Nhà đầu tư "ăn quả đắng" vì chạy theo Unicorn

Thứ Hai, 30/11/2020, 07:32
Khái niệm "Unicorn" trong những năm gần đây đã trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam, đặc biệt là đối với những cá nhân tham gia đầu tư. "Unicorn" đại thể chỉ những dự án khởi nghiệp (start-up) được đánh giá khoảng 1 tỷ USD. Đầu tư khởi nghiệp là lĩnh vực hàm chứa nhiều nguy hiểm, nhưng bất kỳ ai rót vốn "trúng" vào một Unicorn cũng có thể dễ dàng trở thành tỷ phú.


Sự thành công của những nhà đầu tư đã sát cánh cùng với ByteDance, SpaceX và Airbnb là minh chứng rõ nhất cho việc này. Nhưng cũng có không ít nhà đầu tư thiếu tỉnh táo đã "sập bẫy" Unicorn. Vì mơ mộng mà họ quên mất việc phải xem xét tính khả thi trên thực tế của dự án khởi nghiệp. Đã có nhiều start-up dựa trên những ý tưởng viển vông nhưng vẫn được "bơm" một khoản tiền khổng lồ trở thành Unicorn để đến khi mọi thứ sụp đổ, các nhà đầu tư chỉ còn nước…méo mặt nhìn nhau.

Thiết bị Hushme trong khi đang hoạt động.

Vessyl

Một ngôi nhà thông minh là xu hướng của tương lai. Nhưng không phải vật dụng nội thất nào trong nhà cũng nhất thiết phải trở thành "thông minh". Dự án khởi nghiệp Vessyl đề xuất ý tưởng sản xuất một chiếc cốc uống nước thông minh. Chiếc cốc có gắn những cảm biến để khi người dùng đổ nước lọc, chè, hay cà phê vào cốc thì Vessyl sẽ thông báo qua điện thoại về nhiệt độ và thành phần của đồ uống. Bỏ qua việc người dùng có thể dùng nhiệt kế hay đọc thông tin dinh dưỡng trên vỏ hộp đồ uống, việc gắn thiết bị điện tử vào cốc khiến người dùng luôn phải canh cánh nỗi lo bị điện giật.

Công ty Mark One, đơn vị khởi xướng ý tưởng cốc Vessyl, liên tục trì hoãn việc đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Thế rồi vào đầu năm 2018, các nhà đầu tư bất ngờ nhận được thông báo: Mark One ngừng hoạt động. Mọi nỗ lực liên lạc với ban lãnh đạo Mark One đều thất bại thảm hại. Ước tính thiệt hại mà các nhà đầu tư phải chịu vào khoảng 890 triệu USD.

Arsen Avakian bên cạnh những chiếc màn hình Cooler Screens.

Hushme

Chỉ cần nghe mô tả sơ qua về Hushme tất cả mọi người đã có thể chỉ ra sự thừa thãi của sản phẩm này. Về cơ bản, Hushme là một chiếc microphone có hình dáng như chiếc khẩu trang. Khi người dùng nhận điện thoại trong lúc đang ngồi tại văn phòng, thư viện, bệnh viện, v.v….thay vì đi chỗ khác để không làm phiền những người chung quanh, họ chỉ cần đeo Hushme lên và nói vào microphone mà trò chuyện với đầu dây bên kia.

Ngay từ lúc ý tưởng về Hushme được đưa ra trước báo giới, giá trị của công ty khởi nghiệp cùng tên đã tăng vọt lên gấp 30 lần, ngất ngưởng ở mức 871 triệu USD. Thế nhưng khác với trường hợp Vessyl kể trên, sản phẩm Hushme đã được đưa ra thị trường nhưng khách hàng không quan tâm. Tương lai của start-up Hushme hiện đang bị đặt một dấu hỏi.

Elizabeth Holmes đã chỉ đạo làm giả hàng trăm kết quả xét nghiệm để che đậy cho chiếc máy thử máu của mình.

