trải, nhưng chưa bao giờ thực thi nhiệm vụ như thế này. Nhưng trong lực lượng vũ trang, mọi thứ phải tuân thủ quy định và công việc nào cũng đòi hỏi bản lĩnh. Thi hành bản án tử hình đối với tử tội, những người lính Cảnh sát càng phải chứng tỏ điều đó.

"Sáng mai, khoảng canh 3, xe của đội thi hành án sẽ dong thẳng ra pháp trường. Mỗi chiến sỹ thi hành lệnh bắn trong trang phục mũ sắt, quần áo Cảnh sát, khoác một khẩu AK cùng các băng đạn"- anh Phác cho biết.

"Đêm đã chuyển canh, tôi vắt tay lên đầu hình dung cảnh giương súng ở pháp trường. Khi còn nhỏ, tôi vẫn nổi tiếng nghịch ngợm. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình lớn lên sẽ làm lính Cảnh sát thi hành bản án tử hình như vậy. Nhiều suy nghĩ đan xen. Nhưng rồi tôi nghĩ, bắn một kẻ tội đồ, tước bỏ hắn khỏi đời sống xã hội là nhiệm vụ pháp luật giao phó, để người dân thấy nhẹ lòng như loại bỏ được khối u ác độc tồn tại lâu nay trong cơ thể. Bởi vậy, dù nhiệm vụ thử thách bản lĩnh, nhưng làm được điều đó có nghĩa mình góp phần đảm bảo sự công minh của pháp luật, tất là điều cần thiết"… Trôi theo dòng suy nghĩ ấy, anh choàng dậy vận động rắn chắc cánh tay, chuẩn bị đảm nhận nhiệm vụ vào rạng sáng mai...

Nhiệm vụ thi hành bản án vào sáng mai là kẻ tội đồ mà anh em Cảnh sát không hề lạ mặt. Nhiều chiến sỹ CSCĐ từng xốc nách, khoá tay dẫn hắn vào phiên toà, rồi áp tải lên xe. Có lần bảo vệ phiên toà sơ thẩm, ngồi cạnh bị cáo Hùng, hắn cứ nhìn chằm chằm vào Phác không nói câu gì. Mắt bị cáo đỏ nhừ, Phác nhìn, hắn cũng nhìn, cả hai thinh lặng. Phác hiểu, hắn đang tư duy điều gì bởi chỉ cách đó mấy tháng, Hùng cũng mang quân hàm sỹ quan, cấp bậc còn cao hơn Phác. Cũng đứng trong hàng ngũ và học những điều quân lệnh cấm. Nhưng giờ hai người đã khác hẳn nhau. Hùng đã gây ra hành vi phạm pháp nghiêm trọng, là kẻ tội đồ, pháp luật không dung thứ. Chủ tọa phiên toà tuyên án tử hình, kẻ dùng súng bắn chết đồng đội quỵ xuống, Phác mau lẹ xốc nách buộc bị cáo phải đứng dậy cho đến khi phiên toà kết thúc.

Rồi tại phiên toà phúc thẩm, một lần nữa Phác lại nhận nhiệm vụ áp giải tên tội phạm vào tòa. Lần này, anh cũng ngồi cạnh Hùng. Tay bị cáo bấm còng số 8, đứng bất thần trước vành móng ngựa. Hắn vẫn cái nhìn đỏ nhừ như trước. Dù chưa bao giờ hỏi nhau một câu gì, nhưng Phác hiểu, tên tử tội cũng có suy nghĩ nào đó sau những lần giáp mặt nhau, ngồi cạnh ở hai tư thế khác biệt trong phiên toà. Sau phiên phúc thẩm, Phác và đồng đội lại áp giải tên tội phạm ra xe thùng đã chờ sẵn trước sân tòa. Mọi động tác đều rắn chắc, mau lẹ.

Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm. Sau thời gian chờ thi hành án, ngày mai sẽ là ngày cuối cùng của tử tội. Và ngày mai, chính anh lại giương khẩu súng thực thi nhiệm vụ pháp luật. Chưa bao giờ ở vào hoàn cảnh vậy. Một cảm giác rất lạ, dù không phải sợ, không phải lo lắng. Nhưng tâm lý có lúc căng thẳng…

Thời gian chuyển dần về sáng, mệnh lệnh sắp thực thi. Có tiếng còi rú phía đầu sân. Tất cả chiến sỹ thuộc Đội CSCĐ được giao nhiệm vụ bắn kẻ tử tội nhanh chóng có mặt, xếp hàng ngay ngắn. Họ cẩn thận kiểm tra, lau chùi súng một lần nữa rồi cho vào thùng dong thẳng ra pháp trường.

Pháp trường Thạch Ngọc trời tờ mờ, trông xa không rõ mặt người. Hừng đông không lộ sáng bởi những đám mây đen vần vũ phía xa. Tên tử tội đã được anh em quản lý trại giam cho dựa cột, bịt mắt. Hội đồng thi hành án đã có mặt đủ. Mệnh lệnh thi hành án bắt đầu. Cả pháp trường thinh lặng. Tử tội bị trói chặt chân tay vẫn cố sức gượng gạo. Phác nâng súng hướng vào điểm ngắm. Mệnh lệnh vang lên. Bỗng từ phía cột, vọng lên 3 tiếng "vĩnh biệt, vĩnh biệt, vĩnh biệt". Ba loạt đạn đồng thanh, kẻ ác bị loại bỏ. "Nhưng tại sao ngay trước khi bắn, tên tử tội còn kịp kêu 3 tiếng "vĩnh biệt"? Nguyễn Doãn Phác nhớ lại, đó cũng là vụ duy nhất trong nghiệp cầm súng bắn tử tù của anh xảy ra chuyện bị án kêu trước lúc bị hành quyết.

Thi hành xong bản án, khác hẳn với cảm giác ban đầu, tất thảy đều nhẹ nhõm như trút bỏ được cái gai bức bách trong mình. Một cái ác bị loại bỏ cũng nhằm răn đe những kẻ khác. Nhưng cũng có người cho rằng, thực thi nhiệm vụ như vậy ở pháp trường có thể bị ám ảnh. Có lúc, nằm bên vợ, anh trầm ngâm nghĩ những điều mà không thể nói với người bạn đời. Phụ nữ yếu bóng vía, rất có thể những việc như vậy gây ảnh hưởng nếu tư tưởng không tốt.

Cuối tuần đó, anh về thăm mẹ. Phác không kể những gì mình đã làm với vai trò người thừa hành pháp luật, bắn hạ kẻ tử tội. Nhưng anh muốn biết người đời coi hành động đó ngoài chuyện thi hành pháp luật là thế nào? Mẹ anh nhận ra những điều băn khoăn trong con trai mình, bà trở lại với những câu chuyện từng răn bảo cái ngày tiễn con lên đường làm nhiệm vụ mới:

"Ở đời có kẻ ác, người hiền. Ta ăn ở có trên dưới với người hiền, ắt là mình sống theo lẽ phải, theo cái đạo. Còn cái ác phải đấu tranh, ai giúp được dân loại trừ cái ác cũng chính là làm tốt lên cái lẽ phải vậy. Những kẻ phạm trọng tội, là kẻ thù của nhân dân, pháp luật không dung thứ, buộc phải loại chúng ra khỏi đời sống xã hội. Việc bắn bỏ chúng cần có bản lĩnh, cũng như ta nã súng vào quân thù trước đây, tức là để cứu nước cứu dân. Làm được cái việc mà nhiều người không thể, giúp nước, giúp dân thì phải lấy đó làm điều đáng trân trọng..." - những lời của mẹ như thắp lên ý chí và sự tự tin khác thường. --PageBreak--

Trôi qua cảm giác tâm lý những ngày đầu cầm súng làm nhiệm vụ pháp luật giao phó, tư tưởng, ý nghĩ của anh vượt lên những do dự vốn tiềm ẩn ở mỗi con người. Sau này Trung tá Nguyễn Doãn Phác đã là tay ngắm súng, siết cò đầy bản lĩnh nơi pháp trường. Những lần thi hành án có anh, cả đội đều rắn chắc tay súng, tự tin với việc mình làm. Có năm, anh tham gia đến 3 lần thi hành án tử hình.

