Ván bài năng lượng đã ngã ngũ?

Thứ Năm, 14/10/2021, 09:32

Khi dự án đường ống dẫn khí Nga-Đức Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) hoàn thành cách đây 1 tháng, truyền thông quốc tế bình luận rằng “ván bài năng lượng đã ngã ngũ”. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, “30 chưa phải là Tết”.

Dự án này có thể lùi thời điểm vận hành, nhưng sẽ “chảy”. Nhưng là bao giờ? Theo lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, dự án có thể bắt đầu vận hành sau một tháng – tức là trong tháng 10 này.

Dự án vì lợi ích của nhiều nước EU

Năm 2022, Đức sẽ đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng và chấm dứt nhà máy nhiệt điện than vào năm 2038. Khí đốt cung cấp nguồn sưởi ấm cho 45% hộ gia đình Đức. Mùa Đông khắc nghiệt đang đến ngõ. Lại trúng thời điểm giá khí đốt cao chưa từng thấy. Trong tình cảnh đó, nguồn cung cấp khí đốt ổn định lâu dài, giá thấp hơn, từ Dòng chảy phương Bắc 2 là lợi ích kinh tế quá lớn. Nó còn liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, nhất là trong điều kiện khó khăn của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế. Đa số người dân Đức ủng hộ Thủ tướng Angela Merkel.

Bài viết trên tạp chí Đức Der Spiegel phản ánh tâm trạng của người dân: “Dòng chảy phương Bắc 2 không khiến chúng tôi phụ thuộc nhiều hơn vào Nga, nó khiến chúng tôi độc lập hơn trước Ukraine”. Thậm chí có người nói thẳng, thà phụ NATO còn hơn là bỏ Dòng chảy phương Bắc 2. Thủ tướng Austria, ông Sebastian Kurz cũng bày tỏ “hoan nghênh việc thực tế là Chính phủ Đức đang gắn bó với Dòng chảy phương Bắc 2”, cho rằng đây là một “dự án châu Âu, vì lợi ích của nhiều nước Liên minh châu Âu (EU)”. Vì thế, Thủ tướng Đức hơn một lần tuyên bố “đây thuần túy là dự án thương mại”.

Lập trường của Đức đã rõ. Như lời của Tổng thống Vladimir Putin: Thủ tướng Angela Merkel luôn “kiên định chính trị”. Bà sẽ cố gắng thúc đẩy cài đặt mọi thứ “không để đảo ngược” Dòng chảy phương Bắc 2 trong những ngày còn lại của nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, vật cản chưa phải đã hết. Cuối tháng 8, hai tòa án Đức ra phán quyết bất lợi đối với Dòng chảy phương Bắc 2. Trong đó có việc bác bỏ kiến nghị miễn trừ khỏi quy tắc thị trường khí đốt EU của công ty Nord Stream 2 AG. Yêu cầu đặt ra của EU là công ty vận hành phải độc lập với công ty xây dựng đường ống và Dòng chảy phương Bắc 2 phải chia sẻ một nửa công suất đường ống cho bên thứ ba.

Nước Đức vừa trải qua cuộc bầu cử Quốc hội, lựa chọn người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel. Một số đảng ở Đức không ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2, muốn gắn nó với vấn đề “nhân quyền”. Nếu có liên minh cầm quyền mới, thì chuyện Dòng chảy phương Bắc 2 có thể lại xới lên. Tuy nhiên, đảng cầm quyền nào cũng không thể đi ngược với lợi ích của đa số người dân Đức.

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án thương mại, tốt cho châu Âu và cho Nga. Giá khí đốt ở EU lên đỉnh là minh chứng. Hungary hài lòng vì sắp ký hợp đồng 4,5 tỷ m3 khí, thời hạn 15 năm. Một số nước châu Âu khác cũng có niềm vui tương tự vì ký kết hợp đồng dài hạn với Nga. Ngoài lợi ích kinh tế rõ ràng, sự thành công của Dòng chảy phương Bắc 2 chứng tỏ Nga là đối tác có thể tin cậy, hợp tác lâu dài, cùng có lợi với EU. Điều đó rất có ý nghĩa khi mà quan hệ EU và Nga đang xuống mức thấp.

2.jpg -0
Công nhân lắp đặt đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức.

Biết nắm bắt “cơ hội vàng”

Các nhà phân tích và quan chức cho biết, Nga đã và đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng đối với các khách hàng châu Âu, nhưng từ chối cung cấp nhiều hơn đáng kể khi cầu ngày càng vượt xa cung. Điều đó đã làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng năng lượng được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự gia tăng nhu cầu khi thế giới thoát khỏi đại dịch, dự trữ năng lượng từ cuối mùa đông 2020 ở mức thấp, nhu cầu cao hơn từ Trung Quốc và tốc độ gió thấp ở châu Âu khiến năng lượng tái tạo bị giảm sản lượng.

