Ly hương!

Chủ Nhật, 29/08/2021, 12:10

Những dòng người rời khỏi TP Hồ Chí Minh trong đại dịch khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều. Nhưng bật lên vẫn luôn là những câu hỏi về ly hương. Được gì, mất gì, chịu đựng gì và tại sao lại triền miên xuất hiện những cơn cớ ly hương ấy?

Ly hương và lựa chọn

Công là một tài xế xe công nghệ đang bị kẹt lại ở khu chợ đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh), một trong những nơi bị phong tỏa đầu tiên của đợt dịch lần thứ tư. Quê anh ở một huyện biên giới ở Long An giáp Campuchia. Kể cả khi không có dịch, Công cũng không mấy khi về quê.

Tết vừa rồi, anh gửi hết 200 triệu tích cóp 10 năm về nhờ các anh chị ruột sửa lại cái nhà dột nát nhiều năm, để cha mẹ anh, đều đã mất, được thờ cúng cho tử tế. Để có chừng ấy tiền, Công chấp nhận sống trong một phòng trọ chưa đầy 10 mét vuông, ăn những bữa cơm 15-20 ngàn, và bỏ qua những thú vui tối thiểu. Ai cũng bảo Công dại dột.

Ly hương! -0

Anh mưu sinh ở Sài Gòn đã hơn mười năm, nhưng vẫn là một gã ngố của đô thị phồn hoa: Công chưa từng đi xem phim, chưa từng ăn nhà hàng, và có lẽ cũng không dám nghĩ đến một mối quan hệ nào lâu dài. Công bắt đầu đi làm từ 5 giờ sáng, và kết thúc một ngày gần nửa đêm. Anh đã đi qua hầu hết các con phố Sài Gòn, nhưng hoàn toàn thờ ơ: đây không phải thành phố của anh.

Cái nhà mới xây lại ở quê, về cơ bản, không có tính thanh khoản: chẳng ai mua nó cả, nếu không phải người ở đây. Ném vào nó vài trăm triệu tích cóp ở thành phố suốt một quãng đường dài thanh xuân, Công có lẽ chỉ muốn duy trì cảm giác rằng mình có một mái nhà để về.

Nghĩa, tên ở nhà là Bắc Kinh, sống cùng ấp với Công, mới 15 tuổi. Tên em được đặt như vậy vì ước mơ của mẹ em là được tới… Trung Quốc, thăm thủ đô. Hè vừa rồi, em xin nghỉ học luôn để tập trung đi vác rơm kiếm tiền. Xong vụ, Bắc Kinh tất tưởi quẩy hành lý lên Sài Gòn để đi làm cùng anh trai. Hai anh em ôm mộng nuôi mẹ và em trai, đứa nhỏ nhất mới một tuổi rưỡi. Chị Diễm là mẹ đơn thân, hiện cũng không có việc làm.

Vài tháng trước, chị bất ngờ… trúng số, hẳn một trăm triệu. Bắc Kinh bảo mẹ: “Nhà mình giàu rồi”. Em muốn mua một cái xe máy mới để đi vác rơm mỗi ngày. Nhưng sáng vừa lĩnh tiền, thì tối tiền đã bay hết. Hóa ra nhà có nợ từ lâu, biết trúng số, người ta đến đòi. Chỉ vàng vừa mua hôm qua để dằn túi, hôm nay đã phải bán nốt trả nợ. Của thiên trả địa. Thế là Bắc Kinh quyết đi Sài Gòn. Được vài tháng thì đợt dịch ập đến. Em và anh trai kẹt lại thành phố, bắt đầu những chuỗi ngày lay lắt, đi cũng chẳng được mà ở chẳng xong.

Trong đoàn người ùn ùn kéo về quê khi Sài Gòn quyết định kéo dài lệnh giãn cách, có không ít những thân phận kiểu thế. Ở đô thị, hầu hết thời gian của họ được sử dụng cho một cuộc đánh đổi: số tiền kiếm được sẽ dành cho quê hương, hoặc cho cảm giác quê hương của họ. Đấy là niềm vui hiếm hoi, và dường như cũng là một phần mường tượng của họ về tương lai, với cái bụng đói và phòng trọ nóng bức chật chột, khi COVID-19 bủa vây. Không cần phải giỏi tính lắm để nặn ra ngay kết quả của bài toán cuộc đời đô thị: không bao giờ họ có thể mua được nhà, hay sống tử tế được ở đây, với mức lương còm cõi và những gánh nặng phải giải quyết.

