Một chuyện tình đẹp
Nỗ lực của cô gái khiếm thị
Hồi đó, khi đang học lớp 12, chị Dung cảm thấy thị lực của mình càng ngày càng kém đi. Nhiều khi ngồi ngay bàn đầu nhưng chị không thể nhìn thấy những gì cô giáo viết trên bảng. Ngay cả hình dáng thầy cô cũng nhoè dần rồi mờ mịt hẳn. Sau đó Dung được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Mắt Trung ương để khám. Tại đây các bác sĩ kết luận, do mắt bị khiếm thị lâu năm nên nhãn cầu bị teo.
"Khi biết đôi mắt của mình sẽ bị mù vĩnh viễn, tôi đau khổ vô cùng. Đang ở vào cái tuổi đẹp nhất của đời người, giờ tương lai bỗng đóng sập lại. Lúc đó thực sự tôi chỉ nghĩ đến những viễn cảnh đen tối. Thế nhưng chìm đắm mãi trong tuyệt vọng cũng chẳng thay đổi được hoàn cảnh. Ông trời chắc chắn không dồn ai đến bước đường cùng" - chị Dung nhớ lại những ngày tháng đen tối của đời mình.
Anh Tuyến chưa bao giờ hối hận về quyết định lấy vợ của mình. |
Nghĩ là làm, chị Dung xin bố mẹ được ra Hà Nội để học chữ nổi. Không muốn bố mẹ phải lo lắng cho mình quá nhiều nên chị Dung quyết định sẽ học thêm một cái nghề phù hợp để có thể tự nuôi sống bản thân. Chị đăng ký tham gia lớp học xoa bóp, bấm huyệt cho người khiếm thị. Đây là lớp nghề sơ cấp do các giảng viên của Trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh trực tiếp hướng dẫn.
Công việc này không hề dễ dàng. Đôi bàn tay phải hoạt động liên tục và dùng nhiều lực khiến chị Dung mệt mỏi, nhiều thời điểm chị muốn bỏ dở việc học. Chị Dung chia sẻ: "Người khiếm thị chỉ có công việc này là phù hợp bởi nó chỉ cần dùng đến đôi bàn tay và không cần đến đôi mắt. Nếu bỏ cuộc, tôi sẽ chẳng làm được gì". Cuối cùng, bằng sự kiên trì và lòng quyết tâm của mình, chị Dung đã có thể kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ nghề xoa bóp, bấm huyệt.
Học và làm ở Hà Nội, nhưng mỗi dịp cuối tuần chị Dung thường về quê thăm gia đình. Hồi đó, anh Phạm Văn Tuyến (chồng chị hiện nay - pv) đang đóng quân ở Sơn Tây. Anh Tuyến chơi thân với người anh họ của chị Dung nên thường xuyên được anh này dẫn vào nhà cô em họ chơi. Lúc đầu khi gặp chị Dung, trong lòng anh Tuyến dâng trào một cảm giác thương hại. "Thực sự khi nhìn thấy một cô gái với tuổi đời còn quá trẻ, dung mạo xinh đẹp mà lại không thể nhìn thấy ánh sáng, tôi cảm thấy thương lắm. Nhưng cảm giác thương ấy nhanh chóng qua đi, thay vào đó là sự cảm mến bởi sự vui tươi, nhí nhảnh của cô ấy" - anh Tuyến nhớ lại những ngày đầu mới gặp vợ.
Hình ảnh cô gái khiếm thị không hiểu sao cứ ám ảnh trong tâm trí anh Tuyến. Đến mức nếu cuối tuần nào đó anh Tuyến vào nhà chị Dung chơi mà chị bận việc không về lại khiến anh cảm thấy hụt hẫng, nhớ nhung rất khó tả. Tình cảm cứ ngấm dần lúc nào không hay. Cuối cùng, anh Tuyến đã lấy hết can đảm để tỏ tình với người mà bấy lâu nay mình thầm thương trộm nhớ. Nhưng thật bất ngờ, chàng thanh niên mắt sáng ấy không những không nhận được cái gật đầu mà còn bị chối từ. Ngồi cạnh chồng, chị Dung cười tươi giải thích: "Thực sự tình huống đó quá bất ngờ đối với tôi. Chẳng may bị khiếm thị thế này, có lãng mạn nhất thì tôi cũng chỉ dám nghĩ rằng sau này nếu may mắn sẽ có một chàng trai cũng khuyết tật như mình cưới làm vợ. Anh ấy có thể sáng mắt, nhưng sẽ bị khiếm khuyết bộ phận nào đó trên cơ thể. Nhưng như thế cũng là hạnh phúc lắm rồi, chúng tôi sẽ dựa vào nhau mà sống. Còn anh Tuyến không thuộc về thế giới của những người khuyết tật chúng tôi. Anh ấy đẹp trai, khoẻ mạnh nên tôi không dám tin vào tình cảm ấy".