Trong đó, có việc thi hành 6 án tử hình trong vụ buôn bán ma tuý xuyên quốc gia do tên Đồng Sỹ Sơn cầm đầu. Ít có vụ xử bắn nào lại có mặt nhiều tử tội đến vậy. Nhưng để bắn cùng một lúc 6 tên tử tù phải cần tới 18 chiến sỹ Cảnh sát, 18 khẩu súng. Đây quả là nhiệm vụ khó khăn. Phải huấn luyện cho được 18 gương mặt đủ bản lĩnh nổ súng.

Theo quy định, những người cầm súng thi hành án tử hình trong nhà phải không có tang, vợ không chửa đẻ. 18 tay súng tuyển chọn đều lính trẻ, luyện tập bài bản, thực hành các thao tác từ nhận lệnh, giương súng ngắm bắn, làm sao đảm bảo chuẩn xác, cứ 3 chiến sĩ bắn 1 tử tội. Nhưng quan trọng là tâm lý khi cầm súng nhằm vào kẻ tử tội, bởi rất nhiều chiến sỹ lần đầu tham gia.

Bấy giờ Nguyễn Doãn Phác được giao nhiệm vụ tập hợp hàng ngũ, triển khai mệnh lệnh. 18 tay súng đứng thành hàng ngang, đồng loạt lên đạn nhằm thẳng 6 chiếc cột trói 6 tử tù. Mờ sáng hôm đó, đội thi hành án dong thẳng ra pháp trường. Hội đồng thi hành án hoàn tất các thủ tục cần thiết. Mệnh lệnh vang lên: "Mục tiêu 6 tên tội phạm nguy hiểm, là kẻ thù của nhân dân, 3 loạt đạn nhằm thẳng tên tội phạm, bắn!". Kết thúc ba loạt đạn, 6 đội trưởng tiến về phía trước, chặt dây trói...

Đều phải ra pháp trường dựa cột, nhưng mỗi kẻ phạm trọng tội khác nhau ắt tâm lý của người thi hành án tử hình cũng mang những sắc thái riêng. Những kẻ gây trọng án với tính chất côn đồ, hung ác, giết người không chùn tay, việc bắn hạ chúng thường diễn ra với tâm lý tự tin.

Anh nói, vụ tên Duy đặt mìn sát hại 4 người trong gia đình Phó Công an xã Hoàng Đình Kỳ (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thì ngay từ khi bắt, áp tải hắn về nơi giam giữ, anh đã sục sôi. Người dân căm phẫn, yêu cầu các cơ quan tố tụng xử nghiêm kẻ tội đồ. Khi chọn người xử bắn, chính Phác đã xung phong chỉ huy đơn vị cho phép được cầm súng bắn hạ.

Ngày khoác súng ra pháp trường, anh chỉ chờ đến thời khắc nã súng vào tử tội. Kết thúc ba loạt đạn, anh thấy lòng nhẹ tênh, tự hào với nhiệm vụ pháp luật giao phó, xoá bỏ được cái gai độc địa trong đời sống xã hội. Anh em trong đội thi hành án cũng hết sức thoải mái tâm lý, tự tin tay súng.

Với tội phạm buôn bán cái chết trắng, chiểu theo Bộ luật hình sự, nếu buôn bán từ 100 gam heroin là có thể phải dựa cột. Những kẻ liều chết, mù quáng vì đồng tiền đã bất nhẫn cả cuộc sống, vì cái lợi riêng của mình mà gieo rắc cái chết cho hàng thế hệ, buôn bán hàng tạ heroin. Pháp luật loại chúng ra khỏi đời sống, những chiến sĩ Cảnh sát nhắm súng ở pháp trường cũng vì thế cảm thấy tự tin, nhẹ lòng khi nã súng thực thi nhiệm vụ.

Sau lần cùng đồng đội nổ súng bắn hạ 6 tên tử tù trong đường dây ma tuý xuyên quốc gia nói trên, anh và đồng đội thêm hiểu rằng, mình đã giúp nhân dân loại bỏ kẻ thù nguy hiểm, đó cũng là những tiếng súng cảnh báo với người đang sống phải biết đi đúng ranh giới mà pháp luật cho phép, chớ làm điều trọng tội hại dân.