Nhưng bất chấp viễn cảnh tuyệt vọng ấy, dòng người vẫn nối nhau ly hương. Vào tháng 12 năm ngoái, trong lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các nhà thống kê đã đưa ra một con số đau đớn: có 1,3 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long đã di cư trong 10 năm qua, dân số tương đương với hơn một tỉnh trong vùng. Nếu không có gì mới, các chuyên gia dự báo rằng đến năm 2030, dân số đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuống dưới 17 triệu người, tức là khoảng một tỉnh nữa lại bỏ xứ mà đi.

Họ không còn lựa chọn nào khác. Công không có ruộng để có thể yên tâm ở lại quê hương, và kể cả có cả 1-2 mẫu (1 mẫu miền Tây = 1ha), thì thu nhập của anh qua hai vụ cũng chỉ khoảng 20-30 triệu một năm. Bắc Kinh không thể chỉ đi vác rơm mà nuôi mẹ và em được. Những con người chăm chỉ này không có cách nào tìm được cơ hội lao động và kiếm sống tối thiểu ở quê nhà.

Sự nặng lòng với quê hương giờ lại biến họ thành một phần không thể thiếu của động cơ tăng trưởng tại các đô thị: Trong nhóm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Hồ Chí Minh hiện có năng suất lao động cao gấp 3 lần Bà Rịa - Vũng Tàu, 4 lần Bình Dương, 5 lần Đồng Nai, 7-8 lần Bình Phước, Tây Ninh, Long An và hơn 10 lần Tiền Giang, theo thống kê năm 2019. Và 8 tỉnh thành này, dù chỉ chiếm 9,2% diện tích, nhưng chiếm hơn 45% GDP, 40% kim ngạch xuất khẩu, 43% thu ngân sách của cả nước.

Sự chênh lệch về chỉ số cạnh tranh giữa các tỉnh thành, một bài toán vĩ mô chưa được giải quyết, đã và đang làm phân mảnh các gia đình, và để lại những vết thương trên ký ức tập thể. Trong một chuyến đi công tác Cà Mau vào năm ngoái, tôi gặp được một gia đình ban đầu có 10 người đã li tán hết chỉ trong vài năm: con cháu phải đi Bình Dương làm công nhân vì nhiều vụ lúa - tôm trắng tay liên tiếp do hạn mặn, để lại bà mẹ 87 tuổi ở nhà với đứa cháu nhỏ nhất. Bà hầu như không thể nhớ nổi mặt những đứa con nữa, một phần vì già cả, một phần vì đã quá lâu chúng không về.

Tất nhiên, chúng ta có thể nhìn những điều này giống như một phần tất yếu của tăng trưởng dựa trên mô hình các đô thị và những khu công nghiệp: có đến 740 triệu người trên toàn cầu vẫn đang đi lại như những con chim di cư như thế trên đất nước của họ. Rằng chỉ số cơ hội của thành thị vẫn là một động lực hấp dẫn với bất kỳ lao động đang tuổi sung sức nào.

Nhưng khi bệnh dịch tàn phá và biến các đô thị thành một tòa thành trống rỗng, và nhìn những đồng bào phải ngủ lăn lóc trên đường trong một cuộc tháo chạy tập thể, chúng ta thấy có điều gì đó không đúng ở đây. Làn sóng di cư này không hề dựa trên những lựa chọn, mà ngược lại. Những con người khốn khổ ấy đã đến các thành phố và giờ tất tả quay về, khi và chỉ khi họ không còn lựa chọn nào khác để bám vào.

Phạm An

Có thu không có nhập

Thu nhập là gì? Thu nhập và tiền lương có giống nhau không? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời.

