Tổng thống Hàn Quốc nêu bật trọng tâm sau 100 ngày nắm quyền
Trong bài phát biểu tại họp báo nhân 100 ngày lên nắm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có cam kết hỗ trợ Triều Tiên nếu nước này từ bỏ chương trình hạt nhân cũng như những kế hoạch đầy tham vọng khác của Seoul.
Phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc được đưa ra ngày 17/8, trong bối cảnh chính phủ của ông phải đối mặt với nhiều vấn đề từ cải cách lao động, thiếu nhà ở và phục hồi sau trận lũ lịch sử tại Seoul. Những lựa chọn về các vị trí trong nội các của ông cũng gây không ít tranh cãi. Kể từ khi ông Yoon lên nắm quyền hồi tháng 5, hai cuộc biểu tình lớn đã khiến ngành công nghiệp của Hàn Quốc mất đến 1,6 tỷ USD, theo Bộ Lao động nước này, mặc dù chính phủ nước này không phải dùng biện pháp mạnh để “dẹp loạn”. Tổng thống Yoon cho biết ông luôn ưu tiên đối thoại và thỏa hiệp trước khi dùng biện pháp mạnh để chấm dứt bất kỳ cuộc biểu tình trái phép nào.
Thêm vào đó, Tổng thống Hàn Quốc cũng bày tỏ tham vọng đưa Seoul vào top những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Trong phát biểu, ông Yoon không ngần ngại nói về kế hoạch đưa ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc trở thành một “ngành công nghiệp chiến lược”, biến Hàn Quốc trở thành “cường quốc về quốc phòng” và lọt top 4 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, sau Mỹ, Nga và Pháp. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2021, Hàn Quốc đứng thứ 10 trên thế giới về chuyển giao vũ khí. Với kim ngạch xuất khẩu vũ khí trị giá 566 triệu USD, Seoul còn một khoảng cách rất xa so với nước xuất khẩu số 4 năm ngoái là Italy, với kim ngạch xuất khẩu vũ khí trị giá 1,7 tỷ USD. Nước đứng đầu về chuyển giao vũ khí là Mỹ, ước tính hơn 10,6 tỷ USD.
Hàn Quốc đã thực hiện các biện pháp để đạt được tham vọng giành vị trí trong top 4 của mình. Cuối tháng trước, nước này đã ký hợp đồng vũ khí lớn nhất từ trước đến nay, theo đó, cung cấp cho Ba Lan gần 1.000 xe tăng K2, hơn 600 khẩu pháo và hàng chục máy bay chiến đấu. Hồi tháng 2, Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận trị giá 1,7 tỷ USD với Ai Cập để cung cấp cho nước này các xe hỗ trợ và xe pháo tự hành K9. Cuối năm ngoái, Hàn Quốc đã thực hiện một thỏa thuận lớn khác cung cấp xe pháo tự hành K9 cho Australia. Theo bảng xếp hạng của SIPRI, nếu Hàn Quốc đạt được mục tiêu, họ sẽ không chỉ vượt qua Italy, mà cả cường quốc trong khu vực như Trung Quốc, cũng như Đức, Tây Ban Nha, Israel và Anh.
Tuy nhiên, trọng tâm trong bài phát biểu của Tổng thống Yoon Suk-yeol vẫn là về mối quan hệ với nước láng giềng. Ông Yoon cho biết các cuộc đàm phán với Triều Tiên không nên nhằm mục đích chính trị mà góp phần thiết lập hòa bình. “Bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa lãnh đạo hai miền, hoặc đàm phán giữa quan chức hai bên, không nên là một hành động phô trương về chính trị, mà phải góp phần thiết lập hòa bình thực chất trên Bán đảo Triều Tiên và tại khu vực Đông Bắc Á”, ông Yoon nhấn mạnh.
Tổng thống Hàn Quốc khẳng định Seoul Hàn Quốc không có ý định thù địch nhằm vào Bình Nhưỡng và sẵn sàng giúp Triều Tiên cải thiện quan hệ với Mỹ nếu Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân. Ông Yoon cũng lưu ý rằng ông đã kêu gọi đối thoại với Bình Nhưỡng kể từ chiến dịch tranh cử. Ngoài ra, khi được hỏi về việc thay đổi chế độ Triều Tiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc lưu ý rằng Seoul không thể đảm bảo an ninh cho chính quyền Bình Nhưỡng, và không muốn thay đổi hiện trạng bằng hành động cưỡng ép, đồng thời kêu gọi tiến hành các biện pháp ngoại giao nhằm xây dựng hòa bình bền vững giữa bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng.
Trước đó, ngày 15/8, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết ông sẽ đề xuất gói viện trợ quy mô lớn cho Triều Tiên để đổi lại phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đề xuất này được đưa ra sau khi Triều Tiên đe dọa “xóa sổ” chính quyền Seoul liên quan tới đợt bùng phát COVID-19 gần đây và chưa đầy một tháng sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố đất nước của ông đã “sẵn sàng huy động” khả năng hạt nhân trong bất kỳ cuộc chiến nào với Mỹ và Hàn Quốc. Ông Yoon Suk-yeol cũng trình bày chi tiết kế hoạch viện trợ quy mô lớn cho Triều Tiên bao gồm lương thực và năng lượng, cũng như giúp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng như cảng, sân bay và bệnh viện.
Mối quan hệ liên Triều xấu đi sau khi các cuộc đàm phán về hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington đi vào bế tắc hồi năm 2019 vì những bất đồng không thể được tháo gỡ. Triều Tiên tiếp tục một loạt cuộc thử nghiệm tên lửa từ đầu năm 2022, phóng hàng chục vũ khí đạn đạo, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, lần đầu tiên kể từ năm 2017. Các chuyên gia cho biết, hoạt động thử nghiệm cao độ này nhấn mạnh ý định kép của Triều Tiên trong việc tăng cường kho vũ khí và buộc Mỹ phải chấp nhận ý tưởng coi Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân để họ có thể đàm phán các nhượng bộ về kinh tế và an ninh từ một vị trí có thế mạnh.
Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục tập trận chung, bất chấp sự phản đối từ Triều Tiên. Dự kiến từ 22/8 đến 1/9, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cuộc tập trận sẽ kết hợp các nội dung huấn luyện chỉ huy giả định trên máy tính, diễn tập thực địa với sự tham gia của tàu chiến, máy bay, xe tăng và hàng chục nghìn binh sỹ cũng như diễn tập phản ứng của người dân trong tình huống bất ngờ. Dư luận lo ngại khả năng Triều Tiên cũng có hành động đáp trả, đẩy bán đảo Triều Tiên rơi vào tình trạng căng thẳng. Mới đây nhất, phía Hàn Quốc cho biết Triều Tiên ngày 17/8 đã phóng tên lửa ra phía biển, tuy nhiên, phía Bình Nhưỡng chưa có tuyên bố chính thức về vụ việc này.