Biệt động Sài Gòn - những câu chuyện từ quá khứ đến hiện tại

Thứ Năm, 22/07/2010, 15:27
Suốt 30 năm qua, bộ phim "Biệt động Sài Gòn" vẫn là một trong những bộ phim thành công nhất của điện ảnh Việt Nam, được bao thế hệ khán giả yêu thích. Chính vì vậy, khi đạo diễn Long Vân - người mà tên tuổi đã gắn với bộ phim "Biệt động Sài Gòn" quyết định thực hiện "Những đứa con biệt động Sài Gòn" - được coi như phần 2 của "Biệt động Sài Gòn", thì ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý của dư luận.

Trong buổi trò chuyện với phóng viên chuyên đề CSTC, ông đã chia sẻ những tâm sự với độc giả nỗi lòng của một người thực sự tâm huyết và gắn bó với điện ảnh Việt Nam nói chung và đề tài về những người lính biệt động Sài Gòn nói riêng.

PV: Thưa đạo diễn, tên tuổi ông từng gắn với nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó "Biệt động Sài Gòn" được coi như bộ phim để đời, với số lượng khán giả đến rạp được xếp vào bậc nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Vậy lý do nào, ở tuổi này, khi đang phải đấu tranh với bệnh tật, ông lại có ý định tiếp tục theo đuổi đề tài về biệt động Sài Gòn?

ĐD Long Vân: So với thời điểm khi làm phim "Giải phóng Sài Gòn" cách đây mấy năm thì tôi bây giờ yếu lắm rồi, ngay cả việc đi lại cũng khó khăn, trong người hàng trăm thứ bệnh. Thời gian trước khi nảy ra ý tưởng về bộ phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn", cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh việc đi tập thể dục rồi ngày ngày về ăn cơm vợ nấu. Nhưng có một lần, một vị lãnh đạo cấp cao của Bộ Công an tâm sự với tôi rằng: "Đã có rất nhiều bộ phim làm về đề tài Công an, nhưng chưa có bộ phim nào khiến tôi ưng ý, bởi chúng hoặc là cường điệu, hoặc là chưa lột tả được bản chất công việc của người chiến sĩ Công an. Chưa có bộ phim nào xây dựng thành công chân dung về người chiến sĩ Công an chúng tôi trong thời bình".

Sau đó, vị lãnh đạo này đã đề nghị tôi làm một bộ phim để có thể khái quát lại toàn bộ những đóng góp của lực lượng Công an cho đất nước từ năm 1975 đến giờ, vẽ chân dung người chiến sĩ Công an bằng ngôn ngữ điện ảnh. Được sự tin tưởng đó, tôi bắt  đầu suy nghĩ về việc thực hiện bộ phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn", lấy câu chuyện về những đứa con biệt động đang công tác trong lực lượng Công an, bảo vệ sự bình yên của nhân dân trong thời bình. Tôi muốn xây dựng hình ảnh những người Công an thực sự, chỉn chu, nhưng cũng rất đời thường và gần gũi với nhân dân, chứ không thiếu thực tế như những bộ phim khác về đề tài Công an.

PV: Điều đó có nghĩa là ông tự tin khẳng định rằng, hình ảnh người Công an trong bộ phim của mình sẽ được xây dựng kỹ lưỡng, thực sự vẽ lên một bức chân dung sống động về người chiến sĩ Công an?

ĐD Long Vân: Việc hình ảnh người chiến sĩ Công an trong phim tôi có thành công hay không, có gần gũi hay không, cái đó phải để khán giả khi xem phim xong sẽ tự cảm nhận, tự phát biểu. Nhưng tôi chỉ nói thế này, tôi vốn nổi tiếng khó tính và kỹ càng, nên trong việc xây dựng chân dung người chiến sĩ Công an cũng vậy, tôi cũng kỹ càng đến từng chi tiết.

