Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới
Ngày 22/12 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2020 với chủ đề: Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Chính phủ trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đối với quá trình nghiên cứu, tham mưu, hoạch định chính sách kinh tế; mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt để góp phần thực hiện thành công các chiến lược, kế hoạch phát triển giai đoạn tới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại diễn đàn. |
Phó Thủ tướng khẳng định việc kiến tạo môi trường thuận lợi để giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái "bình thường mới" là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô năm nay.
Thực tế, hàng loạt biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư... đã được triển khai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính cạnh tranh quốc tế nhằm nắm bắt kịp thời và tận dụng hiệu quả các cơ hội thu hút đầu tư trong tình hình mới.
Với quyết tâm của Chính phủ, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng được đẩy mạnh với nhiều bước tiến mang tính đột phá. Phó Thủ tướng khẳng định những nỗ lực trên của Chính phủ đều hướng tới mục tiêu chung là đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong trạng thái "bình thường mới”.
Để đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, vượt qua thách thức và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong trạng thái "bình thường mới", Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá và các chính sách khác. Hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận các nguồn vốn và cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp. Ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số, coi đây là khâu đột phá trong phát triển nhanh, bền vững.
Chính phủ sẽ tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động đón làn sóng đầu tư mới gắn với tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư ở trong và ngoài nước bằng các hình thức mới nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng thị trường và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường và mạng lưới đối tác thương mại, thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Trước đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam do phải đối mặt với sự bùng phát của dịch COVID-19. Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP, dự kiến năm 2020 đạt 2,5-3%. Đây cũng là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 – 2020, giai đoạn mà Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách để đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
"Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Trong các kết quả nêu trên có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Sự tin tưởng và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp đã bổ sung thêm động lực để Chính phủ Việt Nam quyết tâm và điều hành linh hoạt để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Toàn cảnh diễn đàn |
Tại diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cũng nêu ra một số nút thắt đang cản trở hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận tập trung vào một số vấn đề như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, điện và năng lượng, cơ sở hạ tầng, thuế và hải quan, giáo dục và đào tạo, du lịch…Trong quá trình thảo luận, đại diện các Bộ, ngành cũng đã có những ý kiến phản hồi và trao đổi cụ thể, chi tiết, qua đó làm rõ hơn các nội dung mà các bên cùng quan tâm, đặt ra yêu cầu cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài để nâng cao hiệu quả hợp tác về đầu tư nước ngoài.