Triển vọng hợp tác kinh tế Nga - Trung Quốc

Thứ Tư, 06/07/2022, 08:15

Nhu cầu làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế Nga - Trung sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2 được xác định bởi nhiều yếu tố. Nga cần thay thế hàng nhập khẩu của phương Tây trên thị trường của mình, cần thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của mình và cũng cần một cơ chế hiệu quả để thực hiện các giao dịch tài chính với các đối tác nước ngoài.

Giới chuyên gia nhận định rằng, theo một số thông số, Nga không có lựa chọn thay thế nào hoặc ít nhất là lựa chọn tối ưu nhất. Sự hợp tác như vậy có thể được hỗ trợ bởi mối quan hệ chính trị cấp cao chưa từng có, quan hệ đối tác kinh tế đã được thiết lập, nhu cầu khách quan của Nga đối với hàng hóa và công nghệ Trung Quốc, và lợi ích có đi có lại của Bắc Kinh đối với thị trường tự do của Moscow. Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng đóng một vai trò nhất định.

8-1.jpg -0
Chuyến tàu chở hàng đầu tiên nối St.Petersburg của Nga với Thành Đô của Trung Quốc. Ảnh: THX.

Các chuyên gia đồng thời lưu ý rằng, Nga nên chuẩn bị cho thực tế là quá trình hợp tác sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ bị Mỹ trừng phạt thứ cấp đối với các công ty Trung Quốc cần được chú ý. Bắc Kinh đang hội nhập cao với nền kinh tế toàn cầu. Nguy cơ mất thị trường tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hoặc các nước khác do các biện pháp hạn chế là một yếu tố quan trọng, khiến giới kinh doanh Trung Quốc thận trọng trong quan hệ với Nga.

Nhu cầu làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế Nga - Trung sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2 được xác định bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, Nga cần thay thế hàng nhập khẩu của phương Tây trên thị trường của mình. Nguồn cung đã hạn chế do các lệnh trừng phạt hoặc tẩy chay không chính thức, đặc biệt đối với hàng hóa công nghệ cao và thiết bị công nghiệp. Chúng bao gồm thiết bị điện tử, thiết bị lọc dầu, các loại máy móc và các bộ phận đi kèm. Ngành công nghiệp của Trung Quốc là ngành đa dạng nhất trong số các quốc gia vẫn thân thiện với Nga và có khả năng đảm bảo nguồn cung cấp như vậy, và về lâu dài, là cơ sở để tạo ra các chuỗi giá trị quan trọng hơn.

Thứ hai, Nga cần thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của mình, vốn đang bị loại khỏi EU, Mỹ và các nước khác. Trong số các mặt hàng chính là dầu mỏ, than đá, các sản phẩm luyện kim đen, và trong dài hạn - khí đốt và các hàng hóa khác. Mặc dù Trung Quốc khó có thể tiếp nhận toàn bộ khối lượng hàng xuất khẩu của Nga, nhưng thị trường của họ sẽ đóng một vai trò quan trọng. Thứ ba, Nga cần một cơ chế hiệu quả để thực hiện các giao dịch tài chính với các đối tác nước ngoài. Nhiệm vụ tối thiểu là xây dựng các cơ chế tài chính đáng tin cậy cho thương mại song phương. Một nhiệm vụ phức tạp hơn là sử dụng đồng Nhân dân tệ cho các giao dịch với các nước thứ ba. Cả hai nhiệm vụ đều khó khăn, nhưng rất quan trọng đối với quan hệ đối tác với Trung Quốc trong điều kiện mới.

Trong khi đó, Bắc Kinh có thể quan tâm đến việc phát triển quan hệ với Moscow do các biện pháp trừng phạt giải phóng đáng kể thị trường Nga. Trước đây, chúng rất khó bị thay thế do mối quan hệ tốt của Nga với các đối tác phương Tây. Ngày nay, thị trường Nga được giải phóng ngay lập tức do các lệnh trừng phạt và tẩy chay của các doanh nghiệp. Tất nhiên, thị trường Nga không thể so sánh với thị trường Mỹ và EU. Nó sẽ bị thu hẹp do sự suy thoái kinh tế không thể tránh khỏi do áp lực kinh tế cực đoan gây ra. Tuy nhiên, ngay cả trong những điều kiện như vậy, thị trường nội địa vẫn mang lại cơ hội mới cho các công ty Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có cơ hội nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu thô của Nga với mức chiết khấu. Nga sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu thô cho nền kinh tế Trung Quốc. Và cuối cùng, Trung Quốc có thể từng bước củng cố vai trò là một trung tâm tài chính quốc tế lớn. Nếu Nhân dân tệ trở thành đồng tiền chủ chốt của các giao dịch quốc tế đối với Nga, thì vai trò này của Trung Quốc chắc chắn sẽ ngày càng lớn.