Đã làm là phải thật. Người chiến sĩ Công an ngoài đời chỉn chu như thế nào thì trong phim tôi cũng sẽ chỉn chu như thế. Các diễn viên đóng nhân vật Công an trong phim tôi mặt mũi nhất định phải sáng sủa, dáng dấp cao ráo, tóc tai gọn gàng, không râu ria xồm xoàm. Cảnh phục mặc trong phim cũng là cảnh phục do Công an cho mượn. Súng đạn, xe cộ, chúng tôi đều đề nghị mượn của ngành Công an, để cho bộ phim được sống động, chân thực. Ngay cả người viết kịch bản phim cũng là một Đại tá Công an, nên chắc chắn, các chi tiết về chuyên môn, nghiệp vụ sẽ không bị "hớ" như nhiều bộ phim trước đây.

PV: Như vậy có nghĩa là làm bộ phim này, ông được sự ủng hộ rất lớn của Bộ Công an?

ĐD Long Vân: Tuy không thể giúp đỡ về kinh phí làm phim, nhưng Bộ Công an đã thực sự ủng hộ chúng tôi trong việc hỗ trợ bối cảnh, đạo cụ, trang phục cho diễn viên tham gia trong phim. Tôi sẽ không gặp phải những khó khăn khi cần thực hiện những cảnh quay của phim đòi hỏi bối cảnh trong trụ sở Công an. Chẳng hạn như nếu tôi cần quay trong trại giam, hay trong trụ sở Công an, trong các trường đào tạo sĩ quan, thì đều được Bộ Công an tạo điều kiện tuyệt đối. Tôi có thể nói như thế này, nếu không có sự ủng hộ của Bộ Công an, thì tôi khó lòng làm bộ phim này.

Đoàn phim "Biệt động Sài Gòn" chụp ảnh lưu niệm với những chiến sĩ biệt động ngoài đời thực.

"Biệt động Sài Gòn" với tôi là định mệnh

PV: Làm bộ phim "Biệt động Sài Gòn", ông lấy chất liệu từ những người lính biệt động ngoài đời thực. Vậy chất liệu của bộ phim về đề tài những đứa con của người lính biệt động, ông lấy từ đâu?

ĐD Long vân: 30 năm qua, tất cả khán giả của điện ảnh Việt Nam đều biết những Tư Chung, Ngọc Mai, ni cô Huyền Trang đã để lại hình ảnh đẹp như thế nào về những người lính biệt động trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Chính vì vậy, ý nghĩ về những người con của biệt động Sài Gòn đã kế tục truyền thống vẻ vang của cha mẹ như thế nào trong thời bình thực sự khiến tôi hứng khởi. Bởi tôi tin, những đứa con đó, dù không sống trong thời chiến, nhưng sẽ giữ được những tố chất, những tính cách tốt đẹp của bố mẹ chúng, những người lính biệt động mà sự can đảm, kiên cường đã ăn sâu vào máu.

Để bộ phim của mình thực sự có ý nghĩa, cũng để tìm chất liệu và cảm xúc cho việc xây dựng nhân vật, tôi đã đi tìm lại những đứa con của các biệt động Sài Gòn ngoài đời thực. Tôi đã may mắn gặp con của đồng chí Bảy B (nguyên mẫu cho nhân vật Sáu Tâm trong phim). Đồng chí Bảy B đã mất, nhưng người con của Bảy B hiện đang công tác trong ngành công an đã thực sự kế tục được truyền thống vẻ vang của người cha. Gặp những người con biệt động đó, tôi có thêm niềm tin và động lực để thực hiện bộ phim này.

Hi sinh cho nghệ thuật, nên ngay cả cô con gái 15 tuổi cũng được Long Vân chuyển trường vào Sài Gòn 4 năm, chỉ để tham gia một vai phụ trong phim "Biệt động Sài Gòn".

PV: Trước khi khởi quay bộ phim này, được biết ông cũng đã đi tìm lại những người lính biệt động năm xưa. Đó là cách để ông hồi tưởng về quá khứ, hay là cách ông tạo ra cảm xúc cho việc làm phim của mình?

