Trắc trở con đường vãn hồi hòa bình Trung Đông

Chủ Nhật, 18/08/2024, 09:26

Israel và Hamas sau 2 ngày hòa đàm ở Thủ đô Doha của Qatar - dưới sự chứng kiến của các nhà trung gian hòa giải Mỹ, Ai Cập và Qatar - đã thu hẹp khoảng cách bất đồng “chưa từng thấy”, khiến cho triển vọng ngừng bắn ở Gaza tới “gần hơn bao giờ hết”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, khi cuộc chiến tàn khốc ở Gaza kết thúc, ai đó sẽ phải cai trị dải đất ven biển Địa Trung Hải này.

Triển vọng ngừng bắn đang “gần hơn bao giờ hết”

Các cuộc đàm phán diễn ra có sự tham dự của Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang Mỹ (CIA) Bill Burns, Giám đốc Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) David Barnea, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Jassim Al Thani và Giám đốc Cơ quan Tình báo Ai Cập Abbas Kamel. Tuyên bố chung từ Mỹ, Qatar và Ai Cập cho biết đề xuất ngừng bắn mới nhất xây dựng trên các lĩnh vực đã thỏa thuận trong tuần qua và thu hẹp những bất đồng còn lại.

17_8_2024_quocte_xungdottrungdong.jpg -0
Khung cảnh đổ nát ở Dải Gaza sau hơn 10 tháng xung đột. Ảnh: Reuters

Tuyên bố chung nêu rõ, các quan chức cấp cao của Mỹ, Qatar và Ai Cập sẽ họp lại tại Cairo trong tuần tới với mục đích là “hoàn tất thỏa thuận theo các điều khoản đã đưa ra” vào ngày 16/8. Giới chức Mỹ đánh giá, các cuộc hòa đàm tại Doha mang tính xây dựng nhất mà các bên có được trong nhiều tháng và hiện đang có một tinh thần mới để đưa thỏa thuận đến hồi kết. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định, các bên đang ở gần thỏa thuận hơn bao giờ hết, dù vẫn còn nhiều việc phải làm: “Một trong những lý do khiến tôi đến muộn với các bạn là tôi đang giải quyết những nỗ lực để có ngừng bắn ở Trung Đông. Chúng tôi đang tiến gần với điều đó hơn bao giờ hết. Tôi không muốn làm hỏng bất cứ điều gì, nhưng chúng ta có thể đạt được điều gì đó. Chúng ta vẫn chưa đạt được. Chúng ta đã tiến gần hơn nhiều so với ba ngày trước”.

Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, ông sẽ cử Ngoại trưởng Antony Blinken đến Trung Đông trong thời gian sớm nhất để tái khẳng định cam kết của Washington đối với Tel Aviv, đồng thời để nhấn mạnh rằng, với lệnh ngừng bắn toàn diện và thỏa thuận thả con tin hiện đang trong tầm ngắm và không ai trong khu vực nên có hành động phá hoại tiến trình này.

Phía Israel cũng bày tỏ tâm lý lạc quan nhưng đầy thận trọng về triển vọng đạt được thỏa thuận: “Chúng tôi đã thu hẹp khoảng cách. Đây là những cuộc đàm phán rất hiệu quả và tích cực”. Israel cho biết, họ hoan nghênh những nỗ lực của các nhà hòa giải nhưng không xác nhận rõ ràng đề xuất mới nhất trên bàn đàm phán. “Israel đánh giá cao nỗ lực của Mỹ và các bên trung gian nhằm ngăn cản Hamas từ chối thỏa thuận thả con tin. Các bên trung gian đều biết rõ các nguyên tắc cốt lõi của Israel và Israel hy vọng rằng, sức ép từ các bên hoà giải quốc tế sẽ khiến Hamas chấp nhận các điều kiện đưa ra ngày 27/5, để thỏa thuận có thể đạt được”, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết.

Về phần mình, Hamas không tham dự các cuộc đàm phán nhưng đã tham gia riêng rẽ với các nhà hoà giải Qatar và Ai Cập. Họ cũng được thông báo đầy đủ về nội dung mà Mỹ, Ai Cập, Qatar và Israel đã thảo luận, đặc biệt là đề xuất mới của Washington. Một nguồn tin cấp cao Hamas tiết lộ giới lãnh đạo phong trào này coi đề xuất mới của Mỹ là đáp ứng và tuân thủ các điều kiện của Israel. Tuy nhiên, họ vẫn tỏ ra nghi ngờ khả năng Israel sẽ tuân thủ những gì đã đàm phán được, đồng thời, cáo buộc Tel Aviv đã thêm các điều kiện mới để trì hoãn thỏa thuận.

Ngoài ra, trở ngại lớn nhất của đàm phán ngừng bắn ở Gaza hiện nay vẫn là mục tiêu của các bên đang là khác nhau. Israel khẳng định, hòa bình chỉ có thể đạt được nếu Hamas bị tiêu diệt, trong khi Hamas tuyên bố, họ chỉ chấp nhận lệnh ngừng bắn vĩnh viễn chứ không phải lệnh ngừng bắn tạm thời. Những trở ngại khác bao gồm trình tự thực hiện, số lượng và danh tính của các tù nhân Palestine sẽ được thả cùng với các con tin Israel, quyền kiểm soát biên giới Gaza-Ai Cập trong tương lai và quyền tự do đi lại của người Palestine bên trong Dải Gaza. Thêm vào đó, dù tham gia đàm phán, nhưng Israel vẫn đang tranh thủ thời gian để tiến hành nhiều cuộc tấn công trên khắp Gaza trong những giờ qua. Nhiều lệnh sơ tán người dân Gaza đã được ban hành để phục vụ các cuộc tấn công Hamas.

