Ánh sáng của tương lai

Thứ Ba, 28/05/2024, 13:03

Truyền thông thù địch là giống như một đàn mối cắn phá những công trình kiên cố nhất. Thoạt đầu là những luồng thông tin tỏ ra khách quan trong vùng gọi là “gây tranh cãi”. Sau khi quen mắt bắt tai thì tự đối tượng nghe nhìn bị ru ngủ và mặc nhiên tin và sự đảo ngược giá trị.

Hơn 3 thập niên trước, Liên Xô đã bị “đàn mối" này gặm nhấm không thể chống đỡ. Công lao cứu loài người khỏi thảm họa phát xít đã bị truyền thông cách mạng màu xóa trắng. Các tượng đài Hồng quân và lãnh tụ cách mạng bị đám đông tháo dỡ ở nhiều nước Đông Âu. Ở nước ta, những “đàn mối” chống phá cũng ra sức cắn phá các giá trị tốt đẹp.

“Đàn mối” này sử dụng ngụy văn học, ngụy báo chí… để phủ nhận sự nghiệp cách mạng và hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhưng thật kỳ diệu, cho dù mấy chục năm vật đổi sao dời thì vị thế Việt Nam ngày một nâng lên, hình ảnh Bác Hồ vẫn lan tỏa trên thế giới ngày càng rộng khắp. “Đàn mối” này càng cắn càng “gãy răng” thảm hại.

Cho dù những kẻ chống phá nham hiểm tới đâu, hình ảnh Bác Hồ vẫn được nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới ngày càng ngưỡng mộ và lan tỏa. Thử hỏi xem có danh nhân nào được nhiều quốc gia tôn kính, dựng tượng đài, đặt tên đại lộ, đường phố nhiều bằng lãnh tụ Hồ Chí Minh? Thử hỏi có những lãnh tụ nào trên thế giới được cả đồng chí và kẻ thù tôn kính? “Việt Nam - Hồ Chí Minh” đã trở thành từ khóa của tự do. Thế giới nhắc đến Việt Nam luôn gắn kèm tên Bác. Nhà thơ Cuba Félix Rita Rodríguez  từng nói: “Mỹ thua ở Việt Nam vì họ không đọc thơ của Người”.

Khó có thể thống kê đầy đủ những quốc gia xây tượng đài, đặt tên đại lộ, quảng trường mang tên Hồ Chí Minh, nhưng chắc chắn có hơn 20 quốc gia khắp năm châu thực hiện điều đó. Cụ thể, bạn bè gần gũi với Việt Nam như Cuba, Lào, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka; những nước hâm mộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam ở châu Mỹ Latin như Chile, Panama, Argentina, Cộng hòa Dominica, Mexico, Nicaragua; những nước châu Phi như Algeria, Angola, Mozambique, Madagascar; những nước có quá khứ từng khúc mắc với ta như Philippines, Singapore, Thái Lan đều dành không gian dựng tượng Bác Hồ. Sau khi bình thường hóa với Việt Nam năm 1976, Thái Lan đã cho tôn tạo các khu di tích, các đền thờ Bác Hồ tại nước này. Với nhiều nước anh em truyền thống thì công trình về Bác không chỉ có một mà còn nhiều hơn thế. 

Danh nhân Hồ Chí Minh là một người mà cả đối thủ, cựu thù cũng phải bày tỏ sự tôn kính. Nước Pháp đã đặt tên Hồ Chí Minh cho 7 con đường ở phía Nam Lyon; Réunion (lãnh thổ hải ngoại Pháp), tỉnh Bretagne, tỉnh Rhône-Alpes, Guadeloupe (tỉnh hải ngoại Pháp). Nhật Bản đã đặt tượng đài Bác Hồ tại không gian “Việt Nam - Hồ Chí Minh” tại thành phố Mimasaka.

Ngay từ cuối năm 1923, nhà thơ Xôviết Osip Mandelstam nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”.

Có những tượng đài Hồ Chí Minh được xây dựng trong thi ca và âm nhạc. Tại Hoa Kỳ,  nhạc sĩ phản chiến Pete Seeger khắc họa hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết ca khúc “Bác Hồ - Người thầy” (Teacher Uncle Hồ) với giai điệu phong cách country tươi sáng. Phần ca từ có đoạn: "Người nói với toàn dân và cho cả thế giới biết rằng: Khi một người vì quê hương chiến đấu/ Sức mạnh của anh sẽ nhân gấp mười… Tôi sẽ phải thưa với mọi người bằng cách của riêng tôi/ Rằng chúng ta đã nhận ra sức mạnh nhân dân/ từ những bài học của thầy giáo - Bác Hồ!".

Một tượng đài khác bằng âm nhạc của nhạc sĩ người Anh Ewan MacColl là bài hát nổi tiếng “The Ballad of Ho Chi Minh” (Bài ca Hồ Chí Minh) chúng ta đã quen nghe phần lời Phú Ân dịch khá hay nhưng chỉ có 5 đoạn, ngắn hơn bản gốc. Bản gốc có tới 9 đoạn. Trong đó, MacColl viết rất cụ thể, sinh động từng lực lượng, địa danh tại Việt Nam. Xin lược trích một vài đoạn: “Bốn mươi người trở thành một trăm người/ Rồi một trăm nghìn người/ Và Hồ Chí Minh luyện nên sức mạnh của người Đông Dương/ Đội quân tự do của Việt Minh/ Mỗi người lính là một người nông dân/ Tối cầm cuốc/ ngày lại vác súng trên vai/ Đội quân của Bác Hồ/ Từ vùng núi cao tới những khu rừng già/ Từ ruộng lúa tới Đồng Tháp Mười/  Trồng nên tự do từ hạt giống chiến thắng/ Từ Việt Bắc tới đồng bằng Sài Gòn…”.

Không phải đất nước nào cũng có những anh hùng dân tộc. Không phải anh hùng dân tộc nào cũng là danh nhân văn hóa thế giới. Không phải danh nhân thế giới nào cũng được yêu quý và đối thủ tôn kính. Bài thơ “Tên người là cả một niềm thơ” của Félix Rita Rodríguez  đã được nhạc sĩ Cuba Pablo Milanés viết thành bài hát cùng tên. Lời ca có đoạn “… bởi vì đối với Người, phẩm giá cao hơn bánh mì, cao hơn vinh quang, cao hơn chính sự sống còn. Hồ Chí Minh - Tên của người là cả một niềm thơ”. Ewan MacColl ở bìa bản nhạc: "Trên đời có những vật không thể thay đổi/ Có những con chim không khuất phục bao giờ/ Có dòng tên Người sống mãi với thời gian – Hồ Chí Minh”.

Miên man nghĩ theo lời của Osip Mandelstam, có lẽ ánh sáng văn hóa tương lai của Bác Hồ chính là sự trường tồn mà không điều gì thay đổi được.

Tả Từ
.
.
.