Trung Đông rơi vào cuộc khủng hoảng đầy nghịch lý

Thứ Ba, 06/08/2024, 08:23

Căng thẳng leo thang sau các vụ ám sát chỉ huy quân sự cấp cao của nhóm Hezbollah ở Lebanon và thủ lĩnh chính trị của lực lượng Hamas ở Iran đã khiến không chỉ tiến trình đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza rơi vào ngõ cụt, mà toàn bộ khu vực Trung Đông rơi vào cuộc khủng hoảng đầy nghịch lý.

Trong cuộc họp nội các vừa diễn ra hôm 4/8 (giờ địa phương), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định nước này đang trong cuộc chiến “đa mặt trận”,  đồng thời bày tỏ rằng Israel đã chuẩn bị mọi kịch bản và sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống nào.

Trung Đông rơi vào cuộc khủng hoảng đầy nghịch lý -0
Người dân Yemen giơ cao biểu ngữ có hình chỉ huy cấp cao của Hezbollah Fuad Shukr và thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Ảnh: Getty Images.

Tuyên bố của ông Netanyahu được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực đã gia tăng sau khi thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh thiệt mạng trong vụ ám sát tại Tehran hôm 31/7 giữa lúc xung đột vẫn tiếp diễn ở Dải Gaza.

Vụ việc xảy ra chỉ vài giờ sau khi một chỉ huy hàng đầu của phong trào Hezbollah tại Lebanon Fuad Shukr thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Israel vào Thủ đô Beirut, động thái nhằm đáp trả cuộc tấn công nhằm vào Cao nguyên Golan diễn ra trước đó. Giới chuyên gia địa chính trị nhận định, đây là thời điểm nhạy cảm và nguy hiểm nhất tại Trung Đông, dễ dẫn tới nguy cơ bùng phát vòng xoáy xung đột khó kiểm soát tại khu vực. Không loại trừ nguy cơ về một cuộc chiến tranh tổng lực trên diện rộng giữa lúc các nỗ lực hòa đàm đang trở nên phức tạp hơn.

Theo Reuters, tại cuộc họp nội các hôm 4/8 (giờ địa phương), Thủ tướng Israel cho biết Hamas đã yêu cầu bổ sung nhiều sửa đổi vào bản dự thảo thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra hồi tháng 5, trong đó có yêu cầu Israel rút khỏi hành lang Philadelphi trên biên giới giữa Gaza và Ai Cập.

Thủ tướng Netanyahu nêu rõ Israel không đưa thêm bất kỳ yêu cầu nào vào dự thảo ngừng bắn, đồng thời khẳng định Israel sẽ không rút quân khỏi hành lang trên. Cũng trong ngày 4/8, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian và Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi đã trao đổi quan điểm về vụ thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh thiệt mạng, cũng như diễn biến tình hình ở Dải Gaza.

Theo tuyên bố được công bố trên website của Văn phòng Tổng thống Iran, Tổng thống Iran Pezeshkian nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đoàn kết giữa các quốc gia Hồi giáo để bảo vệ người dân Palestine ở Gaza. Trước đó, lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố "bổn phận" của Iran là phải trả thù vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, trong khi thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cũng tuyên bố các vụ ám sát gần đây đã vượt qua "lằn ranh đỏ". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng khẳng định, Iran không muốn leo thang căng thẳng trong khu vực nhưng tin rằng họ cần phải trừng phạt Israel để ngăn chặn bất ổn hơn nữa.

Dựa trên những diễn biến gần đây, theo các nhà quan sát, cục diện Trung Đông đang chứng kiến một nghịch lý đầy nguy hiểm. Rõ ràng rằng, các bên đều bày tỏ quan điểm tránh nguy cơ xung đột lan rộng hay cuộc chiến diện rộng, song những động thái gần đây dường như lại đi ngược điều đó, trong khi những nỗ lực đàm phán để tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng đều đi vào bế tắc. Những kịch bản bất ổn liên tục được đưa ra, với những toan tính khó đoán của mỗi bên.

Al Jazeera đưa tin, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia' al-Sudani trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 4/8 (giờ địa phương) nhấn mạnh việc hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông chỉ phụ thuộc vào việc chấm dứt xung đột giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza, cũng như giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon.

Song thực tế liệu có dễ dàng như vậy? Hiện Ai Cập đang cùng các nước khác gồm Mỹ và Qatar thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng trên toàn khu vực Trung Đông. Nhà Trắng ngày 4/8 cũng cho biết Mỹ sẽ triển khai thêm tàu chiến và máy bay tiêm kích đến khu vực. Trả lời phỏng vấn chương trình Face the Nation của CBS, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông Jonathan Finer nêu rõ, mục tiêu chung là giảm căng thẳng khu vực và ngăn chặn các cuộc tấn công có thể xảy ra.

Trong một diễn biến có liên quan, nhóm G7 cũng đã triệu tập cuộc họp bất thường sau khi chứng kiến sự leo thang nguy hiểm trong những ngày gần đây ở Trung Đông. Các Ngoại trưởng G7 nhất trí lên tiếng kêu gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Trung Đông hiện nay kiềm chế bất kỳ bước đi nào mà có thể khiến xung đột leo thang hơn nữa.

Theo Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani, sau khi thảo luận về những diễn biến gần đây trong cuộc họp trực tuyến, Ngoại trưởng các nước G7 bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc về những sự kiện gần đây vốn có nguy cơ dẫn đến tình trạng khu vực hóa cuộc khủng hoảng này, bắt đầu từ Lebanon”. Tuyên bố của các Ngoại trưởng G7 cũng kêu gọi các bên cần đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trả tự do cho các con tin tại đó, cũng như tái khẳng định cam kết của các nước G7 về việc tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân ở vùng lãnh thổ của Palestine.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Italy cũng kêu gọi tất cả các công dân nước này tránh đến Lebanon cũng như rời khỏi quốc gia này càng sớm càng tốt do “tình hình ngày càng tồi tệ”. Điều này cho thấy, những nỗ lực kêu gọi của quốc tế dường như không tác động nhiều tới tâm thế của các bên xung đột và những kịch bản khủng hoảng nghiêm trọng nhất vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.

Bảo Hân

.
.
.