Nhưng cũng có kẻ phạm tội trong phút giây đánh mất khả năng làm chủ, trở thành kẻ hung hãn ghê rợn. Có kẻ xưa kia ngoan hiền, bạn đánh chỉ biết la thầy, ấy vậy mà sau này cũng phạm trọng tội? Có kẻ chỉ đến khi ra pháp trường, lương tri mới được thức tỉnh. Một sự thức tỉnh quá muộn. Đó là bài học giữ cái thiện trong mọi hoàn cảnh, và càng không thể đánh mất mình vì bất kỳ lý do gì. Nếu những kẻ đang có ý tưởng đi ngược lại điều thiện chí nếu biết lấy sự sám hối muộn mằn của kẻ dựa cột để làm gương soi chính mình thì hẳn các anh rảnh rang hơn trong thực thi nhiệm vụ.

Với mỗi tử tù sau ngày ra pháp trường, bài học gửi lại là lời răn với chính người đang sống, đó là ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật, đừng biến mình thành kẻ phạm pháp, huống hồ là tội đồ. Trực tiếp cầm súng trước pháp trường, mỗi chiến sĩ Cảnh sát đều phải đứng trên cương vị người bảo vệ, thừa hành pháp luật và mang sắc thái, bản lĩnh của cương vị đó. Tạo được bản lĩnh này hoàn toàn không phải dễ dàng có được.

Trong những năm qua, việc thi hành án tử hình được lực lượng CSBV và HTTP Công an các địa phương thực thi nghiêm túc, đảm bảo yêu cầu và không để xảy ra sự cố. Tâm lý băn khoăn thường xảy ra với các chiến sĩ Cảnh sát trẻ, lần đầu được giao nhiệm vụ. Do chưa quen với công việc nên đó là thời gian họ có nhiều tâm tư, suy nghĩ. Tuy nhiên, sau khi đã làm tốt công tác tư tưởng, khẳng định việc thi hành án tử hình là thừa hành pháp luật, loại bỏ kẻ ác, về sau tất cả các chiến sĩ thi hành án kẻ tử tội đều thể hiện tâm lý vững vàng, thực thi nhiệm vụ một cách tự tin.

Tại Hà Nội, trường bắn Cầu Ngà là nơi thi hành án nhiều tử tội, trong đó có bị án trong các vụ án gây xôn xao dư luận một thời. Lực lượng thi hành án thuộc Phòng CSBV và HTTP Công an TP Hà Nội đảm trách việc thi hành án các tử tội tại pháp trường Cầu Ngà cũng có nhiều chuyện ghi lại sau mỗi lần thi hành án.

Họ phần lớn là những chiến sĩ trẻ, trải qua thời gian tôi luyện trong lực lượng nên đã quen với công việc chuyên môn thường ngày là dẫn giải bị cáo ra tòa, dẫn giải bị cáo từ tòa về trại tạm giam. Lực lượng canh giữ bị án thuộc các trại tạm giam, còn việc thi hành án tử hình thì nhiều người trong số đó đã từng áp giải bị cáo ra tòa nên không lạ mặt kẻ tử tội.

"Tôi từng áp giải tử tội Vũ Xuân Trường trong những ngày tòa xét xử. Sau này, tôi cũng được giao nhiệm vụ thi hành án kẻ tử tội này. Trái với suy nghĩ nhiều người là lo ngại khi cầm súng, chúng tôi đều cảm thấy tự tin vì đối tượng đã gây ra tội ác khiến nhân dân hết sức căm phẫn, loại bỏ chúng ai cũng thấy nhẹ lòng" - một chiến sỹ thi hành án tử hình tên Vũ Xuân Trường kể.

Nhắc lại việc thi hành tử tù Vũ Xuân Trường và các bị án trong vụ án gây sốc dư luận một thời, những chiến sĩ thi hành án cũng chứng kiến có tử tù đến phút ra pháp trường còn nói tỉnh bơ: "Hôm nay ta đi, giá mà có cả các em đi cùng". Nhưng đó là những câu nói cá biệt vì hầu hết đều ủ rũ khi đối diện giây phút đón nhận cái chết ở pháp trường.