Mỗi mùa Hè, có một cuộc họp về tiền lương tối thiểu được tổ chức. Trong cuộc họp đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – những người đại diện cho giới công nhân – và đại diện của giới doanh nghiệp sẽ bàn để định ra mức lương tối thiểu. Các cuộc họp thường chia “phe” rất rõ: Các doanh nghiệp sẽ tìm các luận điểm khẳng định rằng việc chưa tăng hoặc tăng ít lương sẽ giúp doanh nghiệp có thêm vốn đầu tư, và qua đó tạo ra tăng trưởng tốt hơn. Phía bên kia, Tổng Liên đoàn sẽ lập luận dựa trên “mức sống tối thiểu”, tức là đời sống người công nhân, cần bao nhiêu để đáp ứng vật giá, rồi đưa ra đề xuất của mình.

Ly hương! -0

Nhưng trong các cuộc họp đó, thường khái niệm “lương” không có mấy sự phân biệt với “thu nhập”. Đó là một cách hiểu phổ thông, vì công nhân – đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp - thường chẳng có thời gian đâu mà đi làm thêm giờ.

Có một số người không quan niệm như vậy. CEO của một trong những doanh nghiệp may mặc xuất khẩu lớn nhất nước nói với báo giới: “Thu nhập là những gì người công nhân mang được về nhà; chứ không phải là những gì ta trả cho họ”.

“Những gì mang được về nhà” là một niềm đau đáu của hàng triệu lao động di cư tại Việt Nam. Họ xuất cư lên thành phố, tới các khu công nghiệp, và không hề có mong muốn định cư tại đó (đằng nào thì họ làm 3 đời cũng chẳng mua được nhà thành phố). Họ chỉ muốn tiết kiệm cho một cuộc sống sau này ở quê nhà. Nhưng tại các khu công nghiệp, người công nhân có thể sẽ phải chi phần lớn tiền lương cho… duy trì việc kiếm tiền lương. Một căn nhà trọ đầy rêu mốc có thể sẽ lấy của họ 20% lương. Họ sẽ cố dè sẻn trong ăn uống, hạn chế nhu cầu thăm khám sức khỏe, tất nhiên không thể đầu tư cho giáo dục. Cốt làm sao “mang được về nhà nhiều nhất”.

Nhưng bởi vì tiền lương tối thiểu vẫn đang được căn cứ trên “mức sống tối thiểu”, nghĩa là dựa trên chính cái việc ăn cơm rau và ở nhà trọ đó, nên họ cũng chẳng mang về được bao nhiêu.

Những đoàn người lũ lượt tìm đường về quê trong mùa đại dịch, trong túi nhiều người thậm chí không có nổi hai trăm nghìn đồng. Họ không thể trả dù là hai tháng tiền nhà trọ và tiền ăn ở thành phố, và ngay khi biến cố xảy ra, mất việc làm, rơi từ trạng thái “duy trì cuộc sống tối thiểu” vào trạng thái “khốn cùng”.

Để hỏi rằng “thu nhập” là gì, đầu tiên phải nhìn vào nghĩa của từ này. Nó là một từ gốc Hán Việt, có hai phần, là “thu” và “nhập”. Chữ “nhập” có một nghĩa rất rõ ràng, là cộng tổng vào tài sản của một người – trong tiếng Hán nó là một hình chóp nhọn, tượng hình cho một mũi tên (thứ sẽ xuyên vào bên-trong). Trong tiếng Anh, từ này là “income”, cũng có hai cấu phần là “in” (vào trong) và “come” (đến), khá giống với chiết tự tiếng Hán.

Những người lao động di cư Việt Nam đang có thu, nhưng không có nhập. Không có tích lũy, họ dễ dàng rơi vào cảnh bần cùng ngay khi phần “thu” dừng lại. Và điều này không phải là một thực tế không thể cưỡng lại, mà thật ra là do cách chúng ta thiết kế cuộc sống của họ.

Khi một doanh nghiệp hoạt động, “thuế thu nhập doanh nghiệp” của nó sẽ được đánh dựa vào phần thu trừ đi phần chi phí. Tức là xã hội hoàn toàn hiểu rằng “thu nhập” thực chất là phần người ta được cầm về, chứ không phải tổng thu. Tổng thu chẳng có ý nghĩa gì nếu phần lớn đã được chi cho việc tạo ra doanh thu. Trong câu chuyện của người công nhân, ta không hề đặt vấn đề như vậy: việc họ ăn cơm đùm nước lọ và ở trong những xóm trọ tồi tàn không được xem xét là “chi phí sản xuất” mà cứ như đó là cách họ tận hưởng cuộc sống vậy.

