Chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học từ 1/7:

Bảo vệ người dùng trước vấn nạn lừa đảo

Thứ Sáu, 05/04/2024, 07:15

Để bảo vệ người dùng trước các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến đang biến hóa ngày càng tinh vi, từ 1/7 tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu tất cả các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng đều phải xác thực bằng sinh trắc học.

Các chuyên gia công nghệ và an ninh mạng đều cho rằng, quy định này rất cần thiết nhằm bảo đảm người thực hiện chuyển tiền là chính chủ, sẽ góp phần hạn chế tối đa tình trạng tội phạm công nghệ cao lừa đảo lấy cắp thông tin rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng như đã xảy ra trong thời gian qua.

Hạn chế tối đa tình trạng làm giả, mua bán hay cho thuê tài khoản ngân hàng

Theo quy định tại Quyết định 2345 của NHNN, từ 1/7 tới, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu phải được xác thực bằng sinh trắc học. Công nghệ sinh trắc học là cách thức nhận diện và xác minh cá nhân thông qua các đặc điểm sinh học như hình ảnh khuôn mặt, dấu vân tay, mẫu mống mắt, giọng nói...

Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng đa phần xác thực sinh trắc qua nhận diện khuôn mặt bởi các dữ liệu mống mắt, giọng nói hiện chưa được thu thập và lưu giữ. Dấu hiệu sinh trắc học có thể được xác định bằng dữ liệu sinh trắc học lưu trong chip của CCCD, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất.

chuyen-tien20230622155442-1403.jpeg -0
Xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền lớn là chế tài cần thiết để bảo vệ người dùng. Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thanh Hải ở Thanh Trì (Hà Nội) cho rằng, việc bắt buộc người dùng phải xác thực sinh trắc học trong các giao dịch tài chính có giá trị lớn từ 1/7 là giải pháp bảo vệ tốt hơn cho người dùng. Theo chị Hải, thông qua nhận diện khuôn mặt, chị cảm thấy yên tâm hơn vì có cảm giác khuôn mặt của mình sẽ khó giả mạo hơn là các phương thức truyền thống như mã OTP hay mật khẩu.

Anh Nguyễn Hữu Linh ở Linh Đàm (Hà Nội), hiện đang làm việc tại một công ty công nghệ chia sẻ: “Một số bạn bè tôi băn khoăn là khi sử dụng công nghệ sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu sẽ làm mất thời gian của người dùng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của cá nhân tôi, với công nghệ đang được một số ngân hàng áp dụng thì chỉ mất thời gian khoảng từ 3-5 giây để thực hiện giao dịch chuyển tiền yêu cầu xác thực sinh trắc học. Đặc biệt, với việc xác thực sinh trắc học thì người mở tài khoản và người thực hiện giao dịch đó phải là một. Biện pháp này sẽ vô hiệu hóa nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đã tồn tại suốt thời gian qua”.

Bảo vệ người dùng trước vấn nạn lừa đảo -0
Thiếu tá Phí Văn Thanh, Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Bộ Công an.

Từ góc độ chuyên gia, Thiếu tá Phí Văn Thanh, Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Bộ Công an cho rằng, Việt Nam đang có tốc độ phát triển công nghệ thông tin nhanh trong khi trình độ hiểu biết, kỹ thuật sử dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế. Đáng chú ý, lợi dụng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo hay còn gọi là AI, các đối tượng đã sử dụng rất nhiều công cụ để phục vụ mục đích xấu, lừa đảo, tấn công mạng mà phổ biến nhất là công nghệ là Deepfake.

Với việc làm giả hình ảnh, lời nói của những người quen của bị hại giống như ngoài đời thực với độ chính xác rất cao, công nghệ Deepfake đã nâng mức độ tinh vi lên rất nhiều khiến cho các nạn nhân rất khó có thể cảnh giác. Để bảo vệ người dùng trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi hơn thì việc yêu cầu các giao dịch chuyển tiền lớn cần phải nhận biết bằng hình thức sinh trắc học là một chế tài cần thiết. Điều này đảm bảo những nạn nhân bị mất thông tin cá nhân, danh tính hoàn toàn có thể tránh được việc bị mất tiền.

Cần sử dụng công nghệ an toàn để bảo vệ thông tin cá nhân của người dân

Chia sẻ thêm với PV Báo CAND về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, CEO Công ty công nghệ dữ liệu lớn và học máy Kalapa cho biết: Định danh điện tử online sử dụng các công nghệ AI như nhận diện ký tự quang học, đối chiếu sinh trắc học là những giải pháp dễ triển khai để có thể định danh người dùng tại Việt Nam. Dịch vụ xác thực thông tin công dân trong chip của thẻ CCCD định danh và xác thực chính xác công dân dựa trên dữ liệu trong chip của thẻ CCCD sẽ góp phần phòng ngừa tội phạm giả mạo giấy tờ, lừa đảo hạn chế rủi ro trong giao dịch, thiết lập tài khoản.

Và việc NHNN Việt Nam yêu cầu phải xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ người dùng trước mối nguy lừa đảo tài chính ngày càng phổ biến. Điều này cần phải làm nhanh và làm sớm nhất có thể. Việc trì hoãn triển khai có thể dẫn tới nhiều thiệt hại về kinh tế, an ninh, an toàn cho cả cá nhân và quốc gia.

Bảo vệ người dùng trước vấn nạn lừa đảo -0
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, CEO Công ty công nghệ dữ liệu lớn và học máy Kalapa.

Theo phân tích của bà Nhung, tình trạng mạo danh cá nhân, tổ chức trên không gian mạng Việt Nam càng ngày càng trở nên tinh vi với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, các hình thức mạo danh cá nhân, tổ chức phần lớn hướng tới mục đích để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, khi mọi cá nhân tham gia vào thế giới mạng đều được định danh một cách chính xác và đầy đủ, quản lý thông tin sẽ trở nên hiệu quả hơn và có thể hạn chế được một số tiêu cực phát sinh như: Giúp cung cấp bảo vệ tốt hơn cho quyền riêng tư của người dùng bằng cách đảm bảo rằng thông tin cá nhân chỉ được truy cập bởi người có quyền; phòng ngừa tội phạm mạng và cuối cùng, việc định danh sẽ giúp chống lại sự bóp méo, làm giả thông tin.

Tuy nhiên, bà Nhung cũng thừa nhận, tại Việt Nam hiện nay, khó khăn lớn nhất chính là tính sẵn sàng của các tổ chức bắt buộc phải ứng dụng định danh điện tử. Lý do chính là vì công nghệ này yêu cầu đầu tư về tài chính và năng lực đáp ứng hệ thống (thay đổi quy trình/phần mềm/hệ thống để phù hợp với tiêu chuẩn định danh điện tử) tương đối cao. Bên cạnh đó, còn một rào cản lớn nữa là trải nghiệm người dùng. Người dùng có thể sẽ phải mất nhiều thời gian và thao tác hơn so với trước đây nếu áp dụng định danh điện tử. Vì vậy, việc triển khai và phát triển định danh điện tử cần có sự tham gia phối hợp của các cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp và tổ chức cùng với quá trình tuyên truyền nhận thức cho người dân. Trong đó, vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý định danh của người dân trên mạng là rất quan trọng để đảm bảo an ninh, an toàn và quản lý thông tin cá nhân.

Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp muốn tham gia vào việc triển khai định danh toàn bộ người dân trên mạng một cách hiệu quả, chính xác và nhanh chóng cũng cần phải tuân thủ các quy định pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân; sử dụng các công nghệ an toàn để bảo vệ thông tin cá nhân của người dân.

Hùng Quân
.
.
.