Triển vọng về con đường viện trợ vào Dải Gaza
Ngay cả khi Israel nhất trí mở cửa khẩu vào Dải Gaza, những nỗ lực cao hơn vẫn cần phải được thực thi nhằm thiết lập cơ chế vận chuyển và phân bổ hàng viện trợ. Nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ), cùng với tiếng nói ngày một gia tăng của cộng đồng quốc tế, sẽ giúp con đường viện trợ đến Dải Gaza trở nên bền vững hơn, với một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo được kỳ vọng.
Khoảng 19.000 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi Israel triển khai chiến dịch tấn công đáp trả vụ đột kích bất ngờ ngày 7/10 của phong trào Hamas khiến 1.200 người chết và 240 người bị bắt làm con tin. Hơn hai tháng kể từ khi xung đột xảy ra, Dải Gaza đã trở thành một khu vực đổ nát, hoang tàn, với phần lớn trong số 2,3 triệu cư dân ở đây buộc phải di dời. Nhiều người hiện đang sống trong những nơi trú ẩn tạm bợ, không có nước sạch, thiếu hụt thực phẩm và bệnh dịch bủa vây.
LHQ cùng các tổ chức quốc tế khác đã liên tục cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực, nước sạch và thuốc men nghiêm trọng tại Dải Gaza. Trong thời gian ngừng bắn kéo dài 7 ngày vào cuối tháng 11 vừa qua, dù hàng cứu trợ và nhiên liệu đã được đưa tới Gaza, song với số lượng hạn chế, hàng cứu trợ thông qua cửa khẩu duy nhất Rafah của Ai Cập chỉ như “muối bỏ bể”.
Tia hi vọng được thắp lên khi ngày 17/12 (giờ địa phương), cửa khẩu Kerem Shalom giữa Israel và Gaza đã được mở - lần đầu tiên kể từ khi giao tranh bùng nổ - trong một động thái nhằm tăng gấp đôi lượng thực phẩm và thuốc men đến tay người dân Gaza. Tuyên bố của COGAT, cơ quan quân sự của Israel điều phối viện trợ nhân đạo cho các vùng lãnh thổ Palestine, nêu rõ: “Bắt đầu từ hôm nay (17/12), các xe tải viện trợ của LHQ sẽ được kiểm tra an ninh và được chuyển thẳng đến Gaza qua Kerem Shalom, để tuân thủ thỏa thuận của chúng tôi với Mỹ”.
Nguồn tin từ Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ của Ai Cập xác nhận đã có 79 xe viện trợ đi qua cửa khẩu Kerem Shalom. Song số lượng hàng viện trợ được đưa vào Dải Gaza vẫn chưa bằng một nửa con số trước xung đột, trong khi nhu cầu viện trợ của người dân vẫn tăng cao, và các cơ quan của LHQ cho biết giao tranh ở miền Nam Gaza đã cản trở việc giao hàng ở nhiều khu vực.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ sự “kinh hoàng” trước cuộc đột kích của Israel vào Bệnh viện Kamal Adwan ở phía Bắc Gaza trong vài ngày qua. Trong một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu bày tỏ sự đau lòng trước việc Bệnh viện Kamal Adwan ở phía Bắc Gaza bị phá hủy nặng nề trong vài ngày qua, khiến bệnh viện không thể hoạt động và ít nhất 8 bệnh nhân thiệt mạng. Không chỉ vậy, báo cáo cho thấy nhiều nhân viên y tế đã bị bắt giữ. Điều này cũng đã từng xảy ra với Bệnh viện Al Shifa chỉ vài tuần trước đây.
Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người dân trên Dải Gaza nói chung và người dân tại hai bệnh viện này nói riêng đang phải đối mặt, WHO thông báo đã tham gia vào một sứ mệnh chung của LHQ nhằm cung cấp vật tư y tế và đánh giá tình hình tại Bệnh viện Al Shifa ở Gaza. Theo WHO, nhóm công tác đã chuyển dụng cụ phẫu thuật, thuốc gây mê và các loại thuốc khác đến Al Shifa - bệnh viện “hiện chỉ hoạt động ở mức tối thiểu”, và các viện trợ y tế là vô cùng cần thiết ngay lúc này.
Điều đó đã đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn từ LHQ. Việc Hội đồng Bảo an LHQ ngày 18/12 tiến hành bỏ phiếu về nghị quyết yêu cầu Israel và Hamas cho phép viện trợ tiếp cận Dải Gaza được kỳ vọng sẽ xoa dịu nỗi đau nhân đạo tại vùng đất này. Dự thảo đề xuất do UAE soạn thảo, theo AP, kêu gọi “chấm dứt thù địch khẩn cấp và bền vững để cho phép tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở ở Dải Gaza”. Theo thông lệ, một nghị quyết mới để được Hội đồng Bảo an thông qua cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có động thái phủ quyết nào từ các thành viên Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Anh hoặc Nga. Việc thông qua nghị quyết sẽ giúp thiết lập sự giám sát của LHQ tại Gaza đối với hàng viện trợ được vận chuyển qua đường bộ, đường biển hoặc viện trợ bởi các quốc gia không tham gia xung đột.
Triển vọng về con đường viện trợ bền vững vào Dải Gaza cũng song hành cùng hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin mới giữa Israel và Hamas. Nguồn tin quân sự cho biết giám đốc cơ quan tình báo của Israel đã trao đổi với Thủ tướng Qatar - quốc gia trước đây đã làm trung gian cho việc thả con tin để đổi lấy lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần và giải phóng các tù nhân Palestine.
Hai nguồn tin an ninh từ Ai Cập - một nhà hòa giải khác – ngày 18/12 cũng nhấn mạnh rằng Israel và Hamas đều sẵn sàng thực hiện lệnh ngừng bắn mới và thả con tin, mặc dù vẫn còn những bất đồng về cách thức thực hiện. Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến sẽ đến Tel Aviv trong ngày 18/12 để trao đổi với Israel về chiến dịch tấn công tại Dải Gaza và những nỗ lực để giảm bớt tác động tàn khốc của nó đối với dân thường Palestine. Trước đó, Pháp, Anh và Đức đã lên tiếng kêu gọi một lệnh ngừng bắn bền vững tại Dải Gaza, đồng thời kêu gọi Israel lập tức chấm dứt các cuộc tấn công.