Có rất ít nỗ lực dành cho vấn đề nhà ở công nhân trong gần ba thập kỷ mở cửa. Khi thiết kế một khu công nghiệp, ta thu hồi đất nông nghiệp và chỉ vẽ mặt bằng các nhà máy. Các nhà máy là thứ phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, chứ còn công nhân ở đâu thì ở. Có tương đối ít khu công nghiệp có quy hoạch dành cho “ký túc xá công nhân” – thứ phổ biến tại những quốc gia đi trước và có nhiều bài học về lao động di cư như Trung Quốc.

Công nhân ở đâu thì ở, vì việc ăn ở của công nhân không được xem là hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu nhìn thị trấn Dĩ An, Bình Dương từ trên cao, bạn sẽ chỉ nhìn thấy các nhà máy và chi chít những mái tôn dài 30 mét. Đó là các khu trọ do hộ gia đình tự xây dựng.

Chỉ cần đặt vấn đề ngược lại, là hoạt động ăn-ở của những người công nhân này cũng là hoạt động sản xuất kinh doanh, và tư duy về nó ngay từ lúc quy hoạch, ta có thể cải thiện đời sống của họ rất nhiều. Họ sẽ “nhập” được nhiều hơn từ thứ họ “thu” từ sức lao động.

Vị CEO của công ty may xuất khẩu kia có một giải pháp khác. Ông chia nhỏ các nhà máy của mình ra, thay vì mở những nhà máy hàng chục nghìn công nhân ở trung tâm tỉnh, ông mở những nhà máy vài nghìn công nhân ở các huyện. Người công nhân ở gần nhà, sáng đi chiều về, không phải cơm hàng cháo chợ, và “thu nhập là những gì mang được về nhà” tăng lên rất nhiều.

Đó chỉ là một sáng kiến. Chúng ta có thể có rất nhiều sáng kiến để cải thiện cuộc đời của những con người khốn cùng, mà rất nhiều trong số họ giờ đã vạ vật ở gầm cầu, ống cống, ngay khi nhà máy phải ngừng hoạt động vì COVID. Miễn là ta phải bắt đầu nghĩ khác đi. Thu nhập là gì?

Đức Hoàng

Thiếu quê hương, ta về đâu?

Trong những đêm diễn phục vụ đồng bào ở các khu cách ly COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn thường lựa chọn hai ca khúc quen thuộc là “Quê hương” (thơ Đỗ Trung Quân - nhạc Giáp Văn Thạch) và “Về Quê” (nhạc và lời Phó Đức Phương). Một ngụ ý đẹp của người nghệ sỹ nhưng vô tình lại trở thành một liên tưởng rất gần gụi với hoàn cảnh lúc này. “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người” và “Thiếu quê hương, ta về đâu”, hai câu kết đủ để thấy hết mọi cay đắng và mỉa mai của đời sống trong lúc dịch bệnh khốn cùng này.

viec-1593927110603.jpg -0

Những dòng người đổ về quê vì không thể trụ lại nổi ở nơi phồn hoa đô hội vốn dĩ là điểm họ đến để kỳ vọng có một cuộc sống tốt hơn đã cho thấy một điều quá rõ ràng. Đó là khả năng cầm cự của họ không thể kéo dài quá 2 tháng, nếu như không có một con đường mưu sinh cụ thể nào. Clip ghi lại hình ảnh 2 chị em định vượt chốt về quê ở miền Trung với chỉ 200 ngàn trong tay, sau khi đã tiêu 800 ngàn từ khoản vay 1 triệu cho việc xét nghiệm, chắc chắn vẫn là clip nhiều người còn nhớ lâu dài. Người CSGT đã làm đúng trong hoàn cảnh đó, cả về luật cũng như về tình người. Không xử phạt nhưng không thỏa hiệp. Rút 500 ngàn tiền túi coi như hỗ trợ được ngày nào hay ngày ấy với một mong mỏi duy nhất là các em hãy về nhà, cố gắng chịu đựng, khó khăn gì thì gọi anh, chứ đừng về quê, nguy hiểm lắm.

