Không biết tiết kiệm thì không thành người

Thứ Sáu, 25/10/2024, 20:15

Xin thưa, tựa đề của bài viết này chính là ý trong một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyên văn lời của Bác như sau:  "Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người". (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011).

Ngày 13/10/2024, các báo đồng loạt đăng bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Bài viết có nhan đề "Chống lãng phí", trong đó đưa ra giải pháp sửa đổi chính sách để giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước khẳng định trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân thực hiện đạt nhiều kết quả. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới "rất khẩn trương, cấp bách".

Không biết tiết kiệm thì không thành người -0
Ảnh minh hoạ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhắc lại, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Trong cả cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương sáng ngời và mẫu mực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đức tính tiết kiệm của Bác Hồ thể hiện ngay cả trong cách ăn uống hằng ngày. Câu chuyện sau đây tôi đọc được trên Báo Thanh niên vào dịp sinh nhật Bác 19/5/2016, nay xin kể lại cùng bạn đọc.

Cụ Phí Văn Bái (1914-2014), nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng phòng Cục Địch vận, Bộ Quốc phòng, chuyên viên Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 70 năm tuổi Đảng kể:  "Một buổi sáng cuối tháng Chạp năm 1945, khoảng gần 10 giờ, tôi lúc ấy giữ nhiệm vụ Bí thư Ủy ban Hành chính (nay là Chánh Văn phòng UBND tỉnh - PV) tỉnh Ninh Bình nhận được tin Bác Hồ vừa đi qua thị xã; xe Bác rẽ xuống huyện Kim Sơn. Cả Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính và Công an tỉnh đều không được thông báo chương trình Bác Hồ xuống Ninh Bình.

Biết tin Bác Hồ ở Kim Sơn về tỉnh Ninh Bình, nhân dân thị xã kéo đến mỗi lúc mỗi đông. Cuối buổi họp, Bác đồng ý cho mời nhân dân thị xã đến sân của Ủy ban Hành chính gặp Bác và nghe Bác nói chuyện. Trong khi chờ đợi, Bác đi xem các phòng làm việc và nơi ăn chốn ở của chúng tôi. Tôi đi trước, mở phòng họp lớn ở bên cạnh. Giữa phòng có một cái bàn rộng, chung quanh có nhiều ghế dựa. Giữa bàn có một cái mâm đậy chiếc lồng bàn. Bác bước vào, giơ tay nhấc chiếc lồng bàn thấy một con gà đã luộc chín, để trên cái đĩa, với một số bát đũa sắp sẵn. Chúng tôi ngỏ lời mời Bác xơi cơm trước khi về Hà Nội.

Bác nói ngay: "Nếu có điều kiện ở lại ăn với các chú bữa cơm thì cũng rất vui. Nhưng, Bác đã có một cuộc họp, hẹn trước vào 8 giờ tối hôm nay. Chiếc xe của Bác đã cũ, chỉ chạy được hơn 30 cây số một giờ. Từ Ninh Bình về Hà Nội vừa đúng 100 cây số. 5 giờ Bác phải về mới kịp giờ họp".

Bác dừng lại mấy giây rồi nói tiếp: "Lúc nãy, xe Bác đi qua thị xã, ngồi trong xe Bác nhìn thấy có hàng bán bánh giò treo lủng lẳng mấy cái bánh ở trước cửa hàng. Đã lâu lắm Bác không được ăn chiếc bánh quê hương ấy. Mua cho Bác mấy cái. Trên đường về Bác ăn, vừa tiết kiệm thì giờ và cũng như ăn cơm với các chú... Thôi, đồng ý nhé".

Cả buổi tối hôm đó, trong cơ quan ai cũng chỉ nói chuyện về Bác Hồ. Riêng tôi cảm thấy hạnh phúc được đi mua bánh để Bác ăn, nhưng lại tự trách mình, sao không mua thêm những thứ khác. Vì mỗi người chỉ có 3 chiếc bánh nhỏ, mỗi chiếc có 2 xu, làm sao no được".

Ôn lại câu chuyện trên về Bác hôm nay thấy vẫn rất thời sự. Bởi vì, mấy năm gần đây, "nạn" tiếp khách, ăn uống tràn lan có xu hướng gia tăng ở nhiều cơ sở, cơ quan, ban, ngành dẫn đến dính cảnh nợ nần tràn lan. Cũng chỉ vì ăn uống, tiếp khách quá nhiều, không ít cán bộ, đảng viên tự biến mình vừa là "khổ chủ", vừa là "con nợ". Có những địa phương thuộc diện nghèo, hằng năm phải xin Trung ương "cứu đói" cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vào những tháng giáp hạt, nhưng nhiều cơ quan, ban, ngành ở tỉnh, huyện, xã vẫn chưa biết "liệu cơm gắp mắm", chi tiêu đón tiếp khách, ăn uống vượt mức tiêu chuẩn, gây lãng phí.

Lối sống "trên dân, xa dân" cũng từ đó dần "lớn lên" trong con người cán bộ và đây chính là mầm mống của căn bệnh quan liêu, vô cảm với dân. Đúng như một ý kiến của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định chí lý rằng, khi cán bộ chỉ còn biết có cá nhân mình, chỉ ngày đêm chăm lo cho sự giàu có của bản thân và gia đình, tìm mọi cách để thỏa mãn những thú vui vật chất thì làm sao còn rung động được trước những cảnh nghèo đói, đau khổ của người dân?

Nếu không ngăn chặn được tình trạng "Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra" sẽ vô hình trung tạo thêm hố sâu ngăn cách về sự bất công xã hội - một điều hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu xây dựng xã hội công bằng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nỗ lực thực hiện.

Tấm gương tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng những lời chỉ đạo trong bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ giúp cho mọi cán bộ, đảng viên hiện nay thêm thấm thía một điều: Nếu không biết tiết kiệm, nếu vẫn cứ lãng phí trong đời sống và công tác, thì tự mình sẽ đánh mất bản chất thiện lương của người cộng sản, thậm chí tự biến mình trở thành những kẻ "phàm phu tục tử" trong con mắt người dân, tự mình làm mình chưa thật sự xứng đáng làm người...

An Vinh
.
.
.