Việt Nam - đối tác quan trọng của EU trong ASEAN
Đại sứ Igor Driesmans, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhấn mạnh rằng, Việt Nam không chỉ là một đối tác song phương lớn, mà còn là đối tác quan trọng của EU trong hợp tác với ASEAN. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á mà EU có quan hệ rất chặt chẽ và khuôn khổ thể chế hợp tác EU - Việt Nam hiện “rất mạnh mẽ”.
Theo Đại sứ Igor Driesmans, EU và Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và thỏa thuận này hiện đã có hiệu lực. Hai bên cũng có thỏa thuận hợp tác chính trị. Ngoài ra, EU và Việt Nam cũng có thỏa thuận hợp tác quốc phòng về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình hoặc dân sự khác ở châu Âu.
Đánh giá về ý nghĩa của Hội nghị cấp cao đầu tiên giữa EU và ASEAN vào ngày 14/12 tới, Đại sứ Igor Driesmans nhấn mạnh rằng việc 27 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ cùng với hai chủ tịch thể chế của EU gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN là điều “mang tính lịch sử” và chưa từng xảy ra trước đây. Đại sứ Igor Driesmans khẳng định rằng cuộc họp cũng rất quan trọng, không chỉ củng cố thêm mối quan hệ song phương EU - ASEAN, mà còn gửi một thông điệp cam kết hợp tác cùng nhau tới phần còn lại của thế giới.
Trong thời điểm địa chính trị căng thẳng và bất ổn như hiện nay, Hội nghị cho thấy EU và ASEAN “cùng nhau lựa chọn hợp tác nhiều hơn thay vì gia tăng cạnh tranh”. Liên quan đến chương trình nghị sự của Hội nghị, Đại sứ Igor Driesmans tiết lộ rằng một số khoản đầu tư lớn từ EU vào ASEAN dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo công bố. Những khoản đầu tư này sẽ giúp ích cho sự phát triển bền vững của ASEAN về năng lượng sạch, chuyển đổi kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng bền vững...
Khi được hỏi về vị thế của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được EU công bố mới đây, người đứng đầu Phái đoàn EU tại ASEAN cho hay: “Nếu đếm số lần ASEAN được nhắc đến trong Chiến lược này của EU, chắc hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên. Thực sự, ASEAN là trọng tâm trong cách tiếp cận của EU đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Nhà ngoại giao châu Âu bày tỏ: “Một ASEAN mạnh mẽ là điều cốt yếu. ASEAN mạnh mẽ tốt cho EU, vì nó giúp ổn định những căng thẳng địa chính trị khác nhau đang tồn tại. Chúng ta cần cấu trúc an ninh đó và mỏ neo thể chế đó trong khu vực. Và tất nhiên, một ASEAN mạnh mẽ cũng tốt cho chính người dân trong khu vực, cho sự thịnh vượng của ASEAN với tư cách là đối tác thương mại của EU. Đó là lý do EU đã đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ đối tác này”.
Về hợp tác EU - ASEAN trong thời gian qua, Đại sứ Igor Driesmans cho hay hai bên đã có nhiều thành tựu hợp tác quan trọng. Hai bên đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2020 và thực sự đã trở thành các đối tác song phương “rất toàn diện”. EU là đối tác toàn diện nhất của ASEAN hiện nay với khoảng 20 diễn đàn đối thoại khác nhau. Chỉ riêng trong tuần này, hai bên đã tổ chức các hội nghị về điện toán tốc độ cao, cũng như hợp tác về giao thông đường bộ, biến đổi khí hậu, nhân quyền và rất nhiều lĩnh vực khác.
EU cũng là bên đóng góp tài chính lớn nhất cho các dự án khác nhau của ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực. EU là đối tác kinh tế quan trọng của ASEAN, đứng thứ ba trong số các đối tác thương mại của khu vực này và ngược lại ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU. Năm 2021, EU đứng thứ hai về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN. Có thể nói mối quan hệ đối tác EU - ASEAN đang rất chặt chẽ. Dù cách xa về địa lý, hai bên đã “rất kết nối” theo nhiều cách khác nhau.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Đại sứ Igor Driesmans cho rằng EU và ASEAN cần tập trung vào ba lĩnh vực, trong đó trước hết là hợp tác thúc đẩy các giao dịch xanh. EU, ASEAN đã đưa ra các cam kết về trung hòa carbon tại các hội nghị về biến đổi khí hậu. Điều này sẽ đòi hỏi rất nhiều hợp tác nhằm thúc đẩy năng lượng sạch và tái tạo. Lĩnh vực hợp tác này sẽ thúc đẩy đầu tư nhiều hơn từ EU, cũng như hợp tác chính trị mạnh mẽ hơn giữa hai bên.
Bên cạnh đó, theo Đại sứ Igor Driesmans, EU và ASEAN cần hợp tác để tăng cường kết nối hai khu vực. Mới đây, hai bên đã ký kết thỏa thuận vận tải hàng không toàn diện. Đây là thỏa thuận rất lớn hướng tới tạo lập một không gian hàng không duy nhất quy tụ 37 quốc gia EU và ASEAN. Cuối cùng, EU và ASEAN cũng cần tăng cường hợp tác an ninh. Đại sứ Igor Driesmans nhấn mạnh rằng, cùng nhau, EU và ASEAN có thể trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; đảm bảo hòa bình, ổn định và thúc đẩy những giá trị cơ bản này.
Trong khi đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn nước CHXHCN Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo cho biết, trong thời gian tới, Đại sứ và Phái đoàn sẽ ưu tiên thúc đẩy hợp tác trên 4 trụ cột chính. Thứ nhất là thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát huy hơn nữa hiệu quả của EVFTA, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và các vấn đề về an ninh lương thực.
EU là một đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EU năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng ấn tượng. Trụ cột thứ hai là tăng cường hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định dù là nước đang phát triển nhưng Việt Nam đặt ưu tiên cao và quyết tâm thực hiện thành công các cam kết tại Hội nghị COP-26, phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trụ cột thứ ba là hợp tác chuyển đổi năng lượng xanh và năng lượng bền vững. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định chuyển đổi năng lượng có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn tới, đồng thời sẽ tạo dấu mốc trong quan hệ Việt Nam – EU. Trụ cột cuối cùng là phối hợp mở rộng hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác.
Việt Nam và EU thiết lập quan hệ từ năm 1990. Hai bên hiện có quan hệ rất sâu rộng và đã ký nhiều thỏa thuận, hiệp định quan trọng, tiêu biểu là Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện Việt Nam - EU (PCA), EVFTA, Hiệp định Đối tác tự nguyện về Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA-FLEGT), Hiệp định khung về hợp tác Quốc phòng - An ninh (FPA). Hai bên cũng đã thiết lập 8 cơ chế hợp tác và các khuôn khổ hợp tác này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia trong khu vực có quan hệ toàn diện, sâu rộng nhất với EU.