ĐD Long Vân: Tôi nghĩ là cả hai. Tôi đã đến CLB biệt động khu Sài Gòn - Gia Định, gặp rất nhiều người lính biệt động vẫn đang còn sống và sinh hoạt tại CLB. Tôi cũng gặp nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và chị gái Trương Mỹ Lệ. Họ đều là những người lính biệt động anh hùng trong chiến tranh. Tôi mừng vì ý tưởng làm bộ phim về những người con biệt động đã được họ ủng hộ nhiệt tình.

Ngay khi vào Sài Gòn để chuẩn bị thực hiện bộ phim này, việc đầu tiên tôi làm là đi tìm Đại tá Tư Chu - nguyên Phó Tư lệnh Biệt động Sài Gòn, cũng là nguyên mẫu cho nhân vật Tư Chung trong bộ phim "Biệt động Sài Gòn" của tôi. Buổi gặp đó thực sự khiến tôi xúc động. Tôi đã bỏ ra vài tháng trời, nhờ anh em đi dò hỏi khắp nơi và vận động đủ các mối quan hệ mới tìm được địa chỉ nhà riêng của Tư Chu.

Khi đến nơi thì được con gái Tư Chu thông báo ông ấy đã bị căn bệnh ung thư vòm họng hành hạ nhiều năm nay và đang nằm liệt giường, không nói được, cũng không cử động được. Khi tôi ngỏ ý xin gặp Tư Chu, con gái ông ấy nhất định không đồng ý, vì cô ấy bảo bố tôi ốm quá rồi. Không biết làm thế nào, tôi đã nói với con gái Tư Chu: Phiền cô hãy vào nhắn với Đại tá, là có đạo diễn Long Vân của phim "Biệt động Sài Gòn" đến xin gặp. Cô ấy vào và một lúc sau ra, nói là Tư Chu mời tôi vào. Gặp lại Tư Chu tôi vô cùng xúc động. Ông ấy đã vô cùng ốm yếu, nhưng vẫn cố gắng gượng hết sức mình để tiếp tôi.

Khi tôi nói với Tư Chu: "Tôi muốn làm phim về những người con của biệt động Sài Gòn", ông ấy đã gượng hết sức mình, run run giơ ngón tay cái lên để biểu tỏ sự hài lòng. Khi đó tôi nhận thấy ánh mắt ông ấy thay đổi hẳn. Nó sống động, không có dấu vết của bệnh tật, chỉ có biểu hiện của niềm vui. Tôi ngỏ ý xin Tư Chu một bức ảnh chụp ông ấy với nhiều huân huy chương nhất. Ông ấy ra hiệu cho con gái lấy album ảnh. Con gái lật cái ảnh nào cũng thấy ông ấy đeo huy chương, nhưng ông ấy đều lần lượt lắc đầu. Phải rất lâu sau, đến tấm ảnh gần như cuối cùng, ông ấy mới gật gật, ra hiệu bảo đưa cho tôi.

Điều đó khiến tôi vô cùng cảm động và thêm yêu quý ông ấy. Tôi nhớ khi tôi chào ông ấy ra về, ông ấy không nói được gì, không biểu hiện được gì. Ra đến cửa, tôi ngoái lại nhìn ông ấy một lần, nhận ra ánh mắt của Tư Chu dường như có nhiều điều muốn nói mà không thể nói. Tôi đứng đó nhìn, thấy tay ông ấy cứ nhúc nhích từng chút một.

Phải mấy phút sau, Tư Chu mới đưa được tay lên, tỏ ý vẫy tay chào tạm biệt tôi rồi bỏ xuống. Đó là cả một sự cố gắng phi thường. Tôi ra về, chợt nghĩ rằng biết đâu đó có thể là lần gặp cuối cùng của tôi và Tư Chu. Những người lính biệt động Sài Gòn năm xưa đều đã già. Nhiều người trong số họ đã không còn nữa. Tôi, người thực hiện bộ phim "Biệt động Sài Gòn" cũng chẳng mấy mà đi theo họ. Tôi biết mình cần phải làm điều gì đó, cụ thể là làm thật tốt bộ phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn", để hình ảnh đẹp về người lính biệt động và con cái họ sẽ mãi mãi được giữ lại bằng những thước phim nghệ thuật. Đó là mong ước lớn nhất của tôi.--PageBreak--

PV: Có cảm tưởng như "Biệt động Sài Gòn" như là một định mệnh của cuộc đời làm nghệ thuật của ông?

