Chuyện ít biết về nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân và những tài liệu đặc biệt được trao tặng

Thứ Năm, 13/10/2022, 16:25

Nhiều câu chuyện hậu trường sáng tác thú vị, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử đất nước cùng khối lượng bản thảo lớn, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ, đã được 2 anh em song sinh và là 2 nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân chia sẻ, trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III vào ngày 13/10 tại Hà Nội.

Có lẽ ít có cuộc tiếp nhận tài liệu nào lại ấm áp và rộn ràng như buổi tiếp nhận tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Các ca khúc mà nhạc sĩ bắt nhịp như: Đi học về, Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác, Bác Hồ người cho em tất cả đều được cán bộ công nhân viên Trung tâm thuộc làu. Nhiều cán bộ còn chia sẻ, ngay thế hệ con, cháu họ cũng từng học, từng hát và thuộc các tác phẩm này.

Cũng trong buổi trao tặng tài liệu, 2 nhạc sĩ và người tham dự có dịp nghe lại một tác phẩm đặc biệt với giọng hát đặc biệt qua bản ghi cách đây khoảng nửa thế kỷ: Ca khúc “Em đi thăm miền Nam” do NSƯT Diệu Thúy biểu diễn. Đây là một trong những ca khúc rất nổi tiếng thời điểm đó, được thu và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam từ cuối thập niên 60-70 của thế kỷ 20.

Cuộc bổ sung tài liệu đặc biệt và chuyện ít biết về nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân -0
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa đón nhận tài liệu do nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân trao tặng.

Nhạc sĩ Hoàng Long cho biết, ca khúc này được sáng tác từ năm 1959. Ngày ấy đất nước còn chia cắt nên ông và người em song sinh - nhạc sĩ Hoàng Lân chưa từng vào miền Nam, viết về miền Nam chỉ bằng trí tưởng tượng và khao khát được vào miền Nam, khao khát được gặp lại người mẹ xa cách đã lâu. Nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân xa mẹ từ năm 12 tuổi. Bà vào miền Nam sinh sống. Thời gian đầu, 2 anh em nhạc sĩ còn nhận được tin tức và bưu thiếp của mẹ, sau đó mất liên lạc.

Phải 21 năm sau, tức là khi 2 nhạc sĩ đã 33 tuổi, đất nước thống nhất, họ mới được gặp lại mẹ của mình. Riêng ca khúc “Em đi thăm miền Nam” vừa sáng tác đã được phổ biến rộng rãi trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Người đầu tiên hát ca khúc này là NSƯT Diệu Thúy, 1 trong những giọng ca rất nổi tiếng trên Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ.

Hiện nay, không ít khán thính giả vẫn thắc mắc, ca khúc ra đời nhiều năm trước khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng lại có câu “Sáng tươi tên vàng TP Hồ Chí Minh”. Thời điểm này, TP Hồ Chí Minh vẫn mang tên là TP Sài Gòn. Về điểm này, nhạc sĩ Hoàng Long cho hay, cái tên TP Hồ Chí Minh đưa vào ca khúc một cách tự nhiên và không phải do ông cùng nhạc sĩ Hoàng Lân nghĩ ra mà là đọc từ tài liệu, sách báo. Trước đó, trên Báo Cứu quốc từng đăng thông tin về việc một nhóm vài chục người có văn bản đề nghị gọi Sài Gòn là TP Hồ Chí Minh và nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân không phải là những văn nghệ sĩ đầu tiên viết tên TP Hồ Chí Minh trong tác phẩm của mình.

Cuộc bổ sung tài liệu đặc biệt và chuyện ít biết về nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân -0
Một số tài liệu được 2 nhạc sĩ trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

 Nhạc sĩ Hoàng Lân cũng kể rằng, ca khúc “Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác” được ra đời sau chuyến công tác ở một tỉnh miền xuôi. Khi ấy, 2 nhạc sĩ gặp một Bí thư Đoàn và cũng là một huyện ủy viên rất năng nổ, giỏi giang. Cô chia sẻ mong ước được một lần lên Thủ đô Hà Nội, đến thăm Lăng Bác Hồ. Câu chuyện của nữ cán bộ trẻ và mong ước giản dị của cô đeo đẳng trong tâm trí ông nhiều ngày sau đó.

