Trung Đông thêm bất ổn sau vụ ám sát nhân vật số 2 của Hamas

Thứ Năm, 04/01/2024, 07:05

Sự kiện phó lãnh đạo phong trào vũ trang Hamas Saleh al-Arouri bị ám sát trong cuộc tấn công trên lãnh thổ Lebanon khiến triển vọng tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột nghiêm trọng ở Dải Gaza trở nên khó khăn hơn, đồng thời có thể dẫn đến nguy cơ xung đột lan rộng.

New York Times ngày 3/1 dẫn tin từ truyền thông Lebanon xác nhận ông Saleh al-Arouri, phó lãnh đạo phong trào vũ trang Hamas của người Palestine, đã thiệt mạng khi văn phòng của Hamas ở ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Lebanon bị tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) chiều tối 2/1 (giờ địa phương). Trong số 7 người thiệt mạng trong vụ tập kích còn có hai quan chức cánh vũ trang Lữ đoàn Qassam của Hamas là các ông Samir Findi và Azzam al-Aqra. Lãnh đạo cao nhất Hamas Ismail Haniyeh ngay sau đó xác nhận thông tin về vụ tấn công và cáo buộc Israel đứng sau.

Trung Đông thêm bất ổn sau vụ ám sát nhân vật số 2 của Hamas -0
Phó lãnh đạo Hamas al-Arouri thiệt mạng trong cuộc tấn công nhắm vào tòa nhà ở ngoại ô Beirut của Lebanon. Ảnh: AP

Reuters cho biết, ông al-Arouri là người tham gia sáng lập cánh vũ trang Lữ đoàn Qassam của Hamas. al-Arouri được bầu làm phó chủ tịch văn phòng chính trị của Hamas hồi tháng 10/2017, hiện là lãnh đạo cao nhất của Hamas ở bờ Tây và là cấp phó của ông Haniyeh. Các quan chức an ninh ở khu vực nói với cánh truyền thông rằng, ông al-Arouri gần đây chủ yếu làm việc ở văn phòng gần thủ đô Beirut với vai trò đại diện cho Hamas trong các cuộc thảo luận với Hezbollah, nhóm vũ trang có quyền lực chính trị mạnh mẽ trên lãnh thổ Lebanon. Ngoài ra, ông al-Arouri cũng là nhân vật đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian dẫn đến việc Hamas thả hơn 100 con tin để đổi lấy lệnh ngừng bắn nhân đạo với Israel ở Dải Gaza tháng 11/2023.

Israel chưa xác nhận thông tin họ tập kích văn phòng ông al-Arouri ở Beirut, nhưng New York Times, CNN dẫn lời các quan chức Mỹ xác nhận quân đội Israel là tác giả của vụ tấn công. Từ ngày 2/1, phong trào Hamas đã khước từ tiếp tục tham gia các cuộc thảo luận về khả năng thả con tin và ngừng bắn với Israel ở Dải Gaza. Theo một đề xuất được công bố tuần trước, Hamas dường như sẵn sàng thả 40 người bị bắt trong cuộc đột kích vào Israel ngày 7/10 để đổi lấy việc tạm dừng giao tranh từ một đến hai tuần. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây khẳng định các nỗ lực giải cứu con tin "vẫn tiếp tục", nhưng không đưa ra mốc thời gian nào cho tuyên bố.

Theo giới quan sát, ngoài việc khiến triển vọng đàm phán Israel-Hamas trở nên khó khăn, sự kiện ông al-Arouri bị ám sát có còn có thể kéo theo nguy cơ xung đột lan rộng hơn ở Trung Đông, khi sự kiện này xảy ra trên lãnh thổ Lebanon. Chính phủ Lebanon trong ngày 3/1 ra tuyên bố kịch liệt lên án vụ tấn công, cho rằng nó nhằm mục đích lôi kéo Beirut vào chiến sự Israel - Hamas. Lebanon đã đệ đơn lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) yêu cầu thảo luận kĩ lưỡng về vụ việc.

Trong khi đó, lực lượng vũ trang Hezbollah cùng ngày tuyên bố bất cứ hoạt động ám sát nào trên lãnh thổ Lebanon sẽ bị đáp trả bằng các phản ứng mạnh mẽ nhất. "Đó là một cuộc tấn công nghiêm trọng vào Lebanon, vào người dân, an ninh và chủ quyền của đất nước", Hezbollah tuyên bố. "Chúng tôi khẳng định hành động này sẽ bị đáp trả và trừng phạt". Hezbollah duy trì quan điểm ủng hộ phong trào Hamas trong xung đột với Israel ở Dải Gaza và đã giao tranh với lực lượng Israel dọc biên giới Lebanon hơn 2 tháng qua. SkyNews nhận định, Hezbollah chưa có ý định tiến vào một cuộc xung đột toàn diện với Israel, nhưng sự cố lãnh đạo Hamas bị tấn công trên khu vực do Hezbollah kiểm soát an ninh sẽ buộc nhóm phải phản ứng mạnh mẽ.

Người phát ngôn Mark Regev của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 3/1 dường như cố gắng kiềm chế các phản ứng quyết liệt từ Lebanon và Hezbollah khi khẳng định, "dù ai thực hiện cuộc tấn công" thì đó "không phải là một cuộc tấn công vào nhà nước Lebanon hay Hezbollah mà đó là cuộc tấn công vào Hamas". Tuy nhiên, Hezbollah chiều 2/1 đã thực hiện thêm ít nhất 4 đợt tập kích nhắm vào các vị trí của Israel khiến tình hình ở biên giới Israel-Lebanon "căng như dây đàn".

 Iran, quốc gia có quan hệ gần gũi với Hamas, ngày 3/1 cũng khẳng định vụ tấn công nhắm vào ông al-Arouri "chắc chắn sẽ châm ngòi cho một làn sóng phản kháng khác và tạo động lực" chiến đấu chống lại Israel "không chỉ ở Palestine mà còn trên khu vực (Trung Đông) và các nước khác". Tại khu vực Bờ Tây, rất đông người Palestine đã tuần hành trên các tuyến phố để phản đối vụ tấn công khiến phó lãnh đạo Hamas thiệt mạng. Trong động thái được đánh giá là nhằm tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt tình hình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 3/1 điện đàm với chính trị gia hàng đầu Israel Benny Gantz, trong đó kêu gọi Tel Aviv tránh leo thang, "đặc biệt là ở Lebanon". "Pháp sẽ tiếp tục chuyển những thông điệp này tới tất cả các bên liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp trong khu vực", Tổng thống Pháp Macron nêu rõ.

Mỹ-Israel bất đồng về người Palestine ở Dải Gaza

Trong phát ngôn gây tranh cãi đưa ra ngày đầu năm mới 2024, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben Gvir bất ngờ kêu gọi thúc đẩy giải pháp khuyến khích người Palestine ở Dải Gaza di cư khỏi khu vực này để thiết lập các khu định cư mới cho người Israel sau khi chiến sự kết thúc. Ngày 2/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller bác bỏ thông điệp nêu trên, cho rằng nó "mang tính kích động và vô trách nhiệm". Ông Miller tái khẳng định Mỹ luôn coi Dải Gaza là đất của người Palestine. "Nó sẽ luôn là đất của người Palestine, ở đó Hamas không kiểm soát tương lai của họ và cũng không còn nhóm vũ trang nào có thể đe dọa Israel", ông Miller nêu. "Đó là tương lai mà chúng tôi tìm kiếm, vì lợi ích của người Israel và người Palestine".

Thái Hà
.
.
.