Nhưng họ sẽ cầm cự được bao lâu với 500 ngàn hảo tâm ấy? Và chắc chắn, danh dự không cho phép họ gọi điện cho người CSGT kia khi đã tiêu nhẵn 500 ngàn. Rồi họ có tiếp tục chặng hành trình về quê hay không khi mà khả năng cầm cự ở TP Hồ Chí Minh là không còn?

Hàng xóm nhà tôi, ở cùng tầng chung cư, có một bà chị chắc cỡ gần 60 cứ tối tối lại đi lại tập thể dục ở hành lang chờ thang máy cỡ 1 tiếng đồng hồ. Mấy năm trời sống ở đây, chưa bao giờ tôi gặp chị. Tầng chỉ có 6 hộ và tôi đoán, chắc chị mới dọn về ở chưa lâu. Chỉ duy nhất có một điều tôi băn khoăn, tại sao chị lại ở một mình trong một căn hộ hai tầng (duplex) rộng hơn 200 mét vuông quá trống trải. Quả là một sự phí phạm vô ngần.

Kể từ đầu dịch, vợ tôi tham gia một nhóm phân phối rau giá rẻ cho các hộ dân cư ở khu chung cư mình ở và một vài chung cư lân cận. Mỗi ngày cả tấn rau được nhập về. Và công việc đầu tiên cô ấy làm là tỉa đi những lá rau úa, héo, bầm dập để đóng gói rau đẹp giao cho xóm giềng. Những lá rau héo úa, bầm dập ấy bị đem bỏ đi vì thú thực cũng chẳng có ai dùng nổi.

Rồi một ngày, chị hàng xóm thể dục nọ lân la sang, lí nhí hỏi xin những đám rau bỏ đi ấy. Chúng tôi ngạc nhiên thực sự. Cuối cùng, chúng tôi mới biết chuyện. Chị không phải chủ nhà. Chị là người làm thuê. Quê ở miền Tây, quen biết gia đình chủ hộ cũng đã lâu rồi nên họ tin tưởng mời lên thành phố làm người giúp việc. Trước dịch nửa tháng, vợ chồng con cái chủ hộ ra nước ngoài và để cho chị trông nhà. Chị đói nên xin rau bỏ đi mà ăn. Cơ bản, những ngày chung cư bị phong toả chị không cách nào có thể đi mua thực phẩm được. Hơn nữa, chị lại “mù công nghệ” nên cũng chẳng biết đặt mua online như thế nào. Tài khoản ngân hàng là thứ xa lạ với chị. Cứ tưởng chủ nhà đi dăm bữa rồi về, ai dè họ né dịch luôn. Tiền cạn sạch, tủ lạnh trống trơn, chị bèn đi xin ăn đúng nghĩa trong cái vỏ ngoài sạch sẽ chẳng khác một chủ nhà. Thế là từ bữa đó, ngày nào nhà chúng tôi cũng gửi rau, thực phẩm miễn phí sang cho chị. Trong lời cảm ơn, chúng tôi vẫn thấy có ngân ngấn nước ở đuôi mắt chị.

Rồi có thêm “thằng đệ” (theo cách gọi của vợ tôi) xuống phụ việc. Thằng bé khôi ngô, tuổi cỡ ngoài 20, vốn hay làm người chạy việc vặt cho một trung niên độc thân sống trên nhà tôi hai ba lầu gì đó. Dịch, chủ nó cũng nghỉ không có dự án nào thành ra nó cũng nằm nhà. Ngày ba bữa lo cơm nước cho chủ. Rảnh rỗi quá, nó xuống xin vợ tôi phụ việc đóng gói rau. Nó kể, không có việc thì chủ nó không trả lương, nuôi ăn ngày 3 bữa và có chỗ ở là được rồi. Nhưng nó vẫn cần tiền, để phòng thân và để gửi về quê. Được cái, chủ nó dễ tính nên cũng cho xuống nhà tôi làm thêm miễn sao phải đảm bảo được việc nhà cho chủ.

Bà chị kia, và “thằng đệ”, họ ít ra còn may mắn là có một chỗ nương thân không mất tiền trọ giữa thành phố đắt đỏ này. Họ không may mắn gặp được người CSGT tốt bụng như hai chị em kể trên đã gặp, nhưng ít nhất họ có đường cầm cự. Hai chị em kia thì sao? Và còn ngàn vạn mảnh đời ly hương khốn khổ hơn họ thì sao? Về đâu ngoài quê hương bây giờ? Nhưng không phải quê hương nào cũng mở cửa sẵn sàng đón họ. Và hơn nữa, đường về không đơn giản như đường rời quê ra đi.