Pháp trường Cầu Ngà cách trung tâm TP Hà Nội gần 30km. Bình thường, trường bắn để hoang vu, chỉ cỏ mọc và lối đi lại yên ắng. Khi không diễn ra việc thi hành án, lực lượng Cảnh sát đến đây để thực hiện các bài bắn từ bắn bia cố định 100m bằng súng AK đến bắn súng K59, K54 ở khoảng cách 25m, bắn bia di động...

Những người lính trẻ ở Phòng CSBV và HTTP Công an TP Hà Nội trước đây cũng quen với con đường độc đạo dẫn vào cổng pháp trường Cầu Ngà, nhiều người như chiến sĩ K., L... đã có thâm niên khoác súng xử hàng chục kẻ tử tội.

Có chiến sỹ kể, trước khi nhận lệnh thi hành án tử tội, anh em phải chuẩn bị tư tưởng, tâm lý thật tốt, tránh các áp lực tâm lý trong thời gian trước, trong khi thực thi nhiệm vụ. Việc chuẩn bị tâm lý này nhằm đảm bảo khi trực tiếp thi hành án không bị căng thẳng thần kinh, tâm lý phải ổn định để khi cầm súng phải bắn trúng đích.--PageBreak--

Thường để chuẩn bị dẫn giải tử tội ra pháp trường trong rạng sáng ngày hôm sau thì đêm trước đó, anh em CSBV và HTTP cùng đội công binh mang dụng cụ ra pháp trường tiến hành rà mìn, đảm bảo an toàn trong và khu vực xung quanh trường bắn. Sau đó, các lực lượng bảo vệ phải canh giữ an toàn tuyệt đối cho đến khi bản án thi hành xong. Lực lượng CSCĐ sẽ đảm nhiệm giữ gìn an ninh xung quanh khu vực trường bắn, ngăn ngừa các hành vi xấu từ bên ngoài.

Tôi cũng hỏi những người thi hành án tử hình, vì sao các bản án lại được thi hành vào lúc rạng sáng? Có quan niệm gì? Chưa có một sự giải đáp khoa học, nhưng đây cũng là quan niệm dân gian khi cho rằng thời điểm rạng sáng, giao thoa giữa bóng tối và ánh sáng, kẻ tử tội ra đi vào lúc đó thì sang thế giới bên kia hy vọng sẽ rũ bỏ được tội đồ. Bắn bỏ tử tội thời điểm này, dân gian cũng mong muốn các tội ác sẽ tan theo bóng đêm, nó sẽ không còn khi bình minh đến. Hai giờ sáng là thời điểm tử tù được đánh thức từ trại tạm giam. Nhưng thông thường chẳng tử tù nào ngủ trong đêm đó khi biết mình sắp dựa cột nên tất thảy cũng thức trắng từ hôm trước. 

Tại Phòng CSBV và HTTP Công an Hà Nội trước đây, có những người đến nay đã có thâm niên trên 20 năm cầm súng tại pháp trường Cầu Ngà với hàng chục lần xử bắn tử tội. Việc làm nhiều nên quen, về sau cứ được giao nhiệm vụ là đi ngay, không có nề hà, băn khoăn gì.

Thượng sĩ Khánh, chiến sĩ trực tiếp thi hành án tên Phạm Văn Châu, kẻ hung hãn nổ súng cướp tiệm vàng Kim Sinh, gây ra cái chết tới 4 người kể, dạo đó, dư luận cực kỳ căm phẫn kẻ mất hết nhân tính, việc xét xử kẻ tội đồ cũng được các cơ quan tố tụng thực hiện khẩn trương. Trước khi thực thi nhiệm vụ, có người còn gặp Thượng sĩ Khánh bảo rằng, ai chứ tên Châu thì "Nếu chú được giao đi bắn, cứ lắp đạn vào bắn nát thân nó ra cho hả giận".

