Tín hiệu tích cực ở Dải Gaza
Trải qua 3 ngày đi vào thực hiện thỏa thuận ngừng bắn giữa Quân đội Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas, đã có thêm các con tin được trao trả và tiếng súng đã ngưng lắng ở cả hai đầu chiến tuyến. Thỏa thuận này mang lại niềm hạnh phúc vỡ òa cho nhiều gia đình có người thân đang bị giam giữ, đồng thời tạo cơ hội được cứu sống cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh mạng.
Khoảng lặng tạm thời nhưng mang ý nghĩa lớn
Rạng sáng 26/11, hình ảnh 6 phụ nữ, 7 trẻ em Israel và 4 công nhân nông trại người Thái Lan đã lên xe để trở lại miền Nam Israel dưới sự theo dõi sát sao của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và trong niềm vui vỡ òa của các gia đình con tin. Những khoảnh khắc vui mừng ấy đã có lúc tưởng chừng không thể xảy ra được, khi chỉ vài giờ trước đó thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Lực lượng Hamas cáo buộc Israel không tuân thủ quy định về việc tạo điều kiện cho các xe viện trợ vào miền Bắc Gaza và quyết định trì hoãn đợt thả con tin thứ 2.
Tuy nhiên, Quân đội Israel khẳng định, việc phân phối viện trợ được thực hiện bởi Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức quốc tế, không do nước này quyết định; đồng thời, cảnh báo sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự tại Gaza nếu việc trao trả con tin không được tiến hành. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện cuộc điện đàm với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani nhằm giúp thỏa thuận nêu trên không đổ vỡ. Và sau nhiều nỗ lực của các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar, đợt trao trả con tin và tù nhân đã diễn ra dù chậm so với kế hoạch vài giờ đồng hồ. Thỏa thuận tiếp tục được tuân thủ, thậm chí còn có cơ hội kéo dài, khi một phái đoàn Qatar ngày 25/11 đã đến Israel để thảo luận về khả năng gia hạn.
Sau 7 tuần giao tranh, thỏa thuận ngừng bắn dù chỉ đem lại khoảng lặng tạm thời vẫn mang những ý nghĩa rất lớn. Về mặt con số, mỗi con tin được thả là một mạng người được cứu sống và mỗi ngày ngừng bắn giúp nền kinh tế Israel tiết kiệm được khoảng 270 triệu USD. Ở bình diện rộng hơn, việc phía Hamas cho phép Hội Chữ thập đỏ quốc tế tiếp cận những người bị bắt cóc sẽ giúp xác định được danh tính và tình trạng sức khỏe của họ. Đối với người Palestine, những ngày không bom đạn sẽ cho phép các nhân viên quốc tế và người dân ở Dải Gaza di chuyển an toàn, thiết lập thêm các trại tị nạn, đưa thêm nhiều hàng hóa và dịch vụ nhân đạo. Vì những lý do đó, dư luận quốc tế đều rất vui mừng và hoan nghênh thiện chí của cả phía Israel và Hamas, đồng thời đánh giá cao các nỗ lực không mệt mỏi của các nước trung gian, đặc biệt là Qatar, Mỹ và Ai Cập. LHQ khẳng định sẵn sàng tăng cường các hoạt động viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza.
Tuy nhiên, các bên cũng cho rằng, một lệnh ngừng bắn tạm thời là chưa đủ. Cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine, một trong những điểm nóng phức tạp nhất thế giới, đòi hỏi trước hết phải có một lệnh ngừng bắn lâu dài, tiếp đến là các giải pháp chính trị và ngoại giao cho các vấn đề gốc rễ. Quan trọng nhất, trong đó phải bao gồm giải pháp hai nhà nước, nói cách khác một Nhà nước Palestine độc lập sẽ phải ra đời và cùng tồn tại hòa bình với Nhà nước Israel. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez ngày 24/11 tuyên bố nước này "có thể sẽ quyết định công nhận Nhà nước Palestine nếu Liên minh châu Âu không làm điều đó", đồng thời kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế với sự tham gia của cả người Palestine và người Israel.
