Đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch

Thứ Bảy, 09/01/2021, 09:40
“Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là phải cùng đi vào “chuyến tàu” cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng không thụ động. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch hoàn toàn có thể đi nhanh hơn rất nhiều nếu chủ động, thiết thực, áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, nắm được toàn bộ nguồn lực trong lĩnh vực quản lý”.

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai công tác năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tại Hà Nội vào ngày 8/1.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong tháng 1/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức cao kỷ lục, đạt 2 triệu lượt. Do đại dịch COVID-19 bùng phát, từ cuối tháng 3/2020 đến nay, hoạt động du lịch quốc tế đã ngừng trệ. Năm 2020, các chỉ tiêu đều giảm mạnh so với năm 2019.

Cụ thể, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3.686.779 lượt, giảm 79,5%. Khách du lịch nội địa ước đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%, trong đó có 28,7 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 58,7%. Tuy nhiên, trong năm 2020, ngành du lịch vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, đạt nhiều kết quả tốt.

Năm 2020, Việt Nam tiếp tục được bình chọn là điểm đến tiêu biểu trong khu vực châu Á và của thế giới, như: Điểm đến Di sản hàng đầu, Điểm đến Văn hóa hàng đầu và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu, Điểm đến Golf tốt nhất. Lần thứ 2 liên tiếp được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Qua đó, đã khẳng định thương hiệu, chất lượng của du lịch Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của ngành VHTTDL năm 2020. 

Phó Thủ tướng nhận định, Bộ VHTTDL đã điều hành, phối hợp nhịp nhàng hoạt động giữa ba lĩnh vực VHTTDL, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, góp phần khơi dậy những giá trị tốt đẹp, làm cho mỗi người dân Việt Nam thấy thêm yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và yêu thương con người nhiều hơn. Trong thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao, du lịch còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để tận dụng được cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó Thủ tướng gợi ý: Phòng chống dịch bệnh COVID-19 giúp ngành du lịch nắm được dữ liệu của 83.000 cơ sở lưu trú gồm các khách sạn cao cấp cho đến nhà nghỉ nhỏ để phục vụ cho công tác quản lý sau này. Hai năm qua, một số thư viện, bảo tàng đã bắt đầu thực hiện số hóa sách, văn bản, tư liệu, hiện vật quý. Hoạt động này cần phải được tiếp tục mở rộng hơn nữa vì “chúng ta đang có rất nhiều di sản, di tích, bảo tàng hiện vật, những cuốn sách quý ở trong thư viện, những bức tranh quý ở trong bảo tàng của Nhà nước cũng như bảo tàng tư nhân”.

Bộ VHTTDL phải tập trung chỉ đạo, tăng tốc, gương mẫu đi trước, cùng với các địa phương, Sở VHTTDL, doanh nghiệp, người dân… vào cuộc mạnh mẽ để giải những bài toán khó đang đặt ra. Ví dụ, tình trạng thiếu hướng dẫn viên biết các thứ tiếng hiếm người sử dụng tại các di tích, danh thắng có thể được giải quyết bằng các ứng dụng thuyết minh tự động, kết nối trực tiếp với điện thoại của du khách. Người dân chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có thể tìm hiểu, lên kế hoạch đặt mua vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn, đi đến các khu du lịch, danh thắng, bảo tàng, di tích lịch sử… nếu mọi tài nguyên, sản phẩm du lịch, từ các điểm đến, danh thắng, di tích, nhà hàng đến những hiện vật có giá trị văn hoá, lịch sử… được số hóa. 

N.H
.
.
.