Đi tìm lựa chọn khả thi nhất

Khi tiếng súng dừng lại, Gaza sẽ vẫn là vùng đất hoang vu về chính trị và kinh tế. Có nhiều lựa chọn khả thi cho tương lai của dải đất này, nhưng hiện chưa có lựa chọn nào tốt. Một trong số đó là Israel tái chiếm hoàn toàn lãnh thổ. Ở kịch bản này, chủ quyền của người Gaza, vốn đã bị hạn chế trước chiến tranh, sẽ biến mất hoàn toàn, nhưng người dân có thể được hưởng một số dịch vụ hòa bình và cơ bản.

Cuối cùng, Israel có lẽ sẽ trao lại một số quyền lực cho người Palestine địa phương, nhưng việc đó là cả một quá trình, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất. Một lựa chọn đối lập là khả năng Gaza về cơ bản sẽ trở lại hiện trạng trước ngày 7/10/2023. Hamas sẽ cai trị Gaza, như họ đã làm từ năm 2007 - 2023, dù gặp nhiều khó khăn hơn trước. Chiến dịch của Israel đã giáng một đòn mạnh lên Hamas, phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng quân sự và giết chết nhiều thành viên của tổ chức này. Tuy nhiên, Hamas vẫn là thế lực Palestine mạnh nhất ở Gaza và có thể giành lại quyền kiểm soát khu vực này. Tuy nhiên, đối với Israel, việc Hamas trở lại nắm quyền là điều không thể chấp nhận được. Mỹ cũng sẽ chùn bước trước viễn cảnh Hamas công khai trở lại nắm quyền. Trong một kịch bản hợp lý hơn, Hamas sẽ thực thi quyền lực ở hậu trường, giống như Hezbollah đã làm ở Lebanon.

Một lựa chọn khác, và cũng là cách tiếp cận ưa thích của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đó là để Chính quyền Palestine (PA) lên nắm quyền chỉ đạo. PA đã điều hành Gaza trước khi Hamas nắm quyền vào năm 2007. Hiện tại, họ kiểm soát các khu vực của Bờ Tây và nhận được sự ủng hộ từ phần lớn thế giới, công nhận họ là tiếng nói của người Palestine. Bên cạnh đó, nếu PA chịu trách nhiệm, các nước Arab sẽ có thể dễ dàng hợp tác với Israel để xây dựng lại Gaza. Tuy nhiên, việc đưa PA trở lại sẽ không phải là một giải pháp dễ dàng.

Ngoài ra, một số người đã nêu ra ý tưởng để các nhà lãnh đạo hoặc nhà kỹ trị Palestine địa phương không liên kết chịu trách nhiệm thay vì Hamas hoặc PA. Một chính phủ như vậy có thể được phân quyền với một thủ lĩnh thị tộc phụ trách một phần của Gaza và một chính trị gia địa phương ở một phần khác. Israel có thể tự mình kiểm soát một số khu vực nhất định, đồng thời, giúp các nhà lãnh đạo Gaza địa phương quản lý phần còn lại của dải đất, giám sát công cuộc tái thiết với sự hỗ trợ của quốc tế, và hỗ trợ các chức năng hằng ngày của chính phủ.

Cuối cùng, Mỹ hoặc các quốc gia nước ngoài khác có thể đảm nhận vai trò của Israel. Trong ngắn hạn, một số người Palestine có thể sẽ hoan nghênh một chính phủ có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản và ít có nguy cơ kích động thêm chiến tranh với Israel. Tuy nhiên, cách tiếp cận này gần như chỉ là một giấc mơ viển vông. Hamas đã cắm rễ sâu ở Gaza đến mức khó có thể tìm được những quan chức đáng kính ở đó, những người độc lập với tổ chức này và đủ quyền lực để chống lại ảnh hưởng của nó.

Thực tế cho thấy, tất cả các lựa chọn cho tương lai của Gaza đều tệ, nhưng để ngăn chặn sự hỗn loạn kinh hoàng, cần tập trung vào kịch bản ít tồi tệ nhất – đưa PA trở lại Gaza. Đó là một giải pháp hợp lý hơn việc áp đặt một chính phủ do một cơ quan được ủy thác quốc tế hoặc bởi những người Palestine không liên kết kiểm soát và là một lựa chọn ít tai hại hơn là một nhà nước thất bại hoặc quay trở lại sự cai trị của Hamas, dù công khai hay bí mật. Mỹ có thể làm nhiều hơn nữa để đảm bảo PA vượt qua khó khăn và có thể quản lý Gaza.

Về phía PA, họ sẽ cần phải tự giúp mình bằng cách thay đổi ban lãnh đạo. Mỹ nên phối hợp với các nhà tài trợ cho PA trong khu vực và quốc tế để xác định những người Palestine trẻ hơn, có trình độ hơn cho chiếc ghế lãnh đạo. Tuy nhiên, việc ủng hộ PA sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu Washington không thể thuyết phục người Israel tôn trọng thẩm quyền của mình và chấp nhận rằng một PA mạnh sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho họ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.