Powa Technologies

"Cái chết" của Powa Technologies giống như tiếng sét đánh đối với cả ngành công nghệ thế giới. Mới chỉ bảy năm trước thôi, công ty fintech (tài chính công nghệ cao) này đã nhận được 76 triệu USD số vốn ban đầu cùng với lời khen ngợi của Thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron. Ở thời điểm đỉnh cao của mình, Powa được định giá tới 2,6 tỷ USD. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, "mặt tối" của Powa mới được làm sáng tỏ. Ban lãnh đạo công ty đã khai khống sổ sách để khiến nhà đầu tư "mắc bẫy" mà tiếp tục rót vốn.

Đáng tiếc là không có người nhận ra gian lận của Powa Technologies sớm hơn. Các sản phẩm của Powa đều là phần mềm, nền tảng thương mại điện tử như ZNAP (chợ thương mại điện tử) và PowaTag - dịch vụ thanh toán không cần tiền. Những dịch vụ tương tự đã tồn tại trên thị trường từ lâu, trong khi sản phẩm của Powa lại không có điểm gì đặc biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Không thể có doanh thu và giá trị doanh nghiệp này lại được định giá cao đến thế trừ khi đã xảy ra gian lận tài chính.

Jawbone

Một công ty có thể đã tồn tại nhiều chục năm mà vẫn được coi là đang "khởi nghiệp". Jawbone là một trường hợp như vậy. Được thành lập bởi hai người bạn cùng tốt nghiệp Đại học Standford, Jawbone hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo tai nghe đa năng. Công ty này đã nhanh chóng được các nhà đầu tư ở thung lũng Silicon rót vốn sau khi có thông tin Jawbone thắng gói thầu cung cấp tai nghe cho quân đội Mỹ. Sản phẩm đầu tiên của Jawbone được hầu hết người dùng đánh giá khá cao, nhưng doanh số không cao như kỳ vọng.

Trong quá trình tìm một hướng đi mới, Jawbone đã phạm phải sai lầm. Họ đưa ra kế hoạch nghiên cứu một loạt các sản phẩm khác nhau, quyên được rất nhiều tiền từ các nhà đầu tư, nhưng lại không phát triển được mặt hàng nào ra hồn. Một số cái tên nổi bật trong số những sản phẩm thất bại của Jawbone gồm có loa Jawbox và vòng đeo tay theo dõi sức khoẻ UP.

Tại thời điểm Jawbone được định giá 1,5 tỷ USD, các nhà đầu tư mới nhận ra vấn đề của công ty. Theo báo cáo kiểm tra độc lập, Jawbone chỉ chiếm 2,8% thị trường tai nghe và thiết bị thông minh cá nhân, trong khi khối lượng nợ đã lên tới 300 triệu USD. Hiện nay Jawbone gần như đã dừng hẳn hoạt động sau khi quyền điều hành rơi vào tay các nhà đầu tư, và tài sản của công ty này đang được thanh lý để bù lỗ cho thành viên ban quản trị.

Theranos

Đã từng có thời điểm Theranos được coi như "người đi tiên phong" trong lĩnh vực y khoa thế giới. Người sáng lập công ty, Elizabeth Holmes, là hình mẫu đại diện cho một thế hệ doanh nhân trẻ theo đuổi các mục đích lợi nhuận, khoa học và nhân đạo cùng một lúc. Elizabeth lập nên Theranos vào năm 2003 với lời tuyên bố đã sáng chế ra hai thiết bị y khoa mới mang tính cách mạng: một chiếc vòng đeo tay có khả năng theo dõi hoạt động tuần hoàn của người bệnh, từ đó đưa ra khuyến cáo thay đổi liều lượng thuốc. Đồng thời với đó là một cỗ máy xét nghiệm máu để phát hiện ra hơn 200 loại bệnh khách nhau chỉ trong vòng vài phút.

