Và “người giàu” cũng có thể… “đói khát”

Chủ Nhật, 14/08/2022, 08:57

Chỉ riêng ở vùng Sừng châu Phi, theo báo cáo mới nhất ngày 3-8 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có khoảng 80 triệu người đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực. Song song, tại một trong những khu vực phát triển nhất địa cầu là châu Âu, nước Anh cùng nước Pháp đang phải chắt chiu từng giọt nước sạch.

Đặt hai câu chuyện ấy cạnh nhau, có lẽ cũng đủ để phác họa những thách thức mang tính tồn vong của loài người, có thể là “phàm tục” hơn, nhưng chắc chắn không kém phần “hung hiểm” so với bệnh dịch hay chiến tranh.

Miếng ăn  thời bão giá

Trước cảnh báo của WHO, ngày 1-8, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra những thông số có thể làm bất cứ ai giật mình, để minh họa cho hiện trạng gia tăng nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu.

Theo đó, không chỉ tàn phá cơ cấu kinh tế - xã hội của nhiều nước đang phát triển (với việc giá lương thực sẽ tăng hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm), đà tăng phi mã của giá lương thực thế giới cũng cuốn không ít quốc gia “giàu có” hơn vào vòng xoáy lạm phát, thậm chí là khủng hoảng nợ công.

Và “người giàu” cũng có thể… “đói khát” -0
Nạn đói đã sẵn sàng ập xuống vùng Sừng châu Phi.

Theo đánh giá của WB, Lebanon hiện là quốc gia đang chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc giá lương thực tăng cao do các tác động của cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Lý do chủ yếu là bởi vụ nổ kho ngũ cốc ở cảng Beirut cách đây 2 năm đã  làm tê liệt khả năng dự trữ cũng như phân phối ngô và lúa mỳ cho 6,8 triệu người dân của họ. Lạm phát lương thực tại Lebanon “phá trần” lên mức 332% trong 6 tháng đầu năm nay. Kế tiếp Lebanon là các mức tăng 255% của Zimbabwe và 155% của Venezuela. Ở vị trí thứ tư là Thổ Nhĩ Kỳ với tỷ lệ lạm phát lương thực là 94% - điều có lẽ sẽ làm rất nhiều người sửng sốt.

Đáng sợ hơn cả những số liệu ấy, là việc đã có những nước phải đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ, điển hình là Bangladesh. Sri Lanka cũng đã đề nghị một gói cứu trợ từ quỹ, sau khi hết tiền mặt để mua các mặt hàng nhập khẩu quan trọng. Không chỉ vậy, IMF còn buộc phải khôi phục gói cứu trợ trị giá 6 tỷ USD cho Pakistan vào tháng 6 vừa qua.

Tỷ lệ các nước thu nhập cao vật vã chống chọi với lạm phát và ghi nhận giá lương thực tăng vọt, theo WB, cũng đã lên tới khoảng 78,6%. Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở châu Phi, Mỹ latin, Nam Á, Trung Á, châu Âu và cả Bắc Mỹ.

Có những chính phủ châu Âu đã sụp đổ bởi sức hủy hoại của khối thuốc nổ vô hình mang tên “miếng ăn”, đơn cử như chính phủ Thủ tướng Mario Draghi ở Italy. Có nghĩa là, không chỉ những nước nghèo, lúc này, cả các quốc gia đang phát triển cũng phải chịu những áp lực rất lớn, khi chi phí sinh hoạt trở nên gần như mất kiểm soát.

Trở lại với câu chuyện lúc đầu, ở Sừng châu Phi, WHO ước tính có hơn 80 triệu người thuộc 7 quốc gia trong khu vực (bao gồm Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda) đang trong tình trạng mất an ninh lương thực, trong đó hơn 37,5 triệu người được xếp ở Giai đoạn 3 của IPC (Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp của Liên Hợp quốc - công cụ được các tổ chức của Liên Hợp quốc sử dụng để đánh giá nguy cơ mất an ninh lương thực). Đây là giai đoạn khủng hoảng mà mọi người đã bắt đầu phải bán tài sản của họ để nuôi sống bản thân và gia đình, trong khi tình trạng suy dinh dưỡng diễn ra tràn lan.

Để thực hiện việc hỗ trợ khẩn cấp, WHO đã kêu gọi quyên góp 123,7 triệu USD, đồng thời nhấn mạnh: “Những ảnh hưởng của xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 đã khiến Sừng châu Phi trở thành một điểm nóng về nạn đói, với nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của người dân".

“Nắng mưa là việc của trời”?

Bên kia Địa Trung Hải, các cơ quan khí tượng quốc gia của Anh và Pháp đánh giá: Tháng 7 vừa khép lại là một trong những tháng khô hạn nhất lịch sử, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước - điều vốn đã buộc các cường quốc này phải áp đặt những biện pháp hạn chế.

