Tìm kiếm sự ổn định cho châu Á - Thái Bình Dương
Sau 2 năm trì hoãn vì đại dịch COVID-19, ngày 10/6, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 19 đã khai mạc dưới hình thức trực tiếp tại khách sạn Shangri-La của Singapore và kéo dài tới hết ngày 12/6.
Sự kiện này thu hút sự tham gia của đông đảo quan chức chính phủ, các chuyên gia về an ninh quốc phòng để thảo luận về những thách thức an ninh đang nổi lên tại châu Á.
Đóng góp vào an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La 2022 (SLD22), cho biết diễn đàn năm nay được tổ chức với quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Khoảng 500 đại biểu là quan chức chính phủ, quan chức quốc phòng-an ninh, ngoại giao, các chuyên gia nghiên cứu... trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh từ trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, sẽ tham dự diễn đàn năm nay.
SLD22 được tổ chức trong bối cảnh tình hình quốc tế nói chung và tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng còn nhiều biến động khó lường. Cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn còn diễn biến phức tạp. Xung đột tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn, tạo ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường an ninh của khu vực, buộc nhiều quốc gia phải điều chỉnh chiến lược quốc phòng, an ninh và tính toán lại quá trình hiện đại hóa quốc phòng, tiềm ẩn nguy cơ kích động cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, chương trình nghị sự của SLD22 sẽ tập trung vào các chủ đề thảo luận như kiểm soát cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực, phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới, hiện đại hóa quân sự và các thực lực quốc phòng mới, những thách thức chung đối với quốc phòng của châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu, những ý tưởng mới nhằm bảo đảm ổn định khu vực...
Ba phiên thảo luận đặc biệt cũng được tổ chức với chủ đề về an ninh khí hậu và quốc phòng xanh, giải pháp cho Myanmar và an ninh hàng hải liên quan tới bộ quy tắc ứng xử và liên lạc trong tình huống khủng hoảng. Căng thẳng Mỹ-Trung và tương lai mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này, những tác động với khu vực dự kiến cũng sẽ là chủ đề nóng tại SLD22, với sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Đây là lần thứ hai liên tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tham dự đối thoại sau 8 năm vắng mặt.
Ông James Crabtree, Giám đốc điều hành IISS-châu Á, cho rằng các sự kiện như SLD tạo cơ hội cho Mỹ và Trung Quốc thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm, với việc cả hai quốc gia đều cử một phái đoàn lớn tới hội nghị. Tuy nhiên, khả năng cải thiện mối quan hệ giữa hai siêu cường là rất ít. Nguy cơ quan hệ đi xuống đã được kiểm soát trong những năm gần đây do đại dịch COVID-19 khi lãnh đạo của cả hai quốc gia đều tập trung vào việc phục hồi trong nước.
Xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2022, khi Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XX và Mỹ tổ chức bầu cử giữa kỳ. Giới chuyên gia quan tâm rằng, những biện pháp, bước đi mới mà Mỹ và Trung Quốc công bố tại hội nghị có khiến xu hướng đối đầu gia tăng hay sẽ là một sự cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, dư luận cũng không có nhiều kỳ vọng vào một sự cải thiện sau những hoạt động giao thiệp giữa giới chức quốc phòng hai bên tại SLD22 lần này.
Điểm hẹn của hàng trăm cuộc gặp gỡ song phương
Đối thoại Shangri-La được coi là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất mà Singapore chủ trì tổ chức sau hơn 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Bên lề Đối thoại, nước chủ nhà dự kiến sẽ chủ trì trên 30 lễ tiếp đón đoàn đại biểu cấp cao các nước tham dự Đối thoại. Chính phủ Singapore sẽ chủ trì lễ đón Thủ tướng Nhật Bản thăm chính thức Singapore cũng như tổ chức các cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc… vào ngày 11-12/6.
Trước đó, trong những ngày gần đây, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Singapore đã có các cuộc hội đàm, gặp gỡ song phương với đoàn đại biểu từ Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka… Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore đã hội đàm song phương và cùng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đồng chủ trì Đối thoại Quốc phòng vào ngày 9/6; đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm chính thức Singapore và tham dự Đối thoại Shangri-La lần này.
Đoàn đại biểu quốc phòng cấp cao các nước tham dự Đối thoại cũng dự kiến tổ chức một loạt các cuộc gặp song phương, đa phương lần đầu tiên kể từ cuối năm 2019. Trong đó, những gương mặt mới như Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Hàn Quốc dự kiến sẽ có các hoạt động song phương dày đặc nhằm trao đổi về quan điểm, chính sách ngoại giao, quốc phòng - an ninh của chính quyền mới ở các nước này.
Bên cạnh đó, các cuộc gặp ba bên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hay giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Anh, Australia cũng rất được mong chờ. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các liên minh ba bên thảo luận về một loạt vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm như việc hợp tác ứng phó với những hành động gần đây của Triều Tiên, đặc biệt là tần suất những vụ thử tên lửa ngày càng gia tăng…
Đặc biệt, dư luận đang theo dõi chặt chẽ và mong chờ cuộc gặp lần đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Mỹ kể từ khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Hiện tại, hai bên tỏ ra khá thận trọng về cuộc gặp này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung vẫn diễn biến theo chiều hướng ngày càng căng thẳng và toàn diện hơn.
Một loạt hồ sơ nóng như vấn đề Đài Loan (Trung Quốc); an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, biển Hoa Đông… đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đòi hỏi hai nước phải nỗ lực thiết lập các “hành lang bảo vệ” nhằm bảo đảm các bất đồng, mâu thuẫn sẽ không dẫn đến những thông tin sai lệch hoặc tính toán sai lầm về quân sự.
Những hoạt động ngoại giao song phương, đa phương bên lề cùng với chương trình nghị sự với nhiều phiên thảo luận nhất trong nhiều năm qua cho thấy Đối thoại Shangri-La 2022 sẽ là diễn đàn góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại vì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.