Vấn đề Ukraine lên bàn đàm phán Nga – Mỹ

Thứ Ba, 07/12/2021, 07:21

Cuộc gặp trực tuyến diễn ra hôm nay (7/12, giờ địa phương) là cơ hội hiếm hoi để Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden thu hẹp bất đồng giữa hai nước liên quan loạt vấn đề “nóng” trong quan hệ song phương và tình hình quốc tế, đặc biệt là Ukraine.

Hãng tin CNBC cho biết, Điện Kremlin và Nhà Trắng đã cùng xác nhận cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden sẽ được tiến hành hôm nay (7/12, giờ địa phương). Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng, các chủ đề chính được bàn thảo gồm “thế ổn định chiến lược, an ninh mạng và các vấn đề trong khu vực”.

xkctd2ud2znyzpgseswj7p44vy.jpg -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau ở Geneva hồi tháng 6/2021. Ảnh: Reuters

“Ông Biden sẽ nhấn mạnh lo ngại của Mỹ về hoạt động quân sự của Nga tại khu vực biên giới với Ukraine, cũng như tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine”, bà Psaki thông tin thêm. Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov nhấn mạnh, hai nhà lãnh đạo sẽ đối thoại về quan hệ song phương gắn với việc thực thi các đồng thuận đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp tại Geneva, Thụy Sĩ, hồi tháng 6/2021.

“Quan hệ song phương, đương nhiên cả Ukraine và việc thực hiện các thỏa thuận tại Geneva sẽ là những chủ đề chủ chốt trong chương trình nghị sự”, ông Peskov phát biểu.

Hội nghị trực tuyến của hai ông Putin-Biden diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục tuột dốc và các bất đồng liên quan đến vấn đề kiểm soát vũ khí, an ninh mạng, Syria và đặc biệt là tình hình Ukraine chưa được hoá giải.

Từ tháng trước, các quan chức Mỹ, châu Âu và Ukraine đồng loạt lên tiếng cảnh báo việc Moscow đang tăng cường lực lượng đến biên giới phía Tây. Reuters dẫn các nguồn tin phương Tây nói rằng, hơn 94.000 binh sĩ Nga đang đóng quân gần đường biên giới Ukraine.

Một số quan chức Mỹ và Ukraine thậm chí loan tin Moscow có thể đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, song Điện Kremlin đã bác bỏ thẳng thừng thuyết âm mưu này và nhấn mạnh: “Những thông tin về việc Moscow có ý định tấn công Ukraine là hoàn toàn vô căn cứ và nhằm mục đích kích động tình hình khu vực”.

Khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp nhau giữa tuần trước ở Stockholm, Thuỵ Điển, để chuẩn bị cho cuộc gặp Putin- Biden, tranh cãi một lần nữa nổ ra khi Washington cảnh báo Moscow sẽ hứng hậu quả nghiêm trọng vì những hành động mà phía Mỹ cho là khiêu khích quân sự nhằm vào Ukraine; còn Nga tái khẳng định lập trường: Tham vọng mở rộng về hướng biên giới Nga của khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là mối đe dọa với thế ổn định và an ninh ở châu Âu.

Theo Sputnik, năm 1990, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ James Baker đã cam kết với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng NATO sẽ không mở rộng “một inch nào” về phía Đông xa hơn biên giới Đức.

Việc NATO đảo ngược lời hứa và kết nạp 3 nước Baltic và 4 nước Nam Tư cũ, sau đó đưa binh lính, tên lửa đến khu vực đã khiến Nga bất an. Trong bối cảnh NATO úp mở khả năng kết nạp Kiev, Tổng thống Putin từng nêu rõ, bất cứ hoạt động mở rộng cơ sở quân sự hoặc triển khai vũ khí tấn công nào của NATO ở Ukraine đều vượt “lằn ranh đỏ” của Nga.

Ông chủ Điện Kremlin tuần trước bày tỏ lo ngại, các mẫu tên lửa tấn công từ Ukraine có thể bay đến Moscow trong vòng 10 phút, buộc Nga phải triển khai các biện pháp quân sự để đảm bảo khả năng đáp trả, răn đe chiến lược. Giới quan sát nhận định, nếu Ukraine đồng ý để NATO bố trí tên lửa sát biên giới Nga thì hậu quả của việc này có thể không kém khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy phương Tây có kế hoạch triển khai vũ khí đến Ukraine, nguyên nhân lớn nhất có lẽ bởi Kiev chưa phải là thành viên NATO. Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov, cho biết, nhà lãnh đạo Nga sẽ trông đợi vào một thoả thuận duy nhất trong cuộc gặp với ông Biden, đó là nhằm “loại trừ bất kỳ sự mở rộng nào của NATO về phía Đông và việc triển khai các hệ thống vũ khí có thể đe dọa Nga trên lãnh thổ của các nước láng giềng, bao gồm cả Ukraine”.

Trong động thái được xem là tích cực hiếm hoi trước thềm cuộc gặp, chính quyền Mỹ mới đây quyết định loại nội dung liên quan các biện pháp trừng phạt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 khỏi dự thảo ngân sách quốc phòng năm tới. Dù khẳng định là để tránh mất lòng đồng minh Đức, động thái của Nhà Trắng rõ ràng đã khiến quan hệ Nga- Mỹ bớt phức tạp.

Chưa rõ những yêu cầu của Nga và Mỹ sẽ được đối phương đáp ứng ở mức nào, song giới quan sát hi vọng hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung nhằm tránh nguy cơ xảy ra thêm bất cứ cuộc xung đột nào ở Ukraine và duy trì quan hệ song phương theo chiều hướng cạnh tranh có kiểm soát, dễ đoán định.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Nga- Ukraine

Trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mới đây xác nhận ông sẵn sàng dàn xếp các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky, TASS ngày 5/12 đưa tin. “Nhiều nước phương Tây không có quan hệ xây dựng với Nga, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò nào đó nếu Nga và Ukraine sẵn sàng”, ông Ibrahim Kalin, cố vấn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu, khẳng định Ankara duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Moscow và Kiev.

Thiện Nhân
.
.
.