Xa vời triển vọng ngừng bắn ở Dải Gaza
Khả năng đưa Israel và phong trào vũ trang Hamas đến một lệnh ngừng bắn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khi các bên tiếp tục đưa ra những thông điệp trái ngược về tiến trình đàm phán. Tại Dải Gaza, giao tranh leo thang và lệnh sơ tán mới ban bố của Israel tiếp tục đẩy nhiều gia đình Palestine vào cảnh khốn cùng.
Hơn 10 tháng giao tranh ác liệt, cuộc xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hamas ở Dải Gaza đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.400 người Israel cùng gần 40.000 người Palestine, phần lớn là phụ nữ và trẻ em; đẩy hàng trăm ngàn người khác vào cảnh mất nhà cửa, thiếu lương thực và thuốc men. Trước bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết, Qatar, Ai Cập và Mỹ đã ra tuyên bố chung kêu gọi Israel-Hamas tái khởi động đàm phán vào ngày 15/8 tại Doha (Qatar) hoặc Cairo (Ai Cập) để thu hẹp bất đồng.
Tuy nhiên, Hamas ngày 12/8 thông báo họ sẽ không cử phái đoàn tham gia các vòng đàm phán mới vì cho rằng chúng không thể mang lại kết quả đột phá. Thay vào đó, phong trào này kêu gọi các nhà hòa giải quốc tế thúc đẩy kế hoạch giải quyết khủng hoảng Dải Gaza “dựa trên đề xuất ngừng bắn ngày 31/5 của Tổng thống Mỹ Joe Biden; khung thỏa thuận được Qatar và Ai Cập nêu ngày 6/5; và Nghị quyết 2735 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, AlJazeera đưa tin.
Theo đề xuất ngày 6/5 được Qatar và Ai Cập nêu, hai bên tham chiến ở Dải Gaza cần ngừng bắn để tạo điều kiện thả toàn bộ người Israel bị giam giữ ở Dải Gaza, đổi lấy một số lượng nhất định người Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù do Tel Aviv vận hành. Trong khi đó, sáng kiến của Tổng thống Joe Biden, được hậu thuẫn bởi Nghị quyết 2735 của Hội đồng Bảo an, kêu gọi các bên tìm kiếm hòa bình theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn đầu gồm lệnh “ngừng bắn toàn diện” dài 6 tuần, lực lượng Israel phải rút khỏi “tất cả các khu vực đông dân cư ở Gaza” và Tel Aviv sẽ thả hàng trăm tù nhân Palestine. Đổi lại, Hamas thả một số con tin mà nhóm bắt cóc trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023, gồm phụ nữ, người già và người bị thương, cũng như trao trả thi thể con tin đã chết. Trong giai đoạn thứ hai, Israel và Hamas “chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch”.
Các con tin người Israel còn sống ở Dải Gaza sẽ được trả tự do, bao gồm các binh sĩ nam, và quân đội Israel sẽ rút hoàn toàn khỏi vùng lãnh thổ. Ở giai đoạn thứ ba, các bên sẽ khởi động kế hoạch tái thiết quy mô lớn Dải Gaza, trong đó các quốc gia Arab và cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ đảm bảo Hamas không thể tái vũ trang.
Tuyên bố mới nhất của Hamas được đưa ra sau khi Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 9/8 quả quyết nước này sẽ cử đoàn tham gia cuộc đàm phán dự kiến ngày 15/8 tới “để hoàn tất các chi tiết về việc thực hiện thỏa thuận khung” liên quan đến tình hình Dải Gaza. Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Hamas và Israel đã đình trệ nhiều tuần. Dù Israel thông báo họ cử phái đoàn tham gia thương lượng, giới quan sát tin rằng, Tel Aviv chưa sẵn sàng chấp thuận ngừng bắn lâu dài khi họ nhiều lần khẳng định sẽ chiến đấu tới chừng nào đánh bại hoàn toàn Hamas. Đây cũng là một trong những lí do chính khiến các cuộc đàm phán về đề xuất trước đó của Mỹ, Ai Cập và Qatar đi vào ngõ cụt.
Bên cạnh đó, triển vọng các bên đạt thỏa thuận cũng thấp đi do Israel bị cáo buộc tiến hành vụ tấn công ở thủ đô Tehran (Iran) cuối tháng trước, khiến thủ lĩnh chính trị của Hamas là ông Ismail Haniyeh thiệt mạng. Ông Haniyeh dẫn đầu các cuộc đàm phán gián tiếp với Israel từ năm ngoái và được đánh giá là một người coi trọng tiến trình ngoại giao. Tuần trước, Hamas bổ nhiệm ông Yahya Sinwar, lãnh đạo phong trào Hamas hoạt động tại Dải Gaza, làm người đứng đầu văn phòng chính trị mới thay ông Haniyeh, nhưng Israel cũng cảnh báo nhắm mục tiêu vào ông, khiến tình hình thêm phức tạp.
Chưa rõ liệu các bên có tiến hành đàm phán vào ngày 15/8 nếu thiếu vắng đại diện Hamas hay không. Trong một tuyên bố chung được phát đi ngày 12/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ ủng hộ sáng kiến nối lại đàm phán về tình hình Dải Gaza của Qatar, Ai Cập và Mỹ. Nhóm 3 cường quốc châu Âu cũng lặp lại yêu cầu ngừng bắn khẩn cấp ở Dải Gaza.
“Cuộc chiến phải chấm dứt ngay bây giờ. Tất cả các con tin vẫn bị Hamas giam giữ phải được thả. Người dân Dải Gaza cần được phân phối hàng viện trợ một cách khẩn cấp và không bị cản trở”, tuyên bố chung của lãnh đạo Pháp, Đức và Anh nêu rõ.
Mặc cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế, giao tranh ở Dải Gaza tăng nhiệt từng giờ. Reuters ngày 11/8 đưa tin, quân đội Israel đang mở rộng phạm vi truy lùng các chiến binh Hamas ở phía Nam dải đất. Cùng ngày, Israel ban bố lệnh sơ tán khẩn cấp ở thành phố Khan Younis, buộc hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa và nơi trú ẩn của họ giữa đêm, hướng về phía Tây tới al-Mawasi hoặc lên phía Bắc tới Deir al-Balah, nơi vốn đã quá tải vì những người Palestine phải di dời khác.
“Chúng tôi kiệt sức. Đây là lần thứ 10 tôi và gia đình phải rời khỏi nơi trú ẩn của mình”, Zaki Mohammad, 28 tuổi, sống tại khu nhà ở phía Tây Khan Younis, nói. Lệnh sơ tán mới nhất được ban bố chỉ một ngày sau cuộc không kích của Israel nhằm vào một trường học, nơi những người Palestine di dời đang trú ẩn tại thành phố Gaza. Vụ không kích khiến khoảng 100 người thiệt mạng. Nhiều quốc gia trên thế giới bày tỏ phẫn nộ trước thương vong kinh hoàng mà cuộc tấn công của Israel gây ra.