Lực lượng Công an làm chủ công nghệ, đi trước "đón đầu"

Phá án công nghệ cao (bài 3)

Thứ Bảy, 23/07/2022, 07:04

Tội phạm sử dụng công nghệ cao là mặt trận "nóng" và phức tạp. Các loại tội phạm truyền thống tận dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ và phát triển của mạng Internet để có nhiều phương thức hoạt động mới, thủ đoạn tinh vi hơn. Trước vấn đề này,  cán bộ, chiến sĩ đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, theo sát trên không gian mạng để đưa đối tượng "ẩn" ra ánh sáng.

1. Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi có mặt ở Phòng Hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Phòng 9), Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an. Lúc này, một tổ công tác đang "miệt mài" bên máy tính, điều tra viên và trinh sát viên cùng nhau trao đổi, đánh giá tài liệu chứng cứ đã thu thập, tìm ra các biện pháp, chứng cứ mới chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng trên không gian mạng. Còn tổ công tác khác lại đang trao đổi mở rộng vụ án "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" với thủ đoạn sử dụng zalo, facebook lừa đảo, mua bán các loại giấy tờ giả như giấy phép lái xe ô tô, xe máy… để bán cho người dân có nhu cầu. Theo các trinh sát, đây là vụ án mà cán bộ điều tra rất vất vả, khó khăn để "hốt" cả ổ nhóm từ đối tượng làm giả tài liệu đến đối tượng sử dụng tài liệu giả.

Lãnh đạo Phòng 9 cho biết, qua công tác nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện một nhóm đối tượng làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức bán cho người mua sử dụng trái pháp luật. Nhận định hành vi làm giả tài liệu và sử dụng tài liệu giả là nguồn của các loại tội phạm khác như lừa đảo, đi nước ngoài trái phép…, Cục Cảnh sát hình sự đã giao Phòng 9 tập trung lực lượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thu thập tài liệu, bắt giữ đối tượng.

Theo một trinh sát kể lại, thời điểm giai đoạn đầu phá án, "đột nhập" vào các dòng tin nhắn bọn chúng nhắn cho nhau trong nhóm zalo, facebook thấy rất thân thiết, cùng lập kế hoạch lừa đảo, những tưởng đây là nhóm đối tượng phải có sự quen biết ở ngoài đời, có mắt xích với nhau. Tuy nhiên, bọn chúng làm việc độc lập, không cần biết tên, tuổi, địa chỉ của nhau, không cần gặp nhau ngoài đời nhưng dễ dàng "rủ" nhau phạm tội lừa đảo, nhận tiền qua tài khoản ngân hàng.

Bài 3: Phá án công nghệ cao -0
Cán bộ, chiến sĩ Phòng 9 chỉ ra các tài liệu phạm tội trên không gian mạng của đối tượng (X).

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, nhiều ngày liền, các trinh sát sử dụng máy tính, điện thoại thông minh… kết nối Internet để vào các trang tìm kiếm thu thập thông tin tài liệu liên quan đến đối tượng, được thể hiện qua quá trình hoạt động bằng các tài khoản trên không gian mạng. Sau đó thì rà soát, đối khớp các thông tin để có những nhận định đánh giá về đối tượng, mở rộng các cách thức thu thập tài liệu, đối tượng liên quan khác… Tuy nhiên, để có được chân dung về đối tượng thông qua những thông tin, hồ sơ, hình ảnh từ công tác thu thập trên các nền tảng số, không gian số đòi hỏi cán bộ trinh sát phải thực sự vững tay nghề, có nghiệp vụ về công nghệ thu thập, phân tích các dữ liệu.

Từ hoạt động trinh sát, cán bộ điều tra phát hiện đối tượng sử dụng zalo, các tài khoản ngân hàng không chính chủ và vị trí rút tiền lại ở tỉnh Nghệ An. Qua nguồn thông tin này, lãnh đạo Phòng 9 đã cử tổ công tác vào tỉnh Nghệ An phối hợp với các ngân hàng và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh lần tìm dấu vết, xác định được đối tượng có nick zalo với tên thật, địa chỉ ngoài đời là Phạm Duy Phong (SN 1992), quê Nghệ An.

Tại cơ quan Công an, Phong khai nhận, khoảng đầu năm 2020, anh ta tìm hiểu trên mạng xã hội facebook, zalo có thông tin quảng cáo làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Phong nhận thấy việc làm giả tài liệu đơn giản, có nhiều người có nhu cầu mua tài liệu giả để sử dụng nên đã tìm hiểu cách thức làm giả tài liệu bán cho người sử dụng. Thông qua zalo, Phong đã kết bạn, thỏa thuận với đối tượng không biết nhân thân, lai lịch và chưa từng gặp có nick zalo Nobita cùng nhau làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đối tượng sử dụng zalo Nobita có nhiệm vụ sản xuất, in tài liệu giả, Phong có nhiệm vụ tuyển nhân viên chia nhóm làm việc để thỏa thuận làm giả tài liệu cho người sử dụng.Sau khi thỏa thuận với người mua tài liệu giả về giá cả, loại tài liệu giả cần làm thì chuyển thông tin cho đối tượng sử dụng zalo Nobita sản xuất, in ấn giao cho người mua.