Cụ thể, theo Cơ quan khí tượng Meteo Pháp, lượng mưa đo được tại nước này trong tháng 7 vừa qua chỉ đạt 9,7 mm, giảm 84% so với mức trung bình của tháng 7 trong giai đoạn từ năm 1991-2022 và là tháng khô hạn thứ hai kể từ tháng 3-1961. Thị sát khu vực Isere, nơi bị hạn hán ảnh hưởng nặng nề ở miền Đông Nam nước Pháp, Bộ trưởng Môi trường Pháp Christophe Bechu nêu rõ: Lượng mưa trong tháng 7 vừa qua chỉ chiếm 12% lượng mưa cần thiết.

Còn ở bờ kia eo biển Manche, Cơ quan dự báo thời tiết của Anh thông báo: Lượng mưa trung bình của toàn bộ vùng England chỉ đạt 23,1 mm - mức thấp nhất trong các tháng 7 kể từ năm 1935 và là tháng 7 có tổng lượng mưa thấp kỷ lục thứ bảy lịch sử (theo các số liệu được thống kê kể từ năm 1836). Lượng mưa thấp, nền nhiệt cao, hạn hán lan tràn, những dòng sông trơ đáy... đã hoàn toàn không chỉ còn là câu chuyện về cảnh quan, hay về việc phải bước ra khỏi những căn phòng mát mẻ.

Và “người giàu” cũng có thể… “đói khát” -0
Một dòng sông trơ đáy ở Pháp.

Trên thực tế, nó đã trở thành nỗi ám ảnh của toàn bộ ngành nông nghiệp ở cả Anh lẫn Pháp. Ở Anh, mọi khách hàng của các công ty cung cấp nước sạch đã được khuyến cáo “Hãy sử dụng nước tiết kiệm!”. Ở Pháp, hầu như toàn bộ các vùng đã buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng nước. Trên song Rhine, chạy dọc biên giới PhápĐức, các tàu thuyền thương mại đang phải chuyên chở ở mức 30% công suất để tránh bị mắc cạn vì mực nước quá thấp. Trên toàn nước Pháp, những người nông dân phản hồi về các khó khăn trong việc cung cấp thức ăn cho gia súc do đồng cỏ khô cằn, trong khi việc tưới tiêu đã bị cấm ở những đồng bằng rộng lớn. Điều đó có nghĩa là khả năng tự chủ an ninh lương thực của những nền nông nghiệp hàng đầu thế giới cũng đã bắt đầu trở nên bấp bênh.

Đáng chú ý, từ giữa tháng 6, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc - ông Stephane Dujarric cho biết: Khoảng 13% dân số toàn cầu đang rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông dự kiến, tỷ lệ này sẽ tăng lên 16% vào tháng 12 năm nay do cuộc khủng hoảng nước và lương thực.

Còn hiện tại, WB kêu gọi các nhà sản xuất ngũ cốc lớn như Pháp, Tây Ban Nha hay Italy cần nghiên cứu đề ra các biện pháp thích hợp, nhằm đối phó với các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường gây ra, nhằm duy trì sản lượng, sẵn sàng chống đỡ với nạn đói diện rộng.

Vấn đề là, vào lúc này, như chúng ta vừa đề cập, ngành nông nghiệp Pháp cũng đang phải vật vã để duy trì hoạt động trong bối cảnh cực kỳ eo hẹp về nguồn nước. Việc ngay lập tức đẩy lùi hoặc thích ứng với tiến trình biến đổi khí hậu - môi trường toàn cầu rõ ràng là “nhiệm vụ bất khả thi”, tương tự với việc gấp rút đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine, hay bất cứ điểm nóng xung đột nào khác, thông qua các công cụ ngoại giao.

Khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, trên thực tế, đã không còn là một hiểm họa mơ hồ, mà trở thành một nguy cơ hiện hữu. Trên bề mặt, lý do trực tiếp khiến những chỉ số tiêu dung tăng vọt là chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga ở miền Đông Ukraine.

Nhưng, ở những tầng vận động sâu hơn, khi diện tích canh tác trên địa cầu càng lúc càng bị thu hẹp - điều tỷ lệ nghịch với đà tăng dân số thế giới, có lẽ tinh thần đồng thuận, sự gắn kết và quyết tâm chung của các nhà lãnh đạo quốc tế, trong việc ngăn chặn và đẩy lùi đà suy thoái môi trường suốt hàng thập kỷ qua mới chính là nguyên nhân cốt lõi tạo nên viễn cảnh u ám mà trong đó, “miếng ăn” càng lúc càng trở nên “đắt đỏ” như hiện tại.

Có một câu cách ngôn - được cho là của những người da đỏ bản địa Bắc Mỹ - lưu truyền rộng rãi trên Internet từ lâu: “Chỉ khi cái cây cuối cùng bị đốn hạ, khi con cá cuối cùng bị đánh bắt, khi dòng sông cuối cùng bị nhiễm độc, ta mới nhận ra rằng tiền không thể ăn được”. Dù xuất xứ của câu cách ngôn này có chính xác hay không thì thông điệp mà nó đặt ra vẫn đang được hiện thực chứng minh là đúng đắn một cách tàn nhẫn.

Xét cho cùng, chính tham vọng của loài người là điều gây ra những sự tàn phá khủng khiếp nhất, cho các mệnh đề sinh tồn của nhân loại lẫn cả hành tinh....

Đông Phong
.
.
.