Người dân căm phẫn vậy, anh em khi thực hiện, nhằm kẻ tử tội với những phát súng chắc chắn, đầy tự tin. 3 loạt đạn vang lên rồi, tất thảy đều nhẹ lòng, cảm thấy mình vừa làm điều mà người dân đang chờ đợi... Nhưng việc cầm súng ở thời khắc như vậy, không phải ai cũng đủ tự tin. Đã có chiến sĩ dù trước khi "vào trận" đã tự nhắc mình phải vững vàng, nhưng khi nhắm súng cũng có tác động tâm lý nên bắn chưa chuẩn dù khoảng cách bắn không quá xa. Tuy nhiên, những đồng đội đứng cạnh đã kịp hoàn thành nhiệm vụ với các loạt súng đồng thanh.

Với anh em CSBV và HTTP thi hành án tử hình, những kẻ tội đồ trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận suốt thời gian dài thì dấu ấn pháp trường cũng rất đáng nhớ. Thi hành án tử hình Năm Cam là ví dụ.

Còn nhớ, sau buổi thi hành án tử hình Năm Cam, ông Phan Tánh, Phó Chánh án TAND TP HCM kể lại với một phóng viên rằng, buổi sáng ra pháp trường, Năm Cam nhận thức tội đồ của mình gây ra và hý hoáy viết lá thư cuối cùng. Lá thư với nội dung sám hối, xin lỗi muộn mằn sau chuỗi ngày gây tội ác, sau này được tòa án chuyển lại cho cô con gái Năm Cam đang cắt tóc đi tu. Một kẻ tội đồ bị kết án tới 7 tội danh, 2 trong số đó bị tuyên tử hình thì "trời không dung, đất không tha". Ra pháp trường cùng với Năm Cam còn có 4 đệ tử là Châu Phát Lai Em, Nguyễn Hữu Thịnh, Nguyễn Việt Hưng, Phạm Văn Minh. Có lẽ các bị án hiểu rõ tội ác mình gây ra nên trong thời khắc ra pháp trường, cả 5 bị án đều không quá sốc trong những bước đi cuối cùng.

Kể chuyện thi hành án tử tội, tôi hỏi những người vợ của các chiến sĩ CSBV và HTTP. Vợ của anh Phác thì bảo, hồi đầu, thấy chồng khoác áo đồ đi lúc nửa đêm, hỏi chỉ đáp rằng đi trực, đến trưa hôm sau mới về. Mãi sau, chị mới hiểu công việc của chồng. "Ban đầu tôi suy nghĩ nhiều, băn khoăn về cái nghề chồng mình làm và có những đêm nghĩ miên man không chợp mắt nổi. Nhưng về sau, tôi hiểu rằng đó là việc làm đặc biệt và rất đáng trân trọng" - chị nói. Nhất là những vụ xử tử kẻ mất nhân tính, giết người không ghê tay, chính những người vợ cũng dần tỏ ra bản lĩnh và trở thành hậu phương tâm lý cho chồng thực thi nhiệm vụ.

Trên thế giới, hình phạt tử hình có từ lâu đời và được áp dụng với nhiều hình thức. Thời phong kiến, khi bị buộc tội chết, người phạm tội có thể bị bắt uống thuốc độc hoặc bị chém đầu. Trong trường hợp chém đầu sẽ do "đao phủ" thực hiện hoặc thi hành bằng máy chém. Một số nơi thi hành kiểu trung cổ như buộc sau thân ngựa kéo lê trên sỏi đá cho đến chết hoặc trói chặt cho voi giày. Mục đích việc tử hình nhằm trừng trị kẻ phạm tội, đồng thời răn đe những người khác nhằm phòng ngừa chung. Ngày nay, pháp luật ở nhiều nước vẫn duy trì hình phạt tử hình đối với các tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên thế giới áp dụng 5 phương pháp xử tử hình chính: treo cổ, xử bắn, ghế điện, phòng xông hơi ngạt và tiêm thuốc độc. Trong các phương pháp này thì treo cổ có từ xa xưa, dễ thực hiện, ít tốn kém, không gây đau đớn kéo dài cho người bị xử tử. Xử tử bằng ghế điện được áp dụng từ năm 1890 bởi Edwin Davis, một thợ điện của nhà tù Auburn (New York). Đây được coi là phương pháp khoa học, gây cái chết nhanh hơn với tử tội, áp dụng lực ngoại lai. Tuy nhiên, một số cuộc thi hành án tử hình bằng phương pháp này khiến tử tội bị biến thành than như cuộc xử tử bị án Pedro Medina ngày 25/3/1997 tại Mỹ. 

