Trung Quốc mở rộng hợp tác với châu Phi

Thứ Sáu, 06/09/2024, 08:30

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá quan hệ giữa Bắc Kinh và châu Phi đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, đồng thời thông báo Trung Quốc sẽ cung cấp hàng chục tỷ USD giúp các nước "lục địa đen" phát triển kinh tế để "cùng nhau đạt những thành tựu mới và to lớn hơn trên con đường hiện đại hóa".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5/9 đón tiếp hơn 50 nhà lãnh đạo các quốc gia châu Phi tới dự Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC 2024) ở thủ đô Bắc Kinh, sự kiện ngoại giao kéo dài 3 ngày được Tân Hoa xã mô tả là có quy mô lớn nhất mà nước này đăng cai tổ chức trong nhiều năm qua.

trung quã³c chau phi.jpg -0
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân và các nhà lãnh đạo châu Phi tại FOCAC 2024. Ảnh: New York Times

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc đánh giá Bắc Kinh và châu Phi đã tạo nên "hình mẫu cho quan hệ quốc tế kiểu mới" và rằng, sau gần 70 năm phát triển, "quan hệ Trung Quốc - châu Phi đang ở thời kì tốt đẹp nhất lịch sử". "Chúng ta đã cùng nhau xây dựng đường bộ, đường sắt, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp và các đặc khu kinh tế. Những dự án này đã thay đổi cuộc sống và vận mệnh của nhiều người", ông nói, đề nghị nâng cấp quan hệ song phương giữa Trung Quốc với các nước châu Phi có quan hệ ngoại giao lên "quan hệ chiến lược" và nâng tầm quan hệ Trung Quốc-châu Phi thành Cộng đồng Trung Quốc-châu Phi bền vững vì tương lai chung trong kỷ nguyên mới.

Theo nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, dân số của nước này và châu Phi chiếm 1/3 dân số toàn cầu. Ông tin tưởng rằng, miễn là 2,8 tỷ người Trung Quốc và châu Phi đoàn kết, "chúng ta sẽ cùng nhau đạt những thành tựu mới và to lớn hơn trên con đường hiện đại hóa, dẫn đầu động lực hiện đại hóa của Nam Bán cầu (Global South)".

Đáng chú ý, Chủ tịch Trung Quốc đã vạch ra 10 kế hoạch hành động tăng cường hợp tác thực chất giữa nước này và châu Phi. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc sẵn sàng triển khai hàng chục dự án mới ở châu Phi trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, giáo dục, y tế… Bắc Kinh cũng sẽ thực hiện ít nhất 30 dự án kết nối hạ tầng cùng các dự án năng lượng và hỗ trợ mục tiêu năng lượng hạt nhân của châu lục này, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng lâu nay kìm hãm tiến trình công nghiệp hóa trên khắp "lục địa đen". Ông cho biết thêm, để thực hiện các mục tiêu đề ra, Trung Quốc sẽ cung cấp 360 tỷ NDT (tương đương 51 tỷ USD) hỗ trợ tài chính cho châu Phi, trong đó, 210 tỷ NDT sẽ được giải ngân thông qua các hạn mức tín dụng; 80 tỷ NDT thông qua các hình thức hỗ trợ khác; và 70 tỷ NDT là khoản đầu tư mới của các công ty Trung Quốc vào châu Phi, từ đó tạo ra ít nhất một triệu việc làm.

Ngay trong ngày 5/9, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Phi đã thông qua Tuyên bố Bắc Kinh về xây dựng một "Cộng đồng Trung Quốc-châu Phi trong mọi hoàn cảnh với tương lai chung trong kỷ nguyên mới" với nhiều kế hoạch chi tiết thúc đẩy các mặt hợp tác giai đoạn 2025-2027. Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước châu Phi cũng chủ trì 4 cuộc họp cấp cao về các chủ đề "quản trị và điều hành đất nước", "công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp", "hòa bình và an ninh" và "chung tay xây dựng Vành đai và Con đường chất lượng cao".

Ở cấp độ song phương, trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Mohamed al-Menfi thông báo thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Cameroon Paul Biya cũng xác nhận nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Trên báo chí Trung Quốc, các nhà phân tích nhận định những cuộc họp chuyên sâu giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Phi cùng việc nâng cấp quan hệ song phương cho thấy quan hệ Trung Quốc - châu Phi đã bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng.

Những thập niên gần đây, Trung Quốc không ngừng mở rộng hợp tác với châu Phi, tham gia thúc đẩy phát triển châu lục nghèo nhất thế giới này, qua đó gặt hái những thành tựu về địa chính trị và kinh tế. Từ cuối những năm 1990, Bắc Kinh bắt đầu đưa ra các cam kết đầu tư và thương mại hấp dẫn, đặc biệt thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) năm 2013. Các hoạt động hợp tác chủ yếu gồm cho vay phát triển cơ sở hạ tầng, do các công ty Trung Quốc thiết kế và xây dựng. Theo AlJazeera, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào châu Phi đã vượt Mỹ trong hơn một thập kỉ qua. Từ 2006 đến 2021, Bắc Kinh đã cam kết đầu tư tới 191 tỷ USD tại đây.

Đối với các nước châu Phi, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, với kim ngạch thương mại song phương trên đà đạt 300 tỷ USD vào năm 2035. Số liệu thống kê chính thức cho thấy, khoảng 1/4 lượng hàng hóa xuất khẩu của châu Phi là sang Trung Quốc, chủ yếu bao gồm khoáng sản, nhiên liệu và kim loại. Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cung cấp 16% trong tổng số hàng hóa nhập khẩu của châu Phi. Theo giới quan sát, thông qua các sự kiện như FOCAC, bên cạnh thu hút đầu tư từ Trung Quốc, lãnh đạo các nước châu Phi có thể tận dụng để đàm phán những điều khoản hợp tác thương mại thuận lợi hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.

Thái Hà
.
.
.