Bị từ chối tình cảm nhưng không vì thế mà anh Tuyến nản lòng. Anh muốn chứng minh cho chị Dung hiểu mình thật lòng nghiêm túc trong mối quan hệ này. Cuối cùng, tình yêu chân thành của anh Tuyến đã khiến chị Dung động lòng. "Năm 2002, tôi mới chính thức nhận lời yêu anh ấy. Công khai tình yêu từ lúc nào thì từ lúc đó chúng tôi bị gia đình anh phản đối. Đã có lúc tình yêu của chúng tôi bị gián đoạn vì không chịu nổi áp lực dư luận. Nhưng sau đó một thời gian, nhận thấy không thể sống thiếu nhau chúng tôi lại nối lại quan hệ" - chị Dung nhớ lại.
Giải ngũ, anh Tuyến đi xuất khẩu lao động. Yêu xa, nhiều khi nhớ nhau đến cồn cào cũng chỉ biết gửi tình cảm vào những cánh thư. Trong nhiều lá thư, anh Tuyến luôn khẳng định mình sẽ là "đôi mắt" cho chị Dung đến hết cuộc đời.
Kết thúc viên mãn
Hết thời hạn lao động ở nước ngoài, anh Tuyến trở về nước. Lúc này anh chính thức thông báo với người thân rằng muốn cưới chị Dung làm vợ. Khỏi phải nói, anh đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình đến mức nào. Các anh chị em của anh Tuyến đều có quan điểm rằng "nếu mày lấy nó, mày sẽ khổ cả đời" hay "biết đâu con cái sau này cũng bị di truyền từ mẹ". Người duy nhất không phản đối con trai là bố anh, ông Phạm Trọng Nhã. Ông bảo, con trai đã trưởng thành nên phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Năm 2008, anh chị kết hôn. Sau hôn lễ, hai vợ chồng Dung khăn gói xuống Hà Nội thuê nhà, bắt đầu xây dựng cuộc sống từ hai bàn tay trắng. Một thời gian sau chị Dung mang thai đứa con đầu lòng. Cơ thể mệt mỏi khiến chị không thể tiếp tục công việc xoa bóp, bấm huyệt. Lúc này, gánh nặng kinh tế dồn cả lên anh Tuyến. Có những lúc để có thêm tiền nuôi vợ bầu, anh Tuyến đã phải chạy xe đến 2-3 giờ sáng. Khi con trai đầu lòng chào đời, anh Tuyến trở nên bận bịu hơn bao giờ, bởi anh phải đảm đương các công việc nhà, chăm sóc con. Anh dường như là đôi tay, đôi chân và cả là đôi mắt của vợ.
Mỗi khi ra đường, chị Dung thường được chồng tự tay chọn trang phục và tô son. |
Năm 2011, chị Dung sinh thêm một bé gái. "Có thêm 1 đứa con nữa khiến cuộc sống của chúng tôi bận rộn và khó khăn hơn rất nhiều. Tôi không thể để vợ mình ở nhà với 2 đứa con nhỏ nên cuối cùng tôi quyết định nghỉ lái xe. Tôi khuyên vợ ra Hà Nội thuê địa điểm để mở một trung tâm xoa bóp bấm huyệt dành cho người khiếm thị" - anh Tuyến nhớ lại.
Năm 2012, vợ chồng chị Dung quyết định thành lập Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Kim Dung ở phố Trương Định để thực hiện vật lý trị liệu hay còn gọi là tẩm quất cổ truyền cho những người bị đau đầu, đau lưng, đau vai cổ gáy, thoát vị đĩa đệm, các bệnh về cơ, xương, khớp…
Hiện tại, mỗi ngày trung tâm chăm sóc sức khoẻ của chị Dung đón tiếp khoảng 30 đến 40 khách đến xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi, chườm đá. Nhờ có công việc thường xuyên nên hiện trung tâm của chị Dung đã tạo được công ăn việc làm cho 4 người khiếm thị khác. Bản thân chị Dung lúc nào cũng ấp ủ ý tưởng mở rộng cơ sở để có thể đào tạo miễn phí và tạo thêm công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ. Với mỗi giờ làm việc, các nhân viên trung tâm của chị được trả 50 nghìn đồng. Có việc làm và thu nhập ổn định, những người khiếm thị ở trung tâm cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Có người còn hi vọng, sau thời gian học nghề và làm việc, họ cũng sẽ sở hữu một trung tâm riêng.
Cuộc sống tuy chưa đến mức dư giả nhưng mái ấm của họ lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, anh Tuyến thường chở vợ con đi ăn sáng, cà phê. Và mỗi lần chị Dung ra ngoài, anh Tuyến chính là người lựa chọn quần áo và tô son cho vợ. Có thể nhiều người sẽ cho rằng, lấy được một người chồng mắt sáng là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của chị Dung. Nhưng anh Tuyến lại không nghĩ thế. Bản thân anh lại luôn tin rằng mình mới là người may mắn khi lấy được một người vợ nghị lực, hết lòng yêu chồng, thương con.