Triều Tiên tuyên bố phóng thử tên lửa chỉ nhằm tự vệ
Triều Tiên sáng 8/10 tuyên bố những vụ phóng tên lửa của nước này trong thời gian gần đây là hành động “thường lệ và mang tính tự vệ” trước các mối đe dọa quân sự trực tiếp từ Mỹ, đồng thời khẳng định vụ thử tên lửa không gây tổn hại đến an ninh các nước láng giềng và khu vực.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời tuyên bố của Cơ quan Quản lý Hàng không Quốc gia Triều Tiên (NAA) nêu rõ: “Hoạt động phóng thử tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là biện pháp thường lệ và mang tính tự vệ, được lên kế hoạch để bảo vệ an ninh của đất nước và hòa bình khu vực trước những mối đe dọa quân sự trực tiếp từ Mỹ, vốn kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua”.
Vụ thử tên lửa của Triều Tiên không đe dọa hoặc gây tổn hại đến an toàn hàng không dân dụng, an toàn của các quốc gia và khu vực láng giềng. Triều Tiên đã xem xét đầy đủ về sự an toàn hàng không trước khi thực hiện kế hoạch. Theo KCNA, tuyên bố mà NAA đưa ra là một phản ứng đối với Hội đồng Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) khi tổ chức này lên án Triều Tiên rằng, vụ phóng tên lửa không thông báo trước của Bình Nhưỡng có thể gây ra nguy cơ an ninh nghiêm trọng cho hàng không dân dụng quốc tế.
Trước đó, hôm 6/10, Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định những vụ phóng tên lửa mới đây của nước này thời gian qua, đặc biệt là trong hai tuần gần đây “chỉ là các biện pháp phản ứng của Quân đội Nhân dân Triều Tiên trước các cuộc tập trận Mỹ-Hàn làm leo thang căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên”. Bình Nhưỡng cũng chỉ trích Washington hôm 4/10 đã tái triển khai tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan tới bán đảo Triều Tiên, trong chuyến thăm thứ hai tại khu vực này trong vòng chưa đầy một tháng.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, số vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong năm 2022 là 23 lần, cao hơn so với lúc căng thẳng liên Triều tăng cao năm 2017 (17 lần) hay năm 2021 (8 lần). Đặc biệt, 5 vụ phóng gần đây nhất diễn ra trong chưa đầy 10 ngày qua. Ngày 4/10, lần đầu tiên kể từ năm 2017 và là lần thứ 7 kể từ khi Bình Nhưỡng thử tên lửa năm 1984, Triều Tiên phóng tên lửa bay qua không phận của Nhật Bản trước khi rơi ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Thái Bình Dương.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), loại tên lửa được Triều Tiên phóng ngày 4/10 là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Hwasong-12, bay được 4.600km trước khi rơi xuống biển, xa nhất trong các lần phóng. Lần tên lửa này rời bệ phóng gần đây nhất là tám tháng trước. Bốn vụ phóng tuần qua đều là tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM). Lần gần đây nhất Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được nước này xác nhận là tháng Ba. Tuy nhiên, giới quan sát phương Tây cho rằng hồi tháng Năm, Triều Tiên đã thử tên lửa Hwasong-17, ICBM lớn nhất của Bình Nhưỡng, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khép lại chuyến thăm Hàn Quốc.
Theo nhận định của giới quan sát phương Tây, từ tháng Tư, Bình Nhưỡng dường như đã “im hơi lặng tiếng” về các hoạt động phóng tên lửa của mình. Không giống trước đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn cung cấp thông tin về một số vụ thử tên lửa quan trọng, với sự hiện diện, theo dõi sát sao của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và quan chức thân cận.
Việc Trung Quốc và Nga chưa có phản ứng cụ thể sau các hành động mới đây của Triều Tiên là đáng chú ý, song có thể hiểu được trong bối cảnh cả hai đang có nhiều ưu tiên then chốt: Moscow tập trung giải quyết xung đột Nga - Ukraine, Bắc Kinh tiếp tục triển khai phòng, chống dịch COVID-19 và tích cực chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 16/10. Đại diện Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phản đối đề xuất của Mỹ về họp công khai thảo luận về Triều Tiên, nơi Washington cùng đồng minh có thể chỉ trích Bình Nhưỡng. Các quan chức của Moscow và Bắc Kinh cho rằng các bên nên tập trung thảo luận về hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, tình hình bán đảo Triều Tiên nhiều khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi các bên cần sớm tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng tại đây.
Hành động của Bình Nhưỡng diễn ra trong lúc khu vực có một số diễn biến mới. Hồi tháng Tám, Triều Tiên khẳng định đã “chiến thắng” dịch COVID-19 sau ba tháng phát hiện ca nhiễm. Nước này cũng được cho là đang triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc. Trong khi đó, quan hệ liên Triều không có nhiều tiến triển. Nỗ lực đối thoại cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không thành công, trong khi cách tiếp cận của đương kim Tổng thống Yoon Suk- yeol cần thời gian kiểm chứng.
Phía Hàn Quốc thường bị Triều Tiên chỉ trích về hành động thả khinh khí cầu qua biên giới hoặc chai lọ thả trên sông để rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng hoặc cũng thể hiện bằng cách dành nhiều năm phát triển một số hệ thống phòng thủ tên lửa...