Tháng 6/2020, Phong tạo lập các fanpage trên facebook đăng quảng cáo làm giả các tài liệu của cơ quan, tổ chức như chứng minh nhân dân, căn cước công dân; đăng ký xe máy, ôtô; giấy phép lái xe máy, ôtô; sổ hộ khẩu; bằng tốt nghiệp các cấp; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích cho nhiều người biết đến liên hệ để mua tài liệu giả. Sau đó, Phong đã mua sim điện thoại không chính chủ đăng ký tài khoản zalo vanlam để sử dụng trao đổi, thỏa thuận, tuyển nhân viên chia nhóm làm việc.

Các đối tượng chỉ trao đổi với nhau trong nhóm zalo để liên kết thành mạng lưới phân chia công việc. Sau một thời gian thu thập, tài liệu chứng cứ, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các địa phương bắt giữ 9 đối tượng, gồm: Phạm Duy Phong, Nguyễn Duy Cường, Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Đức Hùng, Hoàng Thị Quỳnh Anh, Nguyễn Văn Đông về hành vi "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức"; Thạch Thị Yến, Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Trung Hiếu về hành vi "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Căn cứ tài liệu điều tra, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng trên và Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can.

2. Một loại tội phạm trên không gian mạng khác đang tràn vào nước ta là tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng, diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức. Các đối tượng nhà cái chủ yếu ở nước ngoài, móc nối với các đối tượng trong nước xây dựng các đường dây lớn tổ chức đánh bạc, thu hút hàng nghìn người tham gia, với số tiền cực lớn.

Đấu tranh trên không gian mạng quan trọng nhất là phải thu thập được các dấu vết điện tử. Đây là cánh cửa để tìm vào hệ thống. Cán bộ điều tra có hiểu được cách thức đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mới có thể thu thập được chứng cứ, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. Trong thời đại công nghệ, phương thức và thủ đoạn phạm tội của đối tượng cũng mau lẹ, biến đổi khôn lường. Trong khi đó, đối tượng chủ mưu, cầm đầu sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội đều là những kẻ am hiểu về tin học, luôn tìm cách xóa các dấu vết. Gần như các đường dây đánh bạc trên không gian mạng, đối tượng tổ chức đánh bạc thanh toán xong là hủy hết sổ sách, giấy tờ liên quan trong các thiết bị như máy tính, máy tính bảng, điện thoại hoặc chúng sử dụng nhiều phần mềm bảo mật thông tin, dữ liệu khiến cán bộ điều tra sẽ gặp khó khăn trong việc củng cố hồ sơ phục vụ công tác điều tra. Bên cạnh đó, các đối tượng hoạt động chủ yếu khép kín, rất ít khi gặp nhau, chỉ liên lạc qua điện thoại và mạng xã hội, quá trình giao dịch chủ yếu sử dụng biệt danh, ký hiệu tài khoản cũng không phải là tên thật, sử dụng sim rác. Việc thanh toán tiền đánh bạc các đối tượng tổ chức rất tinh vi. Không cần biết đại lý đó tên gì, thành viên đó ở đâu, chỉ cần nhận đủ tiền đã đặt cược là đủ. Chính vì vậy, để điều tra, "đấu" được với loại tội phạm này, các trinh sát, điều tra viên cũng phải trau dồi kiến thức về công nghệ thông tin, biết sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật, công nghệ. Sau quá trình lần theo dấu vết trên không gian mạng, các anh mới dựng được chân dung của các "tổng đại lý" tổ chức đánh bạc và các con bạc tham gia…

Đơn cử, tháng 5 vừa qua,  Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam đã triệt phá chuyên án đánh bạc dưới hình thức sử dụng mạng Internet cá độ bóng đá hơn 10 tỷ đồng. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Phạm Thị Hoa (SN 1986), trú tại tổ dân phố Thượng Thái Hòa, Nguyễn Mạnh Hoạch (SN 1984), trú tại tổ dân phố Hưng Hòa, phường Châu Sơn, TP Phủ Lý và Nguyễn Văn Minh (SN 1980), trú tại phố Đông Nội, phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên. Công an tỉnh Hà Nam xác định, trong thời gian từ tháng 3/2022 đến ngày 24/4/2022, Hoa đã cung cấp trang cá độ bóng đá xxx88.com cho Hoạch để cung cấp cho Minh tham gia đánh bạc. Bước đầu cơ quan Công an xác định số tiền đánh bạc của các đối tượng lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Cục Cảnh sát hình sự cho biết, Bộ Công an hằng năm đều tổ chức các lớp tập huấn và cử cán bộ đi học ở nước ngoài nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đặc biệt trên lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ; công tác thu thập, phân tích và phục hồi dữ liệu chứng cứ điện tử phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm; công tác trinh sát, thu thập thông tin trên không gian mạng.

M.Hiền
.
.
.