Theranos nhận được không chỉ dòng vốn khổng lồ mà cả sự chú ý của giới truyền thông nữa. Trong vòng vài năm liền, bất kỳ thông báo nào từ Theranos cũng được đưa lên trang đầu của những tờ báo danh tiếng nhất nước Mỹ. Thế nhưng mặc cho sự đưa đẩy của truyền thông, chín năm trôi qua mà Theranos vẫn không thể mở bán rộng rãi sản phẩm của mình.

Phải đến khi hai nhà khoa học và một phóng viên mở một cuộc điều tra mới phát hiện ra mọi điều về Theranos đều là giả dối. Sự thật cuối cùng được hé mở là: cả chiếc vòng tay lẫn cỗ máy xét nghiệm máu đều hoàn toàn không hoạt động. Thì ra, Theranos đã trắng trợn lừa công chúng bằng cách làm giả kết quả xét nghiệm.

Những chiếc cốc Vessyl có thể khiến người dùng bị giật điện.

Theranos qua một đêm hoàn toàn sụp đổ. Các nhà đầu tư thi nhau tìm cách rút vốn khỏi doanh nghiệp, nhưng họ bị vướng vào một cuộc điều tra hình sự do FBI trực tiếp chỉ đạo. Ngoài hành vi  lừa đảo, Elizabeth Holmes và Theranos còn  bị buộc tội đã làm tổn hại sức khoẻ và tinh thần của người bệnh vì kết quả xét nghiệm giả. Hiện ban lãnh đạo Theranos đã bị đưa ra toà xét xử và chờ phán quyết cuối cùng.

Cooler Screens

Cooler Screens là một cái tên mới nhưng đã gây sự chú ý tại thung lũng Silicon. Một lý do dẫn đến sự nổi tiếng sớm là việc người đồng sáng lập ra Cooler Screens, Arsen Avakian, đã từng thành lập và điều hành cả một chuỗi quán trà Argo Tea. Sau khi gặt hái được nhiều thành công với Argo Tea, Arsen rời khỏi công ty của mình để thử  nghiệm với một ý tưởng mới: Biến những chiếc cửa kính tủ lạnh trong siêu thị trở thành màn hình cảm ứng. Khách hàng chỉ cần chạm tay là có thể tiếp cận được thông tin chi tiết về sản phẩm trong tủ lạnh. Ngược lại, chiếc màn hình ứng dụng công nghệ phân tích khuôn mặt để lập một "hồ sơ" về khách hàng. Khi khách đến mua hàng lần sau, màn hình sẽ tự động đăng tải những quảng cáo phù hợp với nhu cầu, sở thích của người mua.

Cooler Screens đang nhận được sự "chống lưng" của những "ông lớn" trong ngành công nghệ như Microsoft và Verizon. Các công ty thực phẩm lớn như Coca-Cola, Tyson Food, Red Bulls,…đều có hợp đồng quảng cáo với Cooler Screens. Và hiện nay sản phẩm này đã được đưa vào sử dụng tại chuỗi cửa hàng thuốc Walgreens trải dài khắp nước Mỹ.

Nhưng gần như ngay lập tức, Cooler Screens đã thể hiện điểm yếu của mình. Cả nhân viên và khách hàng, đặc biệt là khách hàng cao tuổi, phàn nàn về khối lượng và sự phức tạp của những chiếc màn hình. Chi phí tiêu thụ điện cũng tăng gần gấp đôi. Và, tại một cửa hàng Walgreens tại Alaska, hacker đã xâm nhập vào mạng nội bộ và cho lên màn hình Cooler Screens những hình ảnh phản cảm.

Những sự cố nói trên đã khiến các đối tác của Cooler Screens xem xét lại việc hợp tác. Tập đoàn siêu thị Kroger là công ty đầu tiên cho dừng kế hoạch đưa Cooler Screens vào chuỗi cửa hàng của mình. Chúng ta chỉ cần một thời gian ngắn nữa để có thể biết được: liệu công ty khởi nghiệp này sẽ đạt đến đỉnh cao vinh quang hay rơi xuống đáy vực thẳm mà thôi.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.
.