Không thể đánh đồng sự kiện ở Afghanistan với Chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam
Ngày 15/8 (giờ địa phương), Người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban Mohammad Naeem thông báo trên truyền hình, cuộc chiến ở Afghanistan đã kết thúc. Một thể chế và quy định mới sắp hình thành ở Afghanistan và Taliban đã sẵn sàng đàm phán với các nhân vật trong chính quyền Afghanistan.
Ở chiều ngược lại, chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani đã thừa nhận thất bại. Trong bài đăng trên trang facebook, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani xác nhận, Taliban đã giành chiến thắng và bây giờ lực lượng này có trách nhiệm bảo vệ tài sản và người dân Afghanistan. Ông Ashraf Ghani cũng cho biết lý do ông rời đất nước là vì “không muốn có thêm thương vong và thủ đô Kabul bị phá hủy”.
Trước chiến thắng của Taliban và sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani, trên mạng xã hội một số người tỏ ra hả hê, vui sướng. Một số người còn đem so sánh sự kiện này với sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở Việt Nam ngày 30/4/1975; so sánh cảnh tượng Mỹ vội vã sơ tán người khỏi thủ đô Kabul với cảnh quân đội Mỹ rút khỏi Sài Gòn năm 1975 và mô tả nó như “sự tái hiện lịch sử”. Đặc biệt, họ còn so sánh Taliban với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Họ chế nhạo những ca từ của các bài hát cách mạng như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Tiến về Sài Gòn”... và đánh đồng hai cuộc chiến với nhau.
Trang BBC tiếng Việt đăng tải một số bài viết so sánh hai sự kiện này với những lời lẽ xuyên tạc lịch sử Việt Nam, như: “Vì sao chiến thắng của Taliban tại Kabul được so với sự kiện Sài Gòn thất thủ?”; “Kabul chưa đánh đã hàng, có giống chiến tranh Việt Nam”… Cùng với đó là những ngôn từ, bình luận mang tính xuyên tạc lịch sử Việt Nam như “tái hiện hình ảnh Sài Gòn thất thủ”, so sánh Taliban với “quân Bắc Việt”, từ đó miệt thị “Chính phủ Cộng sản Bắc Việt Nam”, “Việt Cộng đánh chiếm Sài Gòn”…
Đúng là nếu chỉ nhìn bề ngoài có thể thấy một số điểm trùng hợp giữa sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở Việt Nam năm 1975 và sự kiện Taliban tiến vào thủ đô Kabul ở Afghanistan năm 2021. Đó là việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan lật đổ Taliban, dựng lên chính phủ do Mỹ hậu thuẫn, tồn tại đến 20 năm; so với việc Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam với thời gian gần tương tự, cũng lập nên chính phủ bù nhìn do Mỹ hậu thuẫn. Rồi hình ảnh những chiếc trực thăng Mỹ vội vã di tản nhân viên khỏi Sài Gòn năm 1975 và Kabul năm 2021… Nhưng, hình ảnh chỉ phản ánh sự việc diễn ra chứ hình ảnh không phản ánh bản chất bởi hai sự kiện này là khác nhau.
Về mặt bản chất, cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là một cuộc chiến tranh chính nghĩa giữa nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam - những lực lượng được cộng đồng quốc tế thừa nhận với thế lực xâm lược và phản động, tay sai. Nó khác với cuộc chiến tranh giành quyền lực diễn ra ở Afghanistan giữa Taliban - một lực lượng chưa được cộng đồng quốc tế thừa nhận với một chính quyền thân Mỹ, do Mỹ và đồng minh dựng lên. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Taliban cũng là hai lực lượng, hai phạm trù lịch sử khác nhau.
