Hồi sinh di sản văn hóa với công nghệ 3D

Thứ Hai, 25/11/2024, 09:05

Trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang trở thành xu hướng tất yếu, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, công nghệ đã được nhiều đơn vị đưa vào ứng dụng bảo tồn di sản thông qua việc số hóa các di tích, di sản văn hóa phục vụ lưu trữ, tiếp cận quảng bá ngày càng hiệu quả.

1. Thời gian gần đây, du khách đến thăm quan những địa điểm di tích văn hóa, lịch sử từ những thành phố lớn tới các địa phương đều đã được chứng kiến và trải nghiệm các giải pháp công nghệ trong việc lưu trữ, quảng bá các di sản. Sự thành công của nhiều di tích văn hóa, lịch sử khi làm “sống lại” và tăng thêm giá trị cho các di sản, nhất là các khâu giới thiệu, quảng bá, quản lý du lịch bằng việc triển khai các giải pháp công nghệ.

Nhiều bảo tàng đã đạt được những thành công bước đầu như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có ứng dụng công nghệ số cho trưng bày “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã cho ra mắt sản phẩm tour tham quan trực tuyến 3D. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam triển khai tour 3D “Chiến thắng Hà Nội 12 ngày đêm”…

chùa một cột diên hựu thời lý bằng công nghệ thực tế ảo.jpg -0
Chùa Một cột Diên Hựu thời Lý được tái hiện bằng công nghệ thực tế ảo.

Mới đây nhất, cùng với việc khánh thành địa điểm mới rộng rãi và quy mô hơn, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ứng dụng hiệu quả nhiều công nghệ vào việc trưng bày các hiện vật cũng như tăng trải nghiệm cho du khách. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng giới thiệu tour tham quan 360 độ. Trung tâm văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám có tour đêm “Tinh hoa đạo học” ứng dụng công nghệ trình chiếu ánh sáng dẫn dắt người xem hòa mình vào không gian lung linh ấn tượng, đặc sắc. Di tích Nhà tù Hỏa Lò có kênh phát thanh độc quyền trên nền tảng Spotify (ứng dụng nghe nhạc) và Apple Podcasts. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức trưng bày trực tuyến và tour tham quan ảo 360 độ giới thiệu về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long…

Bên cạnh việc sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, số hóa tư liệu, nhiều điểm đến di sản đã liên kết với các công ty chuyên về công nghệ để phát triển các nền tảng số như hỗ trợ ứng dụng công nghệ QR code tương tác tại các điểm tham quan, bảo tàng, di tích; công nghệ thuyết minh tự động (audio guide); công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR), công nghệ lưu trữ điện toán đám mây… nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Với cách tiếp cận gần gũi, tạo hứng thú, tò mò, các điểm di sản ngày càng tạo nên sức hấp dẫn lớn, thu hút quan tâm của đông đảo du khách, nhất là người trẻ và khách du lịch nước ngoài.

Mới đây nhất, Đại học RMIT Việt Nam phối hợp với Adobe tổ chức khóa tập huấn cho các bảo tàng và trung tâm lưu trữ trong nước nhằm tìm hiểu và phát huy vai trò của công nghệ 3D trong bảo tồn văn hóa và di sản bản địa. Đây thực sự là những trải nghiệm thú vị đặc biệt cho những ai quan tâm tìm hiểu quy trình số hóa tài sản di sản lịch sử và văn hóa trong kỷ nguyên số.

Có một thực tế là công nghệ 3D, đặc biệt là Adobe 3D Substance, được dùng bởi nhiều tổ chức trên toàn cầu. Đây là giải pháp phù hợp nhất để chuyển đổi hình ảnh thành vật liệu và mô hình 3D. Tuy nhiên, việc đưa công nghệ này vào bảo tồn thời trang và dệt may truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam vẫn còn mới và đang trong giai đoạn hình thành. Dự án “Nghiên cứu thiết kế Việt Nam hướng tới thời trang bền vững” (Dự án VDRS) đã tận dụng lợi thế của công nghệ trong việc bảo tồn di sản văn hóa bản địa, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị truyền thống trong bối cảnh hiện đại.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV chia sẻ thực tế: “Chúng tôi có những khó khăn nhất định trong bảo tồn gần 34.000 mộc bản triều Nguyễn đang được lưu trữ tại trung tâm. Những hiện vật này bằng gỗ, có kích thước lớn, bề mặt khắc nổi các chữ Hán, hoa văn, họa tiết. Nếu chỉ chụp ảnh đơn thuần để trưng bày trong triển lãm thì chưa thực sự ấn tượng và không thể thể hiện rõ các chi tiết. Trong khi đó, số hóa 3D mà hệ sinh thái phần mềm của Adobe cung cấp rất phù hợp để lưu trữ các bản mộc này, giúp làm nổi bật lên những nét khắc và hỗ trợ ý tưởng thực hiện các triển lãm ảo, cho phép khách tham quan tập trung vào chi tiết nổi bật của hiện vật. Nếu được triển khai hiệu quả, công nghệ này có thể mở đường cho các triển lãm ảo trong tương lai