Tôi cũng là thằng ly hương mà đi. 21 năm trước, ngay ở tháng đầu tiên sống giữa TP Hồ Chí Minh này, tôi đã đói. Cái đói không đến từ thu nhập thấp mà đến từ thói tiêu xài hoang phí của chính mình. Sau vài đêm đói mờ mắt ấy, tôi tự xác định cho mình một điều, và thành một thói quen. Đó chính là ý thức phòng thủ. Không bao giờ để mình rơi vào thế không thể cầm cự, ít nhất là trong vòng 1 năm.

Người ly hương bao giờ cũng vì mục đích cơ bản nhất: tìm một cơ hội tốt hơn. Nhưng ít ai để ý đến người ly hương có thêm điểm chung gì? Đó chính là họ sợ quay đầu. Quay đầu quy cố hương chỉ có 2 hoàn cảnh mà thôi. Một là khi viên mãn rồi, muốn về quê sống an nhàn. Và hai là thất bại ở nơi đất hứa nên buộc phải quay về. Họ sợ quay đầu ở hoàn cảnh thứ hai. Miệng đời lắm gai. Về quê nghe dè bỉu thì không đi tiếp mới là sự lạ. Cái mặc định “đã lên Hà Nội, đi Sài Gòn là phải thắng” nó ăn cố hữu vào đầu óc nhiều người rồi. Nên với ai thất bại, người ta khắt khe lắm.

Chúng ta nói rất nhiều về công bằng và chúng ta cũng hiểu rằng không ai có thể bình đẳng với người khác một cách toàn diện cả. Năng lực, trình độ, thái độ khác nhau vốn dĩ đã không tạo ra sự bình đẳng rồi. Và chúng ta để ý nhiều hơn đến bình đẳng trong cơ hội. Đây là điều đáng nói nhất về câu chuyện những dòng người ly hương. Nếu thực sự, cơ hội ở các tỉnh thành khác bình đẳng như cơ hội ở hai ba đô thị lớn nhất cả nước, dòng người ly hương đã không nhiều đến thế.

Mỗi năm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đón bao nhiêu tân sinh viên? Câu hỏi này đủ để chúng ta biết tại sao dân số thành phố cứ phình to đến thế. Sau 4-5 năm đại học, bao nhiêu phần trăm sinh viên tốt nghiệp lựa chọn về lại quê nhà? Thiểu số. Bởi vì ở đó không có cơ hội bình đẳng cho họ. Và mỗi năm, với một lực lượng tốt nghiệp mới mẻ được bổ sung, cạnh tranh nơi thành thị càng khắc nghiệt hơn, sức cầm cự của con người cũng kém dần hơn.

Đấy là chúng ta còn chưa nói đến lực lượng ly hương đông đảo nhất là những lao động phổ thông? Ai cho họ cơ hội? Ai cho họ một “quê hương là chùm khế ngọt” đúng nghĩa đây?

Người giàu có ở thành thị lớn đổ xô về các tỉnh thành để đầu tư bất động sản, trang trại, biệt thự nghỉ dưỡng trong khi người nghèo ở chính những nơi được người giàu đầu tư ấy lại bỏ tỉnh mà lên thành. Đất đai ở tỉnh được phân lô quy hoạch thì cơ hội để sinh tồn vất vả nhất là làm nông của người nghèo cũng bị bó hẹp. Chúng ta đã tạo ra một xã hội bình đẳng cơ hội kiểu gì lạ thường đến thế? Có ai có thể trả lời câu hỏi ấy không hay là tất cả đều bị cái hào nhoáng, có vẻ văn minh, có vẻ thời thượng của đô thị hóa làm nhòa đi mọi nhận thức sâu sắc nhất?

Rồi một ngày dịch bệnh cũng tan đi thôi. Lúc ấy, lại những dòng người ly hương đổ lên thành phố. Thành phố cần họ để tạo ra sức sống cho mình. Còn họ, họ sống thực sự ở đô thị hay mỏi mòn ở đô thị với sức cầm cự nhiều khi không quá 60 ngày?

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.
.