Điện Kremlin đã nắm bắt tình hình để đạt được lợi thế chiến thuật. Nhu cầu tăng cao mang đến cho Nga cơ hội khuyến khích các khách hàng châu Âu ký hợp đồng dài hạn với Gazprom thay vì mua bán ngắn hạn trên các sàn giao dịch. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy EU thực hiện các bước phê duyệt cuối cùng cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Những người ủng hộ Gazprom cho rằng công ty này không bắt buộc phải cung cấp khí đốt vượt quá những gì họ đã cam kết trong hợp đồng và các quan chức châu Âu phải tự chịu trách nhiệm nếu họ không lên kế hoạch đúng đắn. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Aleksandr Novak đã công khai nói về mối liên hệ với đường ống dẫn khí đốt trong cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin hôm 5/10. Việc EU chứng nhận và phê duyệt Dòng chảy phương Bắc 2 “càng nhanh càng tốt” sẽ đem lại “một tín hiệu tích cực” để “hạ nhiệt tình hình hiện tại”, ông Aleksandr Novak nói.

Với việc Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, khả năng nắm giữ thị trường năng lượng của Nga ở châu Âu sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, mang lại cho ông Putin nhiều cơ hội hơn để tác động đến chính trường châu Âu. Điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Nga vào Ukraine như một quốc gia trung chuyển khí đốt xuất khẩu sang Tây Âu. Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định, Nga không có lỗi trong tình trạng khó khăn của châu Âu hiện nay. “Những gì chúng ta thấy bây giờ là do những hành động dai dẳng của họ, ít nhất là do bất cẩn và điều này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho thị trường”, ông Vladimir Putin đề cập đến các quan chức châu Âu.

Hôm 7/10, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov thông báo Nga có khả năng tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong bối cảnh giá khí đốt ở khu vực này tăng mạnh đang gây áp lực lớn đến người tiêu dùng. Ông nhấn mạnh các tuyến trung chuyển khí đốt hiện nay có thể đảm bảo cho việc tăng nguồn cung nhiên liệu này trước khi Dòng chảy phương Bắc 2 bắt đầu được vận hành. Hiện tất cả chỉ còn phụ thuộc vào nhu cầu, các quy định theo hợp đồng và các thỏa thuận thương mại.

Trả lời câu hỏi về phát ngôn hôm 5/10 của ông Alexander Novak rằng việc đưa vào vận hành đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ giúp nhanh chóng bình ổn các thị trường năng lượng châu Âu, ông Dmitry Peskov nêu rõ Nga vẫn có thể tăng nguồn cung trên các đường ống dẫn khí hiện có. Hôm 5/10 vừa qua, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng lên ngưỡng cao kỷ lục trên 116 euro/megawatt giờ (134 USD/MWh), gấp hơn 6 lần so với đầu năm nay. Giá khí đốt tại thị trường này đã giảm nhẹ xuống còn 104,52 euro/MWh (120,8 USD) vào ngày 7/10, một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moskva sẵn sàng tăng thêm nguồn cung khí đốt cho các khách hàng đặt giao ngay tại châu Âu thông qua các sàn giao dịch nội địa cũng như thông qua các hợp đồng dài hạn hiện có.

Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng nhu cầu tăng đột biến trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau các tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh. Một mùa Đông lạnh và sản lượng điện giảm do sử dụng các nguồn năng lượng thay thế cũng là những yếu tố tác động tới giá năng lượng tại Lục địa Già. Tuy nhiên, theo ông, các nỗ lực của EU nhằm chuyển đổi các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn sang các hợp đồng giao ngay mới đóng vai trò then chốt khiến giá khí đốt tăng vọt.

Phản bác các quan điểm chỉ trích, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh Moscow không cần phải làm rối loạn thị trường khí đốt và doanh số khí đốt Nga bán cho châu Âu có thể đạt kỷ lục mới trong năm nay.bất bình đẳng về vaccine đang hỗ trợ và tiếp tay cho đại dịch COVID-19, khiến các biến thể sinh sôi và phát tán, làm tăng thêm hàng triệu ca tử vong trên thế giới và kéo dài suy giảm kinh tế, vốn có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Gazprom cảnh báo, biến động giá cả ở châu Âu đang “gây bất ổn” và cho biết công ty đã cung cấp khí đốt ở mức cao nhất theo các thỏa thuận được ký kết mà công ty này có thể làm. “Chúng tôi thực sự cảm thấy tất cả các quốc gia đang trải qua cú sốc về giá năng lượng. Đây là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào”,  quan chức trên cho hay.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.