Còn Tiến sĩ An Thu Trà (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) cho biết áp dụng công nghệ này rất hữu ích trong việc chuyển đổi ngay lập tức các hiện vật của bảo tàng. Ví dụ như chuyển các họa tiết của văn hóa Mông hay Thái sang định dạng 3D. Tiến sĩ An Thu Trà nhấn mạnh đến tiềm năng áp dụng công nghệ này trong việc thúc đẩy nỗ lực truyền thông và giáo dục của bảo tàng, đặc biệt trong việc số hóa trang phục truyền thống và khăn trùm đầu với thiết kế giàu bản sắc độc đáo của các dân tộc.

Bà Phương Thu Hiền (Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam) cho biết trong thời đại số, các bảo tàng cần hướng tiếp cận sáng tạo để giới thiệu hiện vật với công chúng, đặc biệt là đến thế hệ trẻ. “Trong những năm gần đây, nhiều du khách đến tham quan bảo tàng là thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử và truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng với việc áp dụng công nghệ mới này, các hiện vật của bảo tàng sẽ sống động và có tính thẩm mỹ cao hơn để đến gần với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ, qua đó giáo dục được truyền thống, lịch sử của phụ nữ Việt Nam”.

Hồi sinh di sản văn hóa với công nghệ 3D -0
Du khách khám phá không gian bảo tàng qua ứng dụng công nghệ số.

Bà Corinna Joyce, Chủ nhiệm dự án VDRS cho biết: “VDRS đóng vai trò nền tảng trong việc bảo tồn tri thức truyền thống của 53 dân tộc thiểu số Việt Nam. Bên cạnh việc bảo tồn, điều này còn giúp đưa kỹ thuật may mặc truyền thống vào bối cảnh hiện đại, nhằm đóng góp cho sự phát triển của ngành thời trang. Thông qua số hóa, chúng tôi muốn xây dựng một nền tảng mà mọi người có thể tiếp cận với vẻ đẹp, kỹ thuật và kiến thức đằng sau những truyền thống này. Với công nghệ 3D, chúng tôi tin có thể đạt được hoài bão trên”.

2. Việt Nam có hệ thống di sản, danh lam thắng cảnh trải dài với những giá trị trường tồn về kiến trúc, cảnh quan, lịch sử, văn hóa… Tuy nhiên, một sự thật và cũng là điều đáng tiếc là chưa có nhiều di sản được tái hiện bằng các công nghệ hiện đại. Đặc biệt những di sản ở những địa phương mà điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Dù bước đầu đã bắt kịp những công nghệ mới, nhưng so với thế giới, chúng ta vẫn còn có khoảng cách xa. Nền tảng công nghệ của Việt Nam nói chung và của các địa phương có di sản chưa phải là thế mạnh khi cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, cơ sở dữ liệu đã được số hóa về di sản còn mỏng. Từ chính sách đến thực tế là một chặng đường dài, trong đó thiếu nguồn lực có trình độ là một vấn đề lớn chưa khắc phục được. Ngoài ra là cơ chế để có thể hiểu rõ và nhanh nhạy áp dụng công nghệ hiện đại.

Thực tế mới đây, Ban quản lý quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ - một trong số ít các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của tỉnh rất trăn trở trong việc áp dụng công nghệ hiện đại. Trước đó, để phát huy giá trị to lớn của di tích lịch sử, địa phương cũng mới chỉ tổ chức trải nghiệm đơn giản như xe thồ, bữa ăn chiến sĩ… nhưng chủ yếu dành cho học sinh, sinh viên tìm hiểu lịch sử chứ chưa thực hiện để tăng trải nghiệm cho du khách.

Trước thực tế này, chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam (giai đoạn 2021-2030) đặt mục tiêu 100% các di tích quốc gia đặc biệt và 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. Ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích, 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số…

Trong thời đại mà toàn cầu hóa và đô thị hóa đe dọa làm xói mòn những di sản văn hóa phong phú thì cách tiếp cận giao thoa giữa công nghệ, văn hóa và giáo dục, không chỉ bảo tồn truyền thống mà còn hồi sinh chúng. Bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận cho các thế hệ tương lai qua các phương tiện kỹ thuật số, các kho tàng văn hóa sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và truyền cảm hứng, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị truyền thống trong bối cảnh hiện đại.

Vân Phong
.
.
.