Ngày 15/2/1961, tại Chiến khu Đ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng, trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam, đặt dưới sự lãnh đạo về mọi mặt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà thường xuyên là Ban Quân sự thuộc Trung ương Cục (từ tháng 10/1963 là Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Miền). Về mặt chính trị, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lực lượng này có nhiệm vụ chủ yếu là làm nòng cốt cho toàn dân đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau 14 năm được thành lập, Quân Giải phóng miền Nam đã cùng quân và dân cả nước mưu trí, sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh đánh bại đế quốc Mỹ và lực lượng tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Taliban được thành lập năm 1994 ở thành phố miền Nam Kandahar bởi Mullah Mohammad Omar, thành viên một bộ lạc Pashtun và từng là một chỉ huy phiến quân Mujahideen chống lại chiến dịch quân sự của Liên Xô ở Afghanistan trong thập niên 1980. Hầu hết thành viên của Taliban là người Pashtun, dân tộc đông dân nhất Afghanistan. Tên Taliban có nghĩa là “những giáo sinh Pashto”. Khởi đầu với khoảng 50 tay súng có tham vọng thiết lập lại trật tự dựa trên sự nghiêm khắc của Hồi giáo nguyên thủy năm 1994, Taliban nhanh chóng lớn mạnh về quân số, mở rộng ảnh hưởng ở Kandahar, sau đó là toàn vùng Tây Nam Afghanistan nhờ lời hứa mang lại ổn định và công bằng thông qua luật Sharia, trong bối cảnh các nhóm quyền lực khác chỉ tập trung bắn giết.
Tuy nhiên, mặt trái của Taliban chính là sự tàn khốc, hà khắc. Năm 1996, Taliban tiến vào Kabul, lật đổ chế độ của Tổng thống Burhanuddin Rabbani - một trong những cha đẻ của tổ chức Mujahideen, buộc Rabbani ra nước ngoài sống lưu vong. Sau khi bị liên quân Mỹ, đồng minh lật đổ năm 2001, Mullah Omar và nhiều thủ lĩnh Taliban chạy sang Pakistan, đồng thời mở những chiến dịch quân sự trên khắp lãnh thổ Afghanistan để giành lại quyền lực.
Như vậy, không thể đồng nhất Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam – lực lượng cách mạng của nhân dân Việt Nam với Taliban. Việc so sánh hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam với Afghanistan cũng là kiểu so sánh rất khập khiễng, không thể nói “đồng nhất”. Đó là một hành vi làm sai lệch bản chất cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta, hạ thấp ý nghĩa, sức nặng chiến thắng của dân tộc ta, hạ thấp những gì mà nhân dân ta và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã trải qua trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bởi cuộc chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ nền độc lập dân tộc, được nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới ủng hộ nên ngay khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố thành lập vào năm 1969, đã có tới 23 quốc gia công nhận, trong đó có 21 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ và khoảng 50 quốc gia khác đặt những liên hệ ngoại giao.
Về ý nghĩa, Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.
Chiều 19/8, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, báo chí trong nước và quốc tế đặt nhiều câu hỏi về quan điểm của Việt Nam đối với tình hình Afghanistan hiện nay. Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định, Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình Afghanistan và mong Afghanistan sớm ổn định vì lợi ích của người dân Afghanistan, vì hòa bình, ổn định của khu vực. Là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan không sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh, trật tự, cơ sở hạ tầng thiết yếu, tính mạng và tài sản cho người dân Afghanistan và người nước ngoài, nhất là phụ nữ và trẻ em, cũng như đảm bảo tiếp cận nhân đạo khi cần thiết.
Một hãng tin quốc tế đặt câu hỏi về việc gần đây một số hãng truyền thông so sánh cảnh tượng Mỹ vội vã sơ tán người khỏi thủ đô Kabul với cảnh quân đội Mỹ rút khỏi Sài Gòn năm 1975 và mô tả nó như “sự tái hiện lịch sử”, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, với chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra trang sử mới của Việt Nam, kỷ nguyên độc lập tự do, hòa bình, toàn dân tộc chung tay xây dựng, phát triển đất nước. Thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã đem lại lòng tin, phấn khởi, khâm phục, mến mộ của lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng đó là không thể lay chuyển.