ĐD Long Vân: Tôi thực sự tin như thế. Ngày xưa, khi đang thực hiện bộ phim "Cho cả ngày mai", tôi tình cờ gặp Thiếu tướng Trần Hải Phụng (Tư lệnh Biệt động Sài Gòn - Bộ Tư lệnh biệt động thành). Thiếu tướng Hải Phụng đã đề nghị tôi làm một bộ phim về những người lính biệt động. Tôi thấy đề tài quá hay, mới xin ông ấy tư liệu về những người lính biệt động đã hi sinh, đồng thời nhờ ông ấy giới thiệu đến gặp những người lính biệt động còn sống.

Và  tôi đã được giới thiệu đến gặp Tư Chu, Bảy B, Năm Kè như một cái duyên định mệnh. Khi tôi gặp Tư Chu, ấn tượng của tôi là người đàn ông này hiền lành quá, không có vẻ sắc sảo của người có cái đầu được ngụy quyền Sài Gòn muốn lấy bằng mọi giá. Nhưng khi đọc những tư liệu, rồi nghe Tư Chu kể về những chiến công của ông ấy, tôi đã biết vì sao cái đầu của ông ấy được ngụy quyền Sài Gòn treo giá cao như vậy.

Làm bộ phim này, tôi đã hi sinh rất nhiều thứ và có nhiều kỉ niệm đáng nhớ trong suốt quá trình làm phim. Cô con gái 15 tuổi của tôi cũng được tôi chuyển trường từ Hà Nội vào Sài Gòn học mấy năm để tham gia một vai diễn phụ trong phim. Trước đó, nó đã nổi tiếng với nhiều vai diễn chính, đặc biệt là vai đứa con gái đầu lòng trong phim "Mẹ vắng nhà". Nên lúc đầu khi tôi đề nghị nó nhận vai phụ này, nó nhất định không chịu, tôi phải kì công thuyết phục mãi mới được. Trong phim có cảnh nó chui đầu vào thùng rắn, tôi cũng phải nịnh mãi nó mới nghe, vì nó là chúa sợ rắn. Sau này, vợ tôi biết chuyện đã trách tôi rất nhiều vì sự hi sinh cho nghệ thuật mà bà ấy cho là "hơi quá" của tôi. Nhưng tôi vui, vì thước phim đó thực sự đã để lại ấn tượng cho khán giả.

Sau này, những nhân vật chính trong phim "Biệt động Sài Gòn" đều đã trở thành những nhân vật điện ảnh nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam, bộ phim "Biệt động Sài Gòn" cũng thu được thành công vang dội. Tôi tự hào về điều đó và biết ơn số phận đã cho mình cơ duyên được đạo diễn bộ phim rất ý nghĩa này.

Đạo diễn Long Vân đến thăm Đại tá Tư Chu trước khi khởi quay bộ phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn".

"Tôi đang có một ê kíp làm phim thực sự tâm huyết với nghệ thuật"

PV: Thành công với "Biệt động Sài Gòn" như thế, ông kỳ vọng gì vào bộ phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn"?

ĐD Long Vân: Thành công của "Biệt động Sài Gòn" vừa là thuận lợi, vừa là áp lực. Bộ phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn" do tư nhân đầu tư. Với cơ chế bây giờ, với kiểu làm phim thị trường bây giờ, tôi không thể đòi hỏi sự cầu kỳ trong từng thước phim như khi làm "Biệt động Sài Gòn" 30 năm trước. 4 tập phim ngày ấy, tôi làm trong 4 năm. Mấy chục tập phim bây giờ, tôi chỉ được làm trong mấy tháng. Nên nếu "Biệt động Sài Gòn" được 10 phần, thì "Những đứa con biệt động Sài Gòn" đạt đến 7 phần, tôi cho đã là một sự thành công.