Trong khi đó, Thủ lĩnh Hamas, ông Ismail Haniyeh cho biết sẽ tuân thủ các điều khoản ngừng bắn và trả tự do cho các con tin chừng nào Israel cũng tuân thủ thỏa thuận này. Dường như phía Israel cũng mong muốn thỏa thuận được tôn trọng để có thể đưa được các con tin trở về an toàn, đồng thời giải quyết vấn đề nhân đạo, qua đó giảm bớt sức ép từ dư luận trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại, một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa hai bên thù địch và chưa đạt được các mục tiêu mong muốn sẽ chứa đựng nhiều rủi ro và có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Vẫn còn quá ít với tất cả những ai yêu chuộng hòa bình
Trải qua 3 ngày đi vào thực hiện, đã có thêm các con tin được trao trả và tiếng súng đã ngưng lắng ở cả hai đầu chiến tuyến. Nhưng sau đó sẽ là gì, khi số phận của gần 200 con tin còn lại đang bị Hamas giam giữ, cùng hơn 5.000 người Palestine trong các trại giam tại Israel còn chưa rõ. Bên cạnh đó, các lãnh đạo cao cấp nhất của Israel đã tuyên bố "thỏa thuận ngừng bắn không có nghĩa là kết thúc cuộc chiến ở Dải Gaza".
Sau khi hứng chịu những tổn thất lớn về sinh mạng và vật chất trong cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10, Israel kết luận rằng, họ không thể dung thứ cho chính quyền Hamas được nữa và lên kế hoạch tiến hành chiến tranh đến chừng nào Hamas không còn tồn tại và đe dọa Israel được nữa. Thêm nữa, Qatar - quốc gia trung gian chủ chốt cho thỏa thuận ngừng bắn nêu trên - cũng chỉ dùng thuật ngữ "khoảng tạm ngừng nhân đạo" trong tuyên bố chính thức của mình. Sự khác biệt tưởng chừng nhỏ trong cách gọi này nói lên nhiều điều.
Một lệnh ngừng bắn - cụm từ mà tờ The Economist dùng để chỉ một khoảng nghỉ trong chiến sự - được thiết kế để tạo không gian cho tiến trình chính trị có thể chấm dứt xung đột quân sự hiện tại. Trong 15 năm qua, đã nhiều lần bạo lực bùng phát giữa Israel - Hamas và rồi kết thúc bằng lệnh ngừng bắn thực sự. Nhưng thỏa thuận lần này có tính chất khác khi nó được tạo ra thuần túy phục vụ nhu cầu nhân đạo, chứ không phải tạo hành lang cho bất cứ sự nhất trí nào giữa hai bên về việc chấm dứt hoàn toàn cảnh đầu rơi máu chảy.
Lệnh ngừng bắn kéo dài 4 ngày đã mang lại sự nhẹ nhõm cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc chiến ở Dải Gaza nhưng về nhiều mặt có thể là một thách thức lớn với Chính phủ Israel. Khi phụ nữ và trẻ em, bị cả Hamas và Israel bắt giữ, đang được đoàn tụ với gia đình ở hai phía, mối đe dọa về chiến tranh tiếp tục xuất hiện. Mặc dù những người thân của các con tin vừa được trả tự do đang ăn mừng, nhưng các bước tiếp theo sẽ rất quan trọng trong việc xác định kết quả cuối cùng của trận chiến kéo dài 46 ngày hiện đã bị tạm dừng.
Có trải qua những ngày tháng bom đạn mới thấu hiểu giá trị của từng giây phút mà hòa bình mang lại. Vì vậy, khoảng lặng ngừng bắn 4 ngày là rất đáng kể, nhưng vẫn còn quá ít với tất cả những ai yêu chuộng hòa bình. Thế giới đang nhìn vào cuộc xung đột ở Trung Đông và mong muốn nhiều hơn thế.
Cơ quan Quản lý nhà tù Israel (IPS) ngày 26/11 thông báo họ đã phóng thích 39 tù nhân người Palestine và đêm trước đó. Thông báo của IPS cho biết các tù nhân người Palestine được thả từ 3 nhà tù của nước này là Megiddo, Ofer và Damun. Tất cả tù nhân đều là phụ nữ hoặc trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, sống ở Bờ Tây hoặc Đông Jerusalem. Trước đó, các lực lượng an ninh Israel xác nhận nhóm con tin thứ 2, được Phong trào Hamas thả ngày 25/11 từ Dải Gaza, đã trở về nước này. Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo chính phủ nước này "chào đón 17 con tin đang trở về nhà, bao gồm 13 công dân Israel và 4 công dân Thái Lan".
Theo Quân đội Israel (IDF), sau khi trải qua quá trình kiểm tra y tế ban đầu, các con tin sẽ tiếp tục được các binh sĩ IDF đưa đến các bệnh viện của Israel, nơi họ được đoàn tụ với gia đình. Trong ngày đầu tiên, các con tin là công dân Israel được trở về bao gồm 4 trẻ em, 3 phụ nữ có con nhỏ, 6 phụ nữ lớn tuổi. Đồng thời còn có 10 công dân Thái Lan và một công dân Philippines cũng được Hamas phóng thích và trở lại Israel. Bệnh viện tiếp nhận cho biết, các con tin người Israel đều trong trạng thái sức khỏe đảm bảo.