Những nốt nhạc đầu tiên bật lên trong đầu khi ông đang trên đường đạp xe về nhà. Ông hoàn thành ca khúc rất nhanh. Buổi tối, ông hát thử cho vợ nghe. Bà không chê cũng không khen. Ông không biết tác phẩm của mình hay hay không. Sau đó, một cuộc thi sáng tác âm nhạc được phát động. Ông mạnh dạn gửi tác phẩm dự thi và bất ngờ vượt qua hơn 900 tác phẩm khác, đạt giải Nhất.

Cuộc bổ sung tài liệu đặc biệt và chuyện ít biết về nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân -0
2 nhạc sĩ đều bày tỏ sự ngạc nhiên trước công tác bảo quản, giữ gìn tài liệu của cán bộ Trung tâm.

Với đông đảo công chúng yêu âm nhạc, nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân được biết đến là 2 nhạc sĩ của tuổi thơ với rất nhiều sáng tác cho thiếu nhi, được nhiều thế hệ yêu thích. Tuy nhiên, ngoài ca khúc cho thiếu nhi, 2 nhạc sĩ còn sáng tác nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại âm nhạc khác và tham gia viết nhiều sách dạy âm nhạc. Năm 2012, 2 nhạc sĩ đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Theo nhạc sĩ Hoàng Lân, các tài liệu được lưu trữ đến bây giờ đều là công của nhạc sĩ Hoàng Long. Mỗi khi viết xong tác phẩm, 2 ông đều gửi ngay cho nhau để cùng hoàn thiện. Tuy nhiên, chỉ có nhạc sĩ Hoàng Long quan tâm chuyện lưu giữ bản thảo. Khi có một số tổ chức hỏi về một số sáng tác cụ thể, ông mới giật mình hỏi lại nhạc sĩ Hoàng Long và phát hiện “kho” lưu trữ tư liệu được người anh bảo quản rất cẩn thận. Sau này, cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã đến làm việc, cùng 2 nhạc sĩ  sắp xếp, tập hợp thêm mới có khối lượng tài liệu phong phú như hiện nay.

Trân trọng đón nhận các tài liệu do 2 nhạc sĩ trao tặng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa cho biết, đây là khối tư liệu rất quý vì là tài liệu gốc, duy nhất. Ngoài giá trị thông tin về tác giả, tác phẩm, các tài liệu còn có giá trị về văn hóa, lịch sử của dân tộc, đất nước, gắn với từng câu chuyện, ký ức của các tác giả trong nhiều giai đoạn khác nhau.

Cuộc bổ sung tài liệu đặc biệt và chuyện ít biết về nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân -0
Mặc dù nhiệt độ bên ngoài khá cao nhưng nhiệt độ trong kho lưu trữ rất thấp nên 2 nhạc sĩ phải mặc áo khoác khá dày.

Cũng theo bà Trần Việt Hoa, nhiều năm trở lại đây, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã triển khai đề án sưu tầm, lưu trữ và phát huy khối giá trị tư liệu cá nhân gắn với những người có nhiều cống hiến cho đất nước, trong đó có nhiều tài liệu được các văn nghệ sĩ nổi tiếng và thân nhân của các văn nghệ sĩ trao tặng. Sau khi tiếp nhận, cán bộ Trung tâm sắp xếp, phân loại. Phim, ảnh và tài liệu giấy được bảo quản tại các kho lưu trữ riêng với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe trong công tác lưu trữ.

Các tài liệu đồng thời được số hóa, sao lưu phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước. Khi các tác giả hoặc thân nhân có yêu cầu, Trung tâm sẽ cung cấp các bản sao y được chứng thực để các tác giả và thân nhân sử dụng, đáp ứng yêu cầu của quy định pháp luật, nhất là về bản quyền. Ngoài sưu tầm tài liệu, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm hoặc trao đổi và tổ chức ghi hình. Cùng với khối tài liệu được trao tặng, đây sẽ là nguồn tư liệu sống động, chân thực được Trung tâm bảo quản, lưu trữ, không chỉ phục vụ thế hệ hôm nay mà còn cho muôn đời sau.

Hoa Nguyễn
.
.
.