Nhưng ngày xưa tôi chỉ có một phó đạo diễn trợ giúp công việc, bây giờ tôi có thêm 3 đạo diễn cùng ê kíp làm việc với mình, tôi tin bộ phim sẽ được trau chuốt, chứ không cẩu thả, vội vàng. Tôi thực sự hy vọng bộ phim này sẽ không chỉ được khán giả trong nước đón nhận, mà còn bán được bản quyền ra các nước khác.

PV: Ông có chút mê tín nào không: Chẳng hạn như chọn ngày đẹp để bấm máy, hay thắp hương cho tổ nghề để cầu cho bộ phim được suôn sẻ?

ĐD Long Vân: Tôi quan tâm đến những vấn đề khác. Ví dụ như kịch bản đã tốt chưa? Diễn viên đã phù hợp chưa? Các cộng sự làm phim đã thực sự ăn ý với nhau chưa? Đó chính là cách "mê tín" của tôi. Đến thời điểm này, tôi hoàn toàn an tâm về các cộng sự, bởi ngoài 3 đạo diễn cùng tham gia thực hiện bộ phim này với tôi, tôi đã tìm được quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ cho bộ phim, đều là những người mà tôi vô cùng ưng ý.

Như quay phim của bộ phim này, anh ta đã từng tâm sự với tôi rằng anh ta muốn cùng tôi làm một bộ phim thực sự, không phải đơn thuần vì lợi ích tiền bạc mà vì một điều gì đó lớn lao hơn thế mà chúng tôi vẫn gọi là nghệ thuật thực sự. Cộng sự của tôi, họ đều là những người trẻ, kế tục sự nghiệp của bố mẹ và mơ ước được làm những điều lớn lao. Nó là một sự trùng hợp khá ý nghĩa, khi bộ phim chúng tôi làm cũng là câu chuyện về sự kế thừa truyền thống của những đứa con trong gia đình những người lính biệt động Sài Gòn.

Một điều nữa khiến tôi an tâm là những diễn viên tham gia bộ phim này, tuy còn trẻ, nhưng thực sự là những người tôi có thể chọn mặt gửi vàng. Họ có thể không nổi tiếng, nhưng họ yêu nghề. Thế nên, dù có thể diễn viên đó chưa có tên tuổi, nhưng nếu tôi nhìn ra tố chất của họ, tôi vẫn chọn. Tôi vẫn có một niềm tự hào nho nhỏ là nhiều diễn viên tên tuổi của điện ảnh Việt Nam như Lý Hùng, Thanh Mai, Quyền Linh, Thanh Thúy… đều là những diễn viên có những vai diễn đầu tay với tôi. Như vậy, có nghĩa là tôi đã làm được một điều gì đó cho những diễn viên này khi họ còn trẻ, không nhiều thì ít.

Tôi có xu hướng chọn những người ít nổi tiếng hoặc chưa nổi tiếng cho phim của mình. Vì hai lý do, thứ nhất tôi sợ làm việc với người nổi tiếng, rất mệt. Thứ hai, tôi cần họ có thực lực thật sự, phải biết hi sinh vì nghệ thuật, chứ không đơn thuần đóng phim để lấy danh tiếng và chạy theo đồng tiền. Diễn viên ngày xưa khác bây giờ.

Ngày xưa chúng tôi hi sinh tuyệt đối vì nghệ thuật. Chỉ cần được đóng phim đã là một điều hạnh phúc, không ai tính đến sướng khổ hay vất vả. Ngày ấy, trước khi quay phim, bao giờ diễn viên cũng phải cùng với đạo diễn đi thực tế, tham khảo hiện trường để lấy kinh nghiệm, vừa đi vừa trao đổi với đạo diễn về vai diễn. Tâm huyết như thế, nên mỗi vai diễn đều rất có chiều sâu.