Phương pháp xử tử bằng phòng xông hơi ngạt được áp dụng phổ biến từ sau đại chiến thế giới 1 do nhiều nước sử dụng chất độc hóa học. Thông thường, phạm nhân được trói cố định trong phòng kín, trên một chiếc ghế, sau lực lượng thi hành án dùng vòi từ xa rót vào chảo dung dịch chứa chất độc khiến tử tội ngạt thở mà chết. Phương pháp tiêm thuốc độc hiện áp dụng ở nhiều bang tại Mỹ. Bang California áp dụng việc tiêm thuốc độc vào tĩnh mạch tử tội. Tuy nhiên, một số ngoại lệ cũng đã xảy ra như một số tử tội do nghiện ma tuý quá nặng, khi tìm tĩnh mạch để tiêm thuốc độc thì tĩnh mạch rất khó tìm hoặc bị vỡ...

Phương pháp xử bắn hiện đang được áp dụng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Cách này cũng có từ lâu, trước đây là xử bắn bằng cung tên, từ thế kỷ thứ XVII chuyển sang dùng súng. Mỗi nước có cách áp dụng xử bắn khác nhau nhưng đều phải có một đội thi hành lệnh bắn.

Theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và các văn bản liên quan thì sau khi tòa tuyên án tử hình có hiệu lực pháp luật, người bị kết án có 7 ngày làm đơn xin ân xá gửi Chủ tịch nước. Hồ sơ vụ án cũng được chuyển tới Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và trong thời hạn 2 tháng, các cơ quan này kiểm tra lại lần cuối để đảm bảo bản án tử hình là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, xem xét có kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hay không.

Nếu không có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và tử tù có đơn xin ân xá gửi Chủ tịch nước thì Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao có tờ trình gửi Chủ tịch nước, nêu ý kiến của mình về đơn xin tha tội chết của tử tội. Nếu Chủ tịch nước bác đơn ân xá, việc thi hành án tử tội sẽ được thực thi.

Hội đồng thi hành án tử hình gồm đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật: Công an, Viện Kiểm sát, Toà án, Thi hành án. Trong đó, một đội Cảnh sát thuộc lực lượng CSBV và HTTP được giao nhiệm vụ trực tiếp cầm súng thi hành án tử hình. Bị án bị trói vào cột, bịt mặt, người thi hành án đứng cách xa khoảng 6 - 9m, đồng loạt nổ súng khi có lệnh. Lực lượng này đều là những người được tuyển chọn tốt sức khoẻ, vững về tâm lý, không chịu áp lực.

Luật thi hành án hình sự vừa được Quốc hội thông qua tháng 6 vừa qua đã có sửa đổi quan trọng: thay thế hình thức thi hành án tử hình từ bắn sang tiêm thuốc độc. Theo lý giải của các nhà làm luật, việc thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn đã áp dụng lâu nay nhưng bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có vấn đề tâm lý đối với Cảnh sát được giao nhiệm vụ thi hành. Như những ghi nhận trong phần trên, rõ ràng áp lực tâm lý đối với Cảnh sát là có, nhất là những người chưa quen công việc. Chỉ có những người bản lĩnh vững và đủ "chất thép" mới thực hiện nhiệm vụ một cách bình thường. Việc thay thế bằng hình thức tiêm thuốc độc cũng được áp dụng ở nhiều nước, được cho là hình thức tiên tiến và hình thức này cũng không gây huỷ hoại thể xác tử tội như xử bắn. 

Một kẻ bị pháp luật tước bỏ quyền được sống thì người đảm nhận trực tiếp thi hành án tử với kẻ đó là người đại diện cho nhân dân thực thi công lý, để tội ác được rũ bỏ. Vì vậy, việc làm của họ là đáng trân trọng

Đăng Trường
.
.
.