Vũ khí mạng liệu có khiến nước Mỹ lo sợ?
Các quan chức cấp cao Mỹ đang trở nên lo sợ trước sự nguy hiểm của vũ khí mạng, thậm chí Lầu Năm Góc còn cho rằng những cuộc tấn công mạng đang là mối đe dọa chưa từng có và nước Mỹ sẽ hoàn toàn thất bại trong việc ngăn cản nó.
Hồi năm 2018, James Mattis - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ có đưa ra khẳng định rằng: “Những lợi thế cạnh tranh của Mỹ đã bị bào mòn trong mọi địa phận chiến tranh, bao gồm cả địa phận mới nhất là không gian mạng”.
Khả năng phát triển với chi phí thấp, dễ dàng che giấu và có thể phủ nhận trách nhiệm sau mỗi cuộc tấn công là những gì người ta có thể nói về sức hút khó cưỡng của vũ khí mạng. Thậm chí, trong hầu hết mọi tình huống tuyệt mật của Lầu Năm Góc, giả định về những cuộc đối đầu tương lai với Nga và Trung Quốc, thậm chí với Iran và Triều Tiên, đòn đánh phủ đầu của các đối thủ chống lại Mỹ sẽ bao gồm hàng loạt cuộc tấn công mạng nhắm vào các mục tiêu phi quân sự, gây xáo trộn sinh hoạt của người dân, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực.
Vùng xám giữa chiến tranh và hòa bình trong “cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới Mỹ-Trung”
Đối với cuộc chiến trên không gian mạng, ngay cả trước khi Mỹ cùng các đồng minh đồng loạt cáo buộc Trung Quốc thực hiện chiến dịch gián điệp mạng toàn cầu vào ngày 19/7 vừa qua, hai siêu cường này đã có những cuộc đối đầu hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, không biết vô tình hay do cố ý mà Mỹ đang tỏ ra yếu thế hơn trong lĩnh vực này, bất chấp việc chính Mỹ là nơi khai sinh của internet.
Adam Segal, một chuyên gia an ninh mạng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York đã gọi thông báo ngày 19/7 là một “nỗ lực đáng ghi nhận của Washington nhằm khiến đồng minh chú ý hơn đến động thái của Bắc Kinh, nhưng sẽ trở thành vô ích nếu không có bất kỳ động thái cụ thể nào tiếp theo”.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà vào năm 2016, ngay khi cuộc vận động tranh cử tổng thống vẫn đang ồn ào, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump lúc bấy giờ đã than phiền rằng “Mỹ đã quá lạc hậu trên không gian mạng”.
Trong đó, điều khiến người ta chú ý nhất là các cáo buộc liên quan đến các nghi án xâm nhập, ăn cắp công nghệ của Trung Quốc nhằm vào các công ty Mỹ. Vụ việc Mỹ truy tố 2 tin tặc Trung Quốc được cho là tham gia vào một “chiến dịch xâm nhập máy tính toàn cầu” với sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc nhằm ăn cắp các dữ liệu nghiên cứu về vaccine COVID-19 chỉ là một trong số hàng tá sự kiện như vậy.
Vấn đề xâm nhập vào các công ty Mỹ nghiêm trọng đến mức vào 5/10/2014, giám đốc FBI khi đó là James Comey đã tự tin tuyên bố: “Theo tôi, có 2 loại công ty lớn ở Mỹ: những công ty đã bị người Trung Quốc xâm nhập và những công ty không biết họ đã bị Trung Quốc xâm nhập”.
Với tham vọng gia tăng ảnh hưởng, Trung Quốc đang nỗ lực vượt Mỹ trong cuộc chạy đua toàn diện về mọi lĩnh vực công nghệ, nhất là các công nghệ về trí tuệ nhân tạo, công nghệ vũ trụ, thông tin liên lạc và phân tích dữ liệu lớn.
Mỹ - quốc gia không vô can với chiến tranh mạng
Không chỉ có Trung Quốc mà Mỹ, Nga, Triều Triên cũng là những quốc gia thường xuyên bị Mỹ quy kết cho các nghi án tấn công mạng. Riêng đối với Triều Tiên, các sự việc chỉ mới được bắt đầu gần đây, thể nhưng các cáo buộc tấn công mạng từ quốc gia này có vẻ như không kém phần nghiêm trọng. Sự kiện đáng chú ý gần đây nhất là vào tháng 8/2020, khi “Triều Tiên đã vi phạm các lệnh trừng phạt bằng cách tấn công mạng các hệ thống tài chính quốc tế và sàn giao dịch tiền ảo nhằm có tiền chi cho các hoạt động phát triển vũ khí”, theo bài viết chung của Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) kiêm chỉ huy Bộ tư lệnh Không gian mạng của Mỹ Paul Nakasone với cố vấn cấp cao Michael Sulmeyer.
Mặc dù “luôn đóng vai nạn nhân” trong các cuộc tấn công mạng nhưng sự thật là Mỹ vẫn là cường quốc về mạng tài giỏi nhất, kín đáo nhất. Mỹ cũng là nơi sản sinh ra những công cụ tình báo tinh vi nhất.
Tháng 6/2013, Snowden rò rỉ các tài liệu mật cho các nhà báo Glenn Greenwald và Laura Poitras, theo đó tiết lộ chương trình do thám toàn cầu mà các cơ quan tình báo Mỹ điều hành. Theo các tài liệu này, các công ty viễn thông lớn, trong đó có Verizon, AT&T and Sprint Nextel, đã giao các bản ghi âm cuộc gọi của khách hàng cho NSA và Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Hai cơ quan này cũng được tiếp cận trực tiếp tới servers của Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, Skype, YouTube, Paltalk, AOL và Apple.
Ngoài ra, các loại virus máy tính khác đã được phát hiện, có mức độ phức tạp tương tự win32/Stuxnet cũng bị nghi là sản phẩm của Mỹ. Virus win32/Stuxnet là một loại virus máy tính lây nhiễm không chỉ các máy tính chạy hệ điều hành Microsoft Windows mà còn cả các hệ thống công nghiệp điều khiển các quy trình sản xuất tự động. Về độ phức tạp, nó có thể được so sánh với tên lửa hành trình Tomahawk, và được thiết kế cho các hoạt động trong không gian mạng.