Diễn viên bây giờ thì khác. Tôi đã từng chứng kiến những diễn viên tham gia một lúc ba, bốn bộ phim, phải tranh thủ đến nỗi khi chạy từ phim trường này sang phim trường khác, phải vừa đi vừa thay quần áo cho vai diễn sau. Họ chỉ đọc qua lời thoại trước khi bắt đầu cảnh quay. Thế thì lấy đâu thời gian mà cảm thụ nhân vật của mình, lấy đâu thời gian mà suy nghĩ, trăn trở về vai diễn. Với những diễn viên đó, dù có hợp vai đến mấy tôi cũng cắn răng bỏ. Nên quan điểm của tôi là, chẳng bằng chọn diễn viên ít nổi tiếng hơn, nhưng biết yêu và biết trân trọng vai diễn của mình, còn hơn là chọn những diễn viên nổi tiếng nhưng chỉ biết "chạy sô" đóng phim vì tiền.

PV: Phim do tư nhân đầu tư, vậy ông có gặp nhiều áp lực về chi phí sản xuất, tiến độ sản xuất, cũng như những áp lực không tên khác từ phía nhà sản xuất?

ĐD Long Vân: Với tôi, đây cũng là một điều may mắn. Vì người đầu tư kinh phí cho bộ phim cũng thực sự là một người yêu nghệ thuật, dám hi sinh về nghệ thuật. Khi tôi làm bộ phim này, có nhiều đơn vị đến đặt vấn đề đầu tư kinh phí cho bộ phim, họ đều có thực lực. Nhưng nhà sản xuất mà tôi chọn lại là người gần như thực lực yếu nhất.

Lý do khiến tôi đi đến quyết định chọn người đầu tư này, vì tôi biết anh ta đã bán hẳn một căn nhà đi với hi vọng cùng tôi thực hiện bộ phim này, mà không so đo tính toán về lời lãi và hàng trăm điều kiện ràng buộc như những nhà sản xuất phim thị trường khác thường làm bây giờ. Ví dụ, thường một tập phim bây giờ chỉ quay từ 1 - 2 ngày, nhưng khi tôi ra điều kiện quay trong 3-4 ngày, phía nhà sản xuất họ vẫn chấp nhận. Tôi cần bối cảnh gần hay xa thành phố, dù tốn kém, họ vẫn đồng ý.

Ê kíp làm phim chúng tôi cũng được toàn quyền quyết định về việc lựa chọn diễn viên và các vấn đề chuyên môn khác, chứ không chịu bất cứ sự chi phối nào từ nhà sản xuất. Tôi thực sự vui vì có người dám bỏ tiền ra làm một bộ phim mà chưa cần quan tâm đến lời lãi đã chấp nhận mọi sự mạo hiểm và tốn kém để thực hiện bộ phim tốt nhất. Đổi lại, như một lời cảm ơn, tôi cũng không kí hợp đồng thỏa thuận về lương bổng với nhà sản xuất.

Tôi bảo với họ, nếu bộ phim không thành công, không thu được lời lãi, tôi cũng sẽ không lấy thù lao, coi như mình hi sinh vì nghệ thuật. Nhiều người có thể nghĩ tôi không bình thường. Nhưng tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, tôi đang được làm những cái tôi thích, và tôi tâm huyết với nó. Với tôi, đó đã là hạnh phúc thực sự!

PV: Xin cảm ơn đạo diễn Long Vân về buổi trò chuyện này. Chúc đạo diễn và đoàn làm phim sẽ gặp nhiều may mắn và thuận lợi trong quá trình thực hiện bộ phim. Chúc bộ phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn" của ông sẽ thu được những thành công kỳ diệu, được khán giả cả nước đón nhận như bộ phim "Biệt động Sài Gòn" năm xưa!

Minh Thảo (thực hiện)
.
.
.