Cũng có nhiều yếu tố góp phần vào sự phát triển của hợp tác Nga - Trung. Đầu tiên, khối lượng thương mại và quan hệ kinh tế đã được hai bên tích lũy. Chúng tạo thành một cơ sở vững chắc để phát triển hơn nữa. Môi trường chính trị cũng rất quan trọng. Nếu trong quan hệ với EU và các nước phương Tây, thương mại đôi bên cùng có lợi trong thập niên rưỡi qua ngày càng chịu nhiều sức ép từ các yếu tố chính trị, thì trong quan hệ với Trung Quốc, các điều kiện chính trị đã được cải thiện suốt những năm qua. Rốt cuộc, chính chính trị đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ quan hệ giữa Nga và phương Tây trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.

Bối cảnh rộng lớn hơn của quan hệ Mỹ - Trung cũng đóng một vai trò nhất định. Những tuyên bố chống Trung Quốc của Mỹ dù đã giảm kể từ khi ông Donald Trump rời nhiệm sở. Tuy nhiên, mâu thuẫn chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ không suy giảm. Bắc Kinh và Washington vẫn là đối thủ chiến lược. Cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây tạo cơ hội cho Trung Quốc củng cố vị thế của mình thông qua quan hệ đối tác sâu rộng hơn với Nga.

Tuy nhiên, hợp tác Nga - Trung cũng phải đối mặt với một số khó khăn. Thứ nhất là, liên quan đến đại dịch COVID-19 đang diễn ra. Trung Quốc đã trải qua một làn sóng đại dịch mới. Các cơ quan chức năng buộc phải duy trì mức độ hạn chế cao, ảnh hưởng đến các mối liên hệ kinh doanh trước mắt. Khó khăn thứ hai là lớn hơn. Các doanh nghiệp Trung Quốc e ngại các biện pháp trừng phạt thứ cấp, cũng như bị chính quyền Mỹ phạt hành chính và hình sự nếu vi phạm chế độ trừng phạt của Mỹ, cũng như các biện pháp hạn chế của các nước khác.

Một tình huống như vậy có thể nảy sinh, ví dụ, trong trường hợp các công ty Trung Quốc và các đối tác Nga thực hiện giao dịch bằng đồng USD hoặc thậm chí là euro. Một kịch bản khác là, việc cung cấp cho Nga hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc theo giấy phép của Mỹ và đồng thời nằm trong sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ (ví dụ, hàng điện tử). Việc chính quyền Mỹ truy tố hành chính và hình sự đối với Công ty ZTE của Trung Quốc rõ ràng đã có tác động tâm lý nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Trung Quốc.

Mỹ cáo buộc ZTE cung cấp thiết bị với các linh kiện của Mỹ cho Iran mà không được phép và bỏ qua chế độ kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Do đó, ZTE cam kết sẽ trả hơn 1 tỷ USD tiền phạt cho một số cơ quan Chính phủ Mỹ. Nỗ lực truy tố Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu của nhà chức trách Mỹ cũng có tác động tương tự.

Một yếu tố cơ bản quan trọng ảnh hưởng đến sự tăng cường hợp tác Nga-Trung là kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa và luật pháp Trung Quốc. Việc thiếu những kỹ năng như vậy sẽ ngăn cản các doanh nghiệp Nga tìm kiếm thị trường ở Trung Quốc, thu hút các khoản đầu tư và nhà cung cấp của Trung Quốc hoặc tiến hành các cuộc đàm phán hiệu quả. Nhìn bề ngoài, các kỹ năng văn hóa chỉ là thứ yếu so với cơ sở hạ tầng tài chính, hành lang giao thông và các điều kiện khác. Tuy nhiên, nếu không có chúng, hai bên sẽ khó có thể tin tưởng vào sự phát triển trong nhiều thập niên tới